Chủ điểm tuyên truyền

Long An “Trung dũng kiên cường, Toàn dân đánh giặc”

16/09/2024 10:17:13AM
Màu chữ Cỡ chữ

Cách đây 57 năm, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ ở vào giai đoạn ác liệt, ngày 17 tháng 9 năm 1967, tại Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã quyết định phong tặng Đảng bộ và quân dân Long An danh hiệu và lá cờ vẻ vang ghi tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Danh hiệu cao quý ấy chính là kết tinh truyền thống của vùng đất Long An có bề dày lịch sử và văn hóa, có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm và đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là niềm vinh dự và tự hào lớn lao của quân và dân Long An, trở thành nguồn động viên to lớn cho chặng đường về sau, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Nằm trong tam giác Đồng Tháp Mười, ở cửa ngõ giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ, giáp ranh với TP Hồ Chí Minh và Vương quốc Campuchia, Long An có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, vùng đất địa linh, nhân kiệt. Trải qua hai thời kỳ kháng chiến vẻ vang và gian khổ, lịch sử vùng đất và con người Long An đã làm nên những chiến công rạng ngời.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vùng đất này đã từng là nơi hội tụ các phong trào đấu tranh yêu nước, gắn liền với các tên tuổi như: Trương Định, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thông, Võ Duy Dương và nhiều anh hùng nghĩa sĩ khác. Khi Đảng ra đời và lãnh đạo, Long An sớm có những chi bộ đầu tiên như Đức Hòa (Quận Đức Hòa) do Võ Văn Tần làm bí thư, chi bộ Long Phú (Bến Lức), Phước Lâm (Cần Giuộc)… lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tiến lên khởi nghĩa vũ trang, đánh đổ thực dân trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, đỉnh cao là khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng 8/1945 - Tân An là nơi đi đầu ở Nam Bộ. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, căn cứ địa Đồng Tháp Mười từng được mệnh danh là “Việt Bắc của miền Nam” vang danh cả nước, những trận đánh nổi tiếng như: Trận Giồng Dinh, Mộc Hóa, Láng Le đi vào thơ ca, bao phen gây kinh hoàng cho quân xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với phong trào “Toàn dân đánh giặc” được phát động, ở nhiều nơi, bộ đội, du kích, nhân dân Long An đã thi đua đạt các danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe cơ giới”; cả thanh niên, người già, trẻ em cùng tham gia đánh Mỹ. Bằng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng làng xã chiến đấu và các vành đai diệt Mỹ, tiến công địch bằng nhiều mũi giáp công, linh hoạt và biến hóa, dân và quân Long An đã kiên cường bám trụ, bảo đảm nhiệm vụ phục vụ chiến trường và giữ vững hành lang chiến lược. Nổi bật trong đó là Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến và Chiến dịch 45 ngày đêm đánh Mỹ của quân và dân vùng hạ Cần Giuộc. Cuộc chiến đấu toàn dân, toàn diện trên địa bàn Long An đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân chiến đấu ngoan cường được phong tặng, truy tặng danh hiệu anh hùng như: Tiểu đoàn 1 Long An 3 lần anh hùng với truyền thống vinh quang “Điều đâu đi đó, chỉ đâu đánh đó, đánh đâu thắng đó ”; các đội quân tóc dài đấu tranh chính trị trực diện với địch và đội nữ pháo binh cơ động kiên cường; các đơn vị thông tin, giao bưu, cơ yếu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhiều cá nhân anh hùng như: Nguyễn Thị Hạnh, Huỳnh Văn Tạo, Nguyễn Văn Thể, Trần Thế Sinh, Huỳnh Việt Thanh, Trương Thị Giao, Nguyễn Thị Ba, Dương Thị Hoa,…; nhiều người chỉ huy giỏi như: Trương Công Xưởng, Huỳnh Công Thân, Nguyễn Văn Chiểu; nhiều dũng sĩ diệt Mỹ, nhiều tấm gương tuổi trẻ anh hùng được cả nước biết đến như: Võ Tấn Đồ, Mai Thị Non, Nguyễn Thái Bình,…Với ý chí quyết tâm, phẩm chất trung dũng, kiên cường, phát huy sức mạnh lòng dân, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Long An đã làm nên nhiều chiến công oanh liệt góp phần đánh bại chống Chiến tranh đặc biệt và Chiến tranh cục bộ của Mỹ - ngụy.

Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, trong những năm 1975 – 1985, quân dân Long An không ngừng hàn gắn vết thương chiến tranh, tập trung sức khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, đặc biệt bảo vệ vững chắc biên cương, làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất (1976 - 1980), Long An vừa sản xuất ổn định đời sống, cưu mang gần 1 vạn người dân Campuchia sang tránh họa diệt chủng của tập đoàn Pôn Pốt, vừa chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, năm 1977, Long An đi đầu trong phong trào xóa giặc dốt ở miền Nam. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ hai (1980 - 1983), Long An thực hiện cơ chế “một giá”, “đột phá vào cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp, chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN trên phạm vi cả nước”. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ ba (1983 - 1986), Long An tiến quân khai mở Đồng Tháp Mười tạo ra sản lượng lương thực chưa từng có (trên 600.000 tấn, năm 1984).

Từ năm 1986 đến nay, trải qua hơn 37 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và quân dân Long An không ngừng vươn lên trong quá trình đổi mới tư duy, trước hết đổi mới tư duy về kinh tế, thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hạch toán trong sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung sức người sức của xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân bổ lại lao động đất đai, thu hút các nguồn lực đầu tư nhằm cải tạo nông nghiệp và xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Với bước đột phá từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII (2001), Đảng bộ đề ra bốn chương trình trọng điểm về kinh tế - xã hội, đã tạo điều kiện cho Long An chủ động và chính thức gia nhập vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ năm 2003. Đặc biệt, năm 2023, quy mô kinh tế của Long An đạt 168.108 tỷ đồng, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 13 cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 96,4 triệu đồng. Sản lượng lương thực tăng từ 427.000 tấn năm 1976, lên 720.000 tấn năm 1986 và 2,75 triệu tấn vào năm 2023.

Với nhiều tiềm năng phát triển, Long An phấn đấu là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; là cửa ngõ kết nối hiệu quả giữa vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh hướng đến mục tiêu nằm trong nhóm 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, dựa trên nền tảng phát triển xanh, tự động hóa và công nghệ đổi mới sáng tạo.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Long An tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phấn đấu cải thiện 3 chỉ số (PCI, PAPI, PAR INDEX) ở nhóm đầu cả nước. Tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, chuyển đổi số, hỗ trợ phát huy hiệu quả hoạt động dịch vụ cảng, logistics, các loại hình du lịch (văn hóa, trải nghiệm, sinh thái...).

Với những kết quả, thành tích xuất sắc mà Long An đã đạt được trong quá trình xây dựng, bảo vệ quê hương, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, Long An đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công giải phóng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất,...Đặc biệt là Huân chương Hồ Chí Minh tại Quyết định số 296/QĐ-CTN ngày 03/4/2023 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.

Hiện nay, trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thuận lợi, Long An cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, phát huy truyền thống “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”,  với bản lĩnh dám nghĩ, dám làm,  Đảng bộ và Nhân dân Long An luôn nêu cao truyền thống yêu nước, đoàn kết, chung sức, chung lòng, ra sức phấn đấu, quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển của cả nước. Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

Danh hiệu “Long An trung dũng kiên cường - toàn dân đánh giặc” mãi mãi là truyền thống, là niềm tự hào của Đảng bộ và quân dân Long An, là động lực của hiện tại và tương lai.

Trung Hiếu

Các tin khác

  • Kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (06/12/1989 – 06/12/2022) (06/12/2022)
  • 20/11 – Nhớ về Giáo sư, Nhà thơ, Nhà giáo Nhân dân Vũ Đình Liên (12/11/2022)
  • Cách mạng Tháng Mười - sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ 20 (05/11/2022)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 - 04/11/2022) (04/11/2022)
  • Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân (1902- 2022) (24/10/2022)
  • Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2022) (15/10/2022)
  • Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2022) (14/10/2022)
  • Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952 - 2022) (14/10/2022)
  • Kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2022) (12/10/2022)
  • Kỷ niệm 72 năm Chiến thắng Biên Giới Thu Đông (1950 – 2022) (09/10/2022)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối