Đất và người Long An

Đại tướng Hoàng Văn Thái

05/04/2023 04:03:28PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Gần nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, Đại tướng Hoàng Văn Thái được Đảng giao cho nhiều trọng trách. Trong bất cứ nhiệm vụ gì, đồng chí cũng nỗ lực hoàn thành xuất sắc, có nhiều cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân. Với tư chất và thực tiến hoạt động quân sự phong phú, đồng chí là một vị tướng tài năng, một nhà quân sự với nhiều chiến công trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, một nhà lý luận quân sự góp phần tổng kết, phát triển nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915 - 1986), còn nhỏ gọi là Hoàng Văn Xiêm, sinh tại làng An Khang, thuộc  tổng Đại Hoàng, nay là xã Tân An, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Thân phụ là Hoàng Thiện Thuật, một thầy giáo dạy chữ Nho, tham gia trong Hội văn thân yêu nước ở địa phương.

Năm 18 tuổi, Hoàng Văn Xiêm đi làm thợ mỏ than ở Hồng Gai và mỏ thiếc ở Cao Bằng, hoạt động trong phong trào công nhân do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, sau đó trở về Tiền Hải hoạt động. Tháng 5 năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Xiêm được kết nạp vào Đảng. Tháng 9 năm 1940, sau khi bị địch bắt và cho tại ngoại, tổ chức đã bí mật đưa đồng chí thoát ly khỏi địa phương với tên mới là Ngô Quốc Bình.

Tháng 4 năm 1941, đồng chí Ngô Quốc Bình có mặt ở Bắc Sơn, tham gia Đội du kích Bắc Sơn, sau đổi tên là Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn. Tháng 9 năm 1941, đồng chí Ngô Quốc Bình là Đoàn trưởng số 30, đồng chí được Tổng bộ Việt Minh lựa chọn đi học quân sự tại Trường quân sự Liễu Châu (Quảng Tây, Trung Quốc). Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, đồng chí Ngô Quốc Bình (Hoàng Văn Thái) là đội viên có vinh dự cắm lá cờ đỏ sao vàng trong Lễ thành lập, Ngay sau Lễ thành lập, theo gợi ý của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Văn Thái sáng tác bài hành khúc “Phất cờ Nam tiến” bài hát đầu tiên của quân đội ta. Đồng chí cùng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đánh đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần, mở ra truyền thống đánh thắng trận đầu của quân đội. Trong trận Phai Khắt, đồng chí được phân công cắm cờ chiến thắng trước cổng đồn địch.

Tại Hội nghị cán bộ vùng giải phóng tại Định Biên Thượng, Định Hóa, Thái Nguyên, đồng chí Hoàng Văn Thái được bầu vào Khu ủy Khu Nguyễn Huệ. Cuối tháng 5 năm 1945, đồng chí được giao làm Hiệu trưởng Trường Quân chính kháng Nhật, trực tiếp phụ trách khóa I. Đầu tháng 8 năm 1945, đồng chí Hoàng Văn Thái tới Tân Trào chỉ đạo khởi nghĩa ở Lục Yên, Yên Bình (Yên Bái).

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chị Minh gợi ý đồng chí Võ Nguyên Giáp xây dựng cơ quan tham mưu và chọn người làm Tổng Tham mưu trưởng. Theo đề xuất của đồng chí Võ Nguyên Giáp, ngày 07 tháng 9 năm 1945, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tổ chức cơ quan tham mưu cho đồng chí Hoàng Văn Thái. Đồng chí đã nhanh chóng tổ chức, chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu đi vào hoạt động, kịp thời xây dựng các đội quân Nam tiến chỉ 3 ngày sau khi Pháp gây hấn ở Nam Bộ.

Ngày 26 tháng 6 năm 1946, để chuẩn bị cho Thủ đô kháng chiến, đồng chí Hoàng Văn Thái công bố quyết định thành lập 3 trung đội pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh với yêu cầu “sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Thủ đô” Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, đồng chí Hoàng Văn Thái trực tiếp chỉ huy chiến đấu trên Mặt trận Bắc Cạn - Đường số 3. Ngày 20 tháng 01 năm 1948, đồng chí Hoàng Văn Thái được phong quân hàm Thiếu tướng. Tháng 4 năm 1948, thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Văn Thái chỉ đạo xuất bản số đầu tiên Tạp chí Quân sự tập san (sau này là Tạp chí Quân đội nhân dân, Quốc phòng toàn dân). Cuối năm 1948, đồng chí chỉ đạo thống nhất dùng ký hiệu chữ cái cho các đơn vị quân đội (Tiểu đội: a; Trung đội: b; ...); ký hiệu màu sắc trong các bản đồ tác chiến. Đầu tháng 4 năm 1950, đồng chí chủ trì Hội nghị quân huấn toàn quân. Tại đây, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái yêu cầu chỉ huy các cấp và cơ quan tham mưu phải tập trung chuẩn bị và xây dựng các binh đoàn chủ lực mạnh, phục vụ các chiến dịch lớn. Đồng chỉ khẳng định: Từ nay, công tác tham mưu phải thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Tổ chức, chỉ huy chiến đấu, quản lý và huấn luyện bộ đội.

