Tài liệu tham khảo

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

28/08/2021 02:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, từ rất sớm đã chú ý đến vấn đề xây dựng một Nhà nước cách mạng. Bác Hồ đã nhiều lần đề cập đến nội dung này ở nhiều tác phẩm, dưới nhiều góc độ khác nhau trong cuộc đời hoạt động của mình. Đó là vấn đề xây dựng một Nhà nước kiểu mới, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn với Nhà nước và pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do đó pháp luật của ta cũng là pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích chân chính của nhân dân, bảo vệ Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đã có hàng nghìn cuốn sách, bài viết trong nước và nước ngoài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tính cách là người làm luật, là tấm gương thực hiện và tôn trọng pháp luật, về tinh thần biểu thị của Người trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

            Do vậy, ngay từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức được ý nghĩa, vai trò của pháp luật trong xã hội. Năm 1919, trong bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điều do Người gửi tới Hội nghị Véc-xây, đã có 4 điều liên quan đến pháp quyền như điều 1, 2, 7, 8. Người đã chuyển bản “Yêu sách”… , trong đó có câu:

         

                           Bảy xin Hiến pháp ban hành

                             Trăm điều phải có thần linh pháp quyền

           

Điều này khẳng định, những nhận thức về vai trò tối thượng của pháp luật, về quyền con người, trước hết là quyền đòi hỏi của dân tộc bị áp bức, là những tư tưởng rất đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền.

            Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, một Nhà nước ra đời trước hết là đảm bảo tính lập hiến, cho nên ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đã đặt nền xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một trong sáu vấn đề cấp bách hơn cả của chính quyền cách mạng là: “Chúng ta phải có một bản Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Ngày 6/1/1946, tất cả công dân Việt Nam, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến… từ 18 tuổi trở lên đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội - cơ quan quyền lực tối cao có quyền lập hiến, lập pháp. Sự thành lập bộ máy Nhà nước dân cử bằng phổ thông đầu phiếu là sự kiện đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Nhà nước của dân tộc ta. Quốc hội thành lập qua Tuyển cử được gọi là Nghị viện nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, Quốc hội giải quyết những vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra pháp luật…

            Hơn một năm sau dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I đã thảo luận dân chủ và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và đầu tiên ở Đông Nam Á, làm nền tảng pháp lý vững chắc, luật cơ bản của Nhà nước Dân chủ Nhân dân. Đây là đạo luật đầu tiên khẳng định: “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể chia cắt ” (Điều 2 Hiến pháp năm 1946). “Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam…” (Điều 1 Hiến pháp năm 1946).

            Hiến pháp năm 1946 của Nhà nước ta ban hành trong thời điểm này có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, đáp ứng kịp thời khát khao cháy bỏng của một dân tộc trong những ngày nước sôi lửa bổng đã đứng lên giành độc lập, tự do và dân chủ, khẳng định với các nước trên thế giới về chủ quyền của một quốc gia độc lập và một chế độ dân chủ nhân dân của dân tộc Việt Nam theo đuổi từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Và từ Hiến pháp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Nhà nước ban hành nhiều luật để quản lý đất nước, quản lý xã hội… nhằm phù hợp với nền dân chủ nhân dân.

            Sau ngày hòa bình ở miền Bắc, Bác Hồ vẫn luôn quan tâm đến công tác chỉ đạo hoạt động lập pháp của Quốc hội, chú ý chi tiết hóa Hiến pháp thành luật pháp. Ở cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu “Ủy ban soạn thảo Hiến pháp” (Hiến pháp 1946, 1959), đã ký lệnh công bố 16 đạo luật, 1.300 sắc luật và sắc lệnh như Luật Hôn nhân và Gia đình (1959), Luật Công đoàn để xác nhận làm chủ giai cấp công nhân, Luật Lao động để thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, Sắc lệnh 76 ban hành “về quy chế công chức”, Sắc lệnh quy định “chế độ cưỡng bách học quốc ngữ, lập bình dân học vụ”… Đây là những minh chứng hùng hồn cho tư tưởng Hồ Chí Minh luôn hướng đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền.

            Trong tư tưởng Hồ Chí Minh: “Nhà nước pháp quyền, quản lý xã hội bằng pháp luật là quan điểm hoàn thiện về tính tối cao của Hiến pháp và các đạo luật, Nhà nước được cai trị bằng pháp luật, pháp luật có hiệu lực trong đời sống; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hoạt động của bộ máy Nhà nước, các tổ chức xã hội, mọi xử sự của cán bộ và công dân nhất nhất phải tuân theo pháp luật. Không một ai có quyền tự đặt mình đứng ngoài, đứng trên pháp luật”.  Pháp luật phải đảm bảo được tính khách quan, công bằng, bình đẳng, tránh “quan xử theo lễ, dân xử theo luật”.

            Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

            Ngay trong phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiến nghị với Quốc hội, cần tập trung và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để thể chế hóa Cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, phát huy vai trò và hiệu lực quản lý Nhà nước, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh…

Như vậy, những tư tưởng về xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước của dân, do dân và vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là những luận điểm hết sức cần thiết cho chúng ta học tập trong thời điểm hiện nay. Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng những luận điểm của Bác về vấn đề này vẫn không hề lạc hậu. Ngược lại, nó càng chứng tỏ tính đúng đắn, phù hợp trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thời kỳ đang đặt ra cho Đảng, Nhà nước ta một loạt các vấn đề cần giải quyết về tổ chức bộ máy Nhà nước, về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Bác Hồ sống mãi trong tâm trí người dân Việt Nam, mọi người hãy sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật chính là theo gương sáng của Người.

Ths. Nguyễn Thanh Hoàng

Các tin khác

  • Học Bác thực hành chữ “kiệm” (14/08/2023)
  • Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong rèn luyện tinh thần trách nhiệm với công việc (10/11/2022)
  • Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “đời sống mới” trong xây dựng phong cách ứng xử, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay (28/06/2022)
  • Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn (28/08/2021)
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng (09/07/2021)
  • Chuyên đề năm 2021 "Tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc" (19/06/2021)
  • Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 (12/06/2021)
  • Trang đầu 1 Trang cuối