Chủ điểm tuyên truyền

20/11 – Nhớ về Giáo sư, Nhà thơ, Nhà giáo Nhân dân Vũ Đình Liên

12/11/2022 08:08:13PM
Màu chữ Cỡ chữ

“Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua...”. Có lẽ không ai trong chúng ta lại không biết đến bài thơ “Ông Đồ” của Giáo sư, Nhà thơ, Nhà giáo Nhân dân Vũ Đình Liên, người đã tâm huyết dành trọn hơn nửa cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, là Giáo sư đào tạo chuyên gia tiếng Pháp cho ngành giáo dục Việt Nam.

Giáo sư, Nhà thơ, Nhà giáo Nhân dân Vũ Đình Liên sinh ngày 12/11/1913 tại Hà Nội nhưng quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương với dòng họ Vũ giàu truyền thống văn hiến. Thời ấu thơ, thầy là một học sinh giỏi có tiếng ở đất Hà thành. Thầy đỗ tú tài trường Bưởi năm 1932, từng dạy học ở các trường: Trường Tư thục Thăng Long, Trường Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức để kiếm sống. Thầy còn học thêm trường Luật đỗ bằng cử nhân, về sau vào làm công chức ở Nha Thương chính (còn gọi là sở Đoan) Hà Nội.

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, thầy hăng hái rong ruổi trên đường kháng chiến. Năm 1946-1948, thầy làm Ủy viên Ủy ban Hành chính kháng chiến huyện Ân Thi (Hải Hưng). Năm 1948-1950, thầy làm Hội trưởng Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác Liên khu III. Từ năm 1950-1953, thầy làm giảng viên trường Trung cấp Sư phạm. Năm 1953-1956, thầy giữ chức Trưởng phòng Nha giáo dục phổ thông. Từ năm 1956-1957, thầy giữ nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Văn học - Ban Tu thư thuộc Bộ Giáo dục. Năm 1957, thầy được bầu làm Tổ trưởng tổ Giáo dục Pháp khoa văn học thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đặc biệt, cũng trong năm 1957, thầy là Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, một điều mà chắc ít ai biết đến. Năm 1962, thầy làm Chủ nhiệm Khoa tiếng Pháp để đào tạo giáo viên dạy tiếng Pháp cho các nước Châu Phi, Châu Đại Dương, Châu Mỹ-la tinh. Từ năm 1969, thầy được điều động làm cán bộ nghiên cứu khoa học, đảm nhiệm việc nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng giáo viên cho đến lúc nghỉ hưu.

Trong suốt cuộc đời mình, thầy Vũ Đình Liên luôn sống nhân ái, bao dung, bao quát trên cả hai cương vị: Nhà thơ để lại nhiều bài thơ, đặc biệt là bài thơ “Ông Đồ” bất hủ, sống mãi với thời gian. Nhà giáo từ phổ thông đến đại học, một lương sư mẫu mực, giản dị, khiêm nhường, nhuần nhuyễn văn hóa - ngôn ngữ Pháp. Thầy thổ lộ: “Hạnh phúc lớn nhất cuộc đời nhà thơ, nhà giáo của tôi là được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với tất cả mọi người”.

Thầy cũng dặn dò các giáo viên: “Giáo dục có một vấn đề chung, một quan niệm chung là phải yêu đời và luôn lạc quan. Đó là lý tưởng của tôi. Nhưng hiện nay, dường như ta bắt gặp hiện tượng buồn nhiều hơn là vui...Dù vậy, tôi vẫn tin rằng nền giáo dục nước ta sẽ có thay đổi đáng kể trong thời gian tới. Để được như vậy, theo tôi điều đầu tiên phải gây lại tình thương thời thực dụng. Tiên học Lễ thì hậu mới có thể học Văn”.

Với những công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, nhất là việc truyền bá tiếng Pháp từ sau 1945, thầy đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân đợt đầu tiên, năm 1991. Cùng với danh hiệu cao quí ấy, Nhà nước tặng thầy 10 triệu đồng (lúc ấy là một số tiền không nhỏ). Với tấm lòng nhân ái, thầy đã trao tặng ngay toàn bộ số tiền ấy cho “Quỹ giúp đỡ học sinh nghèo”. Nghĩa cử ấy thật cảm động. Càng xúc động hơn khi biết lúc ấy thầy vẫn là ông đồ nghèo. Tài sản không có gì.

Những người hàng xóm của thầy ở phố Trần Nhân Tông còn kể hàng năm, cứ sáng Mồng 1 Tết thầy ra phố, vào công viên, với cái túi, trong đựng bánh chưng, mứt, kẹo…và nhiều đồng tiền mới, thầy mừng tuổi cho những trẻ mồ côi, lang thang không nhà cửa.

Tình nhân ái của thầy là tấm gương, có lẽ, không chỉ cho các thế hệ học trò, mà cho mọi người, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, là dịp để mỗi chúng ta tỏ lòng tôn kính các thế hệ thầy, cô giáo đã làm người chèo đò, gieo chữ cho bao người Việt Nam, góp phần nâng cao dân trí, đạo đức xã hội, trong đó có Giáo sư, Nhà thơ, Nhà giáo Nhân dân Vũ Đình Liên - thầy của rất nhiều thầy, thầy của: “Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua...”./.

P.TTTT & LLCT (tổng hợp)

Các tin khác

  • Ngày 14/6 - ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” (13/06/2024)
  • Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) (12/06/2024)
  • “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (05/06/2024)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2024) (05/06/2024)
  • Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (05/06/2024)
  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối