Chủ điểm tuyên truyền

Kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2022)

14/10/2022 11:14:53AM
Màu chữ Cỡ chữ

Trải qua chặng đường 92 năm hình thành và phát triển, ngày 14/10/1930-14/10/2022, Hội Nông dân Việt Nam được Đảng ta và Bác Hồ muôn vàn kính yêu giáo dục, rèn luyện, xây dựng ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, là nhân tố mấu chốt giữ vững mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và lực lượng chủ đạo là liên minh công-nông-trí thức.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng cuộc cách mạng dân chủ cũng là nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc. Điều này cho thấy ngay từ ngày đầu hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú trọng đến việc tổ chức, vận động nông dân xây dựng một tổ chức, để quy tụ giai cấp nông dân, bồi dưỡng lực lượng nông dân lớn mạnh. Từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930 tại Hồng Kông (Trung Quốc), Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương, việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử của giai cấp nông dân Việt Nam.

Tháng 3/1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, đề ra đường lối chính trị và ra quyết định lấy tên Nông hội thay Nông hội đỏ. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ Tám, tháng 5/1941, đổi tên là Việt Nam Nông dân cứu quốc hội. Qua phong trào đấu tranh, các tổ chức cứu quốc của nông dân càng phát triển mạnh mẽ góp sức vào làn sóng khởi nghĩa trong cả nước, tạo nên khí thế cách mạng sôi sục, đưa cả nước hừng hực bước vào Cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Trong giai đoạn chiến tranh ngày càng ác liệt hơn, nhiệm vụ kháng chiến càng đòi hỏi phải động viên toàn thể nông dân tham gia trên tất cả các mặt trận, ngày 06/8/1949, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 02 – NQ/TW về việc thành lập Ban Nông vận Trung ương, gồm 6 đồng chí: Hồ Viết Thắng, Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Mạnh Hồng, Phạm Xuân Di, Trương Việt Hùng, Trần Đào, đồng chí Hồ Viết Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban. Lần đầu tiên trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam có ban của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để làm công tác nông hội, xây dựng hội và phát động phong trào cách mạng của nông dân ở cấp Trung ương. Lúc ấy, ở miền Bắc với tinh thần ''Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng'', nông dân đã hăng hái tham gia "Phong trào thi đua ái quốc sản xuất lập công đề cao chiến sĩ'' do Đảng và Chính phủ phát động. Các cấp Hội Nông dân đã tập trung vận động thực hiện các phong trào, như: xây dựng “Cánh đồng 5 tấn”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, phong trào thanh niên nông thôn lên đường tòng quân giết giặc, bảo vệ Tổ quốc… Ở miền Nam, thực hiện chủ trương chuyển hướng đấu tranh của Đảng, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng ở nông thôn miền Nam, Nông hội vừa tích cực tổ chức, vận động nông dân chuẩn bị đấu tranh lâu dài, vừa khẩn trương tranh thủ thời gian trước khi bàn giao các địa bàn cho đối phương để củng cố sản xuất, ổn định đời sống. Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập. Sự ra đời của Hội là một mốc son lịch sử, đánh dấu sự phát triển của tổ chức nông dân, đồng bào, nông dân cả nước nhất là những Bà mẹ Việt Nam anh hùng và phụ nữ đã có những đóng góp sức của, sức người và tinh thần vô cùng to lớn làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, toàn thắng đất nước thống nhất Bắc - Nam sum họp một nhà.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, nông dân cả nước nhanh chóng tổ chức lại cuộc sống, mang lại màu xanh cho ruộng đồng, thôn, ấp, bản, làng và cũng từ đây, giai cấp nông dân Việt Nam lại cùng toàn dân làm nên kỳ tích trong sự nghiệp đổi mới. Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 78 – CT/TƯ về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Sau nhiều năm ở miền bắc không có tổ chức Hội, nay giai cấp nông dân cả nước có tổ chức thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Thực hiện đường lối đổi mới được Đại hội VI của Đảng đề ra, ngày 24/3/1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 05/CT-TW về Tổ chức Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội. Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42 – QĐ/TW về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

Quyết định số 42 – QĐ/TW về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam
thành Hội Nông dân Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận đánh giá cao vai trò vị trí của giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Khóa IX xác định: Hội Nông dân là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã nhấn mạnh: trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển xây dựng nông thôn mới, tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân Việt Nam trong việc trực tiếp thực hiện một số chương trình dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Trên cơ sở nghị quyết Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Kết luận 61, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 673 tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ vẻ vang của mình.

Các đại biểu chủ chốt tham dự Đại hội VII Hội nông dân Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Từ năm 1988 đến nay, Hội Nông dân Việt Nam đã trải qua 7 kỳ Đại hội, với hệ thống 4 cấp từ trung ương đến cơ sở, nội dung, phương thức hoạt động của Hội ngày càng được đổi mới, các cấp hội luôn hướng hoạt động về cơ sở, đổi mới nội dung hình thức hoạt động. Những năm qua các cấp hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục hội viên nông dân nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết tương thân, tương ái; ý thức tự lực tự cường năng động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng tin cậy trong khối liên minh vững chắc công, nông, trí thức, bảo đảm thực hiện mọi thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Thấm nhuần chỉ dẫn của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng 92 năm qua, giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đã tập hợp, động viên giai cấp nông dân đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình, thịnh vượng.

P.TTTT-LLCT

 

Các tin khác

  • Ngày 14/6 - ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” (13/06/2024)
  • Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) (12/06/2024)
  • “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (05/06/2024)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2024) (05/06/2024)
  • Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (05/06/2024)
  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối