Chủ điểm tuyên truyền

“Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”

30/07/2024 04:08:42PM
Màu chữ Cỡ chữ

Đó là chủ đề “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2024. Thông qua các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng, chống mua bán người, tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người, nhất là tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi; làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người nghi là nạn nhân.

Ngày 30/7 hàng năm được chọn là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”. Ở nước ta, ngày 30/7 cũng được chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ”, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc.

Trên địa bàn tỉnh, với đặc thù là địa phương có đường biên giới dài 134,906 km giáp với hai tỉnh Svay Riêng và tỉnh Prey Veng - Vương quốc Campuchia, đi qua 20 xã của 5 huyện, thị xã biên giới, có 01 cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường); 01 cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ); 3 cửa khẩu phụ là Hưng Điền B (huyện Tân Hưng), Hưng Điền A và Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng) và 07 lối mở, vì thế tội phạm mua bán người thường lợi dụng để hoạt động. Đáng chú ý, gần đây nổi lên tình trạng tội phạm mua bán người sử dụng mạng xã hội dùng bẫy “Việc nhẹ, lương cao” dụ dỗ các thanh, thiếu niên, phụ nữ thiếu hiểu biết để lừa bán ra nước ngoài.

Để phòng ngừa tội phạm mua bán người, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền về các thủ đoạn mua bán người. Trong đó, chú trọng đến đối tượng phụ nữ, trẻ em, không để các đối tượng lợi dụng; khuyến khích người dân cung cấp thông tin, tố giác tội phạm mua bán người để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh trật tự; cảm hóa, giáo dục, răn đe, tạo việc làm cho các đối tượng chấp hành xong án phạt tù, giúp họ hoàn lương, sửa chữa lỗi lầm để không tái phạm. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho cán bộ cơ sở trong phòng chống mua bán người; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn cho nạn nhân thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo. Các cơ quan thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của Nhân dân trong phòng, chống mua bán người; tuyên truyền về gương điển hình, người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống mua bán người.

Theo thông tin từ Bộ Công an, đầu tháng 12/2023, đã phối hợp các đơn vị có liên quan tiếp nhận 09 chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại Myanmar về Việt Nam. Nạn nhân chủ yếu là nữ, đi tìm việc làm và bị các đối tượng lợi dụng bóc lột sức lao động. Tính đến ngày 06/12/2023, Việt Nam đã giải cứu 1.019 công dân (trong đó có 05 người nước ngoài). Các cơ quan chức năng của Việt Nam sau khi tiếp nhận đã tiến hành phân loại hỗ trợ và triển khai các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích cho các nạn nhân theo quy định.

Tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng diễn biến khá phức tạp, với phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đa dạng; có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên biên giới. Dưới đây là bốn nhóm thủ đoạn mà tội phạm thường sử dụng để dụ dỗ nạn nhân và thực hiện hành vi phạm tội:

Thứ nhất, các đối tượng mua bán người thường lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác để lừa phụ nữ; lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin (qua các trang mạng xã hội: Zalo, Facebook, Viber...) làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép; lợi dụng quy định về hiến ghép tạng, các đối tượng tìm gặp những nạn nhân khó khăn kinh tế có nhu cầu bán thận, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, con dấu, sau đó, bán cho những người bệnh với giá cao.

Thứ hai, các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook... tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, làm thuê thu nhập cao..., lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động.

Thứ ba, các đối tượng sử dụng mạng xã hội như: Zalo, Facebook, sử dụng hình ảnh, tên, địa chỉ giả để kết bạn làm quen với những phụ nữ, trẻ em gái, tán tỉnh yêu đương hoặc những người có nhu cầu tìm việc làm ở nước ngoài với mức lương cao, sau đó hứa hẹn rồi dẫn họ tổ chức vượt biên sang Trung Quốc, Lào, Campuchia rồi chúng đón ép bán làm vợ, bán vào các ổ mại dâm, các sòng bài tại Campuchia, Myanmar.

Thứ tư, các đối tượng lập các trang mạng trên Facebook, Zalo để tìm kiếm người mang thai, sinh con ngoài ý muốn... sau đó dụ dỗ đưa họ sang nước ngoài sinh con để bán; hoặc cũng bằng thủ đoạn trên để tìm kiếm những người bị bệnh phải ghép tạng, môi giới cho những người muốn bán tạng để thực hiện việc mua bán mô, bộ phận cơ thể.

Trước tình hình trên, để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, người dân cần tuân thủ những việc sau:

Trước hết bản thân mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để tội phạm hoạt động.

Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình như thế nào. “Hãy tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa”.

Đặc biệt, người dân, nhất là nhóm trẻ tuổi cần cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Luôn đặt nghi vấn trước những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc nhẹ có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.

Người dân cũng nên cảnh giác, từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết; cần thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, để đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua bán. Đồng thời, mỗi người nên tuyên truyền cho người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người. Khi phát hiện sự việc có nghi vấn liên quan đến tội phạm mua bán người, đề nghị cung cấp ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh; số điện thoại: 02723.989848 hoặc Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, đồng thời là đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111) để được tiếp nhận, giải quyết.

Thanh Long

Các tin khác

  • Kỷ niệm 69 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955-10/9/2024) (09/09/2024)
  • Xô viết Nghệ - Tĩnh vang mãi bản hùng ca cách mạng (05/09/2024)
  • Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc chăm lo các đối tượng chính sách, Người có công và thương binh, liệt sỹ (30/08/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 02/9 (30/08/2024)
  • 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN ( 02 và 05/8/1964 - 02 và 05/8/2024) (05/08/2024)
  • 94 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 – 01/8/2024) (31/07/2024)
  • Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024) (28/07/2024)
  • Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ: Tri ân những người có công với đất nước (27/07/2024)
  • Hội nghị Giơnevơ năm 1954 – Những bài học kinh nghiệm quý báu (16/07/2024)
  • Tự hào truyền thống vẻ vang 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 – 12/7/2024) (11/07/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối