Hoạt động nghiệp vụ

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, từ trí thức yêu nước trở thành đảng viên cộng sản

23/07/2021 01:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Tên tuổi và những cống hiến của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ song hành cùng cuộc chiến đấu cam go, đầy hy sinh gian khổ của đồng bào và chiến sĩ cách mạng miền Nam. Ông là thủ lĩnh đi đầu trong giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần to lớn, cùng toàn Đảng, toàn dân đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Vùng Chợ Lớn-Tân An (Long An ngày nay), trong đó có Bến Lức, là quê hương của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Ngược dòng lịch sử, vùng Chợ Lớn-Tân An xưa mãi đến thế kỷ 17 khi lưu dân người Việt bắt đầu khai phá thì vùng đất này vẫn còn là vùng đất hoang sơ. Năm 1867, sau khi Pháp chiếm chọn 6 tỉnh Nam kỳ, thiết lập bộ máy cai trị thuộc địa thì nhân dân Chợ Lớn-Tân An bắt bước vào cuộc đời nô lệ, một dân tộc mất nước.

 Những lưu dân người Việt khi hội tụ về đây ngày đêm chung sức khai phá, mở rộng đất đai canh tác. Quá trình khai phá vùng đất mới, họ được bồi đắp thêm những đức tính và tính cách mới như đoàn kết, nghĩa tình, chia sẻ, trọng nghĩa, hào hiệp, thích nghi với mọi hoàn cảnh. Khi Pháp đánh chiếm được thành Gia Định năm 1859 và bắt đầu tiến công các tỉnh miền Tây thì nhân dân Bến Lức, Long An cùng các sĩ phu yêu nước khắp nơi nổi lên chống Pháp. Nhân dân đã tham gia vào đạo quân do Trần Thiện Chính và Lê Huy chỉ huy, gây cho địch nhiều thiệt hại. Cuộc khởi nghĩa tiêu biểu của Trương Định (1861-1864) chống lại Hiệp ước 1862 của triều đình đã thu hút sự tham gia mạnh mẽ của nhân dân. Sau khởi nghĩa Trương Định, nối tiếp truyền thống yêu nước, nhân Bến Lức, Long An tiếp tục tham gia các cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân chỉ huy, đặc biệt là anh hùng làng chài Nguyễn Trung Trực, người con ưu tú của quê hương Bến Lức, chiến công hiển hách của trận đốt tàu chiến Pháp trên Vàm Nhựt Tảo sông Vàm Cỏ Đông đã lập nên những chiến công vang dội.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10 tháng 7 năm 1910 tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Ông được sinh ra trong một gia đình công chức, thân phụ ông là Nguyễn Hữu Tuấn, một trí thức yêu nước, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Phòng, một phụ nữ đẹp người, đẹp nết, tính tình hiền hậu. Năm 1921, lúc 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ đã một mình lên tàu rời Việt Nam sang Pháp học. Có tư chất thông minh, chăm chỉ, Nguyễn Hữu Thọ nhiều năm liền là học sinh ưu tú của trường Trung học Mignet, và trở thành tân cử nhân Luật được xếp loại xuất sắc của Trường Đại học Luật văn và Văn khoa Aixen-Provence. Năm 1933, cử nhân luật Nguyễn Hữu Thọ đã trở về Việt Nam vì “ráng học cho giỏi, rồi đem hiểu biết của mình làm một điều gì đó có ích cho nước, có lợi cho dân”. Từ đây cuộc đời và sự nghiệp của nhà trí thức trẻ Nguyễn Hữu Thọ gắn liền với cuộc chiến bảo vệ công lý, bênh vực lẽ phải và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Tên tuổi và những cống hiến của ông gắn liền với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, song hành cùng cuộc chiến đấu cam go, đầy hy sinh gian khổ của đồng bào và chiến sĩ cách mạng miền Nam. Ông là linh hồn, thủ lĩnh đi đầu trong giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức, nhân dân tiến bộ trên thế giới, góp phần to lớn, cùng toàn Đảng, toàn dân đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Đảng Cộng sản Việt Nam được đồng chí Nguyễn Ái Quốc hợp nhất và thành lập vào ngày 3 tháng 2 năm 1930 trở thành một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về chí hướng và đường lối đấu tranh của quần chúng nhân dân lao động với con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Bắt kịp nhận thức của thời đại, nhân dân Long An là những địa phương tiên phong của cả nước nhanh chóng thành lập những chi bộ Đảng đầu tiên, trong đó chi bộ làng Đức Hòa (Đức Hòa) được thành lập tháng 3 năm 1930, chi bộ làng Long Phú (Bến Lức) được thành lập 4 năm 1930 gắn liền với những người con ưu tú quê hương Bến Lức, Đức Hoà như Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Văn Tuôi, Phan Văn  Hảo, Phan Văn Mảng, Nguyễn Văn Xuyến, Nguyễn Văn Nhâm, Võ Văn Tần, Nguyễn Văn Sậy, Võ Văn Ngân, Võ Văn Tây, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Thỏ … qua đó ghi tên mình vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của địa phương.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về Việt Nam năm 1933 trong bối cảnh lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã lãnh đạo quần chúng nhân dân Long An tham gia mạnh mẽ các phong trào cách mạng lớn của đất nước, như cao trào 1930-1931 chống sưu cao, thuế nặng, phong trào đấu tranh dân chủ 1936-1939 đấu tranh công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp. Khí thế sục sôi đó dã tác động ít nhiều đến chí hướng yêu nước của ông. Chứng kiến cảnh bọn thực dân đàn áp dã man những người yêu nước, và những tấm gương anh dũng, bất khuất của những đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam kiên trung, bằng năng lực và sự đồng cảm yêu thương con người cùng khổ sâu sắc, ông đã mang những kiến thức của mình đứng ra bảo vệ công lý, bênh vực cho đồng bào và những người làm cách mạng chân chính. Thời điểm những năm 1938-1939 ông là luật sự có uy tín và tiếng tăm khắp các tỉnh miền Tây, các văn phòng luật sư của ông được mở ra ở một số tỉnh, chính điều này đã giúp ông càng có điều kiện và vững tin đứng ra bảo vệ lẽ phải, bảo vệ nhân dân.

Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ  nổ ra năm 1940 và sự đàn áp của thực dân Pháp đã làm thức tỉnh hàng triệu đồng bào Nam bộ về tinh thần dân tộc, yêu nước chống ngoại xâm, trong đó có Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Lần đầu tiên chứng kiến tội ác tày trời của thực dân Pháp đối với đồng bào và những người yêu nước đã tác động trực tiếp đến suy nghĩ và nhận thức của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Những biến động lịch sử của dân tộc từ năm 1941-1945 liên tiếp diễn ra, Nhật đảo chính Pháp, phong trào Việt Minh nở rộ, tổ chức Thanh niên Tiền Phong phát triển khắp Nam kỳ. Đặc biệt sự kiện Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân cả nước đứng lên làm cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 giành độc lập tự do cho dân tộc có một ý nghĩa đặc biệt đối với chí hướng của một nhà yêu nước, "sự kiện lịch sử trọng đại đó đã làm thay đổi cả lối sống, nếp nghĩ của tôi. Nói một cách khác, cách mạng đã đổi đời cho tôi". Khí thế hào hùng của dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công; tiêu diệt được chế độ phong kiến và thực dân; lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới; sự tham gia hàng ngũ kháng chiến ngày càng đông đảo của các nhân sĩ, trí thức có tên tuổi; trong đó có cả bạn bè, đồng nghiệp, là những sự kiện liên tiếp diễn ra đã thôi thúc Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhận ra con đường dấn thân của mình. Từ đó Nguyễn Hữu Thọ hăng hái bước vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ngày 23/9/1945, Pháp âm mưu xâm chiếm nước ta một lần nữa, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với vị trí và năng lực của mình, ông vẫn âm thầm giữ liên lạc và tham gia hoạt động yêu nước theo cách của mình. Năm 1946, sự kiện ông được mời ra Uỷ ban hành chánh kháng chiến Nam bộ thuộc khu vực Đồng Tháp Mười trở thành một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời yêu nước của ông. Chuyến đi đến “Thủ đô” kháng chiến của Nam bộ và những điều chứng kiến tận mắt đã giúp ông lột bỏ hoàn toàn những ưu tư, trăn trở và phương hướng “ngã ba đường”, từ đây ông đã coi mình như là người của cách mạng. Trở về, được sự phân công của Đảng “ở đâu có địch, ở đó là chiến trường”, ông đã sử dụng chính năng lực và bản lĩnh của mình, hoạt động công khai trong lòng địch. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ dứt khoát từ bỏ vị trí Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long do chính quyền thực dân bổ nhiệm, dấn thân vào con đường mới - con đường phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Lấy toà án là đấu trường, với tài hùng biện xuất chúng và am hiểu sâu sắc luật pháp nước Pháp cũng như luật pháp xứ thuộc địa, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đấu tranh thành công cho nhiều đồng bào, đồng chí của mình.

Ngày 16/10/1949, tại nhà số 5 đường Leon Cambes (nay là Sương Nguyệt Ánh), ngay tại trung tâm Sài Gòn, Ban Trí vận Thành ủy tổ chức kết nạp nhà trí thức yêu nước Nguyễn Hữu Thọ vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của một trí thức yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản và trở thành ngọn cờ đoàn kết dân tộc rất có uy tín trong việc tập hợp mọi lực lượng yêu nước chống kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc sau này.

Cuộc đời, sự nghiệp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ  là cuộc đời, sự nghiệp của một tri thức yêu nước tài năng. Con đường đến với cách mạng của người thanh niên Nguyễn Hữu Thọ thật tự nhiên và trong sáng: Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản và gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Chính truyền thống yêu nước của quê hương, những biến động của đất nước và một niềm tin sắc đá vào mục đích cao cả, được nhân dân ủng hộ, một đội ngũ cán bộ có tài có đức, cuộc kháng chiến nhất định sẽ thành công, đã khơi gợi và tác động trực tiếp đến tư tưởng và chí hướng cách mạng của ông. Ông đã sẵn sàng từ bỏ con đường suôn sẻ, an nhàn, sẵn sàng lựa chọn hướng đi chông gai, nguy hiểm vì dân vì nước, chấp nhận thử thách, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, phấn đấu và cống hiến đến cùng cho sự nghiệp của Đảng, vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Ngô Thành Trung

Các tin khác

  • Định hướng công tác tuyên truyền tháng 6 năm 2024 (10/06/2024)
  • Hưởng ứng Cuộc vận động Cử tri hiến kế xây dựng quê hương Long An năm 2024 (05/06/2024)
  • Định hướng công tác tuyên truyền miệng, hoạt động Báo cáo viên tháng 6/2024 (15/05/2024)
  • Định hướng công tác tuyên truyền tháng 5 năm 2024 (04/05/2024)
  • Tổ chức thăm dò dư luận xã hội tại huyện Thanh Hóa, Cần Giuộc (25/04/2024)
  • Định hướng công tác tuyên truyền miệng, hoạt động Báo cáo viên tháng 5/2024 (19/04/2024)
  • Định hướng nội dung tuyên truyền Quí II năm 2024 (05/04/2024)
  • Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Việt Nam 2024” lần thứ hai (29/03/2024)
  • Ngày Thế giới phòng, chống lao 24 tháng 3 (20/03/2024)
  • Hưởng ứng Cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử 120 năm hình thành, phát triển tỉnh Đắk Lắk” (20/03/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối