Đất và người Long An

An Sơn-Di tích khảo cổ

01/05/2022 09:21:52AM
Màu chữ Cỡ chữ

Cách nay khoảng 5.000 đến 2.500 năm, những lớp cư dân cổ từ vùng cao Đông Nam Bộ đã định cư tại vùng đất cao Đức Hòa, Đức Huệ và vùng rìa Đồng Tháp Mười. Những địa điểm họ sinh sống còn lưu lại nhiều dấu tích, di vật, mộ táng trong lòng đất. Trong đó, di tích An Sơn là một tiêu biểu, xếp nhất về quy mô, độ dày tầng và liên tục của văn hóa, khối lượng di tích, di vật và tàn tích động thực vật so với các di tích văn hóa tiền sử khác.

Theo Sách Di tích Quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2021, Di tích An Sơn thuộc ấp Sơn Lợi, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là một gò đất hình bát úp có diện tích trên 10.000m2, cao khoảng 6m so với mặt ruộng  xung quanh, nằm cách bờ tả của sông Vàm Cỏ Đông khoảng 300m. Di tích được các nhà khảo cổ học Pháp (trường Viễn Đông Bác cổ) phát hiện vào năm 1938 và đặt tên theo tên ấp. Đến nay, di tích được khai quật 5 lần vào các năm 1978, 1997, 2004, 2007 và 2009.

Cuộc khai quật đầu tiên vào năm 1978 do Bảo tàng Long An phối hợp với Viện KHXH tại TP.Hồ Chí Minh thực hiện. 3 hố được mở, tổng diện tích 150m2. Những dấu tích của các bếp than tro có chứa nhiều xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể, mảnh gốm, di cốt người được phát hiện. Ba ngôi mộ cổ chôn đồ gốm tùy táng; hơn 500 hiện vật bằng đá, xương sừng như rìu, đục, bàn mài (200 mảnh); nhiều loại hình đồ gốm như bình, bát bồng, bát, nồi, bi, chì lưới, đồ minh khí, lưỡi câu và phác vật lưỡi câu bằng sừng, mũi nhọn xương, bông tai, vòng tay…

Năm 2004, Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) phối hợp với Bảo tàng Long An khai quật diện rộng ở khu vực này. Tổng diện tích 3 hố khai quật là 313m2. Di tích và di vật được phát hiện gồm 20 mộ táng, nhiều đồ gốm với nhiều loại hình nồi, bát bồng, chậu… nguyên vẹn hoặc có thể phục dựng, bộ sưu tập hạt chuỗi nhuyễn thể quý nhiều kích cở, mũi giáo bằng ngà, một số công cụ đá đặc biệt như: dao, rìu vai nhọn và rất nhiều các hiện vật gốm, vỏ sò, ốc và di cốt động vật.

Năm 2009 Trung tâm nghiên cứu khảo cổ, (Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ) Bảo tàng Long An và Trường Đại học Quốc gia Úc đã tiến hành khai quật di tích với tổng diện tích là 83m2, gồm 3 hố nằm ở chân gò phía Đông và Đông-Nam, các loại hình cư trú và mộ táng với những nền đất, nền bếp, đống than tro chứa rất nhiều vỏ sò, ốc, xương răng động vật, gốm, đất nung, hạt chuỗi vỏ nhuyễn thể, nhiều đống gốm vụn cao 90 cm và lớp văn hóa cư trú sớm. Cuộc khai quật còn phát hiện 7 mộ táng nâng số mộ táng phát hiện ở di tích là 33 mộ.

Các cuộc khai quật đã thu được nhiều hiện vật quý như: Sưu tập hiện vật gốm với hàng chục ngàn mảnh gốm, trong đó nhiều hiện vật còn tương đối nguyên vẹn hoặc được phục dựng với nhiều loại hình như: nồi, bát, bát bồng chân cao, bát bồng chân thấp, bát đĩa miệng dún, bình, lọ, cốc có chân, chậu, chì lưới, bi, mảnh gốm ghè tròn, đồ minh khí... Qua dấu tích sản xuất gốm, di vật gốm cho thấy An Sơn là nơi có hoạt động sản xuất gốm rất mạnh. Gốm An Sơn đa dạng bậc nhất về loại hình, kiểu dáng, trang trí, chất liệu, độ nung và có cả loại gốm đặc trưng riêng cho thấy trình độ cao của cư dân cổ về kỹ thuật và thẩm mỹ so với cư dân tiền sử khu vực Đông Nam Bộ.

Các cuộc khai quật và nghiên cứu di tích đã thu hút nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau gồm khảo cổ, nhân chủng, gốm, cổ sinh vật.v.v. tham gia nghiên cứu. Từ đó, nhiều bài viết và công trình nghiên cứu về di tích An Sơn đã được công bố. Các công trình nghiên cứu khoa học về di tích An Sơn là thông tin quý báu về phục vụ nhu cầu tìm hiểu khảo cổ học, văn hóa, lịch sử và môi trường cổ xưa của vùng đất trẻ Tây Nam Bộ.

Các báo cáo khai quật và nghiên cứu di tích đã nhận định, Di tích gồm loại hình cư trú và mộ táng, thuộc thời đại đá mới có quy mô lớn nhất Miền Nam Việt Nam đến nay được tìm thấy. Niên đại Radiocarbon (C14) của từ các Báo cáo khai quật cho thấy, người An Sơn bắt đầu có hoạt động cư trú vào khoảng 5.000 cách ngày nay và kết thúc cách nay khoảng 3.000 năm. Đặc biệt tầng văn hóa di tích rất dày, diễn biến địa tầng có sự liên tục, không bị xóa trộn là điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu sự hình thành phát triển cũng như mai một của một số loại hình di vật văn hóa, cho thấy người xưa đã cư trú  lâu dài và liên tục trong khoảng 2.000 năm. Địa tầng các hố khai quật giống nhau và có mối quan hệ thống nhất giữa hố trên gò và hố ở chân gò.

Về nhân chủng, theo PGS.Ts. Nguyễn Lân Cường, sọ người An Sơn gần với sọ của cư dân Đông Sơn, nhóm loại hình đông Nam Á.

Trong sinh hoạt sống, người An Sơn săn bắt, hái lượm và biết trồng lúa, thuần dưỡng vật nuôi, làm gốm, chế tác đồ trang sức, công cụ xương sừng với trình độ kỹ thuật, thẩm mỹ cao. Khối lượng lớn và đa dạng di tích, di vật chứa đựng trong tầng văn hóa dày, liên tục cho thấy sự đông đúc và thịnh vượng của cư dân An Sơn. Người An Sơn sử dụng đồ minh khí, hoặc đồ dùng sinh hoạt làm đồ tùy táng. Vị trí chôn cất, số lượng, loại hình và chất lượng những đồ tùy táng của họ thể hiện rõ sự phân tầng trong xã hội.  33 mộ táng (mộ đất) được phát hiện ở di tích, đa số đều tập trung tại khu vực chân gò phía Đông Nam, mật độ khá dày đặt. Trong đó, mộ M1 được khai quật năm 2004-2005 có vị trí nằm tách biệt so với các mộ khác, có nhiều đồ tùy táng nhất và là mộ duy nhất có tùy táng vòng chuỗi hạt lớn số lượng gồm 2.000 hạt. Theo nhà khảo cổ Bellwood, Peter, tục chôn cất ở An Sơn là tiêu biểu của cư dân thời kỳ đồ đá mới, có sự pha trộn của cả hai: táng tục của người Hòa Bình bản địa và thêm tục chôn cất của người phương Bắc (có thể là miền Nam Trung Quốc, thời kỳ đá mới).

Khối lượng lớn di tích, di vật và tàn tích động thực vật, độ dày và liên tục của tầng văn hóa còn của di tích An Sơn là bằng chứng sớm nhất, khá đầy đủ và hiếm hoi về sự định cư của cư dân cổ trên đất Long An và diễn trình phát triển văn hóa từ thời tiền sử đến Óc Eo ở Nam Bộ. Người An Sơn là lớp người đầu tiên khai thác vùng đất Long An, địa bàn chuyển tiếp từ vùng cao Đông Nam Bộ đến vùng trũng thấp Tây Nam Bộ vừa mới hình thành. Họ đã rất thành công và tạo được kỳ tích, đó là đủ mạnh về tiềm lực và số lượng dân số để tiến xuống chinh phục châu thổ sông Cửu Long và xây dựng nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng vào những thế kỷ đầu Công nguyên.

Tóm lại, An Sơn là một di tích khảo cổ học quý hiếm: Có quy mô lớn vào bậc nhất Nam Bộ thời Tiền sử (diện tích còn lại có thể khai quật khoảng 5.000 m2); Có tầng văn hóa liên tục và dày tương đương với cả giai đoạn tiền sử ở Đông Nam Bộ, là cơ sở dữ liệu quan trọng để nghiên cứu, nhận biết sâu hơn nội hàm văn hóa của di tích và so sánh tương quan với các di tích khảo cổ học khác ở Nam bộ cũng như khu vực Đông Nam Á lục địa và hải đảo; Là một bảo tàng ngoài trời quý báu tiềm năng chứa đựng dày đặt di tích, di vật trong từng tất đất. Di tích không chỉ có giá trị nghiên cứu tìm hiều về khảo cổ học mà còn có giá trị liên cứu liên ngành về lịch sử, văn hóa, nhân chủng, cổ sinh vật.v.v. và là nguồn tiềm năng lớn sẳn có, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Năm 2011, di tích khảo cổ học An Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch xếp hạng.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối