Chủ điểm tuyên truyền

Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Tân An, Chợ Lớn

25/08/2024 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Cách đây 79 năm, sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” xác định kẻ thù cụ thể trước mắt của nhân dân Đông Dương là phát-xít Nhật, nêu khẩu hiệu “đánh đuổi phát-xít Nhật” và phát động cao trào chống Nhật cứu nước mạnh mẽ, làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân tại Tân Trào đã thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ ngày 14/8-1945 đến ngày 18/8/1945 đã giành thắng lợi ở nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần ở miền Nam và các thị xã Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hội An (Quảng Nam). Sáng ngày 19/8/1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Việt Minh, tại Hà Nội, nhân dân đổ xuống đường tuần hành hô vang các khẩu hiệu cách mạng. Sau cuộc mít tinh lớn, quần chúng cách mạng xếp thành đội ngũ có các đơn vị vũ trang chiến đấu đi đầu, tỏa ra các hướng để chiếm giữ các công sở quan trọng của chính quyền bù nhìn. Trước khí thế bừng bừng như triều dâng thác đổ của quần chúng cách mạng, quân đội phát xít Nhật tuy đông hàng vạn tên, song cũng phải bó tay tê liệt, còn bọn bù nhìn tay sai không thể chống đỡ đã phải nhanh chóng đầu hàng vô điều kiện. Cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ngay trong những ngày tháng Tám 1945. Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa đã nổ ra ở Huế và giành được chiến thắng. Sáng ngày 25/8/1945, hàng chục vạn người dân Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và các tỉnh lân cận đã kéo về trung tâm thành phố biểu tình, thị uy giành chính quyền. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng thắng lợi, các công sở quan trọng bị chiếm đóng, nhanh chóng thuộc về nhân dân.

Đối với tỉnh Tân An, trước đó,  Xứ ủy Nam kỳ triệu tập nhiều cuộc họp từ ngày 17 đến 20/8/1945 tại Chợ Đệm, quyết định đưa Việt Minh ra công khai, đồng thời lấy ngày 23/8/1945 tiến hành khởi nghĩa thí điểm ở Tân An.

Chấp hành quyết định của xứ ủy, Tân An gấp rút chuẩn bị. Tỉnh ủy họp khẩn ra “Nghị quyết đỏ” phân công các tỉnh ủy viên tổ chức may sẵn cờ đỏ sao vàng, tập trung người và vũ khí về chung quanh thị xã, đợi giờ hành động và dự kiến danh sách Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của tỉnh. Nghị quyết được phổ biến về tận các quận.

Sáng ngày 22/8/1945, trên 4.000 người với tầm công, giáo mác mang khẩu hiệu và cờ đỏ sao vàng từ các quận Châu Thành, Thủ Thừa đổ về sân banh thị xã (khu hội trường Thống Nhất cũ trước đây, nay là Kho lưu trữ) trước dinh Tỉnh trưởng, tham gia cuộc mít tinh chào mừng cách mạng thắng lợi. Trước rừng người, rừng cờ đỏ và tầm vông vạt nhọn, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời do đồng chí Nguyễn Văn Trọng làm Chủ tịch ra mắt đồng bào trong tiếng hoan hô vang dậy. Buổi chiều cùng ngày, cuộc cướp chính quyền tiến hành thắng lợi ở quận Mộc Hóa. Các nơi khác trong tỉnh cũng đã nổi dậy đập tan toàn bộ bộ máy kìm kẹp cũ, giành chính quyền về tay nhân dân.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Tân An đã đạt được thắng lợi rực rỡ. Xứ ủy ngay sau đó đã họp lần thứ 3 tại vùng Chợ Đệm rút kinh nghiệm, quyết định bổ sung hoàn chỉnh kế hoạch khởi nghĩa và ban lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn – Chợ Lớn và trong toàn Nam kỳ vào ngày 25/8/1945.

Tỉnh Chợ Lớn, do vị trí đặc biệt gắn liền với Sài Gòn nên cuộc khởi nghĩa giành chính quyền được tiến hành cùng ngày với Sài Gòn theo chủ trương của Xứ ủy.

Trước ngày hành động, Đảng bộ Chợ Lớn quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa để lãnh đạo nhân dân giành chính quyền theo kế hoạch quận nào khởi nghĩa giành chính quyền ở quận ấy. Tại quận Đức Hòa, sau khi nhận được tin Tân An khởi nghĩa thắng lợi và nhận được điện khởi nghĩa của cấp trên, các đồng chí thống nhất tiến hành khởi nghĩa vào ngày 25/8/1945. Nhiệm vụ của Đảng bộ Đức Hòa là vừa lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương, vừa huy động nhân dân tham gia cuộc biều tình cướp chính quyền ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu thắng lợi từ xã Hựu Thạnh ngày 24/8. Thừa thắng, 5 giờ sáng ngày 25/8, lực lượng vũ trang tự vệ cùng quần chúng bao vây dinh quận, buộc địch nộp vũ khí đầu hàng.

Ở Trung Quận, khoảng 10 giờ đêm ngày 23/8, các đảng viên đã huy động Thanh niên tiền phong và quần chúng vũ trang bằng tầm vông vạt nhọn xông vào chiếm trụ sở xã Long Hiệp, Long Phú (Trung Quận), Long Định (Cần Đước), tuyên bố giải tán hội tề, lùng bắt và tước súng một số hội tề và bọn phản động có nợ máu từ năm 1940, thành lập chính quyền cách mạng. Ngày 24/8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tiếp tục nổ ra thắng lợi ở các xã: Thanh Hà, An Thạnh, Tân Bửu, Phước Lợi, Mỹ Yên, Gò Đen…

Ở Cần Giuộc và Cần Đước, theo kế hoạch dự định là huy động nhân dân tham gia cuộc tuần hành giành chính quyền ở Sài Gòn-Chợ Lờn vào sáng ngày 25/8, xong rồi sẽ quay về cướp chính quyền ở quận và xã nhưng do tình hình thuận lợi, đảng bộ ở hai nơi đó đã chủ động hướng dẫn quần chúng chiếm quận lỵ, giành chính quyền ngay trong đêm 24/8/1945.

Sáng ngày 25/8/1945, nhân dân các quận của Chợ Lớn sau khi đã tham gia cuộc tuần hành thị uy trên các đường phố chính của Sài Gòn, tiến về phía thành phố Chợ Lớn, nơi lực lượng cách mạng vừa tiếp quản. Một cuộc mít tinh lớn gồm hơn một vạn đồng bào được tổ chức ngay sáng hôm đó đón chào Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời của tỉnh ra mắt nhân dân.

Cùng với cả nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 ở Tân An-Chợ Lớn đã thắng lợi rực rỡ. Thắng lợi đó đánh dấu một trang sử mới trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân hai tỉnh. Từ đây, cùng với cả nước, nhân dân hai tỉnh đã thoát khỏi ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến, tự mình làm chủ vận mệnh, xây dựng cuộc sống mới.

 

Trung Hiếu

Các tin khác

  • Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh (25/09/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2024) (19/09/2024)
  • Long An “Trung dũng kiên cường, Toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Kỷ niệm 69 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955-10/9/2024) (09/09/2024)
  • Xô viết Nghệ - Tĩnh vang mãi bản hùng ca cách mạng (05/09/2024)
  • Cao Bằng “viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc Việt Nam, nơi tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (04/09/2024)
  • Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (03/09/2024)
  • Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc chăm lo các đối tượng chính sách, Người có công và thương binh, liệt sỹ (30/08/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 02/9 (30/08/2024)
  • 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN ( 02 và 05/8/1964 - 02 và 05/8/2024) (05/08/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối