Hoạt động nghiệp vụ

Một số kết quả sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An

05/09/2022 10:41:19AM
Màu chữ Cỡ chữ

Được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, việc triển khai thực hiện công tác đưa thông tin về cơ sở trên địa bàn tỉnh Long An đạt nhiều kết quả tích cực.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW ngày 05/9/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới nhận thức trong các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã từng bước chuyển biến mạnh mẽ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được cụ thể hóa và chặt chẽ, từ việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị đến tổ chức thực hiện, qua đó nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin cơ sở, công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ thông tin cơ sở đồng bộ và chặt chẽ hơn, góp phần đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hệ thống thiết chế thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh đã cơ bản phát huy được vai trò, chức năng, là cầu nối cung cấp, chuyển tải và phản hồi thông tin giữa người dân với Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ các cấp phát huy khá hiệu quả vai trò, trách nhiệm, tích cực thông tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thông tin những sự kiện liên quan trực tiếp đến người dân ở cơ sở. Qua đó, đã tạo sự nhất trí về tư tưởng, chính trị trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội góp phần phát triển kinh tế xã hội đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 188/188 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh và 1.555 cụm loa tại các ấp/khu phố. Tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt khoảng 90%; 100% xã, phường đã ban hành Quy định hoạt động của đài truyền thanh cấp xã. Các địa phương quan tâm bố trí kinh phí để đài truyền thanh cấp xã, cụm loa ấp, khu phố duy trì hoạt động. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh đã phân bổ khoảng 04 - 06 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp và bảo trì, bảo dưỡng thiết bị hoạt động truyền thanh các cấp đảm bảo hoạt động tốt.

Đài Phát thanh và Truyền hình Long An thực hiện đa dạng thể loại thông tin như tin, bài, phóng sự, phim tài liệu, tiết mục, chuyên mục, chương trình, trang địa phương...; Báo Long An đã phát triển thêm báo điện tử online, trong đó có những sản phẩm báo chí: Video, trang tiếng Anh và truyền hình online và được xem là kênh thông tin đối ngoại chủ lực của tỉnh với nội dung phong phú, đa dạng được cập nhật thường xuyên. Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin, tin, bài phản ánh các hoạt động của lãnh đạo tỉnh, các tin tức, văn bản thông tin nội dung, chỉ đạo, điều hành của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh và các văn bản hương dẫn thực hiện pháp luật, chế độ chính sách của nhà nước; chiến lược định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đảm bảo kịp thời, chính xác.

Toàn tỉnh có 08 bản tin thông tin cơ sở được cấp phép xuất bản (đang còn hiệu lực), trung bình mỗi năm xuất bản và phát hành hơn 78.000 bản, cung cấp các thông tin thiết yếu đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tỉnh; 04 UBND cấp xã có trang thông tin điện tử. Dự kiến đến 2025, tỉnh sẽ hoàn thành việc xây dựng trang trang thông tin điện tử cho các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Hoạt động thông tin tuyên truyền, tuyên truyền trực quan được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Toàn tỉnh đã xây dựng được 89 bảng tin điện tử. Tất cả các cơ quan hành chính các cấp; trụ sở ấp, khu phố, đơn vị lực lượng vũ trang, trường học, bệnh viện đều có bảng tin công cộng; thường xuyên niêm yết các thông báo, văn bản chỉ đạo điều hành của cơ quan, đơn vị; các thông tin thiết yếu cần cung cấp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sỹ, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và cư dân. Tại các vị trí trung tâm xã, phường, khu vực đông người qua lại, các địa phương đã xây dựng thêm một số bảng tin điện tử để thực hiện công tác thông tin tư tưởng, tuyên truyền về quy chế dân chủ cơ sở, công tác đối ngoại và các lĩnh vực khác như: kinh tế, văn hóa, nông nghiệp, phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, du lịch, an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Việc bố trí nhân sự làm công tác truyền thanh được quan tâm. Toàn tỉnh có 188/188 xã, phường, thị trấn có bố trí nhân sự làm công tác truyền thanh. Trong đó có 52 nhân viên đài truyền thanh (chỉ thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác truyền thanh) và 136 người kiêm nhiệm. Hàng năm, đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở đều được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo tổ chức xây dựng, củng cố và kiện toàn hàng năm. Toàn tỉnh hiện có 03 báo cáo viên Trung ương, 44 báo cáo viên Tỉnh ủy, 327 báo cáo viên cấp huyện; 3.968 tuyên truyền viên ở các tổ chức cơ sở đảng. Ngoài ra, các tổ chức chính trị-xã hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh đều xây dựng lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên quy củ và hoạt động nền nếp (báo cáo viên: 498, tuyên truyền viên: 2.979).

Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đã tích cực phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các ngành tư pháp, dân số, y tế đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền theo nhóm đối tượng đặc thù (nông dân, công nhân, học sinh sinh viên, đồng bào có đạo) nội dung Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, trật tự và văn minh đô thị; phòng chống dịch Covid-19; phổ biến giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở;... Tăng cường ứng dụng trên các mạng xã hội zalo, Facebook để cung cấp, chia sẻ nhiều thông tin tích cực, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, những hành động, việc làm thiện nguyện của các cá nhân, tổ chức, gương người tốt việc tốt... với tinh thần nhân văn, nhân ái, “lá lành đùm lá rách”, nhằm lan tỏa nhanh chóng các thông tin chính thống cho người dân nắm rõ, tiếp thêm niềm tin, lạc quan, phát huy tinh thần đoàn kết “tương thân tương ái” lấn át những thông tin xấu độc, xuyên tạc...

Ngoài ra, việc việc cung cấp thông tin đến cơ sở còn được ban tuyên giáo, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp định kỳ thực hiện qua việc giao ban công tác Mặt trận, giao ban công tác Hội đoàn thể các xã, phường, thị trấn; thực hiện việc cung cấp thông tin đến cán bộ, đảng viên, hội viên thông qua các buổi sinh hoạt trong các chi, tổ hội, các đợt tiếp xúc cử tri, gặp gỡ và đối thoại với nhân dân,...; 15/15 cấp ủy địa phương trong tỉnh đã chú trọng việc tổ chức các buổi đối thoại với nhân dân để cung cấp thông tin và lắng nghe nguyện vọng, đề xuất của nhân dân đối với những chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với ban tuyên giáo cấp huyện (tương đương) tổ chức nhiều đợt điều tra dư luận xã hội để nắm tình hình tư tưởng, lấy ý kiến trong nhân dân đối với các vấn đề được dư luận quan tâm... Qua đó, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng và những vấn đề búc xúc của người dân.

Việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng được nhiều cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan, đơn vị thường xuyên duy trì đặt mua. Nhiều chi bộ, đảng bộ đã nhận thức được việc sử dụng báo Đảng, nhất là bản tin Thông tin nội bộ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát hành (bản in và bản pdf phát hành trên Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy và các trang thông tin điện tử địa phương) là tài liệu quan trọng sử dụng trong các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng.

 Việc rà soát củng cố, tổ chức lại theo thẩm quyền các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở ở các địa phương được quan tâm thực hiện, từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Đề án 02-ĐA/TU ngày 29/12/2017 của Tỉnh ủy về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Long An theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XII). Do đó, tất cả Đài Truyền thanh cấp huyện đã sáp nhập với Trung tâm Văn hóa – Thông tin thành Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh cấp huyện. Cán bộ truyền thanh cấp xã cũng đa số là kiêm nhiệm.

Đối với điểm bưu điện văn hóa xã, Bưu điện tỉnh đã đưa vào hoạt động và khôi phục hoạt động tất cả các điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ trên địa bàn tỉnh, nâng tổng số điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ trên địa bàn tỉnh lên 161/161 xã, đảm bảo phủ điểm 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính Phủ, quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và chỉ đạo của UBND tỉnh.

Việc ứng dụng công nghệ hiện đại về viễn thông, truyền thông đa phương tiện để tổ chức công tác thông tin cơ sở được chú trọng. Năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tham mưu UBND tỉnh thực hiện hoàn thành dự án đầu tư mới 52 đài xã với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Tổ chức thực hiện vận hành thí điểm 10 cụm loa truyền thanh ứng dụng CNTT-VT của Mobifone trên địa bàn thành phố Tân An năm 2022. Tỉnh đang tiếp tục thực hiện dự án đầu tư hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT cho 23 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với kinh phí gần 20 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Đồng thời, đưa nội dung đầu tư hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT vào giao ước thi đua hoạt động truyền thanh năm 2022 để các địa phương quan tâm thực hiện. Tỉnh đã thành lập trang ZOA Chính quyền điện tử tỉnh Long An (nay đổi tên thành Chính quyền số tỉnh Long An), góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 07 - CT/TW ở một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thường xuyên, kịp thời; thiếu sự phối hợp, chỉ đạo đồng bộ, chặt chẽ. Một số nơi hoạt động thông tin cơ sở còn hạn chế về nội dung. Nội dung thông tin, nhất là thông tin chính thống mang tính định hướng còn chậm, trong khi đó, những thông tin xấu, độc lại được lan truyền nhanh. Năng lực trình độ của một bộ phận cán bộ làm công tác thông tin, nhất là ở cấp cơ sở còn hạn chế. Các địa phương chưa có sự đầu tư đúng mức, chưa có quy hoạch tổng thể rõ ràng dẫn đến tình trạng hệ thống truyền thanh có trang bị đến xóm, ấp, khu phố nhưng vẫn còn vùng lõm, ngược lại có một số vùng bị chồng lấn âm thanh từ 2-3 cụm loa gần kề. Trang thiết bị của các cụm loa đa số đã quá cũ, lạc hậu, thường xuyên hư hỏng nên hiệu quả hoạt động không cao.

Để thực hiện hiệu quả hoạt động công tác thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025 tại địa phương thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các quan điểm, mục tiêu Chỉ thị số 07-CT/TW về công tác thông tin cơ sở; Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg, ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở. Tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị -xã hội, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới công tác thông tin cơ sở. Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, nội dung thông tin cơ sở; trong đó, tập trung đổi mới công tác tuyên truyền miệng, hoạt động xuất bản, phát hành, đưa báo, tạp chí của Đảng về phục vụ nhân dân theo hướng phong phú, đa dạng, hấp dẫn, có sức thuyết phục; chú ý đến nhu cầu thông tin của người dân ở từng vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới ít có điều kiện tiếp cận thông tin cơ sở. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật hiện đại về truyền thông, báo chí, thông tin đa phương tiện, mạng xã hội để thực hiện công tác thông tin cơ sở. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị để thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác thông tin cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo bố trí nguồn nhân lực đảm bảo cho mọi hoạt động của công tác thông tin cơ sở phù hợp với thực tiễn hoạt động của từng địa phương, đơn vị. Tập trung rà soát, củng cố, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, nội dung và hình thức hoạt động của các thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở như: Đài truyền thanh cơ sở, điểm bưu điện văn hóa xã, tủ sách pháp luật, cụm thông tin lưu động, nhà văn hóa - trung tâm văn hóa xã, phường, thị trấn, thư viện... Trên cơ sở đó, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thông tin cơ sở; đầu tư xây dựng hệ thống thông tin nguồn, Cổng thông tin cơ sở của tỉnh. Bố trí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, truyền dẫn phát sóng phù hợp với công nghệ số hiện nay./.

P.TTTT & LLCT

Các tin khác

  • Định hướng công tác tuyên truyền tháng 6 năm 2024 (10/06/2024)
  • Hưởng ứng Cuộc vận động Cử tri hiến kế xây dựng quê hương Long An năm 2024 (05/06/2024)
  • Định hướng công tác tuyên truyền miệng, hoạt động Báo cáo viên tháng 6/2024 (15/05/2024)
  • Định hướng công tác tuyên truyền tháng 5 năm 2024 (04/05/2024)
  • Tổ chức thăm dò dư luận xã hội tại huyện Thanh Hóa, Cần Giuộc (25/04/2024)
  • Định hướng công tác tuyên truyền miệng, hoạt động Báo cáo viên tháng 5/2024 (19/04/2024)
  • Định hướng nội dung tuyên truyền Quí II năm 2024 (05/04/2024)
  • Cuộc thi ảnh, video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Việt Nam 2024” lần thứ hai (29/03/2024)
  • Ngày Thế giới phòng, chống lao 24 tháng 3 (20/03/2024)
  • Hưởng ứng Cuộc thi tìm hiểu “Lịch sử 120 năm hình thành, phát triển tỉnh Đắk Lắk” (20/03/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối