BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Giá trị nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

30/08/2024 09:00:53AM
Màu chữ Cỡ chữ

Cách đây 55 năm, trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một văn kiện lịch sử vô giá, đó là bản Di chúc mà Người gọi là Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Một con người vô cùng vĩ đại nhưng lại hết sức bình dị không chỉ được cả dân tộc Việt Nam kính yêu mà còn được nhân dân tiến bộ trên khắp thế giới ngưỡng mộ, kính phục. Ở Bác, từ tư tưởng đến cách hành xử với các vấn đề của đời sống con người luôn chứa đựng tính nhân văn hết sức sâu sắc, tính nhân văn đó đã trở nên nổi bật trong Di chúc, làm sáng mãi nhân cách vĩ đại của Người trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Bản Di chúc thiêng liêng

Năm 1965, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, vào lúc 9 giờ sáng ngày 10/5/1965 Bác bắt đầu viết bản Di chúc với tiêu đề “Tuyệt đối bí mật”. Bản Di chúc gồm ba trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Các năm 1966, 1967, Bác không có những bản viết riêng. Năm 1968, Bác viết bổ sung thêm một số đoạn, gồm sáu trang viết tay. Trong đó, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói “về việc riêng” đã viết trong bản năm 1965 và viết thêm một số đoạn. Đó là những đoạn nói về các công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, như chỉnh đốn lại Đảng, quan tâm gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước.

Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc, gồm một trang viết tay. Sau đó, trong các ngày từ 11 đến ngày 19/5/1969, Bác còn tiếp tục sửa chữa bản Di chúc của các năm 1965, 1968, 1969. Đúng 10 giờ ngày 19/5/1969, là kỷ niệm ngày sinh lần thứ 79 của Bác, Bác đọc lại lần cuối cùng tất cả các bản Di chúc đã viết trước đó, rồi xếp tất cả bỏ vào phong bì và cất đi…

 Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người tháng 9/1969, gồm 4 trang in khổ 14,5 cm x 22 cm. Ngày 19/8/1989, Bộ Chính trị ra Thông báo số 151-TB/TW về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Di chúc công bố chính thức năm 1969 bảo đảm trung thành với bản gốc của Người. Nội dung chủ yếu dựa theo bản Bác viết năm 1965, trong đó đoạn mở đầu là của bản viết năm 1969, đoạn về việc riêng là của bản viết năm 1968. Lúc đầu, vì những lý do nhất định, nên một số vấn đề trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa được công bố, như: Việc căn dặn của Người về hoả táng thi hài; việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi; miễn giảm thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp... Trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người.

Quan điểm về con người và vì con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều làm nên giá trị tinh thần lớn lao và mang ý nghĩa cải tạo thực tiễn sâu sắc chính là quan điểm về con người và giải phóng con người. Quan điểm này đã thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cả một triết lý nhân sinh mà Người đã dày công xác lập. Đây là tư tưởng nhất quán gắn liền với hoạt động thực tiễn trong suốt sự nghiệp hoạt động cách mạng của người.

Phần viết về những việc cần làm sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (viết tháng 5/1968), Người đã nhấn mạnh: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Trước hết, Người căn dặn phải có một chính sách đối với những người đã vì Tồ quốc mà hy sinh và hậu phương gia đình họ, thể hiện thấm nhuần đạo lý, truyền thống tốt đẹp của Người Việt Nam “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và tôn vinh người có công với cách mạng. Người chỉ rõ: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, chúng ta phải tìn mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, phải mở những lớp dạy nghề thích hợp cho họ, để họ có được hành trang cần thiết bước vào cuộc sống tự lập, tự lực cánh sinh”.

Trong chiến lược về xây dựng con người, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Người rất quan tâm tới những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đã được rèn luyện trong chiến đấu và căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường tư tưởng cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi của CNXH ở nước ta”. Đây là tư tưởng thể hiện rất rõ sự thống nhất giữa tính nhân văn cộng sản và tầm nhìn chiến lược về lựa chọn, bồi dưỡng phát huy nhân tố con người của Hồ Chí Minh. Thực tế cho thấy tư tưởng của Người hoàn toàn đúng đắn.

Người còn dành sự quan tâm sâu sắc đến việc bồi dưỡng, cất nhắc, giúp đỡ phụ nữ, để họ tiến bộ, để họ bình đẳng và thật sự được giải phóng. Người căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ họ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công  việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên, đó là môt cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đảng thật sự cho phụ nữ”

Ngay cả đối với những người Việt Nam lầm lỡ, trước đây làm việc cho chế độ cũ hoặc không lương thiện trong chế độ xã hội cũ Hồ Chí Minh chỉ gọi họ là “nạn nhân của chế độ xã hội cũ” và nhắc nhở: “Nhà nước  phải dùng vừa giáo dục, vừa đúng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lương thiện”. Đó cũng chính là truyền thống khoan dung, triết lý khoan dung của dân tộc Việt Nam mà Hồ Chí Minh đã kế thừa và khắc sâu thêm vào tâm khảm mỗi người chúng ta.

Thấnmnhuần đạo lý truyền thống của người Việt Nam, Người đề nghị: “miễn thuế nông nghiệp 01 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ ha, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi đẩy mạnh sản xuất”

Tính nhân văn trong Di chúc của Người chính là lòng thương yêu con người sâu sắc. Đó là sự quan tâm, biết ơn, trân trọng tin tưởng vào sức mạnh của mỗi con người, quyết tâm hành động để mang lại hạnh phúc, ấm no cho con người, giải phóng con người. Đó là tình thương yêu con người của một trái tim lớn vô cùng nhân hậu. Tình thương yêu con người ấy cũng là nền gốc để qui tụ, đoàn kết hết thảy mọi tầng lớp, mọi lực lượng, mọi con người tạo nên sức mạnh vĩ đại để giải phóng cho dân tộc, cho mọi người và cho mỗi con người.

Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là sự quan tâm đến người cộng sản, đến công tác xây dựng Đảng

Đây thực sự là nét độc đáo trong tư tưởng nhân văn của Người. Tháng 5/1968 sau khi bổ sung vào bản Di chúc đã khởi thảo từ năm 1965, Người viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”. Quan tâm đến Đảng đầu tiên, hướng đến việc hoàn thiện công việc lãnh đạo của Đảng, Người đặc biệt nêu lên ý nghĩa nhân văn trong việc Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Thấm nhuần những lời dạy của Người về công tác xây dựng Đảng, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta luôn chú trọng đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng về cả chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đảng đã đề ra những quan điểm chỉ đạo hết sức thiết thực và triển khai thực hiện gắn liền với những cuộc vận động. Kết quả sau nhiều năm, Đảng ta ngày càng vững vàng về chính trị, tư tưởng; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngày càng được nâng cao, đáp ứng với yêu cầu sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới; nội bộ Đảng ngày càng đoàn kết, dân chủ; tình trạng tham ô, tham nhũng quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên ngày càng được xử lý nghiêm minh, quyết liệt. Cán bộ, đảng viên ngày càng thấn nhuần chủ nghĩa nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thầm nhuần đạo đức cách mạng và ý thức tự giác trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

55 năm bản Di chúc được công bố, đọc lại và suy ngẫm về những lời dặn của Người, chúng ta càng nhận thức sâu sắc và đầy đủ hơn tính nhân văn trong con người Hồ Chí Minh. Thông qua bản Di chúc, Người đã để lại không chỉ ở những nội dung mà cả ở hình thức biểu hiện của nó. Qua đó, chúng ta càng thấy sự vĩ đại trong con người Bác, càng thấy cần phải đẩy mạnh hơn nữa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

                                                             Trung Hiếu

Các tin khác

  • Nâng cao chất lượng công tác định hướng tư tưởng gắn với phản bác quan điểm sai trái thông qua công tác tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên (06/09/2024)
  • Chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (31/07/2024)
  • Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong hoạt động báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh Long An (01/07/2024)
  • Không thể bôi nhọ, phủ nhận sự hy sinh xương máu của thế hệ cha anh! (10/04/2024)
  • Trang đầu 1 Trang cuối