Chương trình phối hợp

Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”

14/05/2024 07:58:12AM
Màu chữ Cỡ chữ

Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.

Mục tiêu của Đề án là hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Tổng nguồn vốn thực hiện Đề án khoảng 800 triệu USD từ các nguồn vốn: Ngân sách; tín dụng, nguồn xã hội hoá; các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại, vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn hợp pháp khác, trong đó nguồn vốn chính là từ nguồn viện trợ không hoàn lại, vốn vay, vốn tín dụng và nguồn thu từ tín chỉ carbon.

Đề án được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long với diện tích một triệu héc-ta.

Đề án sẽ triển khai theo 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (2024 - 2025): Tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 héc-ta, bao gồm công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, xây dựng hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định (MRV), kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ các-bon cho những vùng lúa đạt chuẩn, củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2026 - 2030.

Giai đoạn 2 (2026 - 2030): Xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 820.000 héc-ta. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng Đề án trong giai đoạn 2024 - 2025.

Trong năm 2024, Đề án sẽ bắt đầu triển khai trên diện tích khoảng 200 ngàn ha dựa trên diện tích vùng lúa thuộc Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững đã triển khai những năm trước đây. Sau đó, Đề án sẽ mở rộng dần dần và sẽ hướng tới mục tiêu khoảng 1 triệu héc ta vào năm 2030.

Tại tỉnh Long An, Đề án sẽ được triển khai tại 8 huyện,thị xã vùng Đồng Tháp Mười với 62 xã, phường, thị trấn (trong đó 05 huyện đã thực hiện dự án VnSAT: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, thị xã Kiến Tường) và 50.831 hộ tham gia. Đề án được chia làm hai giai đoạn triển khai. Giai đoạn 1 (2024-2025), tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án (VnSAT) trên địa bàn tỉnh là 60.000 héc-ta; tổ chức thực hiện công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch, phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống Đo đạc - Báo cáo - Thẩm định (MRV); kiểm đếm và thí điểm cấp tín chỉ các-bon cho những vùng lúa đạt chuẩn; củng cố các hợp tác xã, duy tu bảo dưỡng một số công trình. Giai đoạn 2 (2026 - 2030), xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT và sẽ mở rộng thêm 65.000 héc-ta để hướng tới mục tiêu 125.000 héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn này sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những vùng diện tích mới, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị, hoàn thiện hệ thống MRV, đồng thời duy trì sản xuất bền vững ở những vùng Đề án trong giai đoạn 2024-2025.

Mai Xuân

Các tin khác

  • Báo chí tham gia hiệu quả, tích cực vào công tác thông tin đối ngoại của tỉnh (25/06/2024)
  • Tuyên truyền, phổ biến các quy định về Bảo vệ môi trường đất (25/06/2024)
  • Nâng cao chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (12/06/2024)
  • Công tác triển khai nâng cấp, cải tạo ĐT.830C (13/05/2024)
  • Công tác triển khai xây dựng xây dựng ĐT.830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT.830) (13/05/2024)
  • Công tác triển khai Dự án ĐT.822B (đoạn từ ĐT.825 kết nối ĐT.838 đến đường mòn Hồ Chí Minh) (13/05/2024)
  • Hỏi - đáp quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (13/05/2024)
  • Tuyên truyền, phổ biến các quy định về Bảo vệ môi trường trong một số lĩnh vực (10/05/2024)
  • Long An với nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) (09/05/2024)
  • Tuyên truyền, phổ biến các quy định về Bảo vệ môi trường không khí (26/04/2024)
  • Trang đầu 1234 Trang cuối