Hoạt động nghiệp vụ

Long An qua 05 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí

11/08/2021 02:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Ngày 26/12/2016, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 10-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sau 05 năm triển khai thực hiện (2016-2021), công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của tỉnh Long An đạt được một số kết quả tích cực.

Trong công tác quán triệt, triển khai, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 33-KH/TU; UBND tỉnh có Kế hoạch số 54/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị. Qua đó nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (CB, ĐV, CC, VC) và Nhân dân được nâng cao về công tác PCTN, lãng phí; đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI với tinh thần kiên quyết, kiên trì, liên tục, với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, chú trọng đi sâu phân tích, đánh giá tình hình tham nhũng, lãng phí và nguyên nhân những mặt hạn chế trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua 5 năm đã tổ chức triển khai được 10.294 cuộc với 307.660 lượt CB, ĐV, CC, VC và Nhân dân tham gia.

Từ năm 2017 đến nay, các cấp, các ngành đã ban hành 778 văn bản, kế hoạch để quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác PCTN, lãng phí và Kết luận số 10-KL/TW tại đơn vị, địa phương mình. Việc triển khai thực hiện văn bản, kế hoạch tiến hành nghiêm túc, gắn với việc thực hiện đồng bộ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về PCTN, lãng phí. Xác định công tác PCTN, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách, lâu dài, liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước, sự tồn vong của chế độ, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận số 10, nhất là công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng theo Kế hoạch số 11-KH/TU. Các cơ quan nội chính chủ động phối hợp, tích cực chỉ đạo rà soát thực hiện hiệu quả các quy định, quy chế về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí. Tập trung xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí được phát hiện.

Phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các cơ quan thông tin truyền thông và Nhân dân trong công tác PCTN, lãng phí. Tăng cường hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên đối với hoạt động PCTN của các cơ quan, đơn vị ở địa phương. Phát huy vai trò của quần chúng nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên, các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền và thực thi Luật PCTN và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua 5 năm (2016-2021), công tác PCTN, lãng phí đã đạt được một số kết quả trên các mặt.

Không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu, quyết liệt, chỉ đạo phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí và hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí của cấp ủy và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Người đứng đầu đơn vị phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, lãng phí và nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình quản lý, phụ trách; chủ động yêu cầu các cơ quan chức năng báo cáo để lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí, nhất là các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước.

 Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư, mua sắm công; thu, chi ngân sách; quản lý tài sản công; tín dụng - ngân hàng; công tác tổ chức, cán bộ; các công ty, doanh nghiệp của Nhà nước…, xử lý kiên quyết, kịp thời đúng pháp luật những hành vi tham nhũng và những người bao che hành vi tham nhũng, ngăn cản việc chống tham nhũng; chú trọng biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, bị gây thiệt hại khi xử lý hành vi tham nhũng. Qua 5 năm, có 22 trường hợp bị xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Trong đó, 01 thôi giữ chức; 06 cảnh cáo; 08 khiển trách; 07 phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN, lãng phí với phương châm “Đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ càng giữ chức vụ cao càng phải gương mẫu”. Qua công tác tuyên truyền pháp luật về PCTN, lãng phí luôn gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ Quốc và phục vụ Nhân dân, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các biểu hiện tham nhũng, lãng phí; tăng cường giám sát việc sử dụng quyền lực của cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu và công khai quy trình sử dụng quyền lực theo pháp luật để cán bộ, Nhân dân giám sát. Chú trọng triển khai thực hiện quy định về việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng, lãng phí. Kết quả thực hiện, toàn tỉnh không có trường hợp CB, ĐV, CC, VC bị xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng, lãng phí gây nhiều dư luận.

Kết quả việc bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không phải là người địa phương; không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng của tỉnh quán triệt và thực hiện triệt để. Không thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn. Không bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, thủ quỹ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, chấp hành các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích. Thời gian qua, toàn tỉnh không có trường hợp bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng.

Thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; thường xuyên siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ phục vụ và trách nhiệm của CB, ĐV, CC, VC theo tinh thần Công văn số 2470-CV/TU; Công văn số 2534-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ và trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của CB, ĐV, CC, VC. Đồng thời, xử lý kịp thời, nghiêm minh những CB, ĐV, CC, VC có hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, những vụ việc dư luận quan tâm.

Tuy đạt được những kết quả tích cực nêu trên nhưng nhìn chung công tác PCTN, lãng phí tại các địa phương chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội và tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Thời gian tới một số giải pháp đang đặt ra cần nghiêm túc thực hiện đạt hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN, lãng phí. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, thống nhất có hiệu quả từ nhận thức đến hành động của CB, ĐV, CC; tập trung tuyên truyền những nội dung về công tác PCTN, lãng phí gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiếp tục triển khai, thực hiện Luật PCTN 2018; Kế hoạch số 33-KH/TU, ngày 22/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của CB, ĐV, CC, VC và Nhân dân; Kế hoạch số 11-KH/TU ngày 21/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Tích cực phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên, các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền và thực thi Luật PCTN. Tăng cường hoạt động giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh, Hội đồng Nhân dân các cấp đối với hoạt động PCTN, lãng phí ở địa phương.

Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”. Quy định số 06-QĐ/TU của Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban thường vụ các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy và cấp ủy cơ sở quản lý. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi; công khai và thực hiện nghiêm các chế độ, định mức, tiêu chuẩn...

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định tại Quy định số 04-QĐi/TU.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử đối với lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm công; thu, chi ngân sách… Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin, tố cáo, điều tra, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

Đỗ Hữu Thùy Dương

Các tin khác

  • Định hướng công tác tuyên truyền tháng 6 năm 2024 (10/06/2024)
  • Hưởng ứng Cuộc vận động Cử tri hiến kế xây dựng quê hương Long An năm 2024 (05/06/2024)
  • Định hướng công tác tuyên truyền miệng, hoạt động Báo cáo viên tháng 6/2024 (15/05/2024)
  • Định hướng công tác tuyên truyền tháng 5 năm 2024 (04/05/2024)
  • Tổ chức thăm dò dư luận xã hội tại huyện Thanh Hóa, Cần Giuộc (25/04/2024)
  • Định hướng công tác tuyên truyền miệng, hoạt động Báo cáo viên tháng 5/2024 (19/04/2024)
  • Định hướng nội dung tuyên truyền Quí II năm 2024 (05/04/2024)
  • Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Việt Nam 2024” lần thứ hai (29/03/2024)
  • Ngày Thế giới phòng, chống lao 24 tháng 3 (20/03/2024)
  • Hưởng ứng Cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử 120 năm hình thành, phát triển tỉnh Đắk Lắk” (20/03/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối