Chủ điểm tuyên truyền

76 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, bầu ra Quốc hội nước Việt Nam (06/1/1946 – 06/1/2022)

06/01/2022 11:15:0PM
Màu chữ Cỡ chữ

Cách đây 76 năm, ngày 6/1/1946, toàn thể nhân dân trên mọi miền Tổ quốc, không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo đã nô nức đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, giữa muôn vàn khó khăn, thử thách thù trong giặc ngoài, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quyết định khẩn trương thực hiện Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để bầu ra Quốc hội  và Chính phủ hợp hiến. Người nhấn mạnh: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng nhanh càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền đi bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, đảng phái, dòng giống”; “Tổng tuyển cử sẽ bầu ra Quốc hội, đối với bên trong thì Nhân dân tin tưởng vào chế độ của mình; trước thế giới, Quốc hội do Nhân dân bầu ra sẽ không ai có thể phủ nhận”.

Để cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra thắng lợi, ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, trong đó có đoạn "...Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình...”. Để mọi cử tri thực thi nhiệm vụ thiêng liêng của mình, trên Báo Cứu quốc số đặc biệt ra ngày 6/1/1946 có đăng bút tích của Người: "Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội khóa đầu tiên của nước ta”.

Cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên ở nước ta diễn ra trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình kinh tế-xã hội hết sức khó khăn nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên diễn ra đúng như kế hoạch và thu được thắng lợi, chỉ một bộ phận ở phía Nam tiến hành vào ngày 23/12/1945 (do không kịp nhận lệnh hoãn), còn hầu hết đều tiến hành ngày 6/1/1946. Tất cả 71 tỉnh, thành phố có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Cả nước bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% là đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước, 43% không đảng phái, 87% là đại biểu công, nông, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu nữ, 34 đại biểu thuộc các dân tộc thiểu số. Tại Thủ đô Hà Nội có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đi bỏ phiếu; kết quả 6 trong 74 ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Bên cạnh đó, tuy là cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khóa đầu tiên ở nước ta nhưng vẫn thể hiện một cách đầy đủ nội dung, yêu cầu của nguyên tắc bầu cử mới. Tự do bầu cử, ứng cử của công dân bình đẳng, trực tiếp, bỏ phiếu kín mà không phải bất kỳ một nước dân chủ nào cũng có thể làm được.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội phát triển dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Khóa Quốc hội này là khóa Quốc hội đoàn kết...”. Người mong rằng Quốc hội phải cố gắng để làm tròn trách nhiệm của mình trước nhân dân. Và để làm được điều đó: "…Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”. Trong quá trình đó một mặt phải phát huy vai trò đại diện của đại biểu Quốc hội nhưng mặt khác người dân phải phát huy quyền của mình. Người khẳng định: "Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri...” và "Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân”.

Trải qua 76 năm xây dựng và trưởng thành cùng với 15 nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội, được xây dựng theo tư tưởng quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ Quốc hội khóa I đến Quốc hội khóa XV, dù ở thời điểm, hoàn cảnh lịch sử nào, Quốc hội  Việt Nam cũng có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đã được tổ chức thành công, một cuộc bầu cử thật sự tự do, thật sự dân chủ, là mốc son lịch sử của chế độ dân chủ ở Việt Nam./.

 

Phòng TTTT & LLCT (tổng hợp)

Các tin khác

  • Ngày 14/6 - ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” (13/06/2024)
  • Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) (12/06/2024)
  • “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (05/06/2024)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2024) (05/06/2024)
  • Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (05/06/2024)
  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối