Tuyên truyền chính sách Pháp luật

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2021

03/07/2021 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải mua bảo hiểm tài sản; Kinh doanh karaoke quá 12 giờ đêm bị phạt đến 30 triệu đồng; Trúng đấu giá sim số đẹp phải sử dụng 6 tháng; Có thể tra cứu thông tin BHXH, BHYT trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 6/2021.

1. Có thể tra cứu thông tin BHXH, BHYT trên CSDLQG về bảo hiểm

Chính phủ ban hành Nghị định 43/2021/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về Bảo hiểm, trong đó, cá nhân có thể khai thác nhiều thông tin BHXH, BHYT, BHTN,... có hiệu lực từ ngày 01/6/2021.

Cụ thể, cơ quan, tổ chức và cá nhân được phép khai thác và sử dụng thông tin của mình; thông tin cá nhân của người khác trong CSDLQG về bảo hiểm nếu được người đó đồng ý theo quy định của pháp luật.

Các thông tin trong CSDLQG về Bảo hiểm bao gồm:

- Dữ liệu cơ bản cá nhân bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;

- Thông tin liên hệ của công dân;

- Nhóm thông tin về hộ gia đình: Mã hộ gia đình; địa chỉ;…

- Nhóm thông tin về BHXH: Mã số BHXH; mã đơn vị quản lý người tham gia; cơ quan BHXH quản lý;…

- Nhóm thông tin về bảo hiểm y tế: Mã mức hưởng; loại đối tượng; nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu;…

- Nhóm thông tin về bảo hiểm thất nghiệp: Quá trình đóng, hưởng;…

- Nhóm thông tin về người sử dụng lao động gồm: Tên; mã số doanh nghiệp/số quyết định thành lập; mã số thuế;…

- Nhóm thông tin cơ bản về y tế;

- Nhóm thông tin về an sinh xã hội;

2. Từ 01/6/2021, kinh doanh karaoke quá 12 giờ đêm bị phạt đến 30 triệu đồng

Đây là nội dung tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo.

Theo đó, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ karaoke vi phạm một trong các hành vi sau:

- Kinh doanh dịch vụ ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ mỗi ngày;

- Sửa chữa, tẩy xoá hoặc bổ sung làm thay đổi nội dung giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke.

Cơ quan chức năng sẽ phạt 40 đến 50 triệu đồng đối với hành vi tổ chức cho khách nhảy múa thoát y hoặc tổ chức hoạt động khác mang tính chất đồi trụy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, cơ sở karaoke, lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát hoặc nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác. Cơ sở vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường từ 18 đến 24 tháng.

Nghị định cũng quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng với một trong các hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định; nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội; mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

Nghị định 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2021 và thay thế Nghị định 56/2006/NĐ-CP , Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

3. Giả mạo giấy phép, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm bị thu hồi giấy phép

Nghị định 23/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có hiệu lực từ ngày 01/6/2021.

Theo đó, doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm trong các trường hợp sau đây:

- Chấm dứt hoạt động dịch vụ việc làm theo đề nghị của doanh nghiệp;

- Doanh nghiệp giải thể hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản;

- Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép;

- Bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ việc làm từ 03 lần trong khoảng thời gian tối đa 36 tháng kể từ ngày bị xử phạt lần đầu tiên hoặc cố tình không chấp hành quyết định xử phạt;

- Doanh nghiệp có hành vi giả mạo các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, cấp lại giấy phép hoặc tẩy xóa, sửa chữa nội dung giấy phép đã được cấp;

- Không đảm bảo một trong các điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm;

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người nước ngoài không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 151 của Bộ luật Lao động 2019.

4. Trúng đấu giá sim số đẹp phải sử dụng 6 tháng

Quyết định 16/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ  quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet. nêu rõ, kho số viễn thông được đấu giá quyền sử dụng là các mã, số viễn thông có cấu trúc đặc biệt nằm trong quy hoạch kho số, chưa phân bổ cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Để tham gia đấu giá mã, số viễn thông, doanh nghiệp, tổ chức phải thành lập theo pháp luật Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu về tài chính, kỹ thuật phù hợp đối với từng loại mã, số viễn thông; cam kết đưa mã, số viễn thông vào khai thác, sử dụng tối thiểu 6 tháng sau khi trúng đấu giá; nộp đầy đủ khoản phí sử dụng kho số, tần số, nghĩa vụ công ích, phí quyền hoạt động viễn thông của doanh nghiệp, tổ chức trước khi tham gia đấu giá...

