Chương trình phối hợp

Tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh

06/11/2024 02:59:56PM
Màu chữ Cỡ chữ

Thời gian qua, các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh gồm đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh đang được tỉnh quan tâm chú trọng đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh vượt tiến độ

Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 76,34km, đi qua địa phận TP.HCM và 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch, khi hoàn thành sẽ kết nối 5 tuyến cao tốc tạo liên kết cho cả vùng, gồm: TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài và TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành.

Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh được chia thành 8 dự án thành phần vận hành độc lập với tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng. Quy mô giai đoạn hoàn chỉnh gồm 8 làn xe cao tốc và đường song hành 2 bên. Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe cao tốc cùng đường song hành 2 bên. Trong đó, đoạn qua địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An có chiều dài 6,84km với tổng mức đầu tư 4.208 tỷ đồng (phần xây dựng 3.040 tỉ đồng và giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư 1.168 tỉ đồng). Dự án chính thức khởi công vào tháng 6/2023, phấn đấu cơ bản hoàn thành, thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.

Theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải, đến thời điểm hiện tại, Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM, đoạn qua địa bàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An cơ bản hoàn thành so với kế hoạch, các mốc tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, đạt sản lượng khoảng 50,84% giá trị xây dựng, riêng phần nút giao thi công vượt tiến độ khoảng 02 tháng. Trong đó, các đơn vị thi công tại cả 3 gói thầu xây lắp đang nỗ lực huy động phương tiện, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ toàn dự án. Hiện nay, đường công vụ đã hoàn thành thi công. Phần đường cao tốc đã hoàn thành công tác đắp cát gia tải, đang bơm hút chân không xử lý nền đất yếu và dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2024. Phần cầu vượt sông và cầu cạn trên đường cao tốc (cầu vượt rạch Rích, cầu Tân Bửu), phần nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, phần các đường nhánh kết nối trong nút đã cơ bản hoàn thành so với kế hoạch, các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/8/2022 và đang triển khai thi công đạt tiến độ được duyệt.

Dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, đoạn Kênh Thầy Cai – Hiệp Phước

Dự án đường Vành đai 4 TPHCM (ký hiệu toàn tuyến là CT.41) có tổng chiều dài 197,6km, đi qua 5 tỉnh, thành là: TP Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An. Đường Vành đai 4 bắt đầu tại điểm giao với đường Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại Km 40+000 (khu vực Phú Mỹ). Hướng về sân bay quốc tế Long Thành, giao với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, giao với quốc lộ 1A, cắt quốc lộ 22 tại Củ Chi, qua thị trấn Bến Lức, giao cắt với đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Điểm cuối nối với đường trục Bắc-Nam tại khu đô thị cảng Hiệp Phước, TP.HCM.

Đoạn Kênh Thầy Cai – Hiệp Phước có tổng chiều dài khoảng 78,3km (trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Long An dài 74,5km và đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh dài 3,8km). Điểm đầu tuyến: Tại kênh Thầy Cai (ranh giới huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh và huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).Điểm cuối tuyến: Nối với trục Bắc – Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh. Hướng tuyến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Long An phù hợp với phương án phát triển mạng lưới giao thông trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023. Công tác GPMB: Số hộ bị ảnh hưởng 2.317 hộ (trong đó tỉnh Long An là 2.290 hộ, Thành phố Hồ Chí Minh là 27 hộ). Tỉnh dự kiến xây dựng 05 khu tái định cư tại các huyện có dự án đi qua.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP Hồ Chí Minh là cơ quan có thẩm quyền tổ chức hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể trên cơ sở tổng hợp từ BCNCTKT các dự án thành phần đã được các địa phương tổ chức lập, trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, dự án hiện nay gặp một số khó khăn như: Chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn Ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các dự án đường Vành đai 4 (thuộc nhiệm vụ chỉ từ Ngân sách Trung ương); Cơ chế được sử dụng Ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án (cầu Thủ Biên giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương, cầu giữa tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu);  Nguồn vốn Nhà nước tham gia các dự án lớn, trong khi nguồn vốn Ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối, bố trí để tham gia dự án; tỷ lệ vốn Ngân sách tham gia hỗ trợ dự án trên 50% tổng mức đầu tư dự án; cần một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Trung Hiếu

Các tin khác

  • Tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Long An (07/11/2024)
  • Long An thực hiện phân loại rác thải tại nguồn tại các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh (06/11/2024)
  • Long An: Phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng nông thôn mới (04/11/2024)
  • Long An xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn (21/10/2024)
  • Tình hình thực hiện quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn (18/10/2024)
  • Tập trung, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong ứng phó sự cố chất thải (15/10/2024)
  • Quy định về Giấy phép môi trường (Bài 2) (08/10/2024)
  • Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (07/10/2024)
  • Tình hình trật tự, an toàn giao thông 9 tháng đầu năm 2024 (02/10/2024)
  • Quy định về Giấy phép môi trường (25/09/2024)
  • Trang đầu 12345 Trang cuối