Đất và người Long An

Chùa Tôn Thạnh

21/03/2022 11:16:54AM
Màu chữ Cỡ chữ

Chùa Tôn Thạnh thuộc ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc. Là một ngôi chùa đã nổi tiếng từ lâu trong lịch sử và văn học – một di tích lịch sử đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng cấp quốc gia năm 1997.

Chùa Tôn Thạnh ban đầu có tên là chùa Lan Nhã được thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808 (Theo Đại Nam Nhất Thống Chí - tập 5 - quyển 31). Thiền sư có thế danh là Nguyễn Ngọc Dót, con của ông Nguyễn Ngọc Bình và bà Trà Thị Huệ ở làng Thanh Ba, tổng Phước Điền Trung, huyện Phước Lộc (Theo bản lưu ký bằng chữ hán khắc trên gỗ do Tri huyện Phước Lộc Võ Văn Kiết soạn - hiện còn ở chùa Tôn Thạnh). Từ còn niên thiếu, ông đã có tâm mộ đạo và nhiều lần xin phép song thân xuất gia đầu Phật. Ban đầu thiền sư tu học ở chùa Vĩnh Quang, gần chợ Trường Bình, được sư phụ đặt cho pháp danh là Viên Ngộ. Năm Gia Long thứ 7 (1808) sư Viên Ngộ đến làng Thanh Ba (nay thuộc xã Mỹ Lộc) cất chùa Lan Nhã – đó chính là chùa Tôn Thạnh hiện nay. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, đây là ngôi chùa “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” nổi tiếng ở đất Gia Định xưa. Thiền sư còn cho đúc tượng Địa Tạng bồ tát bằng đồng để thờ trong chùa.

Ảnh từ Internet

Theo Sách Di tích Quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch biên soạn, Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản năm 2021, sinh thời, Thiền sư không những là một người con có hiếu mà còn là một người đầy lòng từ bi bác ái. Khi cha bị bệnh, thiền sư đã thề trước phật đài là sẽ “trường tọa” 10 năm để kéo dài tuổi thọ cho cha. Năm Minh Mạng nguyên niên (1820) trong vùng có dịch đậu mùa, sư Viên Ngộ đã nguyện “trì kinh niệm Phật, chung thân tịch cốc” để cầu cho nhân dân thoát khỏi cơn tai ách. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), ông thấy mình đã xuất gia 40 năm mà chưa đắc đạo nên tịch thủy 49 ngày rồi viên tịch. Pháp thân của ông được tăng chúng an táng ở bảo tháp phía Tây chùa Tôn Thạnh. Tưởng nhớ đến một thiền sư suốt đời hy sinh thân mình để đem lại điều lành cho chúng sinh, nhân dân đã gọi chùa Tôn Thạnh là chùa Tăng Ngộ hay chùa Ông Ngộ.

Tháng 3/1861, thực dân Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp đã diễn ra, trong đó có người nông dân chân đất đầu trần. Đêm 16/12/1861, nghĩa quân đồng loạt tấn công vào các đồn giặc ở Cần Giuộc, Gò Công và Tân An. Tại Cần Giuộc, nghĩa quân đã đánh úp đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình, đốt nhà thờ, giết viên tri huyện người Pháp và một số lính Mã-tà, Ma-ní. Giặc Pháp phải huy động tàu chiến đến sông Cần Giuộc bắn đại bác dữ dội lên đồn mới đẩy lui được nghĩa quân. Trong trận này, 15 nghĩa quân đã anh dũng hy sinh.

Ảnh từ Internet

Thời gian này, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu về đất Thanh Ba, lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học, làm thơ và làm thuốc từ năm 1859 đến năm 1861. Cảm khái trước tấm lòng vị nghĩa vong thân của những người “dân ấp dân lân”, nhà thơ đã sáng tác nên bài “Văn tế nghĩa dân chết trận Cần Giuộc” mà sau này mọi người quen gọi là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Với lời lẽ vô cùng bi tráng, thống thiết, kiệt tác văn chương này đã làm rung động mãnh liệt tâm hồn, tình cảm của nhân dân cả nước. Khi bài văn tế này lan truyền tới kinh đô Huế, vua Tự Đức đã ra lệnh phổ biến rộng rãi cho các địa phương trong cả nước. Hai người con của vua Minh Mạng là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và Mai Am công chúa đã ca ngợi là: “Thư sinh giết giặc bằng ngòi bút”“Quốc ngữ một thiên truyền mãi mãi”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã có nhận xét: “Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả thật là sinh động và não nùng cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước. Bài văn tế Nghĩa sĩ cần Giuộc là khúc ca của người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang”.

Ảnh từ Internet

Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, chùa Tôn Thạnh không còn nguyên vẹn như xưa. Thay vào đó là một tổng thể kiến trúc bao gồm tiền điện, chánh điện, nhà giảng, đông lang, tây lang mái lợp ngói, tường gạch. Tuy nhiên chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX, và các hoành phi câu đối chữ hán sơn son thếp vàng. Bên phải chùa Tôn Thạnh hiện còn hai bia kỷ niệm được xây dựng  vào năm 1973 và 1997 để lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Trong chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng cổ có giá trị nghệ thuật mang phong cách thế kỷ 19. Ðặc biệt là pho tượng Bồ tát Ðịa Tạng bằng đồng được đúc tại chùa.

Từ năm 2003 đến nay, chùa Tôn Thạnh đã được trùng kiến theo lối kiến trúc cổ truyền. Đến viếng chùa Tôn Thạnh, thăm lại một danh lam của đất Gia Định xưa, thắp nén nhang tưởng niệm trước bảo tháp của vị cao tăng Viên Ngộ và tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ngày nào đã từng viết nên áng văn tuyệt tác.

 Trung Ngô

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối