Chủ điểm tuyên truyền

100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ) xuất bản số đầu tiên (1/4/1922-1/4/2022)

01/04/2022 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Cách đây 100 năm, ngày 1/4/1922, báo Le Paria  (Người cùng khổ) xuất bản số đầu tiên và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chính là “linh hồn” của tờ báo này.

Năm 1921, tại thủ đô Paris (Pháp), Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của mình từ các nước thuộc địa của Pháp sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Mục đích của tổ chức này là nhằm tập hợp lực lượng, thống nhất hành động của nhân dân các nước thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc.

Ngày 19/2/1922, tại cuộc họp của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa diễn ra đã quyết định ra đời tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) làm cơ quan cơ quan ngôn luận của tổ chức này. Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh), khi đó là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, đã có những đóng góp tích cực để tờ báo này ra đời và phát triển.

Ngày 1/4/1922, Báo Le Paria, cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, xuất bản số đầu tiên với tôn chỉ: “Báo Le Paria là vũ khí chiến đấu với sứ mạng rõ ràng: Giải phóng con người”. Trong số đầu tiên này có lời chào mừng bạn đọc như sau: “Trong lịch sử của quần chúng bản xứ các thuộc địa của Pháp, chưa có một tờ báo nào lập ra để kêu to sự thống khổ và sự nghèo nàn chung của họ, không phân biệt xứ sở và chủng tộc. Báo Le Paria ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Madagascar, Đông Dương, Antilles và Guyam”. Về tên gọi của báo, Nguyễn Ái Quốc giải thích: “Paria nguyên là tiếng Ấn Độ dùng để gọi những người đã mất hết mọi quyền lợi về tôn giáo và xã hội. Nghĩa rộng, người Pháp dùng để gọi những người cùng khổ”.

Mặc dù bị hạn chế về tài chính, kinh nghiệm trị sự, bạn đọc xa xôi, phân tán… nhưng Báo Le Paria đều ra hằng tháng. Mỗi số báo in từ 2 đến 4 trang. Có vài số báo ra nửa tháng, ba lần ra số kép. Tài chính của báo chủ yếu trả lương cho người quản lý có quốc tịch Pháp, in báo, thuê trụ sở, còn lại tất cả mọi việc liên quan đều do Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí tham gia không nhận thù lao. 

Tháng 4/1926, Báo Le Paria ra số 38 đăng lời giới thiệu tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc. Đây là số cuối cùng của báo. Tùy vào từng thời gian và khả năng tài chính mà số lượng in Báo Le Paria không cố định, dao động từ 1.000 đến 5.000 bản, cá biệt có những số in hơn 5.000 bản. Có 50% số lượng báo in ra được lan truyền qua các nước thuộc địa của Pháp.

Báo Le Paria tồn tại trong 4 năm (4/1922 đến 4/1926) với 38 số. Tờ báo đã có ảnh hưởng lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các thuộc địa. Từ số 1 đến số 14, Nguyễn Ái Quốc làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, làm cả việc phát hành và đi bán báo. Người còn tham gia chuẩn bị cho các số 15, 16, 17 trước khi đi Liên Xô, rồi Trung Quốc. Trong thời gian ở hai nước này, Người vẫn gửi bài về đăng Báo Le Paria và gửi tiền ủng hộ báo.

Việc xuất bản Le Paria tại thủ đô Paris là một đòn đánh vào chủ nghĩa thực dân xâm lược Pháp. Chính quyền ra lệnh cấm không cho đưa tờ báo đó vào các thuộc địa. Ở Ðông Dương khi đó, ai đọc báo Le Paria - Người cùng khổ đều bị bắt. Ðể có thể vận chuyển báo đến các nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc và cộng sự dùng nhiều hình thức như: gửi theo đường bưu điện công khai nếu không bị cấm; hình thành các tuyến vận chuyển bí mật theo đường biển từ Pháp đến các thuộc địa do các thủy thủ có cảm tình ủng hộ phong trào thực hiện.

Báo Le Paria đã thật sự gắn kết sứ mệnh giai cấp vô sản thế giới với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước thuộc địa thành khối đoàn kết thống nhất, đã thu hút được nhiều đối tượng bạn đọc là những người yêu nước, nuôi ý chí, khát vọng đấu tranh giải phóng dân tộc mình, nhất là thế hệ trẻ ở các thuộc địa. 

Sáng lập và làm báo Le Paria, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã cùng các đồng chí của mình tạo ra “một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức”. Báo đã góp phần truyền tải những thành quả mang tính thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga, tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin vào các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam, thức tỉnh các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết đấu tranh giành tự do, độc lập.

Mặc dù chỉ tồn tại trong 4 năm với 38 số, song báo Le Paria (Người cùng khổ) đã có ảnh hưởng lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các thuộc địa. Một thế kỷ trôi qua, Le Paria - Người cùng khổ thật sự là “vật chứng” cho tinh thần quốc tế vô sản theo khẩu hiệu của V.I.Lênin: vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại./. 

P.TTTT & LLCT (tổng hợp)

Các tin khác

  • Những mốc son chói lọi trên chặng đường 94 năm vinh quang của Đảng (29/01/2024)
  • Kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc (07/01/1979 - 07/01/2024) (05/01/2024)
  • Kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (12/05/2023)
  • Đồng chí Huỳnh Tấn Phát tấm gương tiêu biểu cho đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế (15/2/1913 – 15/2/2023) (12/02/2023)
  • Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023): Vị thế của Đảng trong lịch sử và trong lòng dân (03/02/2023)
  • 04 Tổng Bí thư trẻ tuổi nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (02/02/2023)
  • Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973 – 27/1/2023) (25/01/2023)
  • Kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2023) (22/01/2023)
  • Kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam (09/01/1950 - 09/01/2023) (09/01/2023)
  • Kỷ niệm 77 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946-06/01/2023 (05/01/2023)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối