Đất và người Long An

Côn Đảo – một trường học lớn đối với các thế hệ mai sau

17/07/2022 04:20:38PM
Màu chữ Cỡ chữ

Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng. Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại. Côn Đảo là một trường học lớn đối với các thế hệ mai sau…” (Trích bài nói chuyện của đồng chí Lê Duẩn- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong chuyến ra thăm quan Côn Đảo ngày 27/08/1976).

Những ngày tháng 7, Côn Đảo lại đón các đoàn khách từ khắp mọi miền đất nước về đây để được thắp nén tâm hương tại Nghĩa trang Hàng Dương - nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sỹ cách mạng hay tham quan hệ thống di tích lịch sử trên đảo. Côn Đảo đã gắn liền với những trang sử hào hùng bi tráng của dân tộc không thể quên trong quá khứ, những dấu tích để lại đến ngày nay đã tạo cho Côn Đảo trở thành một vùng đất huyền bí, hoang sơ nhưng rất đỗi linh thiêng trong vùng biển Nam bộ.

Tiếp tục cuộc hành trình ngày thứ 2 của chuyến đi, hôm nay 17/7, chúng tôi đến thăm An Sơn Miếu (Miếu Bà Phi Yến), Chùa Núi Một (Vân Sơn tự) và chợ Côn Đảo.

An Sơn Miếu (Miếu Bà Phi Yến) – ngôi Miếu cổ dưới chân núi Thánh Giá

An Sơn Miếu (Miếu Bà Phi Yến)

Di tích An Sơn Miếu (Miếu bà Phi Yến) nằm ở ngay khu vực trung tâm thị trấn Côn Đảo, khoảng 2km về phía Tây Nam, gần với những điểm tham quan nổi tiếng như Bảo tàng Côn Đảo, bãi biển An Hải, bãi biển Đất Dốc... An Sơn Miếu được người dân địa phương xây dựng vào năm 1785, đến năm 1861 do thực dân pháp chiếm đóng đảo và rời dân cư vào đất liền nên ngôi miếu bị bỏ hoang. Đến năm 1958, nhân dân trên đảo đã cùng nhau xây dựng lại An Sơn Miếu khang trang hơn và hương khói thờ phụng cho đến ngày hôm nay.

Theo tài liệu của Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Côn Đảo, năm 1783, Nguyễn Ánh bôn đào ra Côn Đảo để tránh sự theo dõi của lực lượng Tây Sơn. Vì thất bại liên tục nên ông đưa hoàng tử Hội An (có tên tục là hoàng tử Cải) tháp tùng cùng Bá Đa Lộc sang Pháp làm con tin để cầu viện. Lúc ấy – thứ phi của Chúa Nguyễn Ánh là Lê Thị Răm, ngỏ lời khuyên Chúa Nguyễn Ánh rằng: “Việc đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghĩ chúa công không nên nhờ vả ngoại bang, nếu thắng được Tây Sơn thì chẳng vẻ vang gì mà e còn lắm điều rối rắm về sau…”.

Chỉ mấy điều khuyên can ấy mà Chúa Nguyễn Ánh nổi trận lôi đình, nghi bà Phi Yến có ẩn ý thông đồng với quân Tây Sơn. Nếu không có các quan cận thần hết lời xin giảm án cho bà, ắt bà không thoát khỏi tội chém đầu. Tuy nhiên, Nguyễn Ánh vẫn truyền lệnh giam cầm bà vào một hang đá trên hòn đảo hoang vắng nằm về phía Tây Nam của quần đảo Côn Đảo (Hòn Bà ngày nay), về sau Bà được hai vật trung thành là Hắc hổ và Bạch vượn cứu đưa về làng Cỏ ống.

Rằm tháng 10 năm Ất Hợi (1785) dân làng An Hải mời Bà từ làng Cỏ Ống về dự lễ đàn chay. Trong làng có tên đồ tễ Biện Thi, thấy Bà là người có nhan sắc nên nửa đêm lẻn vào phòng Bà toan giở trò đồi bại, hắn vừa chạm vào cánh tay, Bà liền tỉnh giấc tri hô. Vì bị súc phạm tiết hạnh, nên Bà đã tự chặt cánh tay mà tên đồ tễ chạm vào rồi tự vẫn. Để ghi nhớ công ơn và đức độ của Bà, dân làng đã lập miếu thờ. Ngày 18/4/2007, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra quyết định số 1442/QĐ-UB công nhận di tích An Sơn Miếu là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Bàn thờ Bà Phi Yến

Đặt chân đến An Sơn Miếu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp đầy huyền bí của ngôi Miếu cổ này. An Sơn Miếu được xây dựng theo hình chữ Nhất, có vị trí khá đắc địa về mặt phong thủy với lưng tựa vào núi Thánh Giá – ngọn núi cao nhất Côn Đảo, mặt hướng ra Hòn Bà nằm giữa bốn bề tiếng sóng biển từ trùng khơi vỗ về... Bao quanh Miếu là không gian hùng vĩ với lớp lớp cây xanh đại ngàn ngân nga khúc nhạc tiếng lá rừng lao xao gọi gió du dương, êm ái - một trạng thái hoàn toàn khác với thế giới ầm ào, sôi động của tiếng sóng biển vỗ bờ cách đó không xa. Bên ngoài miếu là một tấm bia đá, bên trên ghi lại câu chuyện truyền thuyết về bà Phi Yến và Hoàng tử Cải - hai người đã có công rất lớn giúp đỡ cuộc sống của người dân Côn Đảo. Bước qua cổng tam quan được thiết kế độc đáo với mái đao cong vút hình đầu rồng “cưỡi mây, phun nước” in trên nền trời xanh, là khoảng sân rợp mát bóng cây cổ thụ, trong đó có 3 cây thị rừng hàng trăm năm tuổi được công nhận là “Cây Di sản”.

Bên trong chính điện của Miếu đặt một bức tượng của bà Phi Yến, ngoài ra còn thờ đô đốc Ngọc Lân và các vị thần theo quan niệm Phật giáo. Kiến trúc bên trong An Sơn Miếu khá đơn giản, không gian tĩnh lặng, linh thiêng với những bức hoành phi chạm khắc tỉ mỉ, quanh năm nghi ngút khói hương.

Hàng năm, vào ngày 17/10 âm lịch, người dân Côn Đảo lại làm cỗ chay để tổ chức lễ giỗ cho Bà Phi Yến. Vào đêm 17/10, Ban tổ chức bắt đầu bày cúng các loại hoa quả, xôi, chè và đãi khách thập phương. Ngày 18/10 âm lịch, lễ giỗ chính thức bắt đầu. Lễ vật là hương hoa, bánh và ngũ quả được xếp thành từng mâm đẹp mắt. Người dân ở Côn Đảo cùng nhau đến miếu để cúng dâng những vật phẩm và thành tâm cầu xin những điều tốt lành. Sau đó, họ tham gia các hoạt động văn nghệ, vui chơi được tổ chức ở đây. Sau phần tế lễ, người dân cùng du khách sẽ được thưởng thức những món chay do người dân các khu dân cư quyên góp và chế biến.

Lễ giỗ Bà Phi Yến mang ý nghĩa đặc biệt về văn hóa tinh thần, tâm linh của người dân Côn Đảo. Đây là niềm tự hào của nhân dân đồng thời cũng là trách nhiệm của chính quyền và người dân địa phương trong việc bảo vệ và phát huy những giá trị của di tích văn hóa địa phương.

Chùa Núi Một (Vân Sơn tự) -  ngôi chùa duy nhất tại Côn Đảo

Chùa Núi Một nhìn từ trên cao

Chùa Núi Một hay còn gọi Vân Sơn Tự cách trung tâm thị trấn Côn Sơn, huyện Côn Đảo khoảng 1.6km. Chùa có lối kiến trúc đậm nét Phật giáo với vị trí tuyệt đẹp, lưng tựa vào núi Một, mặt hướng ra biển vịnh Côn Sơn và hồ sen An Hải.

Từ cổng tam quan nằm sau Di tích Sở Muối, chúng tôi theo con đường 200 bậc thang nép mình dưới tàn cây cổ thụ đến vãng cảnh Chùa, hai bên đường xào xạc tiếng lá rừng, tiếng chim hót.

Hướng nhìn ra biển

Giữa cái nắng trưa hè tháng 7, trời trong xanh không một gợn mây, Chùa Núi Một nổi bật bởi màu mái ngói đỏ tươi giữa rừng cây cổ thụ, bốn bề sóng biển tung bọt trắng xóa giống như một tuyệt phẩm thủy mặc.

Chùa được xây dựng năm 1964, theo kiểu “chữ tam” với mô típ kiến trúc Thiền của phái Trúc Lâm Yên Tử, nhằm phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho các gia đình những người làm việc trong bộ máy hành chính, các quan chức binh sỹ sinh sống trên đảo. Ngoài ra, việc xây dựng chùa còn có mục đích dùng để che mắt dư luận quốc tế, báo chí về hệ thống cai trị tù nhân tàn bạo, khốc liệt dưới chế độ Mỹ ngụy thời bấy giờ.

Điểm đặc biệt là Chùa có tượng Quan Âm Bồ Tát cao 2m đứng trên đài sen, tay cầm bình nước cam lộ trước khuôn viên và kiến trúc điêu khắc được trạm trổ tinh tế, những cột gỗ to lớn, bề thế một người ôm không hết.

Trải qua những năm tháng khói lửa với nhiều lần trùng tu, hiện nay Chùa Núi Một là một công trình đặc biệt về văn hóa, danh thắng, là di tích lịch sử của Côn Đảo. Chùa là nơi để người dân trên đảo và các đoàn khách thập phương đến cầu nguyện, tưởng nhớ những anh hùng, liệt sỹ đã hi sinh vì tổ quốc.

Côn Đảo hôm nay

Thị trấn Côn Đảo

Rời Chùa Núi Một, ai cũng háo hức được tự do ngắm cảnh đường phố thị trấn, dạo Chợ Côn Đảo mua ít quà trước khi khởi hành về đất liền.

Côn Đảo hôm nay không chỉ có các di tích, địa danh gắn liền với những mất mát, hy sinh xương máu của cha ông trong lịch sử đấu tranh cách mạng mà còn là một hòn đảo đang trở mình thức giấc với sự phát triển của các khách sạn, khu resot nghỉ dưỡng, các dịch vụ du lịch, nghề cá... Côn Đảo đã xây dựng nhiều tour tham quan các khu di tích lịch sử, du lịch sinh thái tham quan mưa rừng nhiệt đới, lặn biển ngắm san hô và xem rùa đẻ trứng, tham quan các hòn đảo nhỏ,...thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Mạng lưới thông tin liên lạc, phương tiện đi lại giữa đảo và đất liền khá thuận lợi, mỗi ngày có nhiều chuyến tàu cao tốc, máy bay đưa khách ra vào đảo.

Thị trấn Côn Đảo với những ngôi nhà mới khang trang nép dưới các tàn cây cổ thụ, bên vách núi cao vút; những con đường thơ mộng uốn lượn quanh bờ biển xanh biếc ngày đêm rì rào tiếng sóng...mang lại cho chúng tôi cảm giác thật bình yên.

Chợ Côn Đảo

Chúng tôi ghé vào Chợ Côn Đảo mua một ít quà lưu niệm. Chợ có 3 khu riêng, khu bán đồ lưu niệm, khu bán rau củ quả và khu bán đồ khô và hải sản tươi sống. Khu bán lưu niệm có các gian hàng bán đồ lưu niệm thường thấy như quần áo, mũ, vòng, khăn... và một số sản phẩm lưu niệm thủ công khác. Ngoài ra cạnh các gian hàng bán đồ lưu niệm còn có hàng hoa và gian hàng bán vàng mã để du khách mua tới viếng mộ các anh hùng liệt sĩ và mộ chị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương. Đây cũng là những gian hàng đông khách nhất ở chợ Côn Đảo. Khu bán rau củ quả hầu hết đều được nhập từ đất liền nên giá hơi cao. Đi sâu vào phía trong, chúng tôi bắt gặp ngay hai dãy bán hải sản tươi sống rất đông đúc và nhộn nhịp. Hải sản Côn Đảo chủ yếu là các loại ốc biển (nổi tiếng nhất là ốc vú nàng); cá nước ngọt, nước mặn; các loại tôm như tôm tít (bề bề), tôm mũ ni, các loại tôm biển; cua, ghẹ; mực (mực ống, mực lá, mực mai...).

Hàng khô trong Chợ Côn Đảo

Tạm biệt Côn Đảo, xe đưa chúng tôi ra Cảng Bến Đầm để trở về với đất liền, với bao bộn bề lo toan cuộc sống nhưng chuyến đi này đã mang tới cho mỗi thành viên trong đoàn những trải nghiệm và nhiều bài học hết sức sâu sắc: Chúng tôi – những cán bộ ngành Tuyên giáo phải luôn hướng về nguồn cội, trân trọng những giá trị tốt đẹp. Liên tục học tập và trau dồi kiến thức (bởi tại các khu nhà tù Côn Đảo, nơi tưởng như chỉ có sự tra tấn và đau khổ, thì những người tù đó vẫn tích cực học tập, đọc sách), vậy thì chúng tôi, những con người sinh ra trong hoàn cảnh tốt như hiện nay, lại càng phải chăm chỉ học tập hơn nữa. Luôn đoàn kết tập thể để có một môi trường làm việc thoải mái, một tổ chức mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và trong những tình cảnh khó khăn nhất, vẫn phải luôn luôn lạc quan, giữ vững ý chí như những chiến sĩ trong nhà tù Côn Đảo.

Đối với chúng tôi, Côn Đảo chính là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục đạo đức cho mỗi người một cách thiết thực nhất, không giáo điều, không sách vở và cũng là nơi truyền ngọn lửa cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

“Côn Đảo mênh mông giữa biển trời

Trùng dương vỗ nhịp sóng xa khơi

Hàng dương bao lớp gò xương chất

Chuồng cọp hàng giờ máu lệ rơi

Tội ác ngàn năm còn nhớ mãi

 Hận thù vạn kiếp vẫn không nguôi

Kiên trung bất khuất đâu lùi bước

Ánh đuốc Côn Lôn mãi sáng ngời”

(Trích “Côn Lôn bất khuất”)

P.TTTT & LLCT

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối