Chủ điểm tuyên truyền

Đồng chí Trường Chinh với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta

09/02/2022 01:28:18PM
Màu chữ Cỡ chữ

Đồng chí Trường Chinh, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người đảng viên cộng sản kiên cường suốt đời trung thành, tận tụy phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của đất nước, là nhà lãnh đạo có uy tín của Đảng và Nhà nước. Dù trong bất cứ vị trí và hoàn cảnh nào, đồng chí đều tỏ rõ là một nhà lãnh đạo tài tình, có sức sáng tạo lớn, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng nước ta.

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 09/02/1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong một gia đình trí thức yêu nước. Truyền thống gia đình, quê hương, đất nước đã góp phần hun đúc tình cảm, lý tưởng cách mạng ở đồng chí Trường Chinh.

Ảnh Trường Chinh lưu trong hồ sơ của mật thám Pháp

Năm 1925, đồng chí tham gia cuộc vận động đòi thực dân Pháp ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu; năm 1926, đồng chí là một trong những người lãnh đạo cuộc bãi khoá ở Nam Định để đòi truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Sau cuộc bãi khoá, đồng chí bị thực dân Pháp đuổi học. Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, sự kiện quan trọng này đánh dấu bước trưởng thành của người thanh niên yêu nước Đặng Xuân Khu trên con đường đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và trở thành người cộng sản. Năm 1929, đồng chí tham gia cuộc vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ. Năm 1930, cách mạng nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam và Đặng Xuân Khu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản; được chỉ định vào Ban cổ động và Tuyên truyền của Trung ương Đảng. Cuối năm 1930, đồng chí bị đế quốc bắt và kết án 12 năm tù ở nhà lao Hỏa Lò và Sơn La. Nhưng đến cuối năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp và do phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam đòi quyền tự do, dân chủ và thả tù chính trị, đồng chí Trường Chinh cùng nhiều đồng chí khác được trả lại tự do. Từ cuối năm 1936 đến năm 1939, đồng chí hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp ở Hà Nội, là Ủy viên Xứ uỷ Bắc Kỳ và đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Uỷ ban Mặt trận Dân chủ Bắc Kỳ.

Trong những năm 1925 - 1939, lúc hoạt động ở ngoài cũng như khi ở tù, đồng chí đem hết nghị lực, trí tuệ và nhiệt tình cách mạng tham gia truyền bá chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần bồi dưỡng lý luận và tinh thần cách mạng cho đông đảo cán bộ và nhân dân; trong đó, có nhiều người đã trở thành nhân vật cốt cán của cách mạng.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, địch tăng cường khủng bố, hầu hết các Ủy viên Trung ương bị bắt, bị giết, nhiều tổ chức đảng và quần chúng bị phá vỡ. Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa I) của Đảng tháng 11/1940, đồng chí Trường Chinh được cử vào Ban Chấp hành Trung ương. Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa I) của Đảng tháng 5/1941, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn, Trưởng ban Công vận Trung ương, chủ bút nhiều tờ báo của Đảng. Với cương vị Quyền Tổng Bí thư Đảng ở giai đoạn cực kỳ khó khăn này, đồng chí đã cử cán bộ đi chắp nối liên lạc, khôi phục tổ chức; cử người sang Quảng Tây (Trung Quốc) liên hệ và đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quôc về nước. Nhờ vậy, phong trào cách mạng dần được khôi phục và củng cố, chuẩn bị cho cao trào cách mạng 1939 - 1945.

Năm 1943, đồng chí bị toà án binh của thực dân Pháp ở Hà Nội kết án tử hình vắng mặt. Ngày 9/3/1945, đồng chí chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, chủ trương Tổng khởi nghĩa. Cùng với “Lời kêu gọi” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã chỉ rõ thời cơ đang đến và có tác dụng quyết định trong việc động viên, hướng dẫn toàn Đảng, toàn dân trong cao trào chống Nhật cứu nước. Tại Đại hội quốc dân ở Tân Trào, đồng chí được cử phụ trách Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và ngày 13/8/1945, Uỷ ban đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa. Cống hiến nổi bật của đồng chí Trường Chinh trong giai đoạn này chính là cùng với Bác Hồ và Trung ương Đảng đề ra đường lối của giai đoạn cách mạng mới ở Hội nghị Trung ương lần thứ 8, trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện, đưa Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến thành công.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh, năm 1961

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh cùng tập thể Bộ Chính trị vạch ra đường lối và trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc. Quan điểm của Đảng về cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ được đồng chí Trường Chinh giải thích và phát triển trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Từ những chủ trương, đường lối đúng đắn đó cùng với thực tiễn sinh động, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã giành thắng lợi to lớn, ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử của dân tộc ta.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi sau đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị có những đóng góp to lớn vào việc chuẩn bị và đưa ra những quyết sách chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tới thắng lợi hoàn toàn.

Giai đoạn cả nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, cống hiến đặc biệt quan trọng của đồng chí Trường Chinh là đã đặt nền móng cho công cuộc đổi mới. Năm 1986, ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí đã sớm nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân và đề ra chủ trương đổi mới. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI, đồng chí đã nói: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Vì vậy, Đại hội VI trở thành Đại hội đổi mới, đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam, một bước ngoặt trong tư duy lí luận của Đảng ta. Trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã dành trí lực, tích cực góp sức mình trong việc xây dựng Cương lĩnh và Chiến lược kinh tế - xã hội, chuẩn bị nội dung cho Đại hội lần thứ VII của Đảng.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài của mình, đồng chí Trường Chinh đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác, được phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Quyền Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (1940), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (1941-1951), Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam (1951-1957), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam… Đồng chí cũng là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII. Dù trong bất cứ vị trí và hoàn cảnh nào, đồng chí luôn thể hiện là người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có đạo đức cách mạng trong sáng, khiêm tốn, giản dị.

Ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Trường Chinh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đối với sự nghiệp tăng cường đoàn kết quốc tế, Đảng và Nhà nước tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng và nhiều huân chương khác. Ngoài ra, Nhà nước Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết tặng đồng chí Huân chương Lênin và Huân chương Cách mạng Tháng Mười; Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng Huân chương Vàng quốc gia; Nhà nước Cộng hoà nhân dân Campuchia tặng Huân chương Ăngco; Nhà nước Cộng hòa Cuba tặng Huân chương Hôxê Mácti; Nhà nước Cộng hoà dân chủ Đức tặng Huân chương Các Mác; Nhà nước Cộng hoà nhân dân Mông cổ tặng Huân chương Xukhê Bato; Nhà nước Cộng hoà nhân dân Hunggari tặng Huân chương Lá cờ đính kim cương; Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc tặng Huân chương Klement Gottwald.

Trải qua 81 tuổi đời (1907-1988), 63 năm liên tục hoạt động cách mạng kiên cường (1925-1988), đồng chí Trường Chinh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của Đảng và của dân tộc, đặc biệt gắn với những sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Trường Chinh (09/02/1907-09/02/2022) là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Trường Chinh với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, từ đó khơi dậy lòng tự hào về quê hương, đất nước, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển đất nước.

P.TTTT-LLCT

 

Các tin khác

  • Ngày 14/6 - ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” (13/06/2024)
  • Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) (12/06/2024)
  • “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (05/06/2024)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2024) (05/06/2024)
  • Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (05/06/2024)
  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối