Đất và người Long An

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

03/04/2023 02:19:21PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là vị tướng tài đức vẹn toàn, đức độ “sáng trong như ngọc”, tài năng thao lược xuất chúng. Là Đại tướng của quân đội, đồng chí cũng là Đại tướng của nhân dân được toàn dân, toàn quân kính yêu, mến mộ. Cuộc đời hoạt động hết mình vì Tổ quốc, vì nhân dân của đồng chí đã để lại một tấm gương mẫu mực.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, bí danh Sáu Di, sinh trưởng trong một gia đình nông dân yêu nước tại thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điển, tỉnh Thừa Thiên (nay là làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điển, tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Năm 1931, đồng chí Nguyễn Vịnh cùng một số thanh niên trong làng tập hợp nhau lại đấu tranh chống bọn cường hào áp bức dân ở địa phương. Được giác ngộ, năm 1934, đồng chí Nguyễn Vịnh tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 7 năm 1937, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được cử làm Bí thư Chi bộ thôn Niêm Phò - chi bộ cộng sản đầu tiên ở huyện Quảng Điển.

Cuối năm 1937, đồng chí Nguyễn Vịnh được Xứ ủy Trung Kỳ giới thiệu tham gia Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên. Đầu năm 1938, đồng chí được tin tưởng cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Cuối năm 1938, đồng chí bị địch bắt, không có bằng chứng địch buộc phải thả. Đồng chí được cử tiếp tục làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.. Tháng 7 năm 1939, đồng chí Nguyễn Vịnh bị bắt lần thứ hai, tháng 4 năm 1940, chúng kết án và giam đồng chí ở nhà lao Thừa Phủ, sau đó đày đi các nhà tù: Lao Bảo, Buôn Ma Thuột cùng nhiều đồng chí khác.

Năm 1941, đồng chí Nguyễn Vịnh vượt ngục Buôn Ma Thuột về lãnh đạo phong trào. Đồng chí triệu tập Hội nghị cán bộ Đảng tại Bến Tu để phổ biến chủ trương của Đảng, để ra nhiệm vụ lãnh đạo phong trào là củng cố tổ chức Đảng; nhanh chóng thành lập Mặt trận Việt Minh; tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh để tập hợp quần chúng. Tại Hội nghị, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Tháng 7 năm 1943, đồng chí lại bị địch bắt, tra tấn và giam cầm tại nhà tù Buôn Ma Thuột. Tại đây, đồng chí tiếp tục cùng các đồng chí đấu tranh, tổ chức học tập lý luận, văn hóa, chống chế độ nhà tù hà khác của địch. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Nguyễn Vịnh cùng các đồng chí khác đấu tranh buộc địch phải trả tự do cho hàng trăm chiến sĩ cộng sản bị giam cầm. Ra tù, đồng chí nhanh chóng liên lạc với tổ chức Đảng, củng cố Mặt trận Việt Minh chuẩn bị cho giành chính quyền.

Tháng 8 năm 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Cũng trong dịp này, đồng chí được Bác Hồ đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Sau Hội nghị, đồng chí trở về cùng Xứ ủy Trung Kỳ lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Khi Pháp trở lại xâm lược, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng tập thể Xứ ủy tập trung lãnh đạo, củng cố tổ chức Đảng, phát động nhân dân tăng gia sản xuất, phát động “bình dân học vụ” xây dựng lực lượng vũ trang.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đêm 20 tháng 12 năm 1946, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng Tỉnh ủy chỉ đạo lực lượng vũ trang đồng loạt nổ súng, bao vây chia cắt, ngăn chặn quân Pháp ở Huế gần hai tháng. Khi Pháp từ Đà Nẵng đánh ra, trước tương quan lực lượng không cân sức, đồng chí Nguyễn Chí Thanh quyết định rút toàn bộ lực lượng về vùng núi của tỉnh để kháng chiến lâu đài, Tháng 3 năm 1947, đồng chí Nguyễn Chí Thanh chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để ra chủ trương bám sát dân, tăng cường công tác giáo dục quần chúng, đẩy mạnh hoạt động vũ trang bảo vệ nhân dân.

Tháng 6 năm 1947, Trung ương Đảng ra chỉ thị thành lập phân khu Bình - Trị - Thiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được phân công làm Bí thư Phân Khu ủy. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu IV vào tháng 5 năm 1948, đồng chí được bầu làm Bí thư Liên Khu ủy.

Đầu năm 1950, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương điều động ra Việt Bắc phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương, Tháng 02 năm 1950, tại Đại hội Liên đoàn Thanh niên Việt Nam, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, ngày 11 tháng 7 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 122/SL bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Liên Khu ủy Khu IV làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Đảm nhiệm cương vị này, đồng chí đã cùng Tổng Quân ủy tăng cường hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, tạo ra bước phát triển mới về sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang.

Tiếp theo đó, đồng chí liên tục đảm nhiệm làm Chính ủy các chiến dịch lớn của quân đội: Chiến dịch Trung Du (tháng 11 năm 1950 - tháng 01 năm 1951); Chiến dịch Đường số 18 (tháng 3 năm 1951); Chiến dịch Hà - Nam - Ninh (tháng 5 năm 1951); Chiến dịch Hòa Bình (tháng 12 năm 1951); Chiến dịch Tây Bắc (tháng 10 năm 1952); làm Chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Thượng Lào (tháng 4 năm 1953). Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh chịu trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Tổng cục Chính trị, trực tiếp phụ trách công tác huy động nhân tài vật lực ở hậu phương cho tiền tuyến.

Năm 1959, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được phong hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, đồng chí tiếp tục được bầu vào Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo Tống cục Chính trị làm tốt công tác tư tưởng, đẩy mạnh phong trào thi đua trong quân đội. Đồng chí là người đã phát hiện và nhân lên phong trào thí đua "Ba nhất” trong quân đội.

Khi đế quốc Mỹ leo thang, mở rộng chiến tranh xâm lược ở miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị (ngày 25 và 26 tháng 9 năm 1964), cử đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào tăng cường cho miền Nam với cương vị đại diện cho Bộ Chính trị trên chiến trường kiêm Bí thư Trung ương Cục miền Nam.

Tại căn cứ Trung ương Cục, cùng Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã lãnh đạo đẩy mạnh cả đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Bình Giã đánh thắng Mỹ trận đầu ở miền Đông Nam Bộ. Từ tháng 3 đến tháng 7 năm 1965, đồng chí chỉ đạo mở chiến dịch Đồng Xoài. Ở Sài Gòn, biệt động đánh hàng loạt trận phối hợp, nhất là trận đánh Tòa Đại sứ Mỹ và cư xá Brinks. Khi quân Mỹ trực tiếp vào miền Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh cùng Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, đánh bại cuộc hành quân Junction City của quân Mỹ ở khu vực miền Đông Nam Bộ.

Sau ba năm ở chiến trường miền Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Bác Hồ và Bộ Chính trị triệu tập ra Bắc để báo cáo và thảo luận phương hướng, nhiệm vụ tiếp theo của cách mạng miền Nam. Khi đang chuẩn bị trở lại chiến trường, đồng chí lên cơn đau tim đột ngột. Mặc dù được Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh và các bác sĩ hết lòng cứu chữa, nhưng đồng chí không qua khỏi. Đồng chí từ trần vào sáng ngày 06 tháng 7 năm 1967.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là vị tướng tài đức vẹn toàn, đức độ “sáng trong như ngọc; tài năng thao lược xuất chúng. Là Đại tướng của quân đội, đồng chí cũng là Đại tướng của nhân dân được toàn dân, toàn quân kính yêu, mến mộ. Cuộc đời hoạt động hết mình vì Tổ quốc, vì nhân dân của đồng chí đã để lại một tấm gương mẫu mực.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối