Tuyên truyền trong Nhân dân

Các vấn đề an ninh môi trường ở Việt Nam

14/05/2023 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

An ninh môi trường là một vấn đề an ninh phi truyền thống, một thành tố thuộc an ninh quốc gia, có mối quan hệ đan xen giữa môi trường, xã hội, kinh tế và chính trị. Phạm vi an ninh môi trường có tầm ảnh hưởng ở quy mô rộng lớn, trên phạm vi toàn cầu, xuyên quốc gia, liên tỉnh hay tại trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội lớn của đất nước.

Những thách thức nổi cộm về an ninh môi trường ở Việt Nam

Mức độ tác động của an ninh môi trường được xác định ở mức độ nghiêm trọng, đe dọa tới sức khỏe, tính mạng con người, gây ra bất ổn chính trị, xã hội và kinh tế, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Các thách thức an ninh môi trường bắt nguồn do con người hoặc tự nhiên (thiên tai) gây nên. Trong bối cảnh hiện nay các hoạt động của con người là nguyên nhân chủ yếu tác động gây mất an ninh môi trường; môi trường sinh thái, kinh tế, chính trị, xã hội,… đe dọa tới an ninh quốc gia và diễn ra rất phức tạp, khó lường, lan tỏa nhanh, để lại hệ lụy xấu.

Trạng thái an ninh môi trường thể hiện khả năng sẵn sàng ứng phó trước các mối đe dọa có nguồn gốc từ hoạt động của con người hoặc môi trường tự nhiên gây ra.

Từ các vấn đề nêu trên, nhận thấy các yếu tố môi trường và các lĩnh vực  kinh tế - xã hội có mối quan hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau. An ninh môi trường quan hệ mật thiết với sự phát triển kinh tế - xã hội; nếu an ninh môi trường không được bảo đảm thì ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, làm gia tăng đói nghèo, bất ổn xã hội và an ninh quốc gia.

Bảo đảm an ninh môi trường là một những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị nước ta. Đây là vấn đề đang đứng trước nhiều mối đe dọa như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh môi trường biển, ô nhiễm các khu vực trọng điểm, ô nhiễm xuyên biên giới, suy giảm tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, cụ thể:

 Biến đổi khí hậu: Nước ta là một trong 5 quốc gia ở khu vực Châu Á chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt lại nằm trong vùng hoạt động của bão Tây bắc Thái Bình Dương, đứng thứ 7 trong số các quốc gia có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới, là một trong 16 nước chịu tác động lớn nhất của hiện tượng khí hậu cực đoan. Trong những năm gần đây nhiệt độ và lượng mưa ngày càng bất thường, nhiệt độ có xu hướng ngày càng tăng lên ở các khu vực đồng bằng, đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nguyên. Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm có hiện tượng thời tiết cực đoan. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn cũng diễn ra tại một số địa phương ở Trung Bộ, kéo dài từ Nghệ An đến Ninh Thuận, nặng nhất là ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Xâm nhập mặn sâu vào nội đồng đã diễn ra tại Quảng Trị, Đà Nẵng. Khu vực trung du miền núi phía Bắc, rét đậm, rét hại có sự biến đổi phức tạp và biến động mạnh qua các năm. Số ngày rét đậm, rét hại giảm đi nhưng mức độ khắc nghiệt và độ dài các đợt rét có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt trong những năm gần đây đã xuất hiện những đợt rét đậm kéo dài kỷ lục cũng như những đợt rét hại có nhiệt độ khá thấp (thấp nhất trong 40 năm gần đây). Tại các vùng núi cao như Pha Đin, Sa Pa hay Mẫu Sơn, nhiệt độ thấp nhất dao động dưới (-5). Biến đổi khí hậu đang khiến vòng tuần hoàn nước xảy ra nhanh hơn khi nhiệt độ tăng làm tăng độ bay hơi, bốc hơi nhiều sẽ gây ra mưa nhiều hơn, tốc độ bay hơi và lượng mưa cao hơn lại không được phân bố đều. Một số khu vực có thể hứng chịu lượng mưa lớn hơn bình thường, trong khi đó, các khu vực khác có thể phải trải qua hạn hán. Lượng mưa trung bình năm cả nước có xu thế tăng nhẹ, trong đó, tăng nhiều nhất vào các tháng mùa đông và mùa xuân, giảm vào các tháng mùa thu; giai đoạn 2016 - 2020, diễn biến mưa một số nơi không phù hợp với quy luật nhiều năm.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn mấy năm gần đây đến sớm và nghiêm trọng. Năm 2019 mực nước thượng lưu Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiền năm từ 2,5m -5,0 m, nhất là vùng trung và hạ lưu thấp hơn từ 2,5 m - 3,5m. Lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ 48%, tương đương năm 2010. Đây là năm thiếu hụt cao, xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long lấn sâu vào đất liền ngày càng mở rộng. Hạn hán, xâm nhập mặn gây ra tình trạng thiếu nước kéo dài làm mực nước sông, kênh xuống thấp, gây sạt lỡ bờ kênh, làm cho người dân trong vùng thiếu nước sinh hoạt.

An ninh nguồn nước: Hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Sự khan hiếm, thiếu hụt nguồn nước vì phụ thuộc vào các con sông xuyên biên giới và các dòng sông chính ở nước ta đang bị ô nhiễm với mức độ khác nhau, tùy thuộc vào từng vùng, khu dân cư, khai thác sử dụng các nguồn nước, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng trung và hạ lưu, xảy ra ô nhiễm cục bộ ở các đoạn sông chảy qua các khu đô thị, khu công nghiệp, làng nghề. Tình trạng ô nhiễm gây ra cạn kiệt dòng chảy trong sông, từ đó dẫn tới mất an ninh môi trường nguồn nước; nhiều khu vực nguồn nước không bảo đảm đáp ứng việc cung cấp nước cho việc sử dụng trong sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp. Bên cạnh đó, các điểm nóng về môi trường nước trên lưu vực sông vẫn chưa được cải thiện rõ rệt, điển hình như ô nhiễm trên các sông nội thành Hà Nội (sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét...) thuộc lưu vực sông Nhuệ; sông Ngũ Huyện Khuê, cầu Bóng Tối thuộc lưu vực sông Cầu và kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, kênh Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật...) thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng.

Tình trạng một số con sông bị xâm nhập mặn, hàm lượng bùn cát cao, nguồn nước bị ô nhiễm, điển hình là các cửa sông khu vực hạ lưu, lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và các sông ở Nam Bộ. Lượng phù sa thiếu hụt và tình trạng khai thác cát trái phép gây ra sạt lỡ bờ sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, đặc biệt ở các khu đô thị, trung tâm thành phố do tập trung đông người như nguồn nước sông Đà bị nhiễm dầu thải. Ngoài ra, do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các công trình thủy điện của các nước lưu vực sông Mê Kông, dự báo nguồn nước của Việt Nam sẽ khan hiếm.

An ninh môi trường biển: Vùng biển nước ta có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, môi trường. Bờ biển nước ta trải dài từ miền Bắc đến miền Nam (28 tỉnh, thành có biển). Tuy nhiên, vấn đề an ninh môi trường biển đang đứng trước những thách thức, đe dọa từ các hoạt động khai thác dầu, khai thác cát trái phép, phế liệu xây dựng cảng biển, nguồn thải từ đất liền và trên biển; việc xả thải từ các khu kinh tế biển, khu công nghiệp ven biển, chất thải sinh hoạt của cộng đồng dân cư ven biển đổ ra cửa sông, đổ ra biển và việc nuôi trồng thủy sản tràn lan,… từ đó dẫn đến nước ven biển ở một số khu vực gia tăng mức độ ô nhiễm. Ô nhiễm môi trường biển sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng như làm suy thoái đa dạng sinh học biển, làm tuyệt chủng một số loài sinh vật, hải sản và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và tiềm ẩn những nguy cơ, tác động xấu đến an ninh quốc gia, an ninh, trật tự xã hội.

Ô nhiễm tại các khu vực trọng điểm: Xuất phát từ các cơ sở sản xuất tiềm ẩn những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, như sản xuất hóa chất, phân bón, vật liệu xây dựng, nhiệt điện và các cơ sở xử lý chất thải; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và một số làng nghề còn phổ biến sử dụng nhiên liệu là than chất lượng thấp, công nghệ sản xuất lạc hậu và chưa đầu tư cho hoạt động xử lý chất thải. Ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn. Trong hoạt động nhập khẩu phế liệu còn nhiều phức tạp, tiềm ẩn loại phế liệu vừa là nguồn nguyên liệu hữu ích nhưng cũng có nguồn nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt tình trạng nhập cả rác thải là phế liệu chưa được làm sạch tạp chất, có chất nguy hại, tác động xấu tới môi trường và sức khỏe của người dân.

Ô nhiễm xuyên biên giới: Đang là một trong những thách thức lớn ở nước ta, đó là ô nhiễm hệ thống sông xuyên biên giới, như sự cố tràn dầu; ô nhiễm không khí từ cháy rừng; ô nhiễm môi trường biển gồm hoàn lưu nước ven bờ đưa các chất thải từ nước lân cận vào biển nước ta, rác thải rắn, buôn bán động vật biển qua biên giới, sinh vật ngoại lai,…

Suy giảm tài nguyên rừng và đa dạng sinh học: Hiện nay, rừng đầu nguồn nước ta bị suy giảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông, nhất là mất thảm thực vật là tác nhân lớn gây xói mòn lưu vực, lớp đất bề mặt bị rửa trôi dẫn đến tình trạng bồi lắng và làm giảm dung tích hữu ích các hồ chứa. Mất rừng làm tăng nguy cơ lũ lụt, mất tầng trữ nước bề mặt, làm giảm lượng trữ nước ngầm cho mùa khô, tăng nguy cơ hạn hán, mất cân bằng lượng ô xy và cacbonic làm mất cân bằng sinh thái trên lưu vực sông. Diện tích rừng tự nhiên giảm sút, do chặt phá rừng vì mục đích thương mại, phá rừng do du canh là một trong những đe dọa trực tiếp làm mất rừng hoặc suy thoái rừng.Việc chuyển đổi đất rừng thành đất trồng cây công nghiệp là một trong những nguyên nhân chính gây mất rừng tự nhiên, thậm chí cả rừng trồng. Việc suy giảm diện tích rừng đầu nguồn do các dự án thủy điện, phát triển giao thông và do các nguyên nhân khác đã và đang gây ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường, trong đó có các tác động làm suy giảm lớp phủ thực vật, phân mảnh môi trường sống hoang dã của nhiều loài sinh vật nguy cấp, làm suy giảm nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông đồng thời làm xói mòn lưu vực, tăng nguy cơ lũ, giảm lượng dự trữ nước ngầm, đẩy nhanh quá trình bồi lắng, làm giảm tuổi thọ của các hồ chứa nước. Hậu quả của việc khai thác bừa bãi, chặt phá rừng dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hiệu ứng nhà kính, gia tăng lũ lụt, hạn hán,… trở thành mối đe dọa đến an ninh môi trường.

 Việt Nam là một trong những nước có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới với nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm (21.000 loài động vật; 16.000 loại thực vật). Hiện nay đa dạng sinh học ngày càng suy giảm, do khai thác trái phép và quá mức tài nguyên sinh vật, hệ sinh thái tự nhiên và nơi cư trú của các loài bị chia cắt và suy giảm, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. nạn cháy rừng, sự xâm hại của các loài sinh vật ngoại lai,… nhất là các loài hoang dã phục vụ nhu cầu sinh sống, giải trí hoặc thương mại đã đẩy nhiều loài động vật của Việt Nam đến bờ vực của tuyệt chủng trong tự nhiên, như Hổ, gấu ngựa, gấu chó, rái cá vuốt bé,…

Các loài cây có giá trị kinh tế cao thường có nguy cơ bị khai thác quá mức. Đáng chú ý nhất là loài cây lấy gỗ, như lim xanh (Erythrophleum fordii), gỗ sưa (Dalbergia spp.), các loài khác nhau thuộc họ gỗ sưa, gỗ dầu tròn lào (Dipterocarpus spp.), gỗ balau (Shorea spp.), táu (Hopea spp.) và các loại cây lá kim khác nhau gỗ pơ mu (Fokienia hodginsii). Các loài thực vật khác có giá trị kinh tế bị đe dọa do khai thác quá mức bao gồm cây dó bầu (Aquilaria crassna) - một loài cho trầm hương, và sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis), được sử dụng để sản xuất thuốc bổ. Có 200 loài chim bị tuyệt chủng và 120 loài thú bị diệt vong, hơn 100 loài sinh vật ngoại lai, như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ,… được quốc tế cảnh báo là một trong những loài xâm hại nguy hiểm, ngoài ra còn đưa công nghệ lạc hậu đưa sinh vật độc hại biến đổi gen vào nước ta làm mất cân bằng sinh thái, đe dọa an ninh môi trường. 

 Song Phúc

Các tin khác

  • Khát vọng phát triển liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long (21/05/2024)
  • Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh (15/05/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sự kiện mang giá trị và tầm vóc thời đại (17/04/2024)
  • Công ty Điện lực Long An đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn điện trong dân (13/03/2024)
  • CÁC HÌNH THỰC TIẾT KIỆM ĐIỆN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT (11/03/2024)
  • CÁC GIẢI PHÁP TIẾT KIỆM ĐIỆN TRONG MÙA NẮNG NÓNG (11/03/2024)
  • Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (29/01/2024)
  • Tuyên truyền quy định pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng pháo trên địa bàn tỉnh (29/01/2024)
  • Thắp sáng đường tuần tra biên giới (23/01/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối