Đất và người Long An

Di tích khảo cổ Gò Ô Chùa

29/07/2022 09:56:16AM
Màu chữ Cỡ chữ

    Từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước đến nay, nhiều di tích khảo cổ học thời tiền sử và Óc Eo đã được phát hiện và khai quật tại vùng Đồng Tháp Mười, trong đó có Di tích Gò Ô Chùa. Di tích này đã được phát hiện năm 1986 và khai quật nhiều lần nhằm tìm hiểu tiến trình khai phá, chinh phục Đồng Tháp Mười của các cộng đồng cư dân cổ.

Theo Sách Di tích Quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xuất bản năm 2021, Di tích Gò Ô Chùa thuộc ấp 1, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, cách biên giới Việt Nam-Campuchia khoảng 3km. Gò cao hơn mặt ruộng xung quanh 3 m, dài 450m theo hướng Bắc-Nam, rộng 150m theo hướng Đông-Tây. Bao quanh phía Bắc và phía Tây là rạch Ô Chùa, bắt nguồn từ sông Cái Cỏ ở phía Bắc, là sông phân chia biên giới Việt Nam-Campuchia và sông Long Khốt ở phía Đông.

Di tích đã được khai quật 4 lần bởi các nhà khảo cổ học Việt Nam và các nhà khảo cổ học Cộng Hòa Liên bang Đức. Hiện vật thu thập được trong các đợt khai quật khá phong phú, gồm nhiều chất liệu khác nhau, nhiều nhất là đồ gốm. Đồ gốm bao gồm trên 70 đồ đựng còn tương đối nguyên vẹn hoặc có thể phục nguyên và hàng vạn mảnh gốm vỡ, mảnh đất nung, mảnh cà ràng.... Một số lớn trong số đồ gốm này được sử dụng làm đồ tùy táng, số còn lại phân bố rải rác trong tầng văn hóa. Chúng gồm các loại hình khác nhau như nồi, chum nhỏ, bình đáy tròn, tô chậu, mâm bồng, vung... Gốm Gò Ô Chùa có độ nung cao, mặt được phủ áo lấy từ sét trắng, được miết láng và tô đỏ hoặc đen bóng. Ngoài ra, còn tìm được nhiều công cụ xương, sừng và gạt hươu, công cụ sắt như mũi nhọn, thuổng có họng tra cán, hạt chuỗi bằng đá quý, lục lạc và vòng đồng, mảnh khuôn đúc, nồi rót kim loại...

Ảnh: Bảo tàng Long An

Kết quả nghiên cứu và khai quật trong thời gian qua đã đưa đến kết luận rằng di chỉ Gò Ô Chùa có quy mô rộng lớn và tầng văn hóa dày chứng tỏ cộng đồng cư dân cổ đã sống ở đây trong một thời gian dài, có thể đến hai ngàn năm. Cuộc sống của họ khá phát triển, liên tục, vững chắc và ngày càng trở nên phong phú và tinh tế, cuối cùng trở nên khác biệt với thuở ban đầu (diễn biến của gốm, tầng văn hóa và táng tục...). Những sản phẩm bằng đồng vào lúc này đã xuất hiện. Nồi nấu kim loại và khuôn đúc đồng đã được phát hiện trong khai quật. Vào cuối giai đoạn này, kỹ thuật đã được phát triển hơn nữa, sắt được dùng cùng với đồng. Đồ trang sức như hạt chuỗi bằng đá quý, vòng đeo tay bằng đồng... đã được sử dụng rộng rãi trong khi đồ đá, đồ xương đã giảm vai trò trong đời sống xã hội, nhưng bằng cách này hay cách khác vẫn giữ vai trò trong những tập tục lễ nghi... Nghề dệt ở đây rất được coi trọng, thể hiện qua khối lượng lớn dọi xe chỉ đã thu thập được và việc  sử dụng phổ biến nó làm đồ tùy táng. Dấu vết vải để lại trên rất nhiều mảnh gốm, trên các đồ tùy táng bằng sắt, chứng tỏ những người thợ ở đây đã sản xuất được loại vải mịn và mỏng với chất lượng cao. Lúa, gạo đã trở thành nguồn lương thực chủ yếu.

Di chỉ Gò Ô Chùa được cộng đồng cư dân cổ lựa chọn gần nguồn nước nhưng có thế đất hơi cao thoát khỏi lũ lụt. Hệ thống hào, rạch bao quanh di chỉ nối liền với những sông lớn Cái Cỏ, Long Khốt là khá nổi bật. Nó không những được dùng để cung cấp nước cho đồng lúa mà còn được dùng như những đường thoát nước vào mùa mưa và như những hồ chứa nước vào mùa khô. Súc vật được thuần dưỡng như heo, chó nhà, trâu mà những di cốt được tìm thấy khá phổ biến. Rất nhiều những vỏ trấu, hạt lúa được tìm thấy trong xương gốm, cho biết rằng vào thời này, lúa  đã được cư dân ở đây canh tác đầy đủ và vai trò của nó trong đời sống xã hội là rất quan trọng. Rất nhiều sản phẩm ở Gò Ô Chùa đặc biệt là gốm ba chạc được sản xuất với mục đích trao đổi nói lên rằng cộng đồng cư dân cổ ở đây đã có tiếp xúc, trao đổi với những trung tâm buôn bán lớn trong vùng thuở ấy.

Ảnh: Báo Long An

Từ các cuộc khai quật và nghiên cứu vừa qua, các nhà khảo cổ học cho rằng nền kinh tế của cộng đồng cư dân cổ ở đây đã khá phát triển và đã có sự phân công lao động chuyên hóa. Họ đã có mối giao lưu với thế giới bên ngoài  như vùng Đông Nam bộ và xa hơn mà các chứng tích là các di vật như nắp vung, bình gốm có miệng nhỏ hoặc táng tục (mộ vò có xương trẻ em ở lớp gần sinh thổ và mộ đất với các di cốt người được chôn duỗi thẳng cùng với đồ tùy táng...). Niên đại của di tích này đoán định khoảng 1000 năm trước công nguyên đến 1000 năm sau công nguyên.

Do nội hàm văn hóa phong phú và quan trọng như trên, di tích được công nhận cấp Quốc gia theo Quyết định của Bộ Văn hóa-Thông tin số 1570VHQĐ ngày 15/9/2009. Hiện nay di tích này là điểm tham quan để tìm hiểu về văn hóa cổ không chỉ của Long An mà còn của cả nước để so sánh với cuộc sống cư dân cổ cùng thời ở khu vực Đông Nam Á.

Trung Ngô (tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối