Chủ điểm tuyên truyền

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân (1902- 2022)

24/10/2022 12:14:16PM
Màu chữ Cỡ chữ

Đồng chí Võ Văn Ngân - Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Cuộc đời của đồng chí đã có những cống hiến rất to lớn cho Đảng và cách mạng nước ta, để lại tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của người cộng sản tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, suốt đời phấn đấu và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902, trong một gia đình nông dân yêu nước và có truyền thống cách mạng ở làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Thân sinh Võ Văn Ngân là ông bà Võ Văn Sự và Nguyễn Thị Toàn. Võ Văn Ngân ảnh hưởng rất lớn từ truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình, đặc biệt là người anh trai Võ Văn Tần, nên sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân sâu sắc. Năm 1926, đồng chí Võ Văn Ngân cùng đồng chí Võ Văn Tần tham gia Hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng)- một tổ chức yêu nước ở Nam Kỳ lúc bấy giờ. Trong không khí sôi nổi của phong trào yêu nước ở Đức Hòa, Sài Gòn, Chợ Lớn, cuối năm 1926, được sự tuyên truyền vận động, giúp đỡ của các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Sài Gòn, Chợ Lớn vừa thành lập, Võ Văn Ngân đã lựa chọn và quyết định chuyển sang lập trường yêu nước theo xu hướng mới và chính thức gia nhập tổ chức này, trở thành một trong những hội viên đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kỳ nói chung và tỉnh Chợ Lớn nói riêng.

Năm 1929, đồng chí Võ Văn Ngân tham gia thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở làng Đức Hòa. Ngày 06/3/1930, cuộc họp bí mật của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng diễn ra tại Giồng Cám, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, quyết định chuyển chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở quận Đức Hòa và tỉnh Chợ Lớn với sự tham gia 7 đảng viên, gồm đồng chí Võ Văn Tần (Bí thư), Nguyễn Văn Sậy (Phó Bí thư), Võ Văn Ngân, Võ Văn Tây, Võ Thị Phái, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Thỏ.  Có thể thấy rằng, việc ra đời từ rất sớm của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Đức Hòa có ý nghĩa, vai trò to lớn, phản ánh tình thế vận động cách mạng sôi nổi, trong đó có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Văn Ngân, một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 5/1930, khi quận ủy Đức Hòa thành lập, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu vào Quận ủy (do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư). Ngày 04/6/1930, đồng chí cùng Quận ủy Đức Hòa thực hiện chỉ đạo của liên tỉnh ủy phối hợp lãnh đạo cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất Nam kỳ diễn ra tại quận lỵ Đức Hòa. Sau cuộc biểu tình trên, đêm 22/9/1930, nhà cầm quyền Pháp điên cuồng ra lệnh truy lùng những người cộng sản, đồng chí Võ Văn Ngân phải lánh sang Hóc Môn - Gia Định để tiếp tục hoạt động.

Năm 1931, nhiều đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy Gia Định sa vào tay địch, để tiếp tục duy trì phong trào, đồng chí Võ Văn Ngân đã tìm mọi cách móc nối, khôi phục lại các cơ sở đã bị phá vỡ, tổ chức tái lập lại tỉnh Gia Định; giữa năm 1931, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Ngân, Đảng bộ tỉnh Gia Định đã giương cao ngọn cờ chống khủng bố, áp bức bóc lột của đế quốc thực dân; ủng hộ, bênh vực những người lao động cần lao; xây dựng phát triển cơ sở Đảng, các tổ chức quần chúng ở các địa phương, đặc biệt ở xã Bà Điểm, tổ chức Nông hội đỏ được củng cố, phát triển khắp khu vực Mười Tám thôn Vườn Trầu...; các đảng viên dựa vào mối quan hệ dòng họ, gia đình để tuyên truyền giới thiệu quần chúng với chi bộ xem xét kết nạp nhằm tăng thêm số lượng đảng viên cho Đảng.

Năm 1932, đồng chí Võ Văn Ngân về làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thay đồng chí Võ Văn Tần. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, đồng chí Võ Văn Ngân đã góp công sức vào việc khôi phục tổ chức, củng cố cơ sở Đảng ở cả 2 tỉnh Chợ Lớn - Gia Định. Đầu năm 1933, đồng chí Võ Văn Ngân vừa là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, vừa là thành viên của Đặc ủy Vàm Cỏ Đông. Nhờ sự hoạt động tích cực và có hiệu quả của Tỉnh ủy Chợ Lớn do đồng chí Võ Văn Ngân đứng đầu, phong trào cách mạng ở Chợ Lớn cuối năm 1934, đầu năm 1935 được khôi phục và có chiều hướng phát triển. Hệ thống tổ chức đảng từ tỉnh xuống cơ sở được gây dựng và củng cố. Lực lượng cách mạng gồm nhiều giai cấp, giai tầng của đô thị đã nhanh chóng phát triển cả số lượng và chất lượng. Đầu tháng 3/1935, được tổ chức Đảng tín nhiệm bổ sung vào Xứ ủy, đồng chí Võ Văn Ngân trực tiếp về phụ trách Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và được cử đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất họp ở Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Võ Văn Ngân được bầu là một trong 9 ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau Đại hội Đảng toàn quốc, đồng chí Võ Văn Ngân trở về Nam kỳ hoạt động trong hoàn cảnh 8 ủy viên Trung ương Đảng lần lượt sa lưới mật thám, Xứ ủy lại bị vỡ, Võ Văn Ngân cùng các đồng chí khác kiên trì khôi phục lại Xứ ủy và trực tiếp làm Bí thư Xứ ủy. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Võ Văn Ngân luôn chú trọng xây dựng các tổ chức Hội, nhất là tổ chức Công hội; xây dựng tổ chức Đảng trong các cơ sở công nghiệp như Ba Son Sài Gòn, đồn điền cao su, xe lửa; chú trọng công tác tuyên truyền trong các phong trào công nhân. Do đó phong trào công nhân Nam Kỳ có sự chuyển biến rõ rệt từ tự phát sang tự giác. Chỉ trong hai năm 1934-1935, phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân lao động đã có sự phát triển mạnh hơn thời kỳ trước. Năm 1936, tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Văn Ngân, hàng trăm ủy ban hành động ra đời; Đảng đưa người ra công khai ứng cử vào Hội đồng Quản hạt thành phố, Đồng chí trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc mít tinh, biểu tình đòi quyền dân sinh, dân chủ tại Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tháng 3/1937, sau Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Ngân chuyển bệnh nặng, Trung ương Đảng quyết định để đồng chí nghỉ dưỡng bệnh lâu dài và chỉ định đồng chí Võ Văn Tần thay làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, bổ sung vào Trung ương Đảng. Năm 1938, đồng chí Võ Văn Ngân được Xứ ủy chuyển từ Bình Lý về gia đình ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa chữa bệnh, nhưng do bệnh nặng, đồng chí từ trần vào ngày 29/10/1938.

Ba mươi sáu tuổi đời, 13 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Võ Văn Ngân đã hiến dâng tất cả cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Lịch sử mãi khắc ghi công lao to lớn của đồng chí Võ Văn Ngân - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực. Vì mục tiêu độc lập dân tộc, đồng chí luôn thực hiện đúng đường lối của Đảng và Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc kết hợp với phát huy tinh thần cách mạng của quần chúng Nhân dân. Hoạt động cách mạng trong hoàn cảnh hết sức khó khăn với sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù, đồng chí luôn thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân, tự hào và biết ơn về những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng, chúng ta càng thấu hiểu và khắc ghi những bài học cách mạng vô cùng quý giá cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước hiện nay. Phát huy truyền thống của quê hương Long An “trung dũng, kiên cường”, học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đồng chí Võ Văn Ngân và lớp lớp các thế hệ tiền bối cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Long An nguyện vượt qua khó khăn, thử thách, ra sức học tập, lao động, công tác và chiến đấu, góp phần cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

P.TTTT-LLCT

Các tin khác

  • Ngày 14/6 - ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” (13/06/2024)
  • Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) (12/06/2024)
  • “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (05/06/2024)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2024) (05/06/2024)
  • Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (05/06/2024)
  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối