Đất và người Long An

Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Ngô Gia Tự

22/03/2023 02:30:52PM
Màu chữ Cỡ chữ

   Đồng chí Ngô Gia Tự là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Sống, chiến đấu vì lý tưởng, chết cũng vì lý tưởng cao đẹp, Ngô Gia Tự đã nêu lên một lẽ sống của người cộng sản, như đồng chí thường nói: "Người đảng viên phải bảo vệ Đảng. Ta vì Đảng, vì cách mạng mà hy sinh, đừng vì ta mà cách mạng bị hy sinh”.

Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 03 tháng 12 năm 1908, trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước, tại Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Thân phụ đồng chí Ngô Gia Tự là cụ Ngô Gia Du, làm nghề dạy học, có tình thần yêu nước, được dân làng kính trọng, quen gọi là cụ Đồ Du, từng tham gia phong trào Đông Kinh nghĩa thục và Khởi nghĩa Yên Thế. Thân mẫu Ngô Gia Tự là cụ Ngô Thị Bảy, một người phụ nữ đảm đang, nhân hậu, rất mực yêu thương chồng con.

Sau một thời gian học chữ Nho, Ngô Gia Tự được cha cho học chữ Quốc ngữ, rồi vào học Trường kiêm bị Pháp - Việt ở thị xã Bắc Ninh, sau đó lên Hà Nội học ở Trường Bưởi.

Những năm học ở Trường Bưởi, Ngô Gia Tự luôn là một học trò xuất sắc. Sớm được tiếp xúc với trào lưu tư tưởng tiến bộ, Ngô Gia Tự đã hòa mình vào các hoạt động của học sinh, sinh viên, hăng hái tham gia phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Châu Trinh... Do tham gia vào các hoạt động yêu nước, Ngô Gia Tự bị đuổi học, mặc dù chỉ còn nửa năm nữa là ra trường. Ngô Gia Tự về quê dạy học và tự học để thi lấy bằng tú tài, thường xuyên liên lạc với bạn bè cùng chí hướng.

Cuối năm 1926, Ngô Gia Tự gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đầu năm 1927, Ngô Gia Tự được cử đi học lớp huấn luyện chính trị ở Bản Đáy (Trung Quốc); sau khi học xong, đồng chí được phân công về Bắc Ninh hoạt động. Ngô Gia Tự đã tích cực tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng, bí mật mở các lớp huấn luyện chính trị cho các hội viên. Đầu năm 1928, Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh - Bắc Giang được thành lập, Ngô Gia Tự được bầu làm Bí thư Tỉnh bộ, Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ.

Tháng 9 năm 1928, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp đã để ra chủ trương “vô sản hóa, đưa các hội viên vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điển để thâm nhập cuộc sống lao động và tự rèn luyện theo lập trường của giai cấp công nhân, tổ chức vận động công nhân đi theo con đường cách mạng. Đồng chí Ngô Gia Tự được phân công về “vô sản hóa” ở Hà Nội. Trong vai trò Ủy viên Kỳ bộ Bắc Kỳ, Ngô Gia Tự đã gấp rút cùng các đồng chí khác, địch và biên soạn nhiều tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin, mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng, trang bị lý luận và công tác “vô sản hóa” cho cán bộ, hội viên. Là người nhạy bén với thực tế, đồng chí Ngô Gia Tự vừa tổ chức triển khai vừa kịp thời tống kết phong trào “vô sản hóa” góp phần điều chỉnh việc lãnh đạo của Kỳ bộ, nhằm theo sát bước tiến của phong trào cách mạng.

Tháng 3 năm 1929, tại số nhà 5D, phố Hàm Long (Hà Nội), đồng chí Ngô Gia Tự và những thanh niên tiên tiến trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Tuân, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du... đã thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở trong nước. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Cộng sản đầu tiên, trong hai ngày 28 và 29 tháng 3 năm 1929, tại đồn điển Kim Đái, thuộc tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội), diễn ra Đại hội Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ. Với những luận giải sắc bén, giàu sức thuyết phục được đúc kết từ thực tiễn lãnh đạo phong trào cách mạng theo chủ trương, đường lối của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Ngô Gia Tự đã quy tụ được ý chí chung của Đại hội tán thành chủ trương thành lập Đảng Cộng sản ở Việt Nam và được Đại hội cử đi dự Đại hội Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Ngày 01 tháng 5 năm 1929, Đại hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên toàn quốc được tổ chức ở Hương Cảng (Trung Quốc), Ngô Gia Tự và Đoàn đại biểu Bắc Kỳ nêu ý kiến và kiên quyết bảo vệ quan điểm phải thành lập ngay Đảng Cộng sản ở Việt Nam để đáp ứng phong trào cách mạng đang lên cao của công nhân và nông dân, nhưng không được Đại hội chấp thuận. Đồng chí đã cùng hầu hết đại biểu Bắc Kỳ trở về nước.

Ngày 01 tháng 6 năm 1929, thay mặt Đoàn đại biểu đi dự Đại hội ở Hương Cảng, đồng chí Ngô Gia Tự đã dự thảo Tuyên ngôn, giải thích rõ việc Đoàn đại biểu Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ rút khỏi Đại hội, đồng thời kêu gọi công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam ủng hộ việc thành lập Đảng Cộng sản. Bản Tuyên ngôn được các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Kỳ bộ Bắc Kỳ tán thành và phân phát dưới dạng truyền đơn đi các địa phương.

Ngày 17 tháng 6 năm 1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập. Đồng chí Ngô Gia Tự được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Cuối tháng 7 năm 1929, đồng chí về Tam Sơn, thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

khu luu niem đồng chí Ngô Gia Tự tại tỉnh Bắc Ninh. Ảnh từ Internet

Sau cuộc họp ngày 21 tháng 7 năm 1929, đồng chí Ngô Gia Tự được Chấp ủy Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng cử vào Nam Kỳ gây dựng cơ sở cách mạng, vận động các tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ chuyển thành các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Đồng chí vừa vận động cách mạng vừa tiếp tục hòa mình vào phong trào “vô sản hóa” ở Sài Gòn, tranh thủ mọi cơ hội để tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động.

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo thống nhất toàn xứ, Ban Chấp ủy lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nam Kỳ được thành lập, do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí Ngô Gia Tự thường xuyên đi xuống cơ sở mở lớp bỗi dưỡng ngắn ngày cho cán bộ, đảng viên để nâng cao nhận thứcchính trị, cổ vũ tỉnh thần quyết tâm đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng.

Ngày 24 tháng 02 năm 1930, tại Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản ở Nam Kỳ, thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng chí Ngô Gia Tự đã ký quyết nghị chấp thuận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đêm 31 tháng 5 năm 1930, đồng chí Ngô Gia Tự không may bị sa vào tay địch trong lúc đang viết truyền đơn tại một cơ sở cách mạng ở Phú An trên sông Thị Nghè (Sài Gòn). Biết Ngô Gia Tự là một “yếu nhân của Đảng”, kẻ thù đã tra tấn đồng chí hết sức dã man, nhưng vẫn không lay chuyển được ý chí sắt đá của người cộng sản kiên trung. Sự gan đạ và sức chịu dựng phi thường của Ngô Gia Tự khiến cho tên Chánh mật thám Nam Kỳ phải thốt lên: “Đây quả thật là một anh hùng” Trải qua bốn lần xét xử, Ngô Gia Tự bị tòa án thực dân khép một án tử hình, ba án khổ sai chung thân, bị đày đi Côn Đảo.

Trong ngục tù đế quốc, cùng với đồng chí Hà Huy Giáp và một số đồng chí khác, đồng chí Ngô Gia Tự đã tham gia dịch nhiều tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin; tổ chức viết báo, nghiên cứu những đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam, rút kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng.

Ảnh từ internet

Là người có trình độ lý luận sắc sảo và hoạt động thực tiễn phong phú, đồng chí luôn tranh thủ mọi thời gian để cống hiến cho Đảng, truyền bá cho các chiến sĩ cộng sản và những người bạn tù kiến thức văn hóa, lý luận cách mạng, nâng cao nhận thức, xây đựng niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cách mạng, chủ động đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn đen tối của kẻ thù, bảo vệ uy tín của Đảng, phê phán tư tưởng thoát ly thực tế, ngại đổ máu, không dám tiến công kẻ thù trong anh em tù nhân, góp phần xây dựng và củng cố tổ chức Đảng trong nhà tù. Để kịp thời giúp Đảng khôi phục phong trào cách mạng, cuối trăm 1934, Chi bộ Nhà tù Côn Đảo quyết định cử đồng chí Ngô Gia Tự cùng bảy chiến sĩ cộng sản - những cán bộ có năng lực, được tôi luyện trong lao tù, vượt biển về đất liền hoạt động. Nhưng chiếc thuyền mong manh không chịu được sóng biển mùa gió chướng, đồng chí và các chiến sĩ trong đoàn đã anh dũng hy sinh tháng 01 năm 1935.

Trung Ngô (Tổng hợp)

Các tin khác

  • Đồng chí Phạm Văn Bạch, từ nhà trí thức đến Chủ tịch Ủy ban Kháng chính Hành chính Nam Bộ (27/04/2024)
  • 60 năm chiến thắng trận Hiệp Hoà (23.11.1963 – 23.11.2023) (31/10/2023)
  • Khu tưởng niệm 42 liệt sỹ Tiểu đoàn Đồng Nai (12/10/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (26/09/2023)
  • Võ Duy Vương (24/08/2023)
  • Thượng tướng Trần Văn Trà- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (02/08/2023)
  • Đồng chí Trần Thuần – Phó Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (30/07/2023)
  • Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (30/07/2023)
  • Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyển – Bí thư Tỉnh uỷ Gia Định (28/07/2023)
  • Đồng chí Phan Kiệm – Phó Bí thư Khu uỷ Sài Gòn-Chợ Lớn (27/07/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối