Thực tiễn - kinh nghiệm

Kinh nghiệm thực tiễn tổ chức điều tra dư luận xã hội đạt hiệu quả

15/06/2021 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Trong những năm gần đây, công tác điều tra dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, chất lượng nội dung, hiệu quả được nâng lên, từ thực tiễn tổ chức các cuộc điều tra dư luận xã hội, đã rút ra những kinh nghiệm sau.

Cần nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của  công tác điều tra, nắm bắt dư luận xã hội trong việc phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy

        Để có được những chủ trương, quyết sách đúng đắn hợp lòng dân và được nhân dân ủng hộ, các cơ quan lãnh đạo, quản lý cần nắm chắc được tâm tư, tình cảm, ý chí, nguyện vọng, suy nghĩ, nhu cầu của các tầng lớp nhân dân - đối tượng mà các chủ trương, quyết sách nhắm vào. Vì thế, vai trò của điều tra, nắm bắt dư luận xã hội trước khi đưa ra các chủ trương, quyết sách sẽ giúp cơ quan lãnh đạo, quản lý có thêm thông tin tham khảo trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực hiện các chủ trương, chính sách sát với thực tiễn.

        Các bước chuẩn bị một cuộc điều tra dư luận xã hội

Để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc tổ chức cuộc điều tra dư luận xã hội phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, bộ phận tham mưu ban tuyên giáo cấp ủy cần tiến hành các bước chuẩn bị cho một cuộc điều tra dư luận xã hội như sau:

Bước 1, hình thành ý tưởng: Trừ trường hợp cấp ủy, lãnh đạo ban tuyên giáo chỉ đạo chủ đề điều tra thì việc hình thành ý tưởng chủ đề điều tra đều dựa trên cơ sở quan sát thực tế mọi diễn biến của đời sống xã hội (thông qua các kênh thông tin báo, đài, cộng tác viên, báo cáo các ngành...), chọn lọc ra những vấn đề dư luận cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tại địa phương, đơn vị quan tâm, bức xúc, bộ phận tham mưu tuyên giáo cấp ủy sẽ hình thành nên "ý tưởng điều tra dư luận xã hội".

Bước 2, tham mưu ý tưởng: Từ ý tưởng hình thành nên "chủ đề", bộ phận tham mưu tuyên giáo cấp ủy đưa "chủ đề" vào kế hoạch công tác, trong đó, nêu rõ sự cần thiết phải tổ chức cuộc điều tra dư luận xã hội này trên địa bàn; tham mưu lãnh đạo ban tuyên giáo cấp ủy chấp nhận "chủ đề điều tra dư luận xã hội". 

Bước 3, lãnh đạo ban tuyên giáo cấp ủy chấp thuận ý tưởng: Trên cơ sở tham mưu của bộ phận, lãnh đạo ban tuyên giáo cấp ủy nghiên cứu, xem xét cho chủ trương tổ chức cuộc điều tra dư luận xã hội. 

Bước 4, lập kế hoạch và dự toán kinh phí tổ chức cuộc điều tra:  Việc lập kế hoạch và dự toán kinh phí tổ chức điều tra dư luận xã hội cần bảo đảm các nội dung: Mục đích, yêu cầu, chủ đề, nội dung, đối tượng, địa phương và đơn vị, số lượng phiếu, hình thức điều tra, thời gian thực hiện, cách thức phối hợp điều tra điều tra. Trong đó quan trọng nhất là kế hoạch phải bám sát chủ đề, xác định rõ ràng mục đích, yêu cầu và nội dung của cuộc điều tra. 

Bước 5, hình thành nội dung phiếu xin ý kiến: Đây là công việc khó nhất, quan trọng nhất, quyết định sự thành công của cuộc điều tra. Trên cơ sở mục đích, yêu cầu, nội dung điều tra được xác định trong kế hoạch, bộ phận tham mưu hình thành nội dung phiếu xin ý kiến (bộ câu hỏi) sát với tình hình thực tế của địa phương như: Số lượng câu hỏi, đối tượng, điều kiện phục vụ điều tra… Cần tiến hành theo trình tự sau: Thứ nhất, cần tìm hiểu qua cộng tác viên các đặc điểm về dân cư của địa phương, phong tục tập quán, điều kiện đi lại, mức sống, trình độ dân trí,…Thứ hai, trao đổi trực tiếp với cộng tác viên dư luận xã hội các địa phương để bàn, thống nhất việc triển khai phiếu xin ý kiến (thời gian, địa điểm, số lượng người điều tra). Thứ ba, hoàn chỉnh phiếu xin ý kiến trình lãnh đạo ban tuyên giáo cấp ủy duyệt thông qua. 

Bước 6, lên lịch công tác chi tiết tổ chức điều tra: Tiến hành làm việc trước với các địa phương, đơn vị được điều tra để thống nhất thời gian, địa điểm, đối tượng điều tra cụ thể. Tiếp đó, lên lịch công tác chi tiết điều tra (thời gian, địa điểm, đối tượng, điều kiện điều tra…), càng chi tiết, càng tốt gửi các địa phương, đơn vị được điều tra chuẩn bị và đăng ký xe đi công tác. Sau đó, tổ chức điều tra theo lịch công tác đã định sẵn. Trong quá trình tổ chức điều tra, người tổ chức điều hành và các điều tra viên phải bám sát và làm việc đúng với thời gian, thời lượng, địa điểm đã định, tránh đến muộn giờ để người được điều tra phải chờ đợi, mất thời gian. Bên cạnh việc triển khai đánh phiếu, tranh thủ thời gian trống, điều tra viên có thể khai thác thêm thông tin như trò chuyện, hỏi thăm, gợi ý các nội dung muốn biết đôi với những người đã đánh xong phiếu để nắm bắt thêm các thông tin hữu ích.

     Bước 7, tổng hợp phiếu điều tra: Trên cơ sở phiếu xin ý kiến do các điều tra viên hoàn thành, người có nhiệm vụ làm báo cáo sẽ tổng hợp số phiếu điều tra (phát tra, thu vào…); tiến hành nhập thông tin điều tra được theo từng nội dung câu hỏi của phiếu xin ý kiến.

     Bước 8, hoàn thành báo cáo kết quả điều tra: Trên cơ sở tần suất (%) nội dung xuất hiện trong phiếu hỏi để phân tích số liệu, đánh giá, nhận định tình hình dư luận xã hội đối với từng nội dung của về vấn đề được điều tra. Đề xuất, kiến nghị với cấp ủy những vấn đề liên quan. Lưu ý, trong báo cáo phải hết sức khách quan, phân tích, đánh giá phải hoàn toàn trên cơ sở thông tin thể hiện qua cuộc điều tra, không được đưa ý kiến chủ quan cá nhân của người làm báo cáo vào báo cáo. Sau khi hoàn chỉnh báo cáo trình lên trưởng ban tuyên giáo. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của trưởng ban tuyên giáo, bộ phận tham mưu tiến hành chỉnh sửa và trình Trưởng ban ký ban hành.

Bước 9, quyết toán kinh phí điều tra: Thực hiện việc quyết toán kinh phí cuộc điều tra theo các mục đã lập trong dự toán trước đó theo quy định hiện hành.

Mai Xuân

Các tin khác

  • Giải pháp nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết cho cán bộ, đảng viên ở xã, phường, thị trấn tỉnh Long An hiện nay (29/07/2022)
  • Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội ở Long An (09/05/2022)
  • Một số kỹ năng viết tin đăng tải lên Cổng/Trang tin điện tử (14/11/2021)
  • Một số kinh nghiệm trong công tác ban hành, sơ, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng (09/06/2021)
  • Tiếng nói – một yếu tố quan trọng của người báo cáo viên (10/04/2021)
  • Một số điều báo cáo viên nên tránh khi thực hiện tuyên truyền miệng (04/04/2021)
  • Trang đầu 1 Trang cuối