Chủ điểm tuyên truyền

Kỷ niệm 112 năm ngày sinh Chủ tịch Quốc hội, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910 – 10/7/2022) Người con ưu tú quê hương Long An

06/07/2022 09:16:41AM
Màu chữ Cỡ chữ

   Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910 - 1996) được sinh ra trong một gia đình công chức yêu nước tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Năm 1946, Nguyễn Hữu Thọ được kết nạp Đảng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước. Năm 1981, đồng chí được Quốc hội khóa VII bầu làm Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Năm 1921, lúc 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ sang Pháp, bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm tri thức để “không bị người Tây khinh rẻ”. Tính cách cởi mở, hoà đồng, dễ chia sẻ và thân tình nên Nguyễn Hữu Thọ được nhiều đồng môn yêu quý. Có tư chất thông minh, chăm chỉ, Nguyễn Hữu Thọ nhiều năm liền là học sinh ưu tú của trường Trung học Mignet, và trở thành tân cử nhân Luật được xếp loại xuất sắc của Trường Đại học Luật văn và Văn khoa Aixen-Provence năm 1932, một tương lai rộng mở cho sự nghiệp của ông ngay tại quê hương “đại Pháp”. Tuy nhiên, trái với sự suy tính, đắn đo của nhiều người, năm 1933, cử nhân luật Nguyễn Hữu Thọ đã đứng chân trên mảnh đất quê hương Việt Nam của mình, bởi theo ông “ráng học cho giỏi, rồi đem hiểu biết của mình làm một điều gì đó có ích cho nước, có lợi cho dân”, đặc biệt, khi còn học ở Pháp, Nguyễn Hữu Thọ đã được nghe về Nguyễn Ái Quốc và tờ báo “Người cùng khổ”, tên tuổi của vị lãnh tụ và hành trình tìm tự do cho Tổ quốc của Nguyễn Ái Quốc in đậm tâm trí Nguyễn Hữu Thọ, có tác động rất lớn đến việc lựa chọn con đường cứu dân, cứu nước của ông sau này.

Ảnh: Tư liệu

Ý chí và khát khao làm điều gì đó cho quê hương, đất nước đã thôi thúc người thanh niên yêu nước trở về. Từ đây cuộc đời và sự nghiệp của nhà trí thức trẻ Nguyễn Hữu Thọ gắn liền với cuộc chiến bảo vệ công lý, bênh vực lẽ phải và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Tên tuổi và những cống hiến của ông gắn liền với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông là linh hồn, thủ lĩnh đi đầu về giương cao ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức, nhân dân tiến bộ trên thế giới, góp phần to lớn, cùng toàn Đảng, toàn dân đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ từng nói “Ai cũng có một quê hương để yêu, một đất nước để bảo vệ và xây dựng, một dân tộc để phụng sự. Nhà trí thức không thể nghĩ khác, làm khác” và trong suốt cuộc đời mình, ông đã sống như những gì ông nói, tất cả vì độc lập, tự do cho quê hương, Tổ quốc, cho dân tộc Việt Nam. Với những cống hiến to lớn cho cách mạng của mình, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lẽ đương nhiên là một con người thật sự yêu thương quê hương, đất nước và chính truyền thống anh hùng của quê hương, đất nước đã hình thành nên nền tảng tư tưởng và chí hướng cách mạng của luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Ngược dòng lịch sử, những lưu dân người Việt vùng Chợ Lớn-Tân An xưa trong quá trình chinh phục thiên nhiên, khai phá vùng đất mới đã hình thành nên nhiều đức tính và tính cách đáng khâm phục như cần cù, đoàn kết, chống áp bức, hào hiệp, phóng khoáng, chuộng tự do, thích nghi thời cuộc, có tư tưởng tiếp nhận cái mới, tiến bộ… theo năm tháng ngày càng hun đúc thành những phẩm chất tốt đẹp.

Chợ Lớn-Tân An ngay những năm 1776-1785 là chứng nhân vừa là nhân tố quan trọng trong cuộc chiến quyền lực giữa nghĩa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Nhân dân đã tham gia hưởng ứng mạnh mẽ các cuộc nổi dậy chống lại sự mục nát của chế độ triều Nguyễn đã nói lên tinh thần bất khuất, yêu quê hương, chống áp bức của nhân dân vùng Chợ Lớn-Tân An.

Khi Pháp đánh chiếm được thành Gia Định năm 1859 thì nhân dân Long An cùng các sĩ phu yêu nước khắp nơi nổi lên chống Pháp. Tiêu biểu như cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Thiên Hộ Dương, Thủ Khoa Huân, đặc biệt là trận đốt tàu chiến Pháp trên sông Vàm Cỏ Đông do  người con ưu tú của quê hương Bến Lức, anh hùng làng chài Nguyễn Trung Trực chỉ huy gây tiếng vang lớn. Câu nói “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì dân Nam mới hết người đánh Tây” trở thành lời hiệu triệu hùng hồn về tinh thần bất khuất, không sợ hy sinh, quyết tâm chống giặc vì độc lập tự do.

Đầu thế kỷ XX, nhân dân Long An hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh với cách thức mới, như phong trào Duy Tân của Phan Bội Châu, hội kín “Thiên địa hội”, “Hội kín Nguyễn An Ninh”, đặc biệt là “Thanh niên cách mạng đồng chí Hội” của Nguyễn Ái Quốc, càng khẳng định thêm tinh thần thích ứng, tiếp thu cái mới, cái tiến bộ của quần chúng lao động Long An với những đổi thay của thời cuộc. Từ “Thanh niên cách mạng đồng chí Hội’ quần chúng lao động, giới trí thức Long An bước đầu tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin với cách thức hoạt động mới mẻ, có chủ đích, đường hướng tiến bộ, đã khơi dậy tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân. Từ đó, đông đảo quần chúng lao động đã tham gia các phong trào cách mạng với nhiều lớp người trí thức, có quan điểm tiến bộ và động lực đấu tranh rõ ràng, sau này trở thành những hạt giống đỏ về tổ chức và tham gia đấu tranh cách mạng như Võ Công Tồn, Hồ Văn Long, Lê Văn Kiệt, Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Văn Nhâm, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Trân… càng tô thắm thêm truyền thống cách mạng của quê hương.

Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập năm 1930 trở thành một sự kiện lịch sử trọng đại. Bắt kịp nhận thức của thời đại, nhân dân Long An là những địa phương tiên phong của cả nước nhanh chóng thành lập những chi bộ Đảng đầu tiên, chi bộ làng Đức Hòa (Đức Hòa) thành ngày 6 tháng 3 năm 1930, chi bộ làng Long Phú (Bến Lức) thành lập ngày 3 tháng 4 năm 1930 gắn liền với những người con ưu tú quê hương Bến Lức, Đức Hoà như Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Văn Tuôi, Phan Văn  Hảo, Phan Văn Mảng, Nguyễn Văn Xuyến, Nguyễn Văn Nhâm, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Võ Văn Tây,… qua đó ghi tên mình vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của địa phương. Có thế nói, vùng đất, con người Nam bộ nói chung, Long An nói riêng, từ khi được khai hoang, mở cõi, đến công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do là chuỗi dài những sự kiện đấu tranh hào hùng. Truyền thống chống giặc, cứu nước và tấm gương tiêu biểu của những người con ưu tú quê hương Long An là tấm gương phản chiếu, động lực to lớn cho các thế hệ sau noi theo. Đồng thời những lớp người như Trương Văn Bang, Trần Văn Giàu, Nguyễn Hữu Thọ, … đã thừa hưởng những phẩm chất và truyền thống lịch sử tốt đẹp của quê hương, cần tiếp bước thế hệ đi trước, giương cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng dân tộc, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Nguyễn Hữu Thọ về Việt Nam trong bối cảnh nhân dân Long An dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tham gia mạnh mẽ các phong trào cách mạng lớn của đất nước, như cao trào (1930-1931), (1936-1939) khí thế cách mạng sục sôi đã tác động nhiều đến chí hướng yêu nước của ông. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ 1940 và sự đàn áp của thực dân Pháp đã làm thức tỉnh hàng triệu đồng bào Nam bộ về tinh thần dân tộc, yêu nước chống ngoại xâm, trong đó có Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Lần đầu tiên chứng kiến tội ác của thực dân Pháp đã tác động trực tiếp đến suy nghĩ và nhận thức của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 giành độc lập có một ý nghĩa đặc biệt đối với chí hướng của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, "sự kiện lịch sử trọng đại đó đã làm thay đổi cả lối sống, nếp nghĩ của tôi. Nói một cách khác, cách mạng đã đổi đời cho tôi". Khí thế cách mạng của dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, chế độ phong kiến và thực dân bị tiêu diệt; nhà nước công nông được thành lập, đông đảo các nhân sĩ, trí thức tham gia hàng ngũ kháng chiến là những sự kiện trọng đại thôi thúc Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhận ra con đường dấn thân của mình. Từ đó Nguyễn Hữu Thọ hăng hái bước vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Năm 1946, Nguyễn Hữu Thọ được mời ra Uỷ ban Hành chánh kháng chiến Nam bộ thuộc khu vực Đồng Tháp Mười là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời yêu nước của ông. Chuyến đi đến “Thủ đô” kháng chiến của Nam bộ và những điều chứng kiến tận mắt đã giúp ông lột bỏ hoàn toàn những ưu tư, trăn trở và phương hướng “ngã ba đường”, từ đây ông đã coi mình như là người của cách mạng. “Ở đâu có địch, ở đó là chiến trường”, ông đã sử dụng chính năng lực và bản lĩnh của mình, hoạt động công khai trong lòng địch. Nguyễn Hữu Thọ đã từ bỏ vị trí Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long do chính quyền thực dân bổ nhiệm, lấy toà án là đấu trường, với tài hùng biện xuất chúng và am hiểu sâu sắc luật pháp Nguyễn Hữu Thọ đã đấu tranh thành công cho nhiều đồng bào, đồng chí của mình.

Ngày 16/10/1949, tại nhà số 5 đường Leon Cambes (nay là Sương Nguyệt Ánh), Ban Trí vận Thành ủy tổ chức kết nạp nhà trí thức yêu nước Nguyễn Hữu Thọ vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của một trí thức yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản và trở thành ngọn cờ đoàn kết dân tộc rất có uy tín trong việc tập hợp mọi lực lượng yêu nước chống kẻ thù xâm lược thực dân, đế quốc.

Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là cuộc đời, sự nghiệp của một tri thức yêu nước tài năng. Con đường đến với cách mạng của người thanh niên Nguyễn Hữu Thọ thật tự nhiên và trong sáng: Từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản và gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Chính truyền thống yêu nước của quê hương, những biến động của thời cuộc và một niềm tin sắc đá vào công cuộc đấu tranh của dân tộc đã khơi gợi và tác động trực tiếp đến tư tưởng và chí hướng dấn thân cách mạng của ông. Ông sẵn sàng từ bỏ con đường phú quý, an nhiên, lựa chọn con đường vì dân vì nước, sẵn sàng chấp nhận thử thách, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, phấn đấu và cống hiến đến cùng cho sự nghiệp của Đảng, vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân.

Ngô Thành Trung

Các tin khác

  • Ngày 14/6 - ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” (13/06/2024)
  • Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) (12/06/2024)
  • “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (05/06/2024)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2024) (05/06/2024)
  • Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (05/06/2024)
  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối