Tin hoạt động

Phú Quốc “đảo ngọc” giữa vùng biển Tây Nam

21/06/2024 10:17:19AM
Màu chữ Cỡ chữ

Buổi sáng một ngày gần cuối tháng 6, Phú Quốc chào đón chúng tôi bằng một bầu trời âm u kèm theo cơn mưa dài và những đợt sóng biển tung bọt trắng xóa nhưng sự bất lợi về thời tiết đó không thể làm nhụt chí những người con quê hương “trung dũng, kiên cường” đang mong muốn được đặt chân đến với các đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.

Rời thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi bắt chuyến bay đến Phú Quốc để khởi đầu cho chuyến hải trình 4 ngày 3 đêm thăm quân và dân trên các đảo Phú Quốc, Hòn Đốc, Nam Du, Thổ Châu. Trong chuyến đi lần này, Đoàn công tác tỉnh Long An có 97 thành viên tham gia và do đồng chí Nguyễn Văn Được - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn.

Vùng 5 Hải quân được giao quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo Tây Nam, có diện tích hơn 150.000km2, đường bờ biển dài hơn 450km (tính từ cửa sông Gành Hào tỉnh Bạc Liêu đến thành phố Hà Tiên của tỉnh Kiên Giang), với hơn 140 hòn đảo lớn, nhỏ. Trong đó có 5 quần đảo lớn: An Thới, Thổ Chu, Nam Du, Bà Lụa và Hải Tặc. Đây là vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - chính trị, quốc phòng, an ninh, được giao cho Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân là lực lượng nòng cốt quản lý, bảo vệ. Chuyến công tác lần này, đoàn gặp gỡ giao lưu với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tại Phú Quốc sau đó di chuyển lên tàu 529 thuộc Lữ đoàn 127 để đi thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ, các đơn vị làm nhiệm vụ và Nhân dân 3 đảo: Hòn Đốc, Nam Du, Thổ Châu.

Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là huyện đảo Phú Quốc. Đây là đảo lớn nhất trong 27 hòn đảo lớn nhỏ trên Vịnh Thái Lan. Diện tích đảo Phú Quốc 573km², chiều dài 50km, nơi rộng nhất ở phía bắc đảo 25km, có nhiều bãi biển đẹp trải dài từ phía Bắc đến phía Nam và mang trên mình 99 ngọn núi trập trùng, với dãy rừng nguyên sinh trùng điệp một màu xanh ngút ngát ẩn chứa bao điều kỳ thú, bí ẩn khó mà chinh phục, khám phá hết được. Chính vì thế đã tạo cho hòn đảo ngọc này bức tranh “sơn thủy hữu tình”. Đặc biệt năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có Phú Quốc, là niềm vinh dự tự hào của người dân nơi hòn đảo.

Cộng đồng cư dân “đảo ngọc”  bắt nguồn từ năm 1671 (khoảng nửa cuối thế kỷ 18), một người Hoa tên là Mạc Cửu (Mạc Kính Cửu), quê ở Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người lên thuyền rời Phúc Kiến đi về vùng biển phương Nam. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đoàn người của Mạc Cửu đặt chân lên Phú Quốc. Trong năm 1680, Mạc Cửu đã lập một số ấp rải rác từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá, Hà Tiên, và Cà Mau đã nhanh chóng trở thành thương cảng quan trọng. Sau hơn hai thế kỷ với những thăng trầm của lịch sử, hình ảnh Phú Quốc đã có rất nhiều thay đổi. Trước ngày giải phóng miền Nam, dân số Phú Quốc lúc bấy giờ còn vô cùng thưa thớt với chỉ khoảng 5000 người nhưng sau năm 1975 phong trao phát triển kinh tế mới đã mang tới cho Phú Quốc sự phát triển nhanh chóng và tính tới năm 2019 dân số trên đảo đã đạt gần 180.000 dân.

Nhiều năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là sau khi huyện đảo Phú Quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trở thành đặc khu hành chính – kinh tế trực thuộc Trung ương vào năm 2020 đã khiến Phú Quốc vươn mình mạnh mẽ. Các tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, Bim, CEO… đã đồng hành cùng đảo ngay từ những thời gian đầu phát triển và cho tới nay đã thay đổi hoàn toàn đảo ngọc, biến Phú Quốc thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh đó, người dân đảo ngọc đã khéo kết hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, tìm hiểu phong tục, tập quán cư dân xứ đảo, những làng nghề truyền thống, những đặc sản của địa phương như nước mắm thơm ngon, vị tiêu cay nồng, giống chó xoáy tinh khôn và các cơ sở nuôi trai lấy ngọc. Một đặc trưng nữa của Phú Quốc là mặc dù ở giữa một vùng biển, đảo nhưng nơi đây lại không phải gánh chịu ảnh hưởng từ bão; lại có hệ sinh thái biển phong phú, hiếm có. Đây là yếu tố vô cùng thuận lợi giúp đảo ngọc có thể khai thác du lịch quanh năm. Trên đảo có tới 36 nghìn hecta rừng với một hệ sinh thái rất đa dạng, độ che phủ rừng chiếm trên 60% diện tích của đảo và cả một hệ thống sông suối, hồ dự trữ nước ngọt lớn đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đảo.

Trong thời gian lưu lại Phú Quốc, đoàn chúng tôi được Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân bố trí đến dâng hương tại Tượng đài Nắm Đấm, Nghĩa địa tù binh, Nhà tù Phú Quốc. 

Nhà tù Phú Quốc – nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”

Theo lời của hướng dẫn viên, Nghĩa địa tù binh có diện tích 20.427,8m2, nằm ở khu vực đồi 100, bốn mặt đều giáp với đất của Hải quân Vùng 5, cách điểm Trại giam - phân khu B2 khoảng 1km. Sau năm 1975, toàn bộ công trình được xây bằng bê tông cốt thép, có hàng rào bao quanh. Khu trung tâm nghĩa địa được thiết kế hình tròn, chính giữa có một khối hình chữ nhật, bên trên là tượng đài hình nắm tay (nắm đấm) thể hiện lòng căm thù, tinh thần kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh của các chiến sĩ… Ở các vách tường phía bên trong của hình chữ nhật, cách mặt đất khoảng 1m, được dùng làm bia ghi danh liệt sĩ.

Nhà tù Phú Quốc – nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, là bằng chứng về tội ác dã man, tàn bạo với hơn 45 kiểu tra tấn dã man của Mỹ - Ngụy. Trong thời gian tồn tại chưa đầy 6 năm (từ tháng 6/1967 đến tháng 3/1973), địch đã giam giữ 40.000 lượt tù binh, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang, ngoài ra còn có cán bộ dân chính đảng và dân thường. Số lượng tù binh bị nhồi nhét trong các phòng giam lúc cao điểm từ 120 - 180 người; khoảng 4.000 tù binh bị giết hại, hàng chục nghìn người bị thương tật, tàn phế. Bộ máy điều hành, quản lý của địch ở Trại giam Phú Quốc có khoảng 2.000 nhân viên và sỹ quan, gồm cả hải quân, lục quân, không quân...

Nhà tù Phú Quốc - nơi biết bao xương máu của các Anh hùng liệt sĩ đã bị vùi lấp và thấm đẫm từng tấc đất. Những câu chuyện, hình ảnh tù nhân tại các khu trại giam sẽ mãi in đậm trong ký ức của tất cả mọi người với những cảm xúc dâng trào…

Đúng 22h đêm ngày 17/6/2024, chúng tôi lưu luyến chia tay Phú Quốc để tiếp tục hải trình đến với Hòn Đốc. Con tàu đưa chúng tôi rời Cảng 3, Vùng 5 Hải quân bỏ xa những ánh đèn lung linh đô thị, trong màn đêm tĩnh lặng chỉ có tiếng sóng vỗ vào mạn tàu...

Phòng TT, TT, BC-XB

Các tin khác

  • Họp Hội đồng thông qua Ngân hàng tên đường tỉnh Long An (26/06/2024)
  • Thổ Châu - hòn đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc (22/06/2024)
  • Nam Du – Vịnh Hạ Long trên vùng biển Tây Nam Tổ quốc (22/06/2024)
  • Thăm Di tích lịch sử nhà và lò gạch Võ Công Tồn (21/06/2024)
  • Hội thảo khoa học Cụm thi đua các trường Chính trị khu vực Đông Nam bộ (21/06/2024)
  • Hòn Đốc hoang sơ giữa biển trời Tây Nam (21/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An kết thúc tốt đẹp chuyến thăm quân, dân các đảo phía Tây Nam (20/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm, động viên, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo Thổ Châu, Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang (20/06/2024)
  • Hội nghị tuyển chọn nhiệm vụ khoa học “Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn tỉnh Long An”. (19/06/2024)
  • Đoàn cán bộ tỉnh Long An thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ, Nhân dân trên đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang (18/06/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối