Tuyên truyền trong Nhân dân

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Long An

10/01/2023 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 30/12/2022, UBND tỉnh Long An ban hành Kế hoạch số 3910/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược.

Mục tiêu của Kế hoạch là xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Chuyển đổi nông nghiệp theo hướng nông nghiệp tích hợp đa giá trị, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn,..., gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, kết nối bền vững với các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo hướng giảm diện tích trồng lúa; hạn chế sản xuất lúa 3 vụ, tăng nhanh các ngành hàng có lợi thế so sánh và tính cạnh tranh cao. Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư ngày càng nhiều vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp; từng bước hình thành các vùng sản xuất theo quy trình GAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa. Nâng cao thu nhập và đời sống dân cư, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm trong tình hình mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao vị thế của người dân nông thôn, củng cố và phát triển cộng đồng. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn xanh sạch đẹp, đảm bảo an ninh với hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ tiệm cận với khu vực đô thị.

Tại Kế hoạch, UBND tỉnh đã đề ra các chỉ tiêu đến năm 2030, cụ thể như sau: Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân từ 2% - 2,5%/năm. Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. Giảm 15% tổng số hộ nghèo đa chiều ở nông thôn/năm. Đến cuối năm 2025 giảm 1/2 số hộ nghèo đa chiều ở nông thôn so với đầu kỳ năm 2021. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. 100% xã đạt nông thôn mới, trong đó phấn đấu có ít nhất 85 xã đạt nông thôn mới nâng cao (chiếm 52,7% số xã toàn tỉnh); 30 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 18,6% số xã toàn tỉnh); 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 04 huyện đạt nông thôn mới nâng cao; 02 huyện đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định từ 3,3%.

Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu nền nông nghiệp tỉnh Long An là nền nông nghiệp hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái, trên cơ sở phát triển kinh tế nông nghiệp tổng hợp, theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn.

Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, Kế hoạch cũng đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới, về cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Nâng cao hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ. Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến; phát triển thị trường đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn; xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn. Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, thích nghi biến đổi khí hậu. Triển khai, rà soát, ban hành các cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực ngành Nông nghiệp và PTNT.

Quang Minh

Các tin khác

  • Cảnh báo hành vi, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo giả danh cán bộ thuế (29/07/2024)
  • “Giọt hồng sông Vàm” - Những tấm lòng nhân ái (22/07/2024)
  • Khát vọng phát triển liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long (21/05/2024)
  • Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh (15/05/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sự kiện mang giá trị và tầm vóc thời đại (17/04/2024)
  • Công ty Điện lực Long An đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn điện trong dân (13/03/2024)
  • CÁC HÌNH THỰC TIẾT KIỆM ĐIỆN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT (11/03/2024)
  • CÁC GIẢI PHÁP TIẾT KIỆM ĐIỆN TRONG MÙA NẮNG NÓNG (11/03/2024)
  • Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (29/01/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối