Chủ điểm tuyên truyền

Quân và dân tỉnh Long An trong tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

24/01/2022 05:06:49PM
Màu chữ Cỡ chữ

Thắng lợi của cuộc tiến công Xuân Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ”, làm giảm ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam tại hội nghị Pari năm 1973.

Sau hai cuộc phản công chiến lược quy mô mùa khô 1965-1966, 1966-1967, với 1,4 triệu quân, Mỹ và lực lượng tay sai đã không thực hiện được mục tiêu “tìm diệt-bình định”. Cục diện chiến trường miền Nam vẫn chưa chuyển biến có lợi cho Mỹ. Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc cũng không ngăn chặn được sự chi viện của hậu phương chiến lược cho chiến trường miền Nam. Chiến tranh Việt Nam làm cho nội bộ giới cầm quyền Mỹ chia rẽ sâu sắc. Phong trào đấu tranh chống Mỹ, chống chiến tranh Việt Nam lan rộng trên thế giới và trong lòng nước Mỹ. Tại Sài Gòn, “tham nhũng tràn lan, chính quyền chỉ thực sự kiểm soát các lõm, mục nát từ trong cơ cấu. Mặt trận dân tộc giải phóng tiếp tục kiểm soát nhiều vùng rộng lớn ở miền Nam… quân đội Việt Nam Cộng hòa mệt mỏi, thụ động có xu hướng thỏa hiệp…”

Tình hình thế giới và trong nước đã tạo thời cơ cho Đảng ta nhận rõ tình thế và hình thành những chiến lược lớn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã bàn chủ trương giành thắng lợi. Tháng giêng năm 1968 Hội nghị lần thứ 14 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định, diễn ra đồng loạt trên toàn miền Nam, tiến công chủ yếu là các sào quyệt, căn cứ trung tâm của địch ở đô thị, trọng điểm là Sài Gòn-Huế-Đà Nẵng.

Ảnh: Tư liệu

Tại Long An, sau hai năm tham gia phong trào “toàn dân đánh Mỹ”, quân và dân Long An đã góp phần làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược của Mỹ với nhiều sáng tạo trong cách đánh, trong đó nổi bật là phong trào diệt Mỹ sôi nổi thực hiện theo mô hình vành đai diệt Mỹ ở Rạch Kiến (huyện Cần Đước), một mô hình chiến tranh nhân dân vô cùng hiệu quả ở vùng nông thôn đồng bằng, thể hiện sự nhạy bén kịp thời về công tác lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Long An.

Là khu trọng điểm của cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa, đồng thời là trung tâm đầu não chỉ đạo bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam, Sài Gòn-Gia Định và các tỉnh lân cận xung quanh được chia thành 6 phân khu. Theo chỉ thị của Trung ương Cục, địa bàn tỉnh Long An và một số quận, huyện hướng tây nam Sài Gòn-Gia Định sáp nhập thành 2 phân khu. Lấy quốc lộ 4 (Quốc lộ 1 ngày nay) làm ranh giới, phân khu 2 là các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Thủ Thừa, Bình Chánh, Tân Bình … có nhiệm vụ thực hiện tiến công từ hướng tây bắc với mục tiêu là Bộ Tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất. Phân khu 3 là các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Quận 4, 7, Nhà Bè… tấn công vào tây nam Sài Gòn với mục tiêu quan trọng là Tổng Nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh hải quân và hỗ trợ quần chúng thành phố nổi dậy diệt ác, phá kềm giành chính quyền. Tỉnh Kiến Tường được Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 8 giao nhiệm vụ tiến công dứt điểm thị xã Mộc Hóa, hỗ trợ phát động quần chúng nổi dậy giải phóng quận lỵ, nông thôn và bảo đảm hành lang vận chuyển từ biên giới tới vùng trọng điểm Mỹ Tho.

Theo chỉ đạo chiến lược của Trung ương Cục, Bộ chỉ huy Miền, Đảng bộ phân khu 2, phân khu 3 tiến hành công tác chuẩn bị đồng thời cùng lúc 2 nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thứ nhất là đảm nhiệm tấn công trên một nửa địa bàn thành phố với phần lớn các mục tiêu quân sự, chính trị quan trọng, thứ hai là bám sát vùng ven chuẩn bị cho các đợt tiến công vào thành phố tiếp theo đồng thời với chiến đấu, bảo vệ vùng giải phóng. Có thể nói, đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ đối với Đảng bộ và quân, dân 2 phân khu. Trên thực tế, quân và dân Long An chưa từng trải nghiệm và kinh nghiệm chiến đấu trong lòng thành phố. Tuy nhiên, chấp hành chỉ đạo của Trung ương Cục, Bộ chỉ huy Miền, trong điều kiện gấp rút về thời gian với muôn vàn khó khăn và phải bảo đảm tuyệt đối bí mật, Đảng bộ và toàn quân, dân 2 phân khu đã triển khai triệt để cùng lúc rất nhiều nội dung, đảm bảo tuyệt đối thời gian quy định.

Các phân khu 2, 3 nhanh chóng nắm lại các tổ chức Đảng và cơ sở, cơ sở quần chúng cách mạng trong nội thành. Về lực lượng, huy động đủ lực lượng cho mỗi phân khu từ 6-7 tiểu đoàn, đến cuối 1967 quân số cũng như quân trang đã được phân khu trang bị đầy đủ và tương đối mạnh. Về chuẩn bị vật chất, hậu cần nuôi quân, Bộ chỉ huy các phân khu huy động nhân dân các huyện tham gia vận chuyển lương thực, vũ khí.

Ảnh Tư liệu

Tại Kiến Tường, công tác chuẩn bị hết sức khẩn trương. Về tổ chức, Khu ủy chỉ định bổ sung cho Tỉnh ủy Kiến Tường 5 Tỉnh ủy viên nhằm tăng cường các vùng 4, 6, 8. Mặt khác, Tỉnh ủy Kiến Tường kiện toàn tổ chức lực lượng Tiểu đoàn 504, chú trọng xây dựng, củng cố lực lượng đấu tranh chính trị, rà soát các cơ sở binh vận và móc nối liên lạc với các cơ sở nội tuyến. Mục tiêu chiến lược là dinh Tỉnh trưởng, Tỉnh đoàn bảo an, Ty cảnh sát, Đài Phát thanh, sân bay…Nhìn chung, tinh thần quyết tâm, khí thế cách mạng rất cao, sẵn sàng chờ lệnh.

03 giờ sáng Mùng 1 Tết âm lịch (tức ngày 30 tháng I năm 1968) từ chiến trường trọng điểm Chợ Lớn-Gia Định, các phân khu nhận lệnh chiến đấu. Về phía phân khu 2, cánh thứ nhất gồm Tiểu đoàn 267, Tiểu đoàn 16, Tiểu đoàn 12 đặc công chia làm 2 mũi đánh vào đầu đường băng sân bay Tân Sơn Nhất phá ủy được một số máy bay diệt được nhiều tên lính nhảy dù nhưng do tương quan lực lượng, lực lượng ta phải rút ra bám trụ ở khu vực Bà Quẹo đến cầu Tham Lương. Cánh thứ hai gồm Tiểu đoàn 6 Bình Tân và Tiểu đoàn 269 thọc sâu vào khu vực Phú Thọ Hòa, đánh chiếm đường Trần Quốc Toản, do thiếu tiếp tế lương thực, cánh quân lui về vùng ven phía tây Sài Gòn.

Về  phía phân khu 3, việc hành quân mất nhiều thời gian nên sáng hôm sau tiến hành tiến công vào các quận 8, 4, Nhà Bè, sau đó các tiểu đoàn rút ra vùng ven chiến đấu chống càn và chờ lệnh.

Tại Kiến Tường, ngày 31 tháng 1 năm 1968, nhận lệnh của Quân khu, Ban Chỉ huy triển khai theo hai hướng cánh Đông và cánh Tây tiến công vào thị xã Mộc Hóa. Quá trình di chuyển, cánh Đông đã đụng phi pháo của lực lượng hành quân Cửu Long 2 địch, nên đến giờ G quy định vẫn chưa áp sát được các mục tiêu như định. Về phía cánh Tây, bộ phận đặc công và trinh sát đã bám sát mục tiêu sân bay, do chưa có tín hiệu từ cánh Đông, ta lui về điểm tập kết. Dù vậy, ngày 2 tháng 2 năm 1968, lực lượng cánh Đông tiếp tục nổ súng, tấn công vào các mục tiêu, địch phản công quyết liệt, có nhiều thương vong xảy ra, ta lui về căn cứ. Tại hướng Tây, quân ta chưa vào được sâu thị xã. Tại chiến trường trọng điểm Mỹ Tho, lực lượng Tiểu đoàn 504A sau khi tham gia nhiều trận đánh giành thắng lợi, được lệnh trở về Kiến Tường, đánh địch, bảo vệ hành lang biên giới và củng cố lực lượng chuẩn bị cho tấn công đợt 2 với nhiệm vụ là tấn công vào thị xã Tân An.

Sau đợt một, các phân khu 2, 3 nhận lệnh bám vùng ven sát thành phố sẵn sàng tiến công đợt hai. Thời gian này, hai phân khu 2, 3 phải cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng, đó là tập trung lãnh đạo tư tưởng cho lực lượng vũ trang bằng công tác chính trị, động viên bộ đội giữ vững tinh thần chiến đấu; kế tiếp, chiến đấu chống lại các đợt càn ở các vùng ven.

Đêm ngày 5 tháng 5 năm 1968, phân khu 2, phân khu 3 nhận mệnh lệnh tiến công đợt 2 vào nội thành Sài Gòn, yêu cầu của trên là “đưa lực lượng tiến công thọc sâu vào nội ô Sài Gòn, diệt địch, trụ lại đánh địch phản kích càng sâu càng tốt”. Trên hướng phân khu 2, cánh thứ nhất, sư đoàn 9 tiến về Bộ Tổng tham mưu của ngụy gặp sự phản kháng lớn của địch, ta tiêu diệt nhiều tên rồi lui về trụ lại khu vực Bà Quẹo. Cánh thứ 2 Trung đoàn 2 ta tấn công theo hướng Phú Thọ Hòa, chiếm đường Trần Quốc Toản, sân vận động Cộng Hòa, lực lượng ta và địch giao tranh quyết liệt hơn đợt 1, do địch đã có sự chuẩn bị kế hoạch đối phó.

Hướng phân khu 3, chia thành hai cánh, cánh thứ nhất đánh vào khu vực Phú Lâm, Cầu Tre trụ thời gian rồi rút về vùng ven. Cánh thứ hai gồm tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 2 Long An tiến công Hưng Long, Đa Phước đánh chiếm đầu Chữ Y, một phần đường Phạm Thế Hiển, tại đây các tiểu đoàn của ta và tiểu đoàn lính Mỹ, ngụy diễn ra nhiều cuộc giao tranh được đánh giá là quy mô, quyết liệt nhất và gây ra nhiều thương vong nhất của đợt 2, mặt trận cầu chữ Y đã đi vào lịch sử như một biểu tượng của lòng dũng cảm và kiên cường với nhiều gương chiến đấu dũng cảm của nhiều đảng viên, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn 1 Long An.

Tại Kiến Tường, vào đợt 2 với lực lượng chủ chốt là Tiểu đoàn 504 được kiện toàn, có nhiều trận đánh diễn ra trên đường hành quân về thị xã Tân An. Địch bố trí dày đặc 1 tiểu đoàn, 1  liên đoàn bảo an, 2 tổng đoàn dân vệ và các lực lượng thiết giáp, hải quân phòng thủ dày đặc. Tiểu đoàn 504 đã tổ chức nhiều trận đánh ở các vùng ven và giành được một số thắng lợi tại Châu Thành, Vĩnh Công, Bình Tâm, An Vĩnh Ngãi.

Ảnh Tư liệu

Kết thúc cuộc tấn công của đợt 2 các phân khu 2, phân khu 3 và Kiến Tường đã thực hiện được yêu cầu của cấp chiến lược do Trung ương Cục đề ra là đưa lực lượng vào sâu thành phố, bám trụ được nhiều ngày và bảo vệ hành lang biên giới, tạo ra những khu vực chiến sự quy mô lớn, thu hút lực lượng địch khá đông và tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần lớn làm nên sự kiện Mậu Thân 1968, làm lung lay ý chí xâm lược của địch.

Nhìn toàn cuộc, tỉnh Long An có hai khu vực là vùng ven Sài Gòn và vùng biên giới, nên trong kháng chiến, nhất là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tỉnh có nhiệm vụ cơ bản và xuyên suốt là tiêu diệt sinh lực địch, đánh phá bình định, tạo bàn đạp tấn công Sài Gòn và bảo đảm hành lang chiến lược. Trên thực tế, quân và dân tỉnh Long An không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuyên suốt đó, mà có thể làm tốt hơn thế nữa. Đó là, ngoài là địa bàn vùng ven tạo bàn đạp, quân và dân Long An còn trực tiếp tham gia 2 trong 6 mũi tiến công thuộc khu trọng điểm chiến lược, tấn công vào các cơ quan đầu não của địch tại thành phố Sài Gòn- Gia Định, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là minh chứng rõ nét.

Qua hai đợt lãnh đạo quân và dân Long An tham gia tổng tiến công với nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, bằng ý chí tự lực, tự cường Đảng bộ tỉnh Long An đã hoàn thành xuất sắc 3 trọng trách do Trung ương Cục và Quân ủy Miền giao, đó là tổ chức lãnh đạo toàn quân, toàn dân thực hiện nhiệm vụ chiến lược tấn công thành phố Sài Gòn-Gia Định, mục tiêu quan trọng nhất của toàn Miền; lãnh đạo và động viên tinh thần chịu đựng gian khổ, khó khăn thực hiện nhiệm vụ bám trụ vùng ven nhằm thực hiện cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa “là một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược rất mãnh liệt…” và bảo đảm hành lang biên giới. Những đóng góp, hy sinh của toàn quân và toàn dân Long An là cực kỳ lớn, thể hiện bản lĩnh chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí kiên cường và tinh thần chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện vì thắng lợi chung. Đánh đấu bước trưởng thành vượt bậc trong công tác lãnh đạo, phát động toàn quân, dân tham gia đánh giặc, giữ nước. Đó là truyền thống quý báu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xứng danh với danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” do Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam trao tặng ngày 17 tháng 9 năm 1967.

Từ kết quả thắng lợi trên, Đảng bộ tỉnh Long An đã rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm sâu sắc:

Một là, phát huy cao độ ý thức tổ chức chấp hành chủ trương, đường lối chung của Đảng, để phục vụ theo yêu cầu cấp chiến lược cho đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong điều kiện bảo đảm tuyệt đối tính bí mật, nhưng Đảng bộ, quân và dân tỉnh Long An sẵn sàng chấp hành chủ trương, sẵn sàng triển khai nhiệm vụ chiến lược hoàn toàn mới mẻ, khác nhau (tấn công các cứ điểm quan trọng, chấp nhận giao tranh với địch trên mặt trận đường phố). Sau khi kết thúc các đợt tấn công, nhận lệnh bám trụ vùng ven, tổ chức các đợt chống càn của địch cùng lúc với củng cố, ổn định quân số và sẵn sàng tấn công theo chỉ đạo. Bằng quyết tâm của mình, Đảng bộ tỉnh Long An đã vượt qua khó khăn, tuân thủ sự chỉ đạo chung, tổ chức toàn thể quân và dân Long An phối hợp hiệu quả cùng các mặt trận khác, hoàn thành chỉ đạo cấp chiến lược.

Hai là, tinh thần chủ động của Đảng bộ và quân, dân tỉnh Long An được đẩy lên cao độ, trong đó, công tác vận động quần chúng nhân dân phân khu 2, phân khu 3 tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực phục vụ chiến lược là mốc son trong chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ Long An. Hàng trăm tấn vũ khí, lượng thực đã được đưa vào nội thành. Tại Kiến Tường, chỉ trước 48 giờ tổng công kích, tổng khởi, Đảng bộ tỉnh Kiến Tường đã động viên, huy động lực lượng bộ đội từ các vùng thành 2 đại đội bộ binh mang phiên hiệu Tiểu đoàn 504B. Qua đó cho thấy, tình yêu quê hương đất nước, khát vọng tự do và tinh thần cách mạng, ý chí chiến đấu ngoan cường của quân và dân nếu được nuôi dưỡng, khơi gợi, động viên sẽ phát huy kịp thời.

Ba là, công tác động viên tinh thần chiến đấu dũng cảm, chịu đựng gian khổ hy sinh, tinh thần gương mẫu của Đảng viên, chiến sĩ là bước trưởng thành trong chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ tỉnh Long An. Đảng bộ các phân khu 2, 3, Kiến Tường đã quán triệt chính trị, động viên, cỗ vũ cán bộ, chiến sĩ nỗ lực sẵn sàng tham gia cuộc tổng công kích. Từ đó, tạo ra khí thế cách mạng sôi nổi chưa từng có. Tinh thần chiến đấu dũng cảm, chịu đựng gian khổ hy sinh, tinh thần gương mẫu của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ được biểu hiện cụ thể qua các đợt hành quân, các đợt bám trụ vùng ven đầy gian khổ, tổn thất. Nhiều trận đánh oanh liệt như trận Cầu Chữ Y, trận Tân Sơn Nhất (Sài Gòn), trận kinh Nguyễn Văn Trỗi (Kiến Tường); nhiều tấm gương đơn vị lực lượng vũ trang anh hùng tiêu biểu như Tiểu đoàn 1 Long An, Tiểu đoàn 504 cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ gan dạ, dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng hy sinh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc tổng tiến công. Qua đó đã khẳng định sự trưởng thành trong lãnh đạo cách mạng của đảng bộ tỉnh Long An đi đến thắng lợi cuối cùng.

Ngô Thành Trung

Các tin khác

  • Ngày 14/6 - ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” (13/06/2024)
  • Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) (12/06/2024)
  • “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (05/06/2024)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2024) (05/06/2024)
  • Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (05/06/2024)
  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối