Thực tiễn - kinh nghiệm

Tiếng nói – một yếu tố quan trọng của người báo cáo viên

10/04/2021 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Trong một buổi tuyên truyền miệng, báo cáo viên là người “truyền lửa” cho người nghe cảm thụ được niềm vui, nỗi buồn, thái độ kiên quyết, niềm tin mãnh liệt từ nội dung bài nói, từ đó giúp người nghe nâng cao nhận thức, đi đến hành động thực tiễn… Để đạt được điều đó, một trong những yếu tố quan trọng của báo cáo viên là luyện “tiếng nói”.

Tiếng nói của con người thường được chia thành ba giọng: trung, cao, trầm. Trong một bài nói chuyện, để tạo sức hấp dẫn với người nghe, đòi hỏi báo cáo viên phải sử dụng đủ ba giọng trên. Giọng trung, thường dùng ở phần mở đầu bài nói, khi giải thích, khi nói những quá trình, sự kiện tương đối ít sôi nổi. Giọng cao, thể hiện tình cảm mạnh mẽ, lòng nhiệt tình, sôi nổi, lôi cuốn. Giọng trầm, diễn tả cung bậc của tình cảm khi buồn, hay những suy nghĩ sâu xa, khi ta gợi ý cho người nghe nhìn lại chính mình… Bên cạnh đó, ngôn ngữ nói tiếng Việt rất giàu hình ảnh, màu sắc, âm thanh, nhạc điệu, nếu báo cáo viên khai thác triệt để đặc điểm đó sẽ tạo nên sức mạnh truyền cảm của bài nói.

Trong quá trình trình bày một bài nói chuyện, báo cáo viên không nên nói một giọng đều đều dễ làm người nghe buồn ngủ. Có lúc nói nhanh, có lúc nói chậm, lúc trầm, lúc bổng; có lúc êm như tiếng suối, có lúc hùng dũng như thác đổ để cuốn hút người nghe, mới tạo nên hiệu quả cao trong tuyên truyền miệng. Đó là một vấn đề mang tính nghệ thuật. Để đạt được điều đó, phải qua rèn luyện thường xuyên mà thành.

Khi trình bày bài nói, người báo cáo viên phải sử dụng từ ngữ chính xác, dùng nhiều câu đơn cho người nghe dễ hiểu, đòi hỏi người báo cáo viên phải có nhiều vốn từ trong “kho” của mình.

Giọng nói của báo cáo viên sẽ tạo nên sức mạnh cho bài tuyên truyền. Vì vậy, đòi hỏi báo cáo viên phải thường xuyên rèn luyện chất giọng của mình, không nói ngọng, nói lắp, nói nhịu. Trong quá trình trình bày có thể sử dụng các câu kinh điển, văn, thơ… nhưng phải trúng, đúng, sát vấn đề sẽ góp phần làm tăng sự hấp dẫn, lôi cuốn, thuyết phục người nghe, nhất là đối với những người trẻ tuổi. Báo cáo viên có thể nói cùng một từ nhưng biểu thị nhiều ý nghĩa khác nhau chỉ bằng cách thay đổi giọng điệu.

Để tăng hiệu quả của bài tuyên truyền miệng, báo cáo viên cần rèn luyện 6 kỹ thuật điều khiển giọng nói sau:

 Nhấn giọng: Cùng một câu nói nhưng khi nhấn giọng ở những vị trí khác nhau sẽ tạo ra nhiều sắc thái ý nghĩa khác nhau. Người nghe sẽ không nhận ra đâu là vấn đề quan trọng trong bài nói chuyện của báo cáo viên nếu không nhấn giọng.

Tốc độ lời nói: Tốc độ nói trung bình của chúng ta thường là 100 đến 120 từ trên một phút nhưng khả năng nghe lại cao gấp 3 lần. Nghĩa là nếu báo cáo viên chỉ nói với tốc độ trung bình, người nghe sẽ còn thời gian để suy nghĩ những lập luận phản biện. Nói nhanh sẽ khiến tâm trí người nghe bị cuốn theo và không thể tập trung vào điều đó.

Từ đệm: Các từ đệm như “à”, “ừm”, “ờ”, “coi như là”, “cái vấn đề này”...  nếu thường bật ra liên tiếp khi nói sẽ làm cho người nghe khó chịu. Đây là thói quen vô thức được hình thành do lặp đi lặp lại nhiều lần mà nên. Là thói quen không tốt, đôi khi trở thành lỗi phổ biến và khó sửa của nhiều người đang làm công tác tuyên truyền miệng. 

Âm vực: Âm vực là độ cao, thấp của giọng nói. Để thuyết trình hiệu quả phải sử dụng thật tốt âm vực. Nhiều báo cáo viên lâu năm thường có những bí quyết để luyện âm vực của mình như uống trà nóng trước khi bắt đầu bài nói chuyện để tạo ra chất giọng vang và ấm.

Âm lượng: Rõ ràng người tuyên truyền sẽ chẳng thể thuyết phục được ai nếu đối tượng người nghe không nghe thấy ta nói gì. Có 2 yếu tố ảnh hưởng đến âm lượng giọng nói, một là do thiết bị khuyếch đại âm thanh, hai là do giọng nói của chính ta. Vì vậy, trước khi tiến hành buổi nói chuyện, báo cáo viên cần  kiểm tra thật kỹ âm thanh để mọi vị trí trong hội trường đều có thể nghe tiếng nói khi phát ra. Để giọng nói có âm lượng cao, hơi dài, báo cáo viên cần rèn luyện cách hít thở sâu bằng bụng; biết cách sử dụng kỹ thuật nhả chữ sao cho vừa đủ để tiết kiệm hơi, đừng cố hết sức nói ào ào vào micro sẽ “hết hơi". 

Ngắt giọng: Ngắt giọng là một thủ thuật thường được sử dụng để thu hút sự chú ý tối đa của khán giả. Thủ thuật này đặc biệt hiệu quả khi bạn đã tạo ra được cao trào trong bài thuyết trình của mình. Tuyệt đối không sử dụng ngắt giọng khi không khí khán phòng đang lắng xuống, khi đó, nếu ngắt giọng sẽ bị hiểu nhầm là kết thúc bài thuyết trình.

Mai Xuân

Các tin khác

  • Giải pháp nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết cho cán bộ, đảng viên ở xã, phường, thị trấn tỉnh Long An hiện nay (29/07/2022)
  • Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội ở Long An (09/05/2022)
  • Một số kỹ năng viết tin đăng tải lên Cổng/Trang tin điện tử (14/11/2021)
  • Kinh nghiệm thực tiễn tổ chức điều tra dư luận xã hội đạt hiệu quả (15/06/2021)
  • Một số kinh nghiệm trong công tác ban hành, sơ, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng (09/06/2021)
  • Một số điều báo cáo viên nên tránh khi thực hiện tuyên truyền miệng (04/04/2021)
  • Trang đầu 1 Trang cuối