Xứ Thanh – vùng đất “tam vua, nhị chúa”
Xuôi về Nam, chúng tôi có dịp dừng chân tại Thanh Hóa – vùng đất được mệnh danh là "địa linh nhân kiệt" với nhiều vua chúa, anh hùng và danh nhân văn hóa.
“Dô tả dô tà sông Mã quê ta
Ngày nắng, ngày mưa xanh bờ rau má
Múa thì đội đèn hát như trống vỗ
Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng
Chiều nhai rau má, tối học chữ Nôm
Hiểu tận tâm căn tiếng đá tiếng đồng
Rạng thời vua Lê, tối đời chúa Trịnh
Trạng Quỳnh ngạo nghễ đi vào nhân gian...”
(Dô tả, dô tà. Mạnh Lê)
Thanh Hóa - một vùng đất khá đặc biệt, là điểm cuối của Bắc Bộ và đầu Trung Bộ. Thiên nhiên hào phóng và khéo sắp đặt đã tạo cho miền đất này hội đủ các địa hình sinh thái: Núi, trung du, đồng bằng và biển cả lại còn là vùng Tây Bắc chạy dài. Tỉnh có đường biên giới ở phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn của Lào dài 192km, phía Đông giáp Biển Đông với đường bờ biển dài 102 km, 2 đảo và 1 bán đảo, thềm lục địa có diện tích rộng 18.000 km2. Với diện tích 11.129,48km2, Thanh Hóa là tỉnh có diện tích lớn thứ năm cả nước. Dân số khoảng 3,6 triệu người; với sự đa dạng của 7 dân tộc chính: Kinh, Mường, Thái, H'Mông, Dao, Thổ và Khơ Mú.
Thanh Hóa là cái nôi của nhiều nền văn hóa cổ, tiêu biểu là văn hóa Đông Sơn nổi tiếng với trống đồng và các di chỉ khảo cổ quan trọng. Vùng đất này cũng là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, có tổng cộng 44 vị vua xuất thân từ Thanh Hóa, thuộc các triều đại nhà Tiền Lê (2 người), nhà Hồ (2 người), nhà Hậu Lê (27 người) và nhà Nguyễn (13 người). Bên cạnh đó, đây cũng là quê hương của hai dòng chúa nổi tiếng, chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Vùng đất này còn sản sinh ra nhiều nhân tài, với 1.627 khoa bảng, trong đó có 240 tiến sĩ.
Thành Nhà Hồ - Di sản Văn hóa thế giới
Thành Nhà Hồ thuộc địa phận các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Ninh, Vĩnh Khang, Vĩnh Thành và thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc). Đây là kinh thành của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407.
Thành Nhà Hồ do Hồ Quý Ly - lúc bấy giờ là tể tướng dưới triều đại nhà Trần cho xây dựng vào năm 1397. Thành xây xong, Hồ Quý Ly ép Vua Trần Thuận Tông dời đô từ kinh thành Thăng Long (Hà Nội) về Thanh Hóa. Tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lên ngôi vua thay nhà Trần và đặt tên nước là Đại Ngu (1400-1407), thành Nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô. Thành Nhà Hồ trong lịch sử còn có các tên gọi khác là thành: An Tôn, Tây Đô, Tây Kinh, Tây Nhai, Tây Giai.
Thành Nhà Hồ được xây dựng bằng những phiến đá dài trung bình 1,5m, có tấm tới 6 m, xếp chồng lên nhau mà không cần chất kết dính. Nhờ kỹ thuật xây dựng độc đáo, sử dụng các vật liệu bền vững, đặc biệt là các khối đá lớn, thành Nhà Hồ được bảo tồn rất tốt trong cảnh quan thiên nhiên hầu như còn nguyên vẹn. Thành Nhà Hồ là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít còn lại trên thế giới. Ngày 27/6/2011, tại Paris (Pháp), trong kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã công nhận thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới.
Theo các tài liệu và thư tịch cổ, Thành Nhà Hồ rộng 155,5ha, bao gồm Thành nội (rộng 142,2ha), La thành (9,0ha) và Đàn tế Nam Giao (4,3ha), nằm trong vùng đệm với diện tích 5.078,5ha. Thành được kiến thiết trong khu vực có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, giữa hai dòng sông Mã và sông Bưởi (thuộc huyện Vĩnh Lộc).
Cố đô Lam Kinh
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh rộng 200 ha, thuộc huyện Thọ Xuân vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng Lê Lợi (1385-1433), là nơi nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh (1418-1428). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long (Đông Kinh), mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt. Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh (Tây Kinh). Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây, gắn với hai chức năng chính: Điểm nghỉ chân của các vua Lê khi về cúng bái tổ tiên, đồng thời, cũng là nơi ở của quan lại và quân lính thường trực trông coi Lam Kinh; Khu tập trung lăng mộ của tổ tiên, các vị vua, hoàng thái hậu nhà Lê và một số quan lại trong hoàng tộc.
Thành điện Lam Kinh xưa được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy”, một tiêu chuẩn vàng trong phong thủy của người Á Đông. Phía Bắc của kinh thành dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng.
Chính điện Lam Kinh được dựng ngay sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (năm 1433). Bố cục mặt bằng của kiến trúc này có dạng hình chữ “công”, với tổng diện tích là 1.645,04m2, gồm 3 tòa điện chính: Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Khu hoàng thành, cung điện và thái miếu của kinh thành Lam Kinh vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay, với cách bố trí hình bàn cờ gồm khu ngọ môn, sân rồng, chính điện, thái miếu…Trong đó, Chính điện Lam Kinh được ví như “linh hồn” của Khu Di tích bởi sự bề thế, trang nghiêm, là khu trung tâm lớn nhất. Ngay sau Chính điện là Thái miếu được bài trí trang nghiêm, linh thiêng với dáng hình cánh cung ôm lấy chính điện. Đây là nơi thờ các vua và thái hậu triều Hậu Lê, chủ yếu thời Lê Sơ. Trong khuôn viên của di tích Lam Kinh còn có 5 khu lăng mộ của các vị Vua và Hoàng hậu triều Hậu Lê như: Lăng vua Lê Thái Tông; Lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao (mẹ vua Lê Thánh Tông); Lăng vua Lê Thánh Tông; Lăng vua Lê Hiến Tông; Lăng vua Lê Túc Tông.
Đến xứ Thanh, điều chúng tôi choáng ngợp nhất là bề dày lịch sử truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường, là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Vùng đất đã gắn liền với quá trình tồn vong, hưng thịnh của quốc gia, dân tộc. Nơi lưu danh các tên tuổi như: Triệu Thị Trinh, Lê Hoàn, Lê Lợi, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền… và các vương triều trong lịch sử dân tộc như vương triều Lê (tiền Lê, hậu Lê), Hồ, Nguyễn.
Không những vậy vùng đất “địa linh” này còn sản sinh ra những dòng Chúa nổi danh. Chúa Trịnh với 249 năm có mặt trên chính trường Đại Việt đã song hành cùng vua Lê dựng đặt kỷ cương phép nước, chúa Nguyễn bắt đầu từ Nguyễn Hoàng đã có công mở cõi về phía Nam, ổn định đồ bản và giữ vững chủ quyền dân tộc suốt các thế kỷ XVII, XVIII, để rồi các vua Nguyễn tiếp nối, thống nhất đất nước.
Trong dòng chảy của lịch sử khoa bảng nước nhà, vùng đất này đã có 1627 các nhà khoa bảng, trong đó có 240 tiến sĩ, với nhiều tên tuổi được lưu danh muôn thuở trên các lĩnh vực văn hóa, sử học, quân sự, ngoại giao nổi tiếng như: Khương Công Phụ, Lê Văn Hưu, Đào Duy Từ…
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân xứ Thanh đã không ngại gian khổ, đã làm tròn vai trò hậu phương lớn, cùng với cả nước làm nên trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu; một Hàm Rồng vang dội chiến công và đại thắng mùa xuân 1975.
Càng đi sâu khám phá vùng đất cũng như con người xứ Thanh, chúng tôi càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và sức sống diệu kỳ của một Việt Nam thu nhỏ - nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi mạch ngầm truyền thống vẫn đang bền bỉ chảy không ngừng.
Phòng TT, TT, BC - XB
Bài viết có sử dụng các tư liệu của Bảo tàng Thanh Hóa
Các tin khác
- Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy dự Hội nghị Biểu dương Điển hình Tiên tiến phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2020-2025 (25/04/2025)
- Công bố Quyết định công tác cán bộ (24/04/2025)
- Hội thảo khoa học “Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên trên địa bàn tỉnh” (23/04/2025)
- Hào khí Lam Sơn (17/04/2025)
- Cảm xúc “xứ Tuyên” (15/04/2025)
- Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương (15/04/2025)
- Về Tân Trào “Thủ đô kháng chiến gió ngàn” (14/04/2025)
- Cầu Hiền Lương – Vĩ tuyến 17 nối đôi bờ sông Bến Hải (14/04/2025)
- Thành cổ Quảng Trị - “81 ngày đêm máu và hoa” (12/04/2025)
- Thông báo kết quả Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (09/04/2025)
- Kế hoạch tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024
- Kế hoạch tổ chức Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba, năm 2023
- GIẢI BÁO CHÍ TOÀN QUỐC “BÁO CHÍ VỚI CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, LÃNG PHÍ” LẦN THỨ TƯ NHẬN TÁC PHẨM THAM DỰ ĐẾN NGÀY 31/8/2023
- Thông báo về việc nghỉ Tết và treo cờ Tổ quốc nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023
- Thông báo về việc nghỉ Tết và treo cờ Tổ quốc nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023
- Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2022 diễn ra từ tháng 10/2022 đến tháng 12/2022
- Thông báo về việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc nhân kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2022)
- Thông báo việc nghỉ lễ và treo cờ Tổ quốc Tết Dương lịch năm 2022
- Thông báo nghỉ Tết Dương lịch năm 2022 và treo cờ Tổ quốc
- Thông báo thể lệ cuộc tuyển chọn ảnh đẹp du lịch tỉnh năm 2021