Chương trình phối hợp

Hỏi – Đáp quy định về hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Long An

01/03/2024 02:39:0PM
Màu chữ Cỡ chữ

Để công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, ngày 02/6/2023, UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Long An, gồm 4 chương, 16 điều. Sau đây là một số câu hỏi – đáp liên quan đến các nội dung trong Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND.

1. Đối tượng áp dụng thực hiện việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Long An ?

Theo Điều 2, Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND, đối tượng áp dụng bao gồm:

(1). Hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh CTRSH trên địa bàn tỉnh Long An.

(2). Hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh doanh, dịch vụ được cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn tỉnh Long An

2. Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Long An được phân loại như thế nào ?

Theo Điều 2, Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Long An được phân loại như sau:

(1). Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức được phân loại theo nguyên tắc như sau:

a) Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, kim loại, nhựa, thủy tinh, cao su, ni-lông, nhóm tương đương khác);

b) Chất thải thực phẩm (nhóm thức ăn thừa; lá cây, rau, củ, quả; vỏ, hạt trái cây; bã mía, bã trà, cà phê; xác động vật; thủy sản, vỏ tôm, cua, trứng; nhóm tương đương khác);

c) Chất thải rắn sinh hoạt khác: Các loại chất thải rắn sinh hoạt còn lại.

(2). Tiêu chí phân loại “đạt” khi thành phần chất thải thực phẩm hoặc thành phần chất thải rắn sinh hoạt khác lẫn dưới 10% khối lượng chất thải khác nhóm trong danh mục nhóm chất thải phân loại theo quy định tại khoản 1.

3. Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng được các yêu cầu gì ?

Theo Điều 2, Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND:

1. Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải bố trí 3 khu vực/thùng chứa khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau.

2. Điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

4. Phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được quy định như thế nào?

Theo Khoản 2, Điều 6, Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND:

(a) Chủ cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng phương tiện thu gom, vận chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

(b) Tùy thuộc vào hiện trạng thực tế về hiện trạng giao thông tại khu vực phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, chủ cơ sở thu gom, vận chuyển bố trí các phương tiện thu gom, vận chuyển cho phù hợp; đối với những nơi thuận tiện cho xe cơ giới đi vào thì có thể thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trực tiếp từ nơi phát sinh đến nơi xử lý; đối với những nơi không thuận tiện cho xe cơ giới đi vào thì bố trí các phương tiện khác để thu gom chất thải rắn sinh hoạt từ nơi phát sinh đến các điểm tập kết rồi sử dụng xe cơ giới vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt về nơi xử lý.

5. Tần suất và địa điểm thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được quy định như thế nào ?

Theo Điều 7, Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND:

(1). UBND cấp huyện hoặc ủy quyền UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với chủ cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH và tổ trưởng tổ dân phố, khu phố, ban quản lý chung cư, trưởng ấp xác định địa điểm và tần suất thu gom, vận chuyển CTRSH phù hợp với hiện trạng, đảm bảo theo quy định sau đây:

- Chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế: Các hộ gia đình, cá nhân chủ động thời gian, địa điểm thu gom và chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH;

- Chất thải thực phẩm: Đối với khu vực đông dân cư và trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tần suất thu gom, vận chuyển tối thiểu là 01 (một) ngày/01 (một) lần; đối với khu vực thưa dân cư, tần suất thu gom, vận chuyển tối thiểu 02 (hai) ngày/01(một) lần;

- Chất thải rắn sinh hoạt khác: Có thể thu gom với tần suất tối thiểu 03 (ba) ngày/01(một) lần hoặc lâu hơn, tùy điều kiện từng địa phương và khối lượng rác phát sinh.

(2). UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã (được UBND cấp huyện ủy quyền) căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để quy định cụ thể, chi tiết về địa điểm và tần suất thu gom, vận chuyển CTRSH phù hợp với hiện trạng và đảm bảo không ngoài quy định của UBND tỉnh.

6. Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân được quy định như thế nào ?

Theo Điều 8, Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND:

(1). Đưa chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại đến điểm thu gom theo quy định hoặc chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chi trả chi phí dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

(2). Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư; giám sát và phản ánh các vấn đề liên quan đến chất lượng cung ứng các dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã.

7. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp được quy định như thế nào ?

Theo Điều 9, Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND:

(1). Phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ CTRSH phù hợp với từng loại chất thải theo quy định (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác).

(2). Thực hiện chuyển giao CTRSH theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.

(3). Có trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; chi trả giá dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ và theo quy định cụ thể của chính quyền địa phương.

8. Trách nhiệm của cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được quy định như thế nào ?

Theo Điều 10, Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND:

(1). Chủ cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 61 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.

(2). Báo cáo định kỳ hằng năm trước ngày 15 tháng 01 của năm sau hoặc báo cáo đột xuất (trường hợp được cơ quan chức năng yêu cầu) về tình hình thu gom, vận chuyển CTRSH gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện và UBND cấp xã (được UBND cấp huyện ủy quyền).

9. Trách nhiệm của UBND cấp xã được quy định như thế nào ?

Theo Điều 13, Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND:

(1). Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức chuyển giao CTRSH cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và giải quyết phản ánh các trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom và vận chuyển CTRSH.

(2). Chịu trách nhiệm quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức tại các khu phố, ấp, tổ dân phố và các tổ chức tự quản trên địa bàn; định kỳ xây dựng và triển khai kế hoạch tổng vệ sinh môi trường đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

(3). Niêm yết công khai điểm tập kết, trạm trung chuyển CTRSH tại trụ sở UBND cấp xã, đồng thời thông tin rộng rãi đến từng khu phố, ấp, tổ dân phố để người dân được biết.

(4). Tổ chức đấu thầu, giao nhiệm vụ, đặt hàng lựa chọn, ký hợp đồng và nghiệm thu, xác nhận khối lượng công việc thực hiện của các cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH đối với cơ sở cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn quản lý trong trường hợp được UBND cấp huyện giao nhiệm vụ.

(5). Chỉ đạo các khu phố, ấp, tổ dân phố tham gia giữ gìn vệ sinh đường giao thông, nơi công cộng, thực hiện quy chế quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức và đăng ký thực hiện quy ước, cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường.

6. Định kỳ hằng năm (trước ngày 20 tháng 01) tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện kết quả hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH của hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn.

7. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện nếu xảy ra tình trạng phát sinh CTRSH của hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức không được thu gom, vận chuyển đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý.

Mai Xuân

Các tin khác

  • Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (08/11/2024)
  • Tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Long An (07/11/2024)
  • Tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh (06/11/2024)
  • Long An thực hiện phân loại rác thải tại nguồn tại các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh (06/11/2024)
  • Long An: Phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng nông thôn mới (04/11/2024)
  • Long An xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn (21/10/2024)
  • Tình hình thực hiện quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn (18/10/2024)
  • Tập trung, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong ứng phó sự cố chất thải (15/10/2024)
  • Quy định về Giấy phép môi trường (Bài 2) (08/10/2024)
  • Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (07/10/2024)
  • Trang đầu 12345 Trang cuối