Thực tiễn - kinh nghiệm

Một số điều báo cáo viên nên tránh khi thực hiện tuyên truyền miệng

04/04/2021 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Tuyên truyền miệng không chỉ là một khoa học mà còn là một nghệ thuật nói chuyện trước công chúng. Để tuyên truyền đạt hiệu quả cao nhất người báo cáo viên không chỉ nắm vững cơ sở khoa học của hoạt động tuyên truyền miệng mà còn phải biết sử dụng những kỹ năng, kỹ xảo, nghiệp vụ chuẩn bị bài nói trước người nghe. Từ kinh nghiệm thực tiển, trong quá trình thực hiện tuyên truyền miệng, báo cáo viên nên tránh những điều sau đây.

1. Tránh không đến chậm giờ, kéo dài hoặc rút ngắn thời gian buổi báo cáo so với dự kiến đã được thông báo

Nếu đến chậm giờ buổi báo cáo theo kế hoạch của Ban Tổ chức để người nghe phải chờ đợi sẽ gây phản cảm ban đầu. Nếu thời gian trình bày quá ngắn so với dự kiến đã thông báo, người nghe cho rằng báo cáo viên đã cắt xén nội dung. Nếu quá dài so với thời gian dự kiến đã thông báo sẽ gây mất cảm hứng đối với người nghe. 

  2. Tránh ôm đồm hoặc chuẩn bị nội dung bài nói sơ sài

Một buổi nói chuyện thời sự nếu quá nhiều nội dung thì trở thành buổi điểm tin thời sự, không có trọng tâm, trọng điểm, không sâu sắc và không đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Chuẩn bị bài nói càng sâu, càng kỹ về nội dung thì càng nắm chắc thắng lợi trong tay. Báo cáo viên sẽ khó có thể thành công khi việc chuẩn bị nội dung bài nói còn sơ sài, chưa sâu, chưa kỹ.

3. Tránh tự ý thực hiện nội dung báo cáo, không báo cáo cấp trên, không có sự lãnh đạo, quản lý

Nội dung báo cáo của báo cáo viên phải được phê duyệt của cấp trên để hạn chế thấp nhất những sai sót xảy ra.

4. Tránh nhầm lẫn, sai sót

Khi tiến hành tuyên truyền miệng, báo cáo viên trình bày các thông tin, tư liệu, số liệu, sự kiện, quan điểm... mà nhầm lẫn giữa cái này với cái khác, giữa việc này với việc kia, giữa quan điểm này với quan điểm khác... là những điều cấm kị, tạo sự thiếu niềm tin vào những điều báo cáo viên truyền đạt. Mọi thông tin, tư liệu, số liệu, sự kiện đưa ra phải chính xác mới thuyết phục được đối tượng người nghe. Nếu không nhớ chính xác không được nói; nếu phải nói thì cần có cách nói tương đối, như: "khoảng", "gần", "hơn", "kém', "tương tự"..." để không bị bắt bẻ.

5. Tránh thiếu tự chủ, không kiểm soát được hành vi của mình hoặc để xảy ra những sự cố đáng tiếc trong buổi nói chuyện

Báo cáo viên phải luôn quan sát đối tượng người nghe để nắm bắt tình hình; có sự điều chỉnh nội dung, phương pháp cho phù hợp; kịp thời xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình nói chuyện.

6. Tránh chữ "tôi", cái "tôi" trong quá trình trình bày

Mọi vấn đề báo cáo viên trình bày, đó phải là những thông tin, những nhận định, đánh giá đúng theo quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Báo cáo viên không được áp đặt chữ "tôi", cái "tôi", quan điểm riêng, chính kiến chủ quan của mình khi tiến hành công tác tuyên truyền miệng.

7. Tránh độc thoại

Trong một buổi nói chuyện thời sự mà chỉ có độc thoại giữa báo cáo viên với đối tượng người nghe sẽ không phát huy hết được "lợi thế trực tiếp" của công tác tuyên truyền miệng; sẽ là một buổi thông tin tình hình thời sự một chiều... thông qua buổi tuyên truyền đó, báo cáo viên không nắm được tư tưởng, những thắc mắc, phản ứng... của đối tượng người nghe.

8. Tránh cao ngạo, "lên lớp" đối với đối tượng người nghe

Phương pháp trình bày bài nói càng gần gũi, thân thiện, tạo sự hòa đồng, cuốn hút người nghe, thể hiện sự trân trọng đối với người nghe sẽ làm tăng hiệu quả của bài nói. Tránh thái quá, "đứng trên" người nghe, coi thường người nghe, tỏ ra "lên lớp" đối với người nghe.

9. Tránh nói những câu chữ thừa, lặp đi lặp lại

Nếu không chú trọng rèn luyện thường xuyên, báo cáo viên dễ vô thức mắc phải "tật" nói những câu chữ thừa, lặp đi lặp lại làm cho người nghe thấy khó chịu mà báo cáo viên không hề hay biết.

10. Tránh sai tác phong, trang phục

Báo cáo viên sai tác phong, trang phục khi lên trình bày bài nói, hình ảnh đó sẽ thiếu thiện cảm, khó thuyết phục đối với người nghe. Nhất là, khi nhận được sự phản hồi từ phía dưới hội trường về việc sai tác phong, trang phục của mình có thể sẽ làm báo cáo viên mất tự tin, luống cuống, ảnh hưởng không tốt đến kết quả bài nói./.

P.TT

Các tin khác

  • Giải pháp nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết cho cán bộ, đảng viên ở xã, phường, thị trấn tỉnh Long An hiện nay (29/07/2022)
  • Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội ở Long An (09/05/2022)
  • Một số kỹ năng viết tin đăng tải lên Cổng/Trang tin điện tử (14/11/2021)
  • Kinh nghiệm thực tiễn tổ chức điều tra dư luận xã hội đạt hiệu quả (15/06/2021)
  • Một số kinh nghiệm trong công tác ban hành, sơ, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng (09/06/2021)
  • Tiếng nói – một yếu tố quan trọng của người báo cáo viên (10/04/2021)
  • Trang đầu 1 Trang cuối