Đất và người Long An

Đình Vĩnh Phong - Di tích Quốc gia

07/03/2022 04:53:37PM
Màu chữ Cỡ chữ

Đình Vĩnh Phong, nơi lưu niệm ông Mai Tự Thừa - người đã có công khai cơ lập làng, lập chợ, đặt nền móng cho sự phồn thịnh của thị trấn Thủ Thừa ngày nay.

Theo Sách Di tích Quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch biên soạn, Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2021, ông Mai Tự Thừa quê ở làng Bình Cách, tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường. Khoảng đầu thế kỷ XIX, ông đến làng Bình Lương Tây, huyện Thuận An (nay thuộc thị trấn Thủ Thừa) để khai phá đất đai. Đầu tiên, ông cất một căn nhà lá tại bờ Nam kinh Trà Cú bên cạnh vàm Rạch Cây Gáo và khai khẩn 4 mẫu (ha) đất dọc theo kinh Trà Cú bắt đầu từ rạch Cây Gáo chạy dài về phía Đông Bắc (phần đất này hiện nay là nơi đóng trụ sở của Huyện ủy, UBND huyện Thủ Thừa). Ông còn vét ụ dưới kinh Trà Cú làm bến thuyền và đắp một con đường dọc theo rạch Cây Gáo để nhân dân thuận tiện đi lại. Sau đó, ông mở một ngôi quán nhỏ tại nhà để trao đổi, mua bán với thương thuyền dưới kinh Trà Cú và bà con trong vùng. Việc mua bán của ông phát triển rất nhanh, quy tụ nhiều người dân đến hai bờ kinh Trà Cú cất nhà sinh sống, bởi thế đoạn Kinh Trà Cú gần nhà ông còn được gọi là rạch Giang Cư.

Để đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán ngày càng cao của nhân dân, ông xin làng Bình Lương Tây cho phép lập một ngôi chợ bằng lá trên phần đất của mình. Đây chính là tiền thân của chợ Thủ Thừa ngày nay. Đầu thế kỷ XIX, kinh Trà Cú là con đường quan trọng để lưu thông từ Sài Gòn xuống miền Tây. Ghe thuyền xuôi ngược trên kinh này khi đến giáp nước gần chợ Thủ Thừa đều phải neo đậu chờ con nước, vì thế ngôi chợ của ông Mai Tự Thừa trở thành một chốn mua bán rất sầm uất, dân cư đông đúc. Thấy vậy, ông Mai Tự Thừa làm đơn xin với quan trên tách khỏi làng Bình Lương Tây, lập một làng mới lấy tên là Bình Thạnh. Ông còn hiến phần đất cất quán của mình trước đây ở sát bờ rạch Cây Gáo để cất một ngôi đình thần bằng lá. Đó chính là hiện thân của đình Vĩnh Phong hiện tại. Ông còn được triều đình nhà Nguyễn phong chức Thủ ngự phụ trách thu thuế tại vàm Thủ Đoàn nên mọi người gọi ông là Thủ Thừa.