Tháng 7 năm 1950, thực hiện chủ trương của Đảng mở Chiến dịch Biên giới, đồng chí Hoàng Văn Thái cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp thị sát Cao Bằng, cân nhắc cách đánh, chọn hướng tiến công. Tháng 8 năm 1950, Đảng ủy và Bộ Chí huy chiến dịch quyết định chọn cứ điểm Đông Khê để đánh trận mở màn. Đồng chí Hoàng Văn Thái được phân công kiêm Tham mưu trưởng Chiến dịch Biên giới, trực tiếp làm Chỉ huy trưởng Mặt trận Đông Khê. Chiến dịch Biên giới, với chiến thắng mở màn Đông Khê đã giải phóng một vùng biên giới rộng lớn, với hàng vạn dân, khai thông cửa ngõ biên giới với nước bạn Trung Quốc. Đó còn là chiến dịch đánh dấu bước chuyển chiến lược của cuộc kháng chiến chống Pháp sang thế chủ động tiến công.

Nửa đầu năm 1951, đồng chí Hoàng Văn Thái trực tiếp tham gia chỉ huy 3 chiến dịch lớn ở trung du và đồng bằng sông Hồng. Từ cuối năm 1951 đến đầu năm 1953, đồng chí được chỉ định làm Tham mưu trưởng 3 chiến dịch: Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Hoàng Văn Thái là Tham mưu trưởng, góp phần vào chiến công chung của chiến dịch lịch sử này.

Năm 1960, tại Đại hội Đảng lần thứ III, đồng chí Hoàng Văn Thái được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng. Khi Trung ương Đảng giao cho Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý và chỉ đạo phong trào thể dục thể thao, đồng chí Hoàng Văn Thái là Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn và Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao Nhà nước. Trong những hăm từ 1963 đến 1965, đồng chí Hoàng Văn Thái được Quân ủy Trung ương phân công làm Trưởng ban Tổng kết chiến lược của Quân ủy. Với hiểu biết sâu rộng và kiến thức thực tiễn quân sự phong phú, đồng chí đã chỉ đạo và trực tiếp viết nhiều luận văn quân sự rất có giá trị về lý luận và thực tiễn.

Tháng 02 năm 1966, đồng chí Hoàng Văn Thái nhận nhiệm vụ vào truyền đạt Nghị quyết Trung ương 12 cho các đồng chí lãnh đạo chỉ huy ở miền Nam. Sau khi hoàn thành truyền đạt Nghị quyết, đồng chí Hoàng Văn Thái được Đảng chỉ định làm Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Dưới sự lãnh đạo sâu sát của đồng chí, phong trào đánh Mỹ, diệt ngụy ở Khu 5 phát triển mạnh.

Giữa năm 1967, đồng chí Hoàng Văn Thái được Trung ương điều vào B2 làm Phó Bí thư Trung ương Cục. Phó Bí thư Quân ủy Miền, Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Cùng với các đồng chí trong Trung ương Cục, đồng chí Hoàng Văn Thái khẩn trương nắm bắt tình hình, tổ chức và chuẩn bị tác chiến. Khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 nổ ra, cùng với đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục, Tư lệnh Hoàng Văn Thái trực tiếp chỉ đạo chiến đấu.

Tháng 4 năm 1970, khi quân Mỹ và quân Sài Gòn mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Trung ương Cục, Quân ủy Miền quyết địch mở chiến dịch phản công ở Đông Bắc Campuchia do đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy chiến dịch. Những năm 1971 - 1972, đồng chí Hoàng Văn Thái cùng Trung ương Cục chỉ đạo hoạt động quân sự, phối hợp với các chiến trường giành tháng lợi lớn, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris.

Nhà Lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thái tại quê nhà.

Tháng 12 năm 1974, đồng chí trở về Bộ Tổng Tham mưu với chức vụ Tổng Tham mưu phó. Năm 1974, đồng chí được phong quân hàm Thượng tướng. Từ giữa năm 1974, đồng chí Hoàng Văn Thái cùng Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, được Hội nghị Bộ Chính trị thông qua ngày 08 tháng 01 năm 1975, Trong thời gian diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, đồng chí Hoàng Văn Thái cùng Bộ Tổng Tham mưu hoàn thành xuất sắc công tác bảo đảm tác chiến, bổ sung lực lượng và phương tiện chiến đấu cho các chiến trường.

Sau khi nước nhà thống nhất, đồng chí Hoàng Văn Thái giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách công tác tổng kết khoa học Lịch sử quân sự, công tác nhà trường và cán bộ. Năm 1980, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3 năm 1982), đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng (trước đó, đồng chí đã là Ủy viên Trung ương Đảng khóa III và IV).  Ngày 02 tháng 7 năm 1986, đồng chí Hoàng Văn Thái bị bệnh nặng và qua đời ở tuổi 71.

Trung Ngô

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối