Chủ điểm tuyên truyền

Kỷ niệm 98 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Chính (01/3/1924 – 01/3/2022) Nhà cách mạng tiên phong

01/03/2022 08:33:33AM
Màu chữ Cỡ chữ

Đồng chí Nguyễn Văn Chính (1924 - 2016), nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Long An, Bộ trưởng Bộ Lương thực, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó trưởng ban thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, người đã gắn bó cả cuộc đời mình phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước và xây dựng quê hương Long An phát triển như ngày hôm nay.

Đồng chí Nguyễn Văn Chính quê quán xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí vô cùng phong phú, sinh động ở nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, đạo đức, tập trung vào các nội dung sau:

Truyền thống quê hương, gia đình ảnh hưởng đến sự hình thành tư tưởng yêu nước và cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Chính.

Long An là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với nhiều di chỉ khảo cổ. Lịch sử khai phá, khẩn lân lập ấp, cuộc sống khoáng đạt của lưu dân người Việt xưa đã hình thành nên tính cách, con người Nam bộ với những phẩm chất tốt đẹp như đoàn kết, phóng khoáng, nghĩa tình, trở thành một truyền thống bền vững, tốt đẹp.

Những năm đầu thời kỳ kháng Pháp, Long An là địa phương nghĩa quân tham gia đấu tranh yêu nước dưới sự lãnh đạo của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Văn Đạt, Võ Duy Dương, Đốc Binh kiều,… là chiếc nôi sản sinh và nuôi dưỡng những người con ưu tú, như: Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thông, Phan Văn Đạt, Nguyễn An Ninh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những đồng chí như Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Trần Văn Giàu, Nguyễn Hữu Thọ,... và toàn quân, toàn dân Long An đã phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, tô thắm 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” do Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam khen tặng Long An ngày 17/9/1967 càng thêm rạng rỡ.

Ảnh Tư liệu

Xuất thân là nông dân, trong môi trường giàu truyền thống yêu nước, đấu tranh bất khuất của cha anh và quê hương đã nuôi dưỡng, bồi đắp tư duy, tình cảm, nhận thức của đồng chí Nguyễn Văn Chính từ một người thanh niên yêu nước đi theo lý tưởng cách mạng và trở thành người cộng sản kiên trung, người lãnh đạo ưu tú. Thời kỳ xây dựng đất nước, đồng chí là người tiên phong trong đột phá tư duy kinh tế, góp phần cùng cả nước chuyển mình đổi mới nền kinh tế cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhà cách mạng kiên trung, người lãnh đạo tiêu biểu của quê hương Long An.

Đồng chí Nguyễn Văn Chính quê quán xã Tân Quý Tây, Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí gắn liền với quê hương Long An. Thời kỳ kháng Pháp những năm 1945, đồng chí tham gia phong trào Thanh niên Tiền Phong, hăng hái tham gia giành chính quyền tại địa phương.

Sau cách mạng Tháng Tám, đồng chí gia nhập tự vệ chiến đấu quân của làng Tân Quý. Tháng 8 năm 1946 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, phụ trách Chủ nhiệm Thôn bộ Việt Minh, Phó Bí thư Chi bộ làng Tân Quý. Tháng 4 năm 1947, là Huyện ủy viên Cần Giuộc, chủ nhiệm Khu bộ Việt Minh khu Phước Điền Thượng.

Năm 1948, đồng chí làm Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc sau đó kiêm Chính trị viên Ban Chỉ huy Huyện đội huyện Cần Giuộc. Năm 1952, đồng chí là Phó Bí thư Huyện ủy kiêm Chính trị viên Ban Chỉ huy Huyện đội dân quân liên huyện Cần Giuộc - Cần Đước - Nhà Bè thuộc tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn. Sau đó ông được phân công là Trưởng ban Cán sự Đảng, phụ trách huyện Cần Giuộc.

Năm 1954, tỉnh Chợ Lớn được thành lập, đồng chí là Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc, được chỉ định làm Tỉnh ủy viên phụ trách công tác binh vận và 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước. Năm 1956, đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Chợ Lớn, rồi Phó Bí thư Tỉnh ủy. Tháng 10 năm 1957, đồng chí Nguyễn Văn Chính tiếp tục làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An, phụ trách Tuyên huấn. Năm 1959, là Bí thư Tỉnh ủy Long An kiêm Chính trị viên Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Năm 1973, đồng chí về Trung ương Cục, phụ trách Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tổ chức Trung ương Cục.

Sau 1975, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ nhất (4/1977), đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Từ năm 1977-1984 Long An và cả nước đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách do chiến tranh biên giới, lũ lụt và nhất là cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp cản trở nặng nề đến sản xuất, đời sống của nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Chính đã lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và nghĩa vụ quốc tế, khai mở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, đi tiên phong cả nước trong việc đột phá vào cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp.

Ảnh Tư liệu

Năm 1984, đồng chí Nguyễn Văn Chính được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Lương thực, tháng 2 năm 1987, đồng chí được Quốc hội, Chính phủ bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước. Năm 1988, đồng chí được phân công là Phó Trưởng ban thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Năm 1992 đồng chí Nguyễn Văn Chính được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

Nhà lãnh đạo sáng tạo, chủ động, bản lĩnh; có tầm nhìn đột phá, “dám nghĩ, dám làm”

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân của mình, đồng chí Nguyễn Văn Chính đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy chiến lược và những quyết định mang tính bước ngoặc lịch sử, cụ thể như sau:

Đó là tinh thần chủ động, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương (Khoá II) tháng 1 năm 1959 về đường lối cách mạng miền Nam, với sự vận dung linh hoạt, sáng tạo chủ trương chung của Đảng về duy trì đường lối đấu tranh chính trị thi hành theo Hiệp định Giơnevơ 1954. Xác định Long An là vành đai cận kề Sài Gòn cần phải xây dựng lực lượng mạnh chủ động ứng phó, do đó Tỉnh ủy đã xúc tiến thành lập các Tiểu đoàn 506, Tiểu đoàn 508, đồng thời vận dụng nguyên tắc tổ chức cơ quan quân sự tỉnh để thành lập “Đảng ủy quân sự”. Đây được xem là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo của tập thể Tỉnh ủy Long An trong điều kiện Trung ương chưa cho phép các tỉnh đấu tranh vũ trang, nhưng Long An đã đi trước một bước xây dựng được lực lượng. Do đó, khi Nghị quyết 15 phát tín hiệu cho phép sử dụng bạo lực đấu tranh, chủ trương “quân sự đi trước một bước, lực lượng vũ trang làm đòn xeo cho quần chúng nổi dậy” được đồng chí Nguyễn Văn Chính, Bí thư Tỉnh ủy Long An cụ thể hóa trong phát động Đồng khởi, đó là sự chuẩn bị lực lượng vũ trang, vũ trang tuyên truyền có thực lực được củng cố phát triển mạnh bằng 3 đợt tiến công mạnh mẽ, rộng khắp, có sức lan truyền nhanh, hiệu quả. Thắng lợi của phong trào Đồng Khởi ở Long An trong những năm 1960-1961 đã thể hiện sự quán triệt đúng đắn đường lối đấu tranh của Trung ương Đảng với sự linh hoạt, sáng tạo vận dụng phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế địa phương của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính.

Đồng chí Nguyễn Văn Chính còn là nhà lãnh đạo có tư duy đột phá, lãnh đạo tỉnh Long An mạnh dạn thực hiện một bước đột phá tư duy về quản lý kinh tế theo cơ chế mới bằng cải tiến phân phối và lưu thông hàng hóa một giá, bù giá vào lương, trở thành mô hình thành công về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, động lực cho các địa phương khác  áp dụng, thử nghiệm, đóng góp không nhỏ thực tiễn và lý luận cho chủ trương đổi mới toàn diện của đất nước.

Một biểu tượng của lòng dũng cảm và sự dấn thân, đương đầu với thực tiễn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Chính đó chính là lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân tỉnh Long An thực hiện chủ trương cải tạo, xây dựng và biến Đồng Tháp Mười từ vùng đất hoang sơ, hoang hoá và nhiễm phèn nặng thành vựa lúa trù phú bậc nhất miền Tây Nam bộ. Vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, Chương trình được hiện thực hóa bằng những hành động quyết liệt. Chủ trương phù hợp lòng dân đã đánh thức được tiềm lực vùng Đồng Tháp Mười, chứng minh được tầm nhìn và năng lực lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Chính. Nhìn nhận về sức lan tỏa của những quyết định đột phá, dám nghĩ, dám làm của đồng chí Nguyễn Văn Chính, đồng chí Huỳnh Văn Niềm-Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tiền Giang cho biết

Tấm gương sáng ngời nhân cách, phẩm chất đạo đức cách mạng.

Phẩm chất đạo đức cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Chính được bồi đắp và hình thành trên nền tảng của truyền thống quê hương, gia đình và đặc biệt là thông qua thực tiễn đấu tranh cách mạng. Với tư tưởng dấn thân vì sự nghiệp cách mạng, trong suốt quá trình hoạt động từ hạt nhân phong trào cơ sở đến giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt Trung ương, đã thử thách và tôi luyện đồng chí Nguyễn Văn Chính từ một chiến sĩ cộng sản bản lĩnh trong lãnh đạo các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đến tư duy và bản lĩnh quyết đoán, tiên phong đột phá trong phát triển kinh tế đồng thời khiêm tốn, dung dị, nhân văn với đồng bào, đồng chí.

Ảnh Tư liệu

Trên cương vị Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, phẩm chất yêu thương quần chúng, gần dân để hiểu nguyện vọng của nhân dân thông qua nhiều hoạt động, chủ trương hợp lý, thấu tình đã làm thay đổi cuộc sống của nông dân, qua đó thấy được sự thấu hiểu, gắn bó máu thịt với nhân dân của đồng chí Nguyễn Văn Chính.

Hơn 61 năm hoạt động cách mạng với 70 năm tuổi Đảng, sự hy sinh và cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Chính đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An là vô cùng to lớn. Chân dung người chiến sĩ cách mạng chân chính, nhà lãnh đạo tâm huyết, bản lĩnh, trí tuệ, một nhân cách đạo đức chuẩn mực, người con của ưu tú của Long An giản dị, gần gũi, thân tình trở nên sáng tỏa. Sự cống hiến và phẩm chất đạo đức của đồng chí Nguyễn Văn Chính là tấm gương sáng ngời, là chuẩn mực giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào của dân tộc cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tỉnh Long An học tập và noi theo.

Ngô Thành Trung

Các tin khác

  • Ngày 14/6 - ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” (13/06/2024)
  • Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) (12/06/2024)
  • “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (05/06/2024)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2024) (05/06/2024)
  • Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (05/06/2024)
  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối