Tài liệu tham khảo

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “đời sống mới” trong xây dựng phong cách ứng xử, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay

28/06/2022 06:48:51PM
Màu chữ Cỡ chữ

Trong giai đoạn hiện nay, tác phẩm “Đời sống mới” vẫn còn nguyên những bài học giá trị, sâu sắc đối với công cuộc đổi mới đất nước, nhất là việc xây dựng phong cách ứng xử, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

     Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và đại dịch Covid-19 đã khiến thế giới thay đổi một cách sâu sắc và mạnh mẽ. Chúng ta có thể nhận thấy cách thức làm việc, học tập, giao tiếp, trao đổi thông tin, xu hướng lựa chọn hình thức giải trí của từng cá nhân đã và đang thay đổi. Nếu như đại dịch Covid-19 tạo ra khoảng cách giữa con người, giữa các quốc gia với nhau thì công nghệ thông tin ngày càng có nhiều ứng dụng giúp cho con người, các quốc gia gần nhau hơn. Bối cảnh này đặt ra yêu cầu cấp bách về đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại; đổi mới mô hình tổ chức, cơ cấu bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tạo ra môi trường làm việc khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của từng cá nhân. Trong định hướng chuyển đổi số, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động chính là nhân tố then chốt của quá trình đổi mới này. 
     75 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đời sống mới” với bút danh Tân Sinh. Khi ấy quân Pháp đang thực hiện kế hoạch tiến công vào Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và quân chủ lực của ta. Hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hành đời sống mới, đảm bảo tính kỷ luật, gương mẫu về đạo đức, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, diệt trừ bọn bán nước. Người khẳng định: “Trong lúc kháng chiến cứu quốc, chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc” [3, 111].Trong giai đoạn hiện nay, tác phẩm “Đời sống mới” vẫn còn nguyên những bài học giá trị, sâu sắc đối với công cuộc đổi mới đất nước, nhất là việc xây dựng phong cách ứng xử, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và vận dụng quan điểm của triết học Mác-Lênin khi bàn về “cái cũ”, “cái mới” qua các thí dụ thực tế:
“Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. 
Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi.
Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước.”[3,112-113]
     Qua đó, mọi người có thể hiểu được quy luật khách quan dẫn đến ra đời của cái mới, mối liên hệ giữa cái cũ và cái mới. Cái mới ra đời trên cơ sở cái cũ trước hết là sự loại bỏ những cái xấu, cái lạc hậu; điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi những cái chưa hợp lý; giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp có sẵn. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ, trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, cần phải chống hai khuynh hướng: một là thái độ “hư vô”, phủ định sạch trơn những gì thuộc về cái cũ; hai là khuynh hướng bảo thủ khư khư ôm lấy những gì đã lạc hậu lỗi thời, không chịu đổi mới cho phù hợp thực tiễn mới. Người viết: “...không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới” [3,112]. Người đã phân tích hết sức cặn kẽ, thể hiện quan điểm khoa học và toàn diện về “cái mới” với phong cách diễn đạt mà ai cũng có thể hiểu, nhớ và làm theo. Đối với việc gì hay hoàn cảnh nào, ta cũng có thể đối chiếu theo những chuẩn mực ấy mà thực hành. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng trong việc đổi mới từ đòi sống cá nhân đến công việc. Trong “Di chúc”, Người viết “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.” [4,623]
     Đời sống tốt phải đảm bảo cả hai yếu tố vật chất và tinh thần. Đời sống mới thì càng phải làm cho “vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”. Để có đời sống mới, trước tiên hết phải hiểu được những nhu cầu cơ bản nhất, chính đáng nhất của nhân dân là ăn, mặc, ở, đi lại và bắt đầu sửa đổi từ những việc thiết thực nhất. “Đời sống mới không phải cao xa gì cũng không phải khó khăn gì. Nó không bảo ai phải hy sinh chút gì. Nó chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông. trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc.”[3,113]. 
     Việc nắm vững và vận dụng các quy luật mang tính khách quan trong cách đề ra chủ trương của Hồ Chí Minh đã giúp giải quyết được vấn đề một cách khoa học, triệt để, nhất là trong cách Người đề cập đến việc làm sao để người dân phải được đảm bảo cả hai yếu tố vật chất và tinh thần trong đời sống hàng ngày. Trong gia đình thì như thế nào để xây dựng đời sống mới, Người dạy: “Về tinh thần, thì phải trên thuận, dưới hoà, không thiên tư, thiên ái. Bỏ thói mẹ chồng hành hạ nàng dâu, dì ghẻ ghét bỏ con chồng. Về vật chất, từ ăn mặc đến việc làm, phải ăn đều, tiêu sòng. Có kế hoạch, có ngăn nắp.”[3,118]
      Việc thực hành đời sống mới như thế nào? Người viết rất cặn kẽ từ cá nhân đến tập thể; từ trẻ em đến người lớn, phụ nữ, bộ đội, chủ và thợ; từ gia đình đến làng xóm, trường học, công sở, xưởng máy... đều có những chuẩn mực rất cụ thể. Điều này thể hiện Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người có tầm nhìn xa, trông rộng mà còn hết sức sâu sắc, gần gũi với đời sống của mọi tầng lớp nhân dân. Từ việc lớn đến việc nhỏ, chung hay riêng đều được Người phân tích rất rõ trong tác phẩm nên khi triển khai thực hiện cứ đối chiếu với vị trí của mình mà thực hành theo. 
     Nói tóm lại, đời sống mới tức là xem xét lại thực tế đời sống lúc bấy giờ xem có điều gì tốt, điều gì chưa tốt, cần sửa chữa hay loại bỏ. Từ đó, phát huy những điều tốt; loại bỏ cái xấu, lạc hậu; bổ sung cái hay, cái tiến bộ đối với đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Xét đến cùng việc xây dựng đời sống mới mang tính khách quan, hợp quy luật xã hội nhưng không có nghĩa là không cần phải nỗ lực, vận động mà đây là một quá trình phức tạp, để chọn lọc được giá trị tiến bộ, làm sao để đảm bảo những giá trị tiến bộ ấy tiếp tục phát triển theo hướng tích cực. Muốn xây dựng đời sống mới thì phải giúp người dân hiểu rõ được mục đích của đời sống mới và cần một lực lượng tiên phong, nêu gương đó chính là đội ngũ cán bộ, đảng viên làm việc ở các công sở. 
     Người làm trong các công sở phải làm gương đời sống mới. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Hỏi: Đời sống mới trong các công sở nên thế nào?
 Đáp: Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy. Vì vậy, những người làm trong các công sở càng phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước.” [3,122]
Muốn thực hành được các chuẩn mực của “người làm trong các công sở” thì trước tiên phải hiểu được vị trí, có được tâm thế là “người ăn lương của dân”, “làm việc cho dân” mới có thể tự giác nêu gương. Nêu gương cũng là một trong những nguyên tắc xây dựng và rèn luyện đạo đức cách mạng quan trọng mà Người thường nhắc đến trong các bài viết, bài nói của mình. Cán bộ, đảng viên từ chức vụ cao đến thấp đều phải gương mẫu thực hành đời sống mới, từ đó người dân mới tin tưởng vào chính sách mà làm theo. 
     Làm gương đời sống mới là thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Bởi vì “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.” [3, 122].  Cần nghĩa là cần cù, siêng năng, chăm chỉ, tinh thần làm việc hăng hái. Sự cần cù của người làm việc ở các công sở là: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân.”[3,122]. Kiệm tức là tiết kiệm, tiết kiệm giấy bút, vật liệu, tài sản công. Vì tất cả đều tốn tiền của nhân dân nên cần phải tiết kiệm. “Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần. Mỗi ngày, công sở cả nước dùng hàng mấy vạn tờ giấy và phong bì. Nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đã được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Các vật liệu khác cũng vậy”[3,123]. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn là tấm gương sáng trong thực hành tiết kiệm từ bữa ăn hay những vật dụng cần thiết sử dụng trong công việc. Thực hành đức tính “Liêm” nghĩa là không lợi dụng địa vị của mình để “tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân” [3, 123]. Chính là công bình, chính trực, trung thành với Chính phủ, với đồng bào. 
     Việc thực hành đời sống mới trong công sở nhấn mạnh các chuẩn mực về đạo đức công vụ, nêu gương về ý thức kỷ luật, tinh thần làm việc, vì nhân dân. Tất cả những điều trên dù được viết cách đây 75 năm nhưng khi soi rọi vào thực tiễn hiện nay chúng ta thấy rằng những lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị. Trong mỗi giai đoạn, bối cảnh tình hình có đặc điểm khác nhau nhưng ngày nay việc thực hành cần, kiệm, liêm chính vẫn là những quan điểm cốt lõi của văn hoá công vụ; góp phần hình thành và phát triển hệ giá trị con người đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 
     Thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) và các giải pháp xây dựng văn hoá công sở đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức Đảng được nâng lên; nhận diện sâu sắc, đầy đủ hơn các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; kết hợp hài hoà giữa xây và chống. Từng bước hình thành phong cách, lề lối làm việc chuẩn mực, phong cách thân thiện, đảm bảo tính chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương được đảm bảo; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Kết quả thực hiện Đề án Văn hoá công vụ trên địa bàn tỉnh Long An thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc quy định về văn hoá công sở; đảm bảo nội quy, quy chế hoạt động công vụ của từng ngành, từng cơ quan; thực hiện tốt quy định về văn hoá, văn minh công sở tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị về trang phục, thẻ làm việc, cách giao tiếp ứng xử.... Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kỷ luật các hành vi vi phạm Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; vi phạm về đạo đức công vụ, văn hoá giao tiếp. 
     Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Trong thực hiện văn hoá công vụ vẫn còn tình trạng vi phạm kỷ luật, kỷ cương; văn hoá giao tiếp, phong cách ứng xử chưa phù hợp...
    Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu đặt ra không chỉ đảm bảo tốt các giá trị truyền thống tích cực của đạo đức, phong cách ứng xử, lề lối làm việc mà còn đổi mới để thích ứng với sự phát triển. Mục tiêu nhằm phát huy cao nhất những giá trị tích cực mà chúng ta đã xây dựng được đồng thời, bổ sung những giá trị tiên tiến phù hợp với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Về cơ bản, môi trường làm việc, nghiên cứu, học tập tại Trường Chính trị có những nét đặc trưng vừa là “trường” vừa là “công sở”, cán bộ, đảng viên học tập tại trường là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở nên trước hết là đảm bảo các chuẩn mực của “Đời sống mới trong các công sở”.
     1. Cụ thể hoá các chuẩn mực gắn với thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII, XIII). Học tập phương pháp Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Đời sống mới”, từng địa phương, đơn vị cần cụ thể hoá các chuẩn mực gắn với thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII, XIII) và Đề án Văn hóa công vụ phù hợp với từng chủ thể theo vai trò, chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời phải đáp ứng yêu cầu của bối cảnh quốc tế, của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hướng đến mục tiêu chung của đất nước: Năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 
     Những chuẩn mực “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” luôn là giá trị nền tảng và cốt lõi nhất. Trong giai đoạn nào, đất nước cũng cần một đội ngũ cán bộ, đảng viên cần cù, siêng năng trong lao động, học tập; làm việc có kế hoạch, có phương pháp khoa học và có trí tuệ. Tiết kiệm thời gian, tiền bạc, của cải vật chất tinh thần cho nhân dân để có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Không tham của cải vật chất, không tranh giành địa vị, không nịnh hót hay thích được tâng bốc. Luôn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, chống lại cái xấu, cái ác, cái sai trái.
     Từ nền tảng ấy, địa phương, đơn vị căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, bối cảnh tình hình để bổ sung thêm các chuẩn mực cụ thể để góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp; đấu tranh chống tiêu cực xã hội, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Đối với nhân dân, phải luôn luôn tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đối với công việc, hình thành phong cách làm việc tích cực phù hợp với nền công nghiệp, văn minh, hiện đại; trong hực hiện nhiệm vụ chuyên môn phải coi trọng tính hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm tài sản của nhân dân. Đối với bản thân, phải rèn luyện tính trung thực, dũng cảm bảo vệ công lý, lẽ phải, công bằng và bình đẳng.
     2. Cán bộ, đảng viên luôn nêu gương trong thực hành trong xây dựng phong cách ứng xử, lề lối làm việc hiện nay. Để mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức, đơn vị luôn tiên phong, gương mẫu, Bộ Chính trị có Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương”… Điều này khẳng định, trong xây dựng đời sống mới hay ở bất kỳ lĩnh vực nào, cán bộ, đảng viên luôn giữ vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên theo nguyên tắc: “Trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. 
Phát huy vai trò của mình, mỗi cán bộ, đảng viên nêu gương trong thực hành  phong cách ứng xử, lề lối làm việc. Trong phong cách ứng xử, nêu gương thực hành các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử theo quy định. Đối với người dân, cán bộ, đảng viên phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn, giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Ứng xử với đồng nghiệp phải trên tinh thần hợp tác, tương trợ, không bè phái gây mất đoàn kết. Từ đó, kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các cá nhân, tập thể có phong cách ứng xử, lề lối làm việc gương mẫu. Đồng thời kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở và xử lý những biểu hiện vi phạm văn hóa công vụ, đấu tranh với những biểu hiện của tư duy lạc hậu trong phong cách ứng xử, lề lối làm việc vẫn còn xảy ra ở một vài nơi như đi trễ về sớm; không cầu thị, lắng nghe ý kiến phê bình; vi phạm kỷ luật phát ngôn …
     3. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém” [3,280]. Hồ Chí Minh luôn coi cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề. Cùng với việc xây dựng các giá trị, tuyên truyền vận động cần chú trọng công tác cán bộ, xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ có đức có tài, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
     Trong giai đoạn hiện nay, cần chú trọng đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng. Đào tạo, bồi dưỡng theo các hình thức phù hợp, có theo kế hoạch, lộ trình, đáp ứng được yêu cầu và điều kiện của mỗi địa phương, đơn vị. Việc quy hoạch, đề bạt, luân chuyển cán bộ phải xem xét toàn diện cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng quản trị, trong phong cách ứng xử, lề lối làm việc. Công tác cán bộ phải phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phải giải quyết tốt mối quan hệ phân công, phân nhiệm giữa cán bộ trẻ và cán bộ già, cán bộ cũ và cán bộ mới trên tinh thần tôn trọng nhau, giúp nhau cùng tiến bộ. Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh Long An năm 2022 cũng xác định xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, tầm, tài là sự kết hợp giữa phát hiện nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng với ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. 
     Tóm lại, bối cảnh tình hình thế giới và trong nước hiện nay có những thay đổi nhanh chóng về kinh tế, xã hội bắt nguồn từ sự phát triển của khoa học công nghệ. Trước xu hướng toàn cầu hóa, chuyển đổi số, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc, mà phải làm sao thu hẹp khoảng cách, đuổi kịp và đi cùng với sự phát triển của thế giới. “Đổi mới” là một trong những giải pháp quan trọng, trong đó nhất thiết phải bắt đầu đổi mới trong phong cách ứng xử, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đổi mới để tiếp thu được những giá trị tiến bộ nhưng đồng thời phải giữ vững được nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ được bản sắc truyền thống của dân tộc./.


Thảo Nguyên
 


Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo số 136/BC-SNV, ngày 15/1/2020 của Sở Nội vụ báo cáo kết quả thực hiện Đề án văn hoá công vụ
2. Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009
3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011
4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011
5. Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị (khoá XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
6. Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”
7. Klaus Schwab, “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2018
8. PGS.TS. Trần Quốc Toản, “Đổi mới tư duy phát triển một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021
9. Quyết định số 1847/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc phê duyệt đề án văn hoá công vụ

Các tin khác

  • Học Bác thực hành chữ “kiệm” (14/08/2023)
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong rèn luyện tinh thần trách nhiệm với công việc (10/11/2022)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (28/08/2021)
  • Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn (28/08/2021)
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng (09/07/2021)
  • Chuyên đề năm 2021 "Tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc" (19/06/2021)
  • Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 (12/06/2021)
  • Trang đầu 1 Trang cuối