Đất và người Long An

Côn Đảo tháng 7 - hành trình tưởng niệm và tri ân

16/07/2022 06:56:11PM
Màu chữ Cỡ chữ

Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022), từ ngày 15 đến 17/7, Đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An do đồng chí Huỳnh Văn Thanh – Phó Trưởng Ban thường trực làm trưởng đoàn đã đến dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

mũi Cá Mập

Cảm giác của mỗi thành viên trong đoàn thật hồi hộp và háo hức khi được đặt chân lên con tàu cao tốc từ bến Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) chuẩn bị cho chuyến ra thăm Côn Đảo. Bởi đã hơn 2 năm nay kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát thì không một ai có cơ hội được đi xa đến vậy. Tới giờ tàu khởi hành rời bến, nhìn từ cửa sổ con tàu, xa xa thấy toàn nước trắng xóa, với những đợt sóng cao, nhấp nhô hiện ra mờ ảo. Vào gần đến đảo, những cơn sóng đang dữ dội và ồn ào kia chợt phẳng lặng như mặt nước hồ thu êm ả, thật đúng như miêu tả của nữ thi sĩ của Xuân Quỳnh đã viết trong bài thơ Sóng:

“Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sóng không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

bãi Nhát

Sau 2 giờ 5 phút khởi hành, tiếng cô tiếp viên con tàu thông báo: “Tàu chuẩn bị cập cảng Bến Đầm – Côn Đảo, đề nghị quý khách kiểm tra lại đồ dùng cá nhân để chuẩn bị rời tàu…”. Nhiều người hướng mắt về phía cửa sổ như muốn nhìn rõ Côn Đảo từ biển khơi để hình dung miền đất ấy thế nào, nhất là hình dạng của nó giữa mênh mông biển cả.

bãi Đá Trắng

Trưa ngày 16/7/2022, Côn Đảo chào đón chúng tôi bằng những tia nắng vàng rực rỡ sau mấy ngày bị ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới, thời tiết hôm nay thật đẹp! Con đường từ cảng Bến Đầm vào trung tâm huyện đảo dài khoảng 13 km được tráng nhựa phẳng lì nhưng quanh co, hiểm trở với một bên biển, một bên núi, nhìn đâu cũng thấy hoang sơ, chúng tôi cảm thấy mình dường như nhỏ bé, yếu ớt trước những cơn gió lồng lộng, mát rười rượi thổi vào từ phía biển. Xe đưa chúng tôi đi ngang qua Bãi Nhát, bãi Đá Trắng, mũi Cá Mập...

Thắp hương tưởng niệm trước Đài Liệt sĩ

Địa điểm đầu tiên chúng tôi viếng thăm là Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương với “...bao lớp gò xương chất/Chuồng cọp hàng giờ máu lệ rơi”... Tất cả mọi người như lặng đi khi nghe cô hướng dẫn viên nói về lịch sử bi tráng của Nghĩa trang. Trong 113 năm tồn tại của nhà tù Côn Đảo, đã có khoảng 20.000 tù nhân bị lưu đày và sát hại tại đây; trong đó có những nhà yêu nước nổi tiếng: Nguyễn An Ninh, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, Phạm Thành Trung, Lưu Chí Hiếu…

Trong không khí trang nghiêm thành kính, Đoàn đã dâng hương tại đài liệt sĩ, mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Anh hùng lượng vũ trang Võ Thị Sáu. 

Thăm mộ Liệt sĩ trong Nghĩa trang hàng Dương

Tại nghĩa trang Hàng Dương, hiện có 1.921 phần mộ của các liệt sỹ, chiến sỹ nhưng chỉ có trên 700 ngôi mộ xác định được tên tuổi, quê quán vì trong quá trình bị địch bắt tù đày có nhiều đồng chí đã giữ vững khí tiết và bí mật cho cơ sở nên đã khai tên tuổi, quê quán giả…Đa phần các mộ ở đây không quy tập mà vẫn giữ nguyên vị trí và giữ nguyên trạng mộ đá từ trước, trong đó có cả những phần mộ tập thể lên tới 14 liệt sỹ (bị địch tử hình cùng ngày). Với ý nghĩa hào hùng ấy, Nghĩa trang Hàng Dương chính là nơi thể hiện cho lòng yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc và là niềm tự hào của người dân Việt Nam.

“Đây là một trong những hoạt động của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những hoạt động về nguồn nhằm giúp cho cán bộ của Ban được tiếp cận thực tế, bổ sung thêm nhiều kiến thức, góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền giáp dục lịch sử cách mạng và biên giới, biển, đảo Tổ quốc” – đồng chí Huỳnh Văn Thanh – Phó Trưởng Ban thường trực cho biết.

Bảo tàng Côn Đảo

Rời Nghĩa trang Hàng Dương, chúng tôi đến thăm Bảo tàng, Nhà tù, Trại giam nơi trước đây giam cầm hàng chục ngàn người yêu nước, cán bộ, chiến sĩ kiên trung. Theo tài liệu lịch sử huyện Côn Đảo, sau 4 năm nổ súng xâm lược Việt Nam, năm 1862 thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ đã xây dựng ở Côn Đảo hệ thống các nhà tù, trại giam. Lần lượt các chí sĩ yêu nước: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh…; nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung nổi tiếng của cách mạng Việt Nam: Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Thị Sáu, Võ Thị Thắng… bị chúng lưu đày, giam cầm tại đây.

trại Phú Hải

Chiến tranh xâm lược, sự đô hộ và áp bức của thực dân Pháp và các thế lực đế quốc xâm lược đã biến Côn Đảo thành địa ngục trần gian. Đến nơi này và tận mắt chứng kiến sự dã man của thực dân, đế quốc, chúng tôi mới cảm nhận hết được ý chí quật cường của những chiến sĩ cách mạng. Những cái tên trại tù Phú Hải, trại Phú Tường hay còn gọi chuồng cọp Pháp, trại giam Phú Bình hay còn gọi chuồng cọp Mỹ, Khu biệt lập chuồng bò... mà từ trước đến nay chúng tôi chỉ được nghe, thấy qua sách báo, tranh ảnh thì giờ đây nó đang hiển hiện, phơi bày thực tế. 

trại Phú Tường

Chúng tôi đã đứng lặng hồi lâu trước những trại giam, nghĩa địa tù… lặng người trước những câu chuyện kể về tội ác của kẻ địch, về tình người, tình đồng chí, về sự chịu đựng, hi sinh…Dường như ở nơi đây mỗi tảng đá, mỗi gốc cây, mỗi thảm cỏ, mỗi lối đi trong trại giam đều thấm đẫm mồ hôi và máu của những tù nhân cách mạng trong hơn một thế kỷ đấu tranh. Mỗi hiện vật, mỗi ngôi mộ, xà lim, hầm tối…không chỉ là một số phận, một chứng tích tội ác của thực dân - đế quốc mà còn âm vang những trang sử hào hùng của cuộc đấu tranh trong tù, tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Chính tinh thần và dũng khí đó đã hun đúc nên những giá trị cao quý và truyền lại để tạo sức mạnh và niềm tin vững chắc cho thế hệ chúng tôi hôm nay.

Anh Hồ Văn Tùng, Trưởng Phòng TTTT & LLCT tâm sự: “Về Côn Đảo hôm nay, mỗi chúng tôi không chỉ dâng trào những cảm xúc lòng tự hào dân tộc mà còn tự nhắn nhủ mình phải sống tốt hơn, hướng về nguồn cội, trân trọng những giá trị tốt đẹp, những điều may mắn mà mình đang được nhận để xứng đáng với sự hy sinh của của biết bao anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống”. 

P.TTTT & LLCT

 

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối