Đất và người Long An

Đại tướng Văn Tiến Dũng

31/03/2023 11:17:32AM
Màu chữ Cỡ chữ

    Đại tướng Văn Tiến Dũng là một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc, có uy tín lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam, là một nhà chiến lược, một người lãnh đạo đầy tinh thần cách mạng tiến công, có nhiều đóng góp quan trọng vào thắng lợi của chiến tranh nhân dân qua các cuộc kháng chiến, góp phần bổ sung, phát triển nền khoa học, nghệ thuật quân sự cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Tháng 01 năm 1948, đồng chí được phong hàm Thiếu tướng. Tháng 8 năm 1959, đồng chí được phong vượt cấp lên quân hàm Thượng tướng. Tháng 4 năm 1974, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ðồng chí Văn Tiến Dũng (1917-2002) sinh tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là các phường Cổ Nhuế 1 và Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm), thành phố Hà Nội, trong một gia đình công nhân, yêu nước. Năm 1936, đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào dân chủ và các cuộc đấu tranh công khai của công nhân thành phố Hà Nội, tổ chức công nhân xưởng dệt bãi công. Đồng chí kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11 năm 1937, làm Bí thư Chi bộ ngành đệt thành phố Hà Nội (1938), tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, làm Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội (1939).

Tích cực hoạt động trong phong trào công nhân, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam ba lần. Trong lao tù của chế độ thực dân, đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, kiên cường, bất khuất trước sự tra tấn của kẻ thù. Đồng chí đã hai lần vượt ngục thành công, tìm cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng, được chỉ định làm Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Đông (tháng 3 năm 1943), tham gia Xứ ủy Bác Kỳ (tháng 6 năm 1943), Bí thư Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh (tháng 01 năm 1944), Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (tháng 4 năm 1944).

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí được Trung ương Đảng cử làm Ủy viên Thường vụ Ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ, trực tiếp tổ chức Chiến khu Quang Trung và kiêm Bí thư Khu ủy Chiến khu Quang Trung, trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị khởi nghĩa và giành chính quyền ở các tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí được cử giữ chức Chính ủy Chiến khu 2.

Tháng 11 năm 1946, đồng chí là Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chính trị Quân đội Quốc gia Việt Nam (tiền thân của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay), Phó Bí thư Trung ương Quân ủy. Ngày 12 tháng 02 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 16/SL bổ nhiệm đồng chí Văn Tiến Dũng làm Cục trưởng Cục Chính trị. Đồng chí cùng cán bộ Cục Chính trị sớm đặt cơ sở cho công tác chính trị và công tác Đảng trong quân đội, xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị, hệ thống cơ quan chính trị làm nòng cốt tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân.

Ảnh minh hoạ

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí được giao làm Chính ủy, sau đó kiêm Tư lệnh Liên khu, Thường vụ Khu ủy Khu 3 (tháng 10 năm 1949), Chính ủy kiêm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320 (1951). Đồng chí đã cùng Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Đại đoàn mưu trí và dũng cảm đưa cả Đại đoàn với hơn một vạn quân vượt sông Hồng, lần đầu vào hoạt động sâu trong lòng địch. Được sự ủng hộ hết lòng của đảng bộ, quân dân các địa phương và du kích phối hợp tích cực cùng lối đánh táo bạo, thọc sâu kết hợp với vu hồi, đột phá... Đại đoàn 320 đã liên tục giành chiến thắng, tiêu điệt lớn sinh lực địch, mở rộng nhiều vùng tự do, xây dựng nhiều căn cứ du kích, góp phần giải phóng quê hương. Với tài chỉ huy thao lược của đồng chí Văn Tiến Dũng, từ cách đánh của Đại đoàn 320 ở vùng đồng bằng đã bắt đầu hình thành lý luận nghệ thuật quân sự về lối đánh “nở hoa trong lòng địch”.

Tháng 11 năm 1953, đồng chí Văn Tiến Dũng được Đảng, Bác Hồ giao nhiệm vụ làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và tham gia Tổng Quân ủy. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp của Mỹ bước vào thời kỳ sôi động và quyết liệt, đồng chí cùng Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh tham mưu và tổ chức thực hiện thành công Kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954. Trong những ngày diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đồng chí Văn Tiến Dũng cùng với đồng chí Nguyễn Chí Thanh giúp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ đạo chiến trường đồng bằng, tổ chức huy động sức người, sức của để chỉ viện cho chiến dịch, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (1954).

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn đại biểu của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ủy ban liên hiệp đình chiến Trung ương, thi hành Hiệp định Genève về Việt Nam (tháng 7 năm 1954).

Cuối những năm 1950 của thế kỷ XX, đồng chí được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đặc biệt và bí mật là trực tiếp nắm và chỉ đạo mọi sự chi viện cụ thể cho cách mạng miền Nam. Tranh thủ thời gian miền Bắc có hòa bình, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu vừa làm tốt vai trò tham mưu chiến lược; vừa nghiên cứu, triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tiến lên chính quy, hiện đại gồm ba quân chủng: Lục quân, Phòng không - Không quân và Hải quân; xây dựng và thực hiện kế hoạch tác chiến bảo vệ miền Bắc - bản kế hoạch đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; xây dựng và thực hiện Đề án dân quân (1956 - 1959).

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Văn Tiến Dũng luôn đi sâu, đi sát các đơn vị và chiến trường để nắm bắt tình hình, đúc kết thành quy luật, phương châm chỉ đạo tác chiến, đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đưa các quyết sách đúng đắn, kịp thời cho từng chiến trường, từng giai đoạn lịch sử của đất nước.

Thực tiễn chiến đấu và thắng lợi trong các cuộc đụng đầu với quân Mỹ là cơ sở quan trọng để Ban Chấp hành Trung ương Đảng hình thành và hoàn chỉnh Nghị quyết Trung ương 12, khóa III (tháng 12 năm 1965), khẳng định quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Lịch sử đã chứng minh, trong các năm sau đó, ta đã đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô thứ nhất (1965 - 1966) và mùa khô thứ hai (1966 - 1967) của Mỹ. Đặc biệt, cuộc Tống tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, tạo đòn bất ngờ đánh mạnh vào các mục tiêu trong đô thị trên toàn miền Nam, làm chấn động nước Mỹ, buộc giới lãnh đạo Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và thừa nhận sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Thắng lợi đó mang đậm dấu ấn của Bộ Tổng Tham mưu do Thượng tướng Văn Tiến Dũng làm Tổng Tham mưu trưởng.

Khi đế quốc Mỹ thực hiện Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Thượng tướng Văn Tiến Dũng được Bộ Chính trị tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn có ý nghĩa quan trọng, như: Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (từ ngày 30 tháng 01 đến ngày 23 tháng 3 năm 1971), đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch, làm thay đổi căn bản cục điện chiến trường ba nước Đông Dương, làm lung lay chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ; Chiến dịch Trị - Thiên (tháng 3 năm 1972), tiêu diệt Sư đoàn 3 cùng toàn bộ hệ thống phòng ngự của quân đội Sài Gòn, giải phóng tỉnh Quảng Trị.

Ảnh minh hoạ

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng được giao trọng trách thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3 năm 1975). Trong chiến dịch này, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã chỉ đạo dùng các binh đoàn cơ động thọc sâu vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Với nghệ thuật “nở hoa trong lòng địch”, chiến dịch giành thắng lợi, mở ra khả năng kết thúc sớm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tháng 4 năm 1975, trên cương vị là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ đạo chiến dịch thực hiện cách đánh táo bạo, thọc sâu, kết hợp vu hồi, đột phá, tạo và nắm thời cơ, chủ động tiến công, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, đầu não của chính quyển Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hòa bình lập lại, trên các cương vị Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (tháng 02 năm 1980), đồng chí đã cùng Quân ủy Trung ương, lãnh đạo, chỉ huy Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng, Nhà nước vận dụng đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, từng bước xây dựng kế sách giữ nước một cách toàn diện, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân; chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong mọi tình huống,

Từ những trải nghiệm sâu sắc trên thực tiễn chiến trường và trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra, Đại tướng Văn Tiến Dũng được Bộ Chính trị giao trọng trách Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị; sau này là người chỉ đạo công tác tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự (tháng 12 năm 1986). Đồng chí chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, hoàn thành nhiều công trình tổng kết về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam; về chiến tranh cách mạng Việt Nam... Bản thân đồng chí cũng có nhiều cuốn sách, bài viết, bài nói luận giải sâu sắc về sức mạnh giữ nước của dân tộc Việt Nam, về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chiến tranh chống xâm lược; về xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng quân đội nhân dân, về nghệ thuật quân sự Việt Nam... Đó thực sự là những công trình khoa học, tổng kết giàu tính lý luận và mang đậm hơi thở thực tiễn, góp phần làm sáng tỏ, khẳng định vai trò quyết định của Đảng và sức mạnh vô tận của nhân dân đối với thành công trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, khẳng định vai trò nòng cốt của quân đội nhân dân trong đấu tranh vũ trang, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hơn 65 năm hoạt động cách mạng không biết mệt mỏi, vượt qua bao cam go, thử thách khốc liệt của chiến tranh, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã cống hiến cả cuộc đời cho độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, là một tấm gương sáng của người cộng sản kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối