Chương trình phối hợp

Tuyên truyền, phổ biến các quy định về Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

27/03/2024 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Các quy định về Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được quy định từ Điều 50 đến Điều 56 trong Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.

Tình huống 8

Cơ sở gia công các sản phẩm nhựa do ông K làm chủ, cơ sở không sử dụng bất kỳ phương pháp chống ồn, chống ô nhiễm môi trường. Hằng ngày tiếng ồn từ máy xay nhựa, máy ép, máy dập với âm thanh rất lớn, bụi nhựa bay ra không khí, làm ảnh hưởng tới đời sống của các hộ gia đình trong khu vực. Đề nghị cho biết, pháp luật quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm bảo vệ môi trường như thế nào?

Trả lời:

Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ:

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm sau đây:

a) Thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trường hợp cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc trong khu đô thị, khu dân cư tập trung đã có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung, chủ cơ sở phải thực hiện việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung theo quy định của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung đó, trừ trường hợp cơ sở đã được miễn trừ đấu nối nước thải trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành;

b) Cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 51 và điểm đ khoản 3 Điều 52 của Luật Bảo vệ môi trường;

c) Thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường;

d) Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải, mùi khó chịu; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt;

đ) Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;

e) Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 111 và khoản 2 Điều 112 của Luật Bảo vệ môi trường phải bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; phải có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận;

g) Thực hiện quan trắc nước thải, bụi, khí thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng thuộc các trường hợp sau đây phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư:

a) Có chất dễ cháy, dễ nổ;

b) Có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ;

c) Có chất độc hại đối với người và sinh vật;

d) Có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người;

đ) Có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.

3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình, cá nhân có phát sinh nước thải, khí thải phải có công trình, thiết bị xử lý chất thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường hoặc theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Tình huống 9

 Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh tại làng nghề như nghề đúc đồng, nghề gỗ, nghề rèn, nghề cơ khí, nghề làm nước mắm ruốc. Xin cho biết, pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của làng nghề trong bảo vệ môi trường?

Trả lời:

Khoản 1, 2, 3 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định bảo vệ môi trường làng nghề như sau:

1. Làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và hạ tầng bảo vệ môi trường. Hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề bao gồm:

a) Có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề;

b) Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

c) Có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn.

2. Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật.

3. Cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 nêu trên và tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành, nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tình huống 10

Pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bảo vệ môi trường cho làng nghề:

Trả lời:

Khoản 4, 5, 6 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định:

4. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm sau đây:

a) Lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn;

b) Hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề.

5. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm sau đây:

a) Tổng hợp nhu cầu ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề;

b) Chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề; đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường do Nhà nước đầu tư từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nguồn chi sự nghiệp môi trường và khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề gắn với bảo vệ môi trường;

b) Bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề;

c) Chỉ đạo, tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn;

d) Chỉ đạo xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề;

đ) Có kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài ra khỏi khu dân cư, làng nghề.

Cẩm Loan

Các tin khác

  • Quy định về Giấy phép môi trường (25/09/2024)
  • Tuyên truyền, phổ biến các quy định về Đánh giá tác động môi trường (27/08/2024)
  • Kết quả triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với UBND tỉnh, các sở ngành liên quan 6 tháng đầu năm 2024 (25/08/2024)
  • Tuyên truyền, phổ biến các quy định về Bảo vệ môi trường Di sản thiên nhiên và Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia (30/07/2024)
  • Báo chí tham gia hiệu quả, tích cực vào công tác thông tin đối ngoại của tỉnh (25/06/2024)
  • Tuyên truyền, phổ biến các quy định về Bảo vệ môi trường đất (25/06/2024)
  • Nâng cao chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (12/06/2024)
  • Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (14/05/2024)
  • Công tác triển khai nâng cấp, cải tạo ĐT.830C (13/05/2024)
  • Công tác triển khai xây dựng xây dựng ĐT.830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT.830) (13/05/2024)
  • Trang đầu 1234 Trang cuối