Năm Minh Mạng thứ 10 (1829) Vua Thánh tổ Nhân hoàng đế nhà Nguyễn ra lệnh cho Tổng trấn Gia Định thành là Lê Văn Duyệt huy động 16.000 nhân công nạo vét kinh Trà Cú từ vàm Thủ Đoàn đến thôn Bình Ảnh dài 1.220 trượng, rộng 9 trượng, sâu 1 trượng. Nhờ thế, ghe thuyền đi lại rất thuận tiện. Vua Minh Mạng liền cho đổi tên kinh Trà Cú thành sông Lợi Tế. Tương truyền trong công cuộc nạo vét kinh Trà Cú, ông Mai Tự Thừa đã đóng góp nhiều công của và đứng ra chiêu mộ nhân công. Năm 1832, ông Lê Văn Duyệt mất. Vua Minh Mạng nhân đó bãi bỏ chức Tổng trấn Gia Định thành, chia Nam Kỳ thành 6 tỉnh, đặt chức Tổng đốc, Bố chính, Án sát, Lãnh binh ở mỗi tỉnh để cai trị. Tả quân Lê Văn Duyệt tuy đã mất cũng bị triều đình luận tội và cho san bằng mồ mã. Vì thế Lê Văn Khôi là con nuôi của ông Lê Văn Duyệt đã khởi binh chiếm tỉnh thành Phiên An và lấy luôn 6 tỉnh Nam Kỳ trong năm 1833. Tời gian này, ông Mai Tự Thừa cũng biến mất vào ngày mồng 10 tháng 10 âm lịch và không trở về nữa. Ông đi đâu và mất tích trong trường hợp nào không ai có thể lý giải được. Đến năm 1990, nhân có một phái đoàn của Bộ Văn hóa - Thông tin đến thăm đình Vĩnh Phong, Ban Hội Hương  mở hộp sắc thần, phát hiện dưới đáy hộp một tờ phúc bẩm của Hương chức làng Vĩnh Phong trả lời nguồn gốc công thổ chợ Thủ Thừa. Qua tờ phúc bẩm này, chúng ta biết được rằng ông Mai Tự Thừa đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi và chết mất xác trong thành Gia Định trong khoảng thời gian 1833-1835. Nhờ thế, những giả thuyết mơ hồ về sự mất tích của ông từ trước đến giờ đã bị xóa bỏ, hậu thế cũng biết được một cách khái lược hành trạng của ông lúc cuối đời.

Sau khi khép tội “tùng nghịch” cho ông, Triều Nguyễn đã xóa sạch mọi công lao của ông trên mảnh đất Thủ Thừa. Làng Bình Thạnh do ông lập ra bị đổi tên thành làng Vĩnh Phong. Ngôi đình do ông dựng nên cũng bị dời đi nơi khác. Cái chợ cùng điền sản của ông được phát mãi và phân tán vào các làng. Vợ con của ông bị lưu đày khổ sai, sau được ân xá nhưng phải đi biệt xứ.

Tuy nhiên, những hành động nói trên không thể xóa mờ công đức của ông Mai Tự Thừa với nhân dân Thủ Thừa. Thời gian trôi qua, tuy ông Mai Tự Thừa là trọng phạm của triều đình nhưng nhân dân vẫn không quên công ơn khai khẩn của ông. Các vị kỳ lão bèn đứng đơn xin với chính quyền cho cất một ngôi miếu Ngũ hành trên nền của đình Bình Thạnh xưa kia với dụng ý ngầm thờ ông Mai Tự Thừa trong miếu. Ban đầu ngôi miếu này bằng lá, ở giữa thờ thần, bên phải thờ Bà Ngũ Hành và bên trái thờ ông Mai Tự Thừa. Mãi sau này khi thực dân Pháp chiếm Nam Bộ, triều Nguyễn không còn thế lực ở phương Nam nên đồng bào quanh chợ Thủ Thừa mới quyên tiền xây cất lại đình Vĩnh Phong năm 1886 và đưa bài vị ông Mai Tự Thừa vào thờ với 7 chữ Hán: “Tiền hiền Mai Tự Thừa – Chủ thị”. Hàng năm, cứ đến ngày 10/10 âm lịch, nhân dân Thủ Thừa lại tề tựu về đình Vĩnh Phong làm lễ giỗ ông Mai Tự Thừa. Trong dân gian vẫn còn truyền tụng bài ca dao rất hay về tục giỗ ông:

“Cầu ông mưa thuận gió hòa,

Cho cây lúa trổ, cho cà đơm bông.

Cùng nhau xúm lại cúng ông,

Có trà, có bánh, có lồng đèn xanh.

Lòng người như bóng trăng thanh,

Vui tình đất nước, dân lành ấm no”.

 

Qua nhiều lần trùng tu, gần nhất vào năm 1998, đình Vĩnh Phong vẫn còn giữ được phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn. Hiện tại đình Vĩnh Phong nằm trong khuôn viên .1132m2 với 3 lớp nhà: võ ca, võ quy, chánh điện trông ra kinh Thủ thừa.

Chánh điện đình Vĩnh Phong được xây dựng theo lối cổ với kết cấu cột tứ trụ, mái lợp ngói âm dương, trên nóc có đôi rồng bằng sành trong tư thế lưỡng long tranh châu. Bên trong chánh điện được bài trí rất trang nghiêm với 2 lớp bao lam, 3 bàn thờ, long đình và lỗ bộ. Bao lam bên ngoài là tuyệt tác của cánh thợ Thủ Dầu Một có niên đại mậu ngọ (1918). Các nghệ nhân đã thể hiện trên bao lam này các đề tài truyền thống như Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng), Tứ hữu (Mai, Lan, Cúc, Trúc), Bá điểu quy sào… Bên trên bao lam có những khung gỗ kết cấu theo kiểu ô hộc chạm lọng hình tượng Long Mã, Mai Lộc, Cuốn thư, Cá hóa Long, Dơi… hết sức tinh xảo. Trước bàn thờ chính là bộ bao lam cổ có niên đại Bính Tuất (1886). Vẫn là đề tài Tứ hữu, nhưng các chi tiết trên bộ bao lam này được tạo dáng to khỏe mang phong cách cuối thế kỷ XIX. Nét đặt biệt ở bao lam này là nghệ thuật sơn son thếp vàng hết sức tinh xảo. Trải qua thời gian hơn 100 năm mà bộ bao lam này vẫn còn nguyên vẻ rực rở như buổi ban đầu.

Chánh điện đình Vĩnh Phong hiện còn 2 bức hoành phi cổ cùng 8 cặp liễn đối có giá trị niên đại Bính Tuất (1886) và Bính Thìn (1916). Đa số các câu đối đều viết theo lối quán thủ (2 chữ đầu của 2 câu đối ghép lại thành tên đình hoặc tên Thủ Thừa). Đặc biệt cặp liễn ở bàn thờ ông Mai Tự Thừa:

“Tiền chấn anh linh ư bách thế

Hiền lưu danh dự tại thiên thu”

 đã nêu bật được công lao to lớn của ông và tấm lòng tri ân sâu sắc của nhân dân Thủ Thừa đối với ông. Chính vì lẽ đó mà ngày nay hàng loạt địa danh ở Long An được đặt là Thủ Thừa như kinh Thủ Thừa (kinh Trà Cú), chợ Thủ Thừa, quận Thủ Thừa (có từ năm 1922)…

Trên mảnh đất ngày xưa ông Mai Tự Thừa đã quy dân, lập chợ, lập làng, vét kinh, đắp lộ… ngày nay là một thị trấn dân cư đông đúc, kinh tế thịnh vượng, đình Vĩnh Phong vẫn còn đó như nhắc nhở cho chúng ta về một thời đã qua. Đến với đình Vĩnh Phong, chúng ta được chiêm ngưỡng nghệ thuật chạm trổ tài hoa của những nghệ nhân thời trước, hiểu thêm về những đóng góp lớn lao của ông Mai Tự Thừa trong quá trình khai phá đất đai của cha ông chúng ta. Theo truyền thống của dân tộc, những ai có công khai hoang lập làng lúc còn sống được làm hương chức, lúc mất đi được tôn làm “Tiền Hiền Khai Khẩn”; còn những người có công tu kiều, bồi lộ, lập chợ thì được tôn làm “Hậu Hiền Khai Cơ” và được phối tự trong đình. Ông Mai Tự Thừa được tôn làm “Tiền hiền - Chủ thị” tức là người khai khẩn lẫn khai cơ vậy. Vì thế, nếu du khách có dịp đến đình Vĩnh Phong vào lễ vía Bà Ngũ Hành (18/19-2), lễ Kỳ Yên (17/18-1), lễ giỗ ông Mai Tự Thừa (10-10) sẽ được chứng kiến niềm vui và truyền thống uống nước nhớ nguồn của đồng bào địa phương. Vào những năm phong đăng hòa cốc, bán đắt mua may, ban hội hương còn mời các gánh hát bội về biểu diễn tại đình. Dịp ấy, cả thị trấn Thủ Thừa nhộn nhịp suốt 3 ngày, mọi người như quên hết những lo toan vất vả đời thường để hòa chung dòng chảy cội nguồn truyền thống. Đình Vĩnh Phong xứng đáng là một di tích lịch sử –văn hóa cấp quốc gia và là niềm tự hào của nhân dân Thủ Thừa nói riêng và nhân dân Long An nói chung.

Trung  Ngô

 

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối