Chủ điểm tuyên truyền

75 năm Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông (1947 – 2022)

02/10/2022 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Cách đây 75 năm, Thu – Đông năm 1947, khi toàn quốc kháng chiến diễn ra chưa đầy một năm, thực dân Pháp mở cuộc tiến công chiến lược quy mô lớn, bao gồm cả thủy, lục, không quân đánh vào Việt Bắc – căn cứ địa kháng chiến Trung ương, nhằm chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến, đánh quỵ chủ lực, phá hủy tiềm năng kháng chiến, khóa chặt biên giới Việt - Trung, nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh trong danh dự.

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Bộ đội ta công kích đồng loạt vào các vị trí quân Pháp, sau đó nhanh chóng chuyển sang bao vây, ghìm giữ quân địch ở Hà Nội và các thành phố, thị xã trên địa bàn cả nước.

Bị sa lầy tại các thành phố, thị xã, thực dân Pháp xúc tiến việc chuẩn bị một cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta bằng chiến lược “đánh nhanh, giải quyết nhanh". Với trên trên 12.000 quân tinh nhuệ được trang bị vũ khí, phương tiện hiện đại, quân Pháp hình thành hai “gọng kìm” lớn từ phía Đông và phía Tây kẹp chặt Việt Bắc, nhằm 3 mục tiêu: không cho ta liên lạc với Trung Quốc, loại trừ sự chi viện từ ngoài vào, tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta.

Ngày 7/10/1947, quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn mở đầu cuộc tiến công Việt Bắc. Chỉ một ngày sau, ngày 8/10, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi toàn thể đồng bào đoàn kết kháng chiến, ra sức giết giặc.

Ngày 15/10/1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp". Đảng nhận định: "Địch càng dàn quân ra càng mỏng lực lượng. Chúng đem quân lên mạn ngược là một dịp cho ta đế đánh chúng ở miền xuôi. Chúng đóng quân nơi xa càng dễ cho ta bao vây chúng và chặt đường tiếp tế, đánh chúng một cách rất có lợi trong khi chúng vận động". Từ đó Đảng đề ra nhiệm vụ: "Đánh mạnh dưới đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ, khiến cho địch không thế đánh Việt Bắc"; giam chân, chặt đứt giao thông, liên lạc giữa các cứ điểm của địch, không cho chúng tiếp ứng và tiếp tế; củng cố căn cứ địa về mặt hành chính, dân vận, quân sự, kinh tế... quân sự hóa các cơ quan hành chính; củng cố bộ máy hành chính và kháng chiến ở vùng địch kiểm soát...

Quán triệt Chỉ thị của Thường vụ Trung ương, quân và dân trên các chiến trường ở Bắc Bộ, Khu 5, Khu 6 và Nam Bộ đã tiến hành nhiều hoạt động chiến đấu phối hợp với Việt Bắc. Các cuộc tấn công của Bộ đội Tây tiến ở Sơn La, cuộc tổng phá tề ở ngoại thành Hà Nội, ở Nam phần Bắc Ninh, các cuộc tập kích ở Ninh Hòa, Cam Ranh... (Khu 5), các cuộc phục kích, tập kích ở Gia Định, vùng ven Sài Gòn, ở Biên Hòa, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ... (Nam Bộ) đã chia lửa cùng Việt Bắc, buộc địch phải căng sức đối phó trên khắp các chiến trường.

Ở chiến trường Việt Bắc, quân và dân ta thực hiện phương châm: Không đưa bộ đội chủ lực ra đối đầu với pháo binh cơ giới của địch mà lấy tác chiến quy mô nhỏ làm chính, dùng lực lượng nhỏ,chiến thuật phục kích là chủ yếu,đánh thẳng vào nhược điểm cơ bản của địch là phải tiếp tế tăng viện bằng đường bộ và đường sông trên một không gian rộng,đường núi hiểm trở, xa căn cứ ở đồng bằng. Phương châm "đại đội độc lập -tiểu đoàn tập trung" mang lại hiệu quả rõ rệt với sự phát triển mạnh của phong trào chiến tranh du kích. Các cơ sở sản xuất, kho tàng lui sâu vào rừng. Nhân dân làm vườn không nhà trống đẩy quân Pháp vào tình thế khốn đốn vì không thể khai thác được hậu cần tại chỗ. Cơ quan đầu não kháng chiến phân tán thành nhiều bộ phận song vẫn bảo đảm duy trì liên lạc chỉ đạo, chỉ huy giữa Trung ương với các địa phương Việt Bắc và với chiến trường toàn quốc.

Nghiên cứu thế lực của ta và địch trên chiến trường, Bộ tổng chỉ huy quyết định tập trung lực lượng đánh địch trên 3 mặt trận: “Đánh mạnh ở mặt trận Sông Lô; đường số 4 và đường số 3 nhằm phá vận tải tiếp tế địch, phục kích các đường rừng, đánh đường sông; tại những căn cứ của địch luôn quấy rối, với những vị trí nhỏ thì bao vây tiêu diệt để phối hợp với Việt Bắc”.

Quân đội ta sử dụng các trung đoàn 147, 165 (chủ lực Bộ); 72, 74, 121 (Khu 1); 11, 36; 59; 98 (Khu 12); 1 tiếu đoàn pháo binh và Trung đoàn Sông Lô (Khu 10); 5 tiểu đoàn độc lập của Bộ, Khu 1 và Khu 12, các đơn vị binh chủng và du kích trên địa bàn chiến dịch. Chiến khu do Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ huy, đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng. Chiến dịch tấn công của quân Pháp bắt đầu thì chiến dịch phản công của quân đội ta tại Việt Bắc cũng bắt đầu.

Ngay từ những ngày đầu, Trung đoàn Vệ quốc quân tại Cao Bằng bắn rơi máy bay chỉ huy của quân Pháp, Đại tá Lambert - Phó Tổng tham mưu quân viễn chinh Pháp cùng các cơ quan tham mưu chiến dịch của Pháp bị chết trong máy bay.

Ở mặt trận Sông Lô - Chiêm Hóa, địch vừa đổ bộ lên bến Bình Ca thì bị quân đội ta bắn chìm một pháo thuyền địch, tiếp đó diệt hơn một tiểu đội giặc lập chiến công đầu tiên trên sông Lô. Những trận đánh địa lôi, phục kích, bắn tỉa của quân đội ta làm cho quân đội Pháp không thể tiến theo các đường thủy, đường bộ, buộc chúng phải tiếp viện quân nhảy dù xuống Chiêm Hóa. Đoàn pháo binh cùng các binh đoàn chủ lực bắn chìm một số tàu chiến và ca nô của quân Pháp tại Đoan Hùng, Khoan Bộ, Khe Lau. Đường tiếp viện của quân Pháp từ Hà Nội lên bị cắt đứt.

Ở mặt trận đường số 4, các đại đội độc lập và quân dân du kích Cao Bằng, Lạng Sơn phục kích, bắn tỉa trên đường địch hành quân, tiến công tiêu diệt địch tại Đông Khê, Thất Khê. Tiểu đoàn tập trung Lạng Sơn lợi dụng địa hình đánh trận phục kích xuất sắc, diệt 33 xe cơ giới, gần 300 tên địch tại Bông Lau, thu toàn bộ vũ khí. Đường số 4 thành “con đường máu” của thực dân Pháp.

Ở mặt trận đường số 3, tự vệ quân giới phối hợp với dân quân dân tộc ít người đánh quân Pháp đi lẻ. Các tiểu đoàn tập trung thuộc Bộ Tổng chỉ huy và Bộ chỉ huy Chiến khu 1, tập kích, đánh địa lôi hàng trăm lính Pháp bị tiêu diệt trong công sự, cắt đứt đường tiếp viện của quân Pháp từ Cao Bằng xuống Bắc Kạn.

Các binh đoàn lớn của thực dân Pháp càng đi sâu vào căn cứ Việt Bắc càng bị chia cắt và hao mòn lực lượng.

Ngày 22/12/1947, cuộc chiến đấu chống địch tấn công Việt Bắc kết thúc thắng lợi. Việt Bắc đã trở thành "mồ chôn quân Pháp" với hơn 6.000 tên địch bị loại, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 11 ca nô và tàu chiến và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh khác.

Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 diễn ra và giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn trong cuộc kháng chiến trường kỳ, đã khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, cùng nghệ thuật quân sự đặc sắc của Đảng ta, trong đó nổi bật là nghệ thuật xây dựng, tạo lập thế trận toàn dân đánh giặc rộng khắp, vững chắc ngay từ đầu và suốt quá trình chiến tranh.Đây cũng là một bài học thắng lợi được vận dụng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947 là một trong những sự kiện quan trọng trong ba mươi năm tiến hành chiến tranh cách mạng giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Với thắng lợi của chiến dịch, quân dân ta đã vượt qua giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo tiền đề để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Ngay sau thắng lợi có ý nghĩa chiến lược ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, sự điều khiển khôn khéo của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy, sự dũng cảm của tướng sĩ Vệ quốc quân và dân quân du kích, nhờ sự hăng hái của toàn thể đồng bào, mà ta đã đánh tan cuộc tấn công vào Việt Bắc của thực dân Pháp”.

Chiến thắng Việt Bắc đã củng cố và nâng cao uy tín của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước thêm phấn khởi và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Một năm sau toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: "Lực lượng của ta ngày càng thêm mạnh, như suối mới chảy, như lửa mối nhóm, chỉ có tiến, không có thoái"; còn lực lượng địch như "mặt trời lúc hoàng hôn, hống hách lắm nhưng đã gần tắt nghỉ".

Chiến thắng Việt Bắc có ý nghĩa chiến lược, đưa cuộc kháng chiến bước sang một giai đoạn mới, đồng thời để lại những bài học quý về dự báo những khả năng và chủ động đương đầu với kẻ địch có lực lượng mạnh; về sự nhạy bén trong đánh giá cục diện chiến trường; về xác địnhđường lối đúng đắn thể hiện tầm nhìn chiến lược, toàn diện, chủ động chuẩn bị đương đầu với những thách thức, kịp thòi phát hiện và kiên quyết sửa chữa thiếu sót, tạo dựng, rèn luyện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ lãnh đạo tài ba. Những bài học ấy, cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./. 

P.TTTT & LLCT

Các tin khác

  • Ngày 14/6 - ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” (13/06/2024)
  • Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) (12/06/2024)
  • “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (05/06/2024)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2024) (05/06/2024)
  • Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (05/06/2024)
  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối