Tài liệu tham khảo

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong rèn luyện tinh thần trách nhiệm với công việc

10/11/2022 11:15:25AM
Màu chữ Cỡ chữ

Trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Ai cũng có trách nhiệm bởi mỗi người đều có một vị trí nhất định trong các mối quan hệ xã hội, như gia đình, dòng họ, địa phương, tập thể, tổ chức chính trị - xã hội, công dân của một nước, thành viên của cộng đồng dân tộc và rộng nhất là của nhân loại,... 

Tinh thần trách nhiệm là kết quả nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của con người, từ đó chi phối hành động tích cực, tự giác của họ. Những người có nhận thức và hành động như thế được gọi là có tinh thần trách nhiệm cao. Hồ Chí Minh từng viết: “Mọi người phải làm tròn nhiệm vụ của mình. Tất cả mọi ngành, tất cả mọi người phải đoàn kết thân mật, hợp tác chặt chẽ, như tay với chân, thì công việc mới dễ dàng thành công”[i].

Theo Hồ Chí Minh, để nêu cao tinh thần trách nhiệm cán bộ, đảng viên, công chức cần phải rèn luyện những nội dung sau:

Một là, tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao khi đươc cấp trên giao nhiệm vụ, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm cho thành công. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải “có gan phụ trách”, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri. Trong công việc, Người luôn làm tấm gương sáng đảm bảo tính khoa học, kế hoạch, đúng giờ và đổi mới. Sinh thời, Bác có thói quen làm việc rất đúng giờ, theo lời kể của Đại tá Hoàng Hữu Kháng[ii] “Là người bảo vệ Bác, tôi thấy Bác có thói quen làm việc rất đúng giờ. Bác chủ động đặt ra thời gian làm việc và thi hành nghiêm túc không thay đổi giờ giấc sinh hoạt kể cả mùa đông. Hằng ngày Bác dậy từ 5 giờ, 5 giờ 15 tập thể dục 6 giờ ăn sáng sau đó Bác bắt đầu làm việc, vì vậy người phục vụ Bác cũng rất dễ dàng. Có một lần ở Việt Bắc, Bác đang ốm, đúng 7 giờ sáng Bác nói: Các chú chuẩn bị đưa Bác đi họp Hội đồng Chính phủ. Tôi ngạc nhiên, vì thấy Bác đang ốm không dậy được. Thế nhưng Bác nói bằng mọi cách Bác phải đi họp. Chúng tôi đành phải chuẩn bị cáng đưa Bác đi. Khi đi Bác dự tính sẽ đi đường trong bao lâu để kịp giờ họp. Vì vậy, Bác đến rất đúng giờ”[iii].

Hai là, phải ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên cương vị, vị trí công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng chuyên tâm, không chủ quan, đại khái. Bản thân Người luôn nêu gương  trong việc quyết định mọi vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật … đều tuân thủ chặt chẽ quy trình, đồng thời tham khảo ý kiến của đội ngũ chuyên gia, trí thức. Trong các bài nói, bài viết của mình, Người nêu rất cụ thể về trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi nghề. Thí dụ, người nấu bếp, luôn luôn lo làm cho cơm lành, canh ngọt, bát đũa sạch sẽ. Không phí phạm của công. Tìm cách tăng gia, trồng rau, nuôi gà. Khi anh em ốm yếu, thì có bát canh, bát cháo. Khi bộ đội đang mải đánh giặc thì tìm cách đưa cơm đến nơi cho anh em ăn. Khi tiếp tế khó khăn thì tìm mọi cách vượt qua, không để anh em thiếu thốn. Như thế là có tinh thần trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Người cán bộ quân sự thì luôn luôn học hỏi chính trị và kỹ thuật, chiến thuật. Luôn luôn săn sóc đến tinh thần và vật chất của đội viên. Đoàn kết nội bộ. Giúp đỡ nhân dân. Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh trên giao xuống. Khi đánh giặc thì làm cho toàn đội thấm nhuần tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Gặp việc khó khăn thì cố tìm mọi cách giải quyết đúng. Như thế là có tinh thần trách nhiệm.

Ba là, xây dựng tinh thần trách nhiệm phải đi đôi với đấu tranh chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi. Quan liêu theo Hồ Chí Minh là xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng. Bệnh quan liêu là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác như chủ quan, mệnh lệnh, hấp tấp, khi gặp khó khăn thì dễ dao động, ngả nghiêng ...Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là hỏng việc; “thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không năm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”. Nguyên nhân của bệnh quan liêu là do “Xa nhân dân; khinh nhân dân; sợ nhân dân; không tin cậy nhân dân; không hiểu biết nhân dân; không yêu thương nhân dân”. Quan liêu là kẻ thù khá nguy hiểm vì “nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”. Vì vậy, muốn xây dựng dân chủ mới, xây dựng tinh thần trách nhiệm phải đấu tranh chống quan liêu.

Hiện nay, dù còn nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,11%, đây là mức tăng trưởng tương đối khá trong bối cảnh dịnh Covid-19 và tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, căng thẳng. Sản xuất nông nghiệp được tập trung chỉ đạo chặt chẽ thông qua Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Công nghiệp xây dựng từng bước ổn định và đạt được nhiều kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 5,1% so với cùng kỳ. Công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được đẩy nhanh tiến độ. Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm và 03 công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh được tập trung thực hiện. Hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng hiệu quả, nhiều mặt chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường, bám sát tinh thần Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và có những chuyển biến tích cực, phát huy dân chủ, sự đoàn kết, thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực của hậu dịch Covid-19 và những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, dẫn đến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn kéo dài. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của tỉnh xếp vị trí thứ 16/63 tỉnh, thành phố, thuộc nhóm khá với 66,58 điểm. Đây là mức giảm sâu nhất trong suốt 5 năm qua; giảm 13 bậc và giảm 3,79 điểm so với năm 2020. Theo đó, có 08 chỉ số thành phần giảm điểm là: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động của chính quyền tỉnh; Đào tạo lao động.

Trước thực trạng trên, với quan niệm con người chính là yếu tố quyết định trong mọi vấn đề, mọi khâu và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chính là lực lượng quan trọng nhất góp phần góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống nhân dân. Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với nâng cao tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên là một trong những giải pháp quan trọng thông qua những nội dung sau:

Đối với bản thân, trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển của khoa học công nghệ, đại dịch Covid-19, cùng những tác động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới đã làm cho cách thức làm việc, học tập, trao đổi thông tin, thói quen của từng cá nhân thay đổi rất nhiều, trọng tâm là nỗ lực chuyển đổi số trên các lĩnh vực của tỉnh Long An. Từ đó đặt ra yêu cầu cao hơn đối với mỗi cán bộ, đảng viên về ý thức kỷ luật, chấp hành những quy định pháp luật về hoạt động công vụ, những điều đảng viên không được làm cũng như trình độ chuyên môn, năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để đáp ứng những yêu cầu của tình hình mới, mỗi cán bộ, đảng viên phải có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm đối với công việc, đối với tổ chức,“…bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hoá, trí thức và nhận thức chính trị của mình. Luôn luôn xứng đáng một người cán bộ, một người đảng viên”[iv]. Song song với nâng cao trình độ chuyên môn, cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện những giá trị đạo đức cách mạng: cần, kiêm, liêm, chính, chí công vô tư; trong tự phê bình và phê bình phải rõ ràng, thiết thực, giúp nhau cùng tiến bộ, đoàn kết, cộng tác tốt với đồng nghiệp, không thành kiến; có tinh thần ham học hỏi, chịu khó, không ngừng trao dồi ngoại ngữ, tin học…

Đối với công việc, cán bộ, đảng viên ngoài trách nhiệm với công việc, với tổ chức còn có những trách nhiệm khác với những người xung quanh và gia đình của mình. Trong những tình huống phải lựa chọn thứ tự ưu tiên, người cán bộ, đảng viên phải đặt trách nhiệm đối với công việc lên trên vì đó là trách nhiệm với cộng đồng, đất nước; phải luôn có kế hoạch sắp xếp không để bản thân bị động dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hồ Chí Minh từng viết: “Phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi, đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm. Bất kỳ việc to, việc nhỏ, phải có sáng kiến, phải có kế hoạch, phải cẩn thận, phải quyết làm cho thành công.”[v] Thực hành lời dạy của Bác, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải rèn luyện ý thức kỷ luật, tính quyết đoán, phát huy cao hơn nữa tinh thần chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm; sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được phân công, không kén chọn vị trí công tác chọn việc dễ, bỏ việc khó; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc, tài sản công; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; chủ động phối hợp với đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ được giao với hiệu quả cao nhất.

Đối với nhân dân, phải biết lắng nghe, tham vấn ý kiến, phát huy vai trò của nhân dân, có mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cấp cơ sở để nhân dân được thông tin đầy đủ về các chủ trương, chính sách, pháp luật; có quy chế, hình thức phù hợp để phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân thông qua việc bàn bạc, tham gia đóng góp ý kiến vào các chủ trương, chính sách, pháp luật, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi để nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính, gắn với ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin hướng đến cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4.

Học tập và làm theo gương Bác trong rèn luyện tinh thần trách nhiệm với công việc, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân. Tác phong, thái độ làm việc phù hợp với yêu cầu tình hình mới. Trong giao tiếp với nhân dân phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của nhân dân. Tổ chức tốt việc tiếp công dân, tăng cường đối thoại với nhân dân, quan tâm giải quyết, tháo gỡ những kiến nghị, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh các điểm nóng, vụ việc phức tạp, kéo dài. Thường xuyên lắng nghe và tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế địa phương.

Thảo Nguyên

 

i] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tập 6, tr408

[ii] Nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ, Bộ Công an, trực bảo vệ Bác Hồ từ năm 1945 đến năm 1951

[iii] Những mẩu chuyển về phong cách Hồ Chí Minh, NXB Thanh niên, 2016, tr92

[iv] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tập 5, tr294

[v] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, 2011, tập 6, tr131

Các tin khác

  • Học Bác thực hành chữ “kiệm” (14/08/2023)
  • Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về “đời sống mới” trong xây dựng phong cách ứng xử, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay (28/06/2022)
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (28/08/2021)
  • Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn (28/08/2021)
  • Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng (09/07/2021)
  • Chuyên đề năm 2021 "Tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc" (19/06/2021)
  • Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 (12/06/2021)
  • Trang đầu 1 Trang cuối