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/6/2021.

5. Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải mua bảo hiểm tài sản

Ngày 31/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 46/2021/NĐ-CP về chế độ quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Theo đó, Ngân hàng Phát triển có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn vốn hoạt động, gồm:

(1) Quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phân phối kết quả tài chính, thực hiện chế độ quản lý tài chính và chế độ kế toán theo quy định tại Nghị định 46/2021 và các quy định của pháp luật có liên quan.

(2) Mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật.

(3) Hạch toán vào chi phí hoạt động các khoản trích lập dự phòng rủi ro theo quy định tại Nghị định 46/2021 và quy định của pháp luật liên quan.

(4) Mua lại, hoán đổi các giấy tờ có giá do Ngân hàng Phát triển phát hành theo quy định của pháp luật.

(5) Xử lý tổn thất về tài sản theo quy định tại Điều 14 Nghị định 46/2021.

(6) Thực hiện các biện pháp khác về bảo toàn vốn theo quy định của pháp luật.

Nghị định 46/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2021 và áp dụng từ năm tài chính 2021.

6. Các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm

Nghị định 43/2021/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 01/6/2021.

Theo đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm bao gồm các thông tin sau:

- Dữ liệu cơ bản cá nhân bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân; dân tộc; quốc tịch;…

- Thông tin liên hệ của công dân;

- Nhóm thông tin về hộ gia đình: Mã hộ gia đình; địa chỉ; danh sách các thành viên trong hộ gia đình;

- Nhóm thông tin về bảo hiểm xã hội: Mã số bảo hiểm xã hội; mã đơn vị quản lý người tham gia; cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý; loại đối tượng bảo hiểm xã hội;…

- Nhóm thông tin về bảo hiểm y tế: Mã mức hưởng; loại đối tượng; nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; thời điểm hết hạn; thời điểm đủ 05 năm liên tục; quá trình đóng, hưởng;

- Nhóm thông tin về bảo hiểm thất nghiệp: Quá trình đóng, hưởng; thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ để tính thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp;

- Nhóm thông tin về người sử dụng lao động gồm: Tên; mã số doanh nghiệp/số quyết định thành lập; mã số thuế; địa chỉ trụ sở chính; ngành, nghề kinh doanh…

- Nhóm thông tin cơ bản về y tế;

- Nhóm thông tin về an sinh xã hội.

7. Các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập công động với người mãn hạn tù

Ngày 17/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng.

Theo đó, quy định các biện pháp bảo đảm tải hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù như:

- Thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng: Thông qua một số hình thức như sách, báo, các buổi nói chuyện, phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền nhằm:

+ Định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong hình phạt tù;

+ Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù.

- Trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý:

+ Trợ giúp về tâm lý nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong hình phạt tù xây dựng niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu tái hòa nhập cộng đồng và phòng tránh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật;

+ Hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục pháp lý cần thiết khi là người tham gia tố tụng hình sự; là đương sự tham gia tố tụng dân sự, hành chính…

8. 04 hành vi bị nghiêm cấm khi đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn

Ngày 27/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn.

Theo đó, quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn bao gồm:

- Xây dựng và kinh doanh sân gôn khi chưa đáp ứng điều kiện, thủ tục quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

- Lợi dụng kinh doanh sân gôn để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép.

- Cản trở hoặc không chấp hành công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Không cung cấp thông tin hoặc không báo cáo khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

9.  Quy trình tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ

Nghị định 50/2020/NĐ-CP quy định quy trình tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ gồm:

(1) Chuẩn bị tiếp nhận viện trợ:

- Không quá 01 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận thông tin của Bên viện trợ, cơ quan chủ quản giao một đơn vị trực thuộc làm chủ khoản viện trợ.

- Chủ khoản viện trợ phối hợp với Bên viện trợ để thống nhất về hình thức viện trợ, giá trị khoản viện trợ, số lượng và giá trị phân bổ, cách thức và địa điểm tiếp nhận và các nội dung khác liên quan.

(2) Phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ

(3) Thực hiện tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ:

Sau khi việc tiếp nhận viện trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ khoản viện trợ thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Thông báo cho Bên viện trợ về quyết định tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Trình cơ quan chủ quản ban hành văn bản thông báo tới các cơ quan liên quan để phối hợp tiếp nhận viện trợ;

- Thông báo cho các cơ quan, địa phương có liên quan về kế hoạch hoạt động đối với viện trợ khẩn cấp để cứu trợ bằng hình thức cung cấp chuyên gia và động vật hỗ trợ đi cùng;

- Đối với các khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ bằng hàng hóa: Chủ khoản viện trợ thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và các thủ tục hải quan để thông quan hàng hóa theo quy định của pháp luật…

10. Quy định về cửa khẩu NK, XK hàng hóa tạm nhập tái xuất

Đây là quy định tại Thông tư 09/2020/TT-BCT về lộ trình áp dụng cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu qua biên giới đất liền đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu.

Theo đó, từ 00h00 ngày 01/01/2021, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, nếu nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền thì:

- Việc nhập khẩu hoặc tái xuất đó chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) được mở theo quy định tại Nghị định 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014.

- Quy định này áp dụng cho cả hàng hóa nước ngoài tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan nếu hàng hóa đó được nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền.

Thông tư 09/2020/TT-BCT có hiệu lực thi hành từ 30/6/2020.

11. Phân loại xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế

Ngày 14/5/2020, Bộ Y tế ban hành Thông tư 7/2020/TT-BYT về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế được phân loại như sau:

- Xe ô tô cứu thương gồm có:

+ Xe ô tô cứu thương đáp ứng quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe ô tô cứu thương tại Thông tư 27/2017/TT-BYT ngày 28/6/2017;

+ Xe ô tô cứu thương có kết cấu đặc biệt (xe có kết cấu không gian rộng rãi được trang bị máy móc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác cấp cứu, hồi sức tích cực trên xe).

- Xe ô tô chuyên dùng có kết cấu đặc biệt sử dụng trong lĩnh vực y tế gồm: Xe chụp X.quang lưu động; xe khám, chữa mắt lưu động; Xe xét nghiệm lưu động; Xe phẫu thuật lưu động; Xe lấy máu ...

- Xe ô tô chuyên dùng có gắn hoặc sử dụng thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động y tế, bao gồm: xe vận chuyển người bệnh; xe giám định pháp y, xe vận chuyển tử thi; xe chở máy phun và hóa chất lưu động ...

Thông tư 7/2020/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ 28/6/2020.

12. Hướng dẫn cơ cấu tổ chức của đại học vùng

Nội dung này được quy định tại Thông tư 10/2020/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên.

Theo đó, Đại học vùng là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT; chịu sự quản lý theo lãnh thổ của UBND cấp tỉnh nơi đại học vùng đặt trụ sở; có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.

Cơ cấu tổ chức được quy định gồm có:

+ Hội đồng đại học vùng.

+ Giám đốc đại học vùng; phó giám đốc đại học vùng.

+ Hội đồng khoa học và đào tạo; hội đồng khác (nếu có).

+ Trường đại học thành viên, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường thuộc đại học vùng, ban chức năng; tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác.

+ Khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học vùng.

Thông tư 10/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 29/6/2020 và thay thế Thông tư 08/2014/TT-BGDĐT ngày 20/3/2014.

13. Bãi bỏ một số VBQPPL trong lĩnh vực ngân sách nhà nước

Theo Thông tư 38/2020/TT-BTC về bãi bỏ VBQPPL do Bộ Tài chính ban hành trong lĩnh vực ngân sách nhà nước có hiệu lực từ 26/6/2020, một số văn bản sau đây bị bãi bỏ toàn bộ:

- Quyết định 42/2004/QĐ-BTC ngày 22/4/2004 về việc ban hành quy định về chi ngân sách trung ương bằng hình thức lệnh chi tiền.

- Thông tư 63/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009 quy định về công tác lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân.

- Thông tư 319/2016/TT-BTC ngày 13/12/2016 quy định việc xử lý chuyển nguồn ngân sách nhà nước năm 2016 sang năm 2017.

P.TT (tổng hợp)

Các tin khác

  • Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (12/06/2024)
  • Luật Căn cước (12/06/2024)
  • Các Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023 (22/06/2023)
  • Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng đối với 9 nhóm đối tượng (15/05/2023)
  • Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 5/2023 (03/05/2023)
  • Một số chính sách có hiệu lực trong tháng 4/2023 (01/04/2023)
  • Các chính sách kinh tế mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 2/2023 (01/02/2023)
  • Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2022 (01/11/2022)
  • Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2022 (01/10/2022)
  • Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2022 (05/08/2022)
  • Trang đầu 1234 Trang cuối