Đất và người Long An

Di tích lịch sử - văn hóa Đình Tân Chánh và Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn

10/03/2023 09:21:35AM
Màu chữ Cỡ chữ

    Di tích lịch sử - văn hóa Đình Tân Chánh và Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn nằm cách nhau khoảng 1,5km nhưng cùng tôn thờ và lưu niệm về ông Nguyễn Khắc Tuấn (1767 - 1823) là người làng Tân Chánh, làm võ quan dưới hai triều vua nhà Nguyễn (Gia Long và Minh Mạng), có nhiều công trạng bảo vệ chủ quyền biên cương của tổ quốc ở vùng đất phía Bắc Việt Nam, khi mất ông được tôn kính như một vị thần.

Theo lời kể của những người cao tuổi, đình Tân Chánh xưa có quy mô khá lớn, theo kiến trúc truyền thống đình làng Nam Bộ: kiểu tứ trụ mở rộng chái, mái sà thấp, lợp ngói âm dương, cột gỗ; bao gồm 4 phần kiến trúc liền kề nhau như: hậu đường, võ ca, chánh điện và nhà khói tọa lạc  trên nền cao 80cm.  Năm 1961, do chiến tranh tàn phá, ngôi đình bị cháy, hư hại hoàn toàn. Năm 1974, đình được xây dựng lại phần chánh điện. Sau đó, các công trình phụ lần lượt được xây dựng như nhà khách (năm 1976), cổng đình (năm 2002), nhà võ ca (năm 2006), nhà khói, nâng nền sân (năm 2015), xây nhà vệ sinh (năm 2016). Năm 2020, ngôi đình được trùng tu, tôn tạo trên nền ngôi đình cũ, với lối kiến trúc và kết cấu vật liệu hiện đại hơn ngôi đình xưa. Công trình có diện tích 2.506 m2, gồm võ ca, chánh điện và nhà khách. Mái đình lợp ngói, trên nóc trang trí lưỡng long tranh châu. Đối tượng được tôn thờ tại đình Tân Chánh là thần Thành Hoàng Bổn Cảnh và ông Nguyễn Khắc Tuấn (1767-1823).  Bên cạnh đó, đình còn thờ Nam Hải tướng quân, đây là tín ngưỡng thờ cá Ông của cư dân biển.

Đình Tân Chánh cũng tổ chức các lễ cúng Kỳ Yên, Hạ Điền, Thượng Điền và lễ Cầu Bông như các đình khác ở Nam Bộ. Trong đó, lễ Kỳ Yên là lễ chính và lớn nhất của đình. Lễ Kỳ Yên diễn ra vào ngày mùng 5, mùng 6 tháng 02 (âm lịch) hàng năm. Đây là lễ tế Thần Thành Hoàng bổn cảnh được tổ chức lớn nhất trong năm của đình. Ngày cúng thần Thành Hoàng bổn cảnh ở đình được người dân nơi đây xem như ngày giỗ ông Nguyễn Khắc Tuấn bởi ông được nhân dân tôn kính như thần của làng Tân Chánh. Vì vậy, trong ngày lễ Kỳ Yên, không có lễ nghi riêng cúng ông Nguyễn Khắc Tuấn mà nghi thức và lễ cúng tế thần (tạ ơn thần) được ngầm hiểu là cúng thần Thành Hoàng và “thần” Nguyễn Khắc Tuấn.

Trong những năm tháng chiến tranh, nếu có điều kiện, nhân dân tổ chức cúng Kỳ Yên quy mô lớn. Sau ngày miền Nam được giải phóng (30/4/1975) đến năm 2005, việc cúng Kỳ Yên tổ chức ở quy mô nhỏ. Từ năm 2005 đến nay, Lễ Kỳ Yên được tổ chức quy mô lớn hơn, có trên 1.500 lượt người tham dự gồm người dân địa phương và khách mời lễ tế giao lưu các đoàn đến từ các đình, chùa miếu trong và ngoài tỉnh (trong đó có tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh).

Theo thông tin từ quyển Đại Nam Thực Lục tập 2, Công văn số 74/VSH-LSĐP&CN của Viện Sử học ngày 27/5/2016 “V/v đánh giá, xác nhận vai trò lịch sử của nhân vật Nguyễn Khắc Tuấn” và những tư liệu chữ Hán gồm sắc, chỉ, kế truyền về các nhiệm vụ của ông Nguyễn Khắc Tuấn từ những năm 1796 - 1821 , tiểu sử nhân vật Nguyễn Khắc Tuấn được tóm tắt như sau: Ông Nguyễn Khắc Tuấn còn có tên thường gọi là Nguyễn Phúc Xuân và Nguyễn Hầu Xuân, sinh vào năm Đinh Hợi (1767) tại làng Nhơn Hòa (nay thuộc xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Cuộc đời và sự nghiệp ông Nguyễn Khắc Tuấn từng là một võ quan thuộc hàng ngũ cao cấp của quân đội triều Nguyễn (dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng), đảm nhận nhiệm bảo vệ chủ quyền biên cương của tổ quốc ở vùng đất phía Bắc Việt Nam. Ông còn kiêm quản lý đê điều ở Bắc Thành, xây dựng thành Hưng Hóa trong thời gian ngắn.

Ông Nguyễn Khắc Tuấn mất vào ngày mùng 7 tháng 2 (âm lịch) năm Quý Mùi, Minh Mạng thứ 4 năm 1823. Nhà vua hết sức thương tiếc, truy tặng Thống chế, cấp thêm hàng tơ, thưởng 200 lạng bạc, sai quan dụ tế, lại cho gia quyến 200 quan tiền. Tờ sắc phong ngày 01 tháng 3 năm Minh Mạng năm thứ 4 (1823) hiện đang trưng bày cùng với bức tranh vẽ ông Nguyễn Khắc Tuấn tại gian trung tâm chánh điện. Nội dung sắc được dịch như sau: “Thừa lệnh trời, hưng vận nước, Hoàng đế ban lời rằng:

Ta là một cõi cương trường hiệu lực, đã thâu người chịu việc rất trung, vua tặng tước thưởng đáp công rất hậu, cho phép người hầu thác ngày lành, chinh đông người hiệp nhau làm lễ tẩm liệm tơ lụa kỹ càng.

Ngươi: Nguyễn Khắc Tuấn đã mất, giữ chức Khâm sai Chưởng cơ Thống quản Trung quân, chấn định Thập cơ, tước Xuân Quang hầu, vốn sức mạnh như cung tên bắn kẻ mạnh tướng, dựng cờ ứng nghĩa nơi đất Đông Phố xưa, xông pha đi đầu tiến công kẻ thù tại Bắc Thành, thành lập luyện binh những giây phút chống kẻ cuồng man ẩn nấp cướp động tụ tập đông người, dùng binh chỉ huy gươm đao giữ oai của triều đình nơi xông pha trận mạc, bắc kẻ phản nghịch giam ở núi Cừ Sơn. Trẫm ban thưởng công trận, từng nghe có người kêu thương mà theo ngươi đầu quân, nhờ ngươi mà dân được yên ổn, yêu thương nhau, đêm không đóng cửa, ngày không lượm của rơi. Trẫm thấy ngươi trung can nghĩa khí, ban cho chức Nghiêm oai Tướng quân, Thượng hộ quân, hàm thống chế, tước Nguyễn Hầu, thụy là Tráng Nghị.

Ngày 01 tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), đóng dấu: Phong tặng chi bảo” .

 Ông Nguyễn Khắc Tuấn sau khi mất được nhân dân tôn kính như một vị Thần của làng Tân Chánh (ngày cúng lệ Kỳ Yên mùng 5- 6 tháng 02 âm lịch tại đình cũng là ngày giỗ ông Nguyễn Khắc Tuấn hàng năm).

Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn: Đây là nơi thờ cúng và an táng ông Nguyễn Khắc Tuấn, gồm các kiến trúc như cổng lăng, võ ca và mộ. Võ ca được xây dựng năm 1824 cùng thời điểm với lăng mộ, là nơi đặt bàn thờ để hương khói hàng ngày cho ông. Võ ca đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ theo lối kiến trúc xưa. Lăng mộ được xây dựng năm 1824 và là phần di tích kiến trúc cổ còn lưu giữ được. Lăng mộ có quy mô khá lớn (dài 13m, rộng 7.2m) được xây theo lối kiến trúc, trang trí của mộ cổ thuộc tầng lớp quan lại đầu thế kỷ XIX. Kiến trúc này khá kiên cố bởi kết cấu vật liệu gồm đá ong (laterite) kết hợp với vữa tam hợp (vôi, cát, nhựa hữu cơ hoặc mật đường). Năm 2020, Lăng mộ được trùng tu tôn tạo, nhà võ ca được xây mới hoàn toàn.

Di tích Đình Tân Chánh, lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn là nơi lưu niệm nhân vật lịch sử Nguyễn Khắc Tuấn dưới triều Nguyễn. Ông “sinh vi tướng, tử vi thần” được triều đình công nhận, nhân dân tôn kính như một vị thần. Năm 2012, di tích lịch sử - văn hóa đình Tân Chánh và Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn được UBND tỉnh Long An xếp hạng di tích cấp tỉnh tại số 395/QĐ-UBND ngày 6/02/2012.

Với những giá trị về niên đại, lịch sử, văn hóa, kiến trúc…, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã có văn bản đề nghị Cục Di sản văn hóa xem xét thẩm định và đồng ý thỏa thuận cho lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia Đình Tân Chánh và Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn. Đây là cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị của di tích.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối