Chủ điểm tuyên truyền

72 năm ngày truyền thống Học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam (09/01/1950-09/01/2022)

06/01/2022 11:30:0PM
Màu chữ Cỡ chữ

Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền Cộng hòa non trẻ.

Từ giữa năm 1949 đến đầu năm 1950, phong trào đấu tranh của thanh niên học sinh, sinh viên chống chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, chống “độc lập” giả hiệu, chống khủng bố đàn áp, đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên.

Ngày 09/11/1949, học sinh Huế bãi khoá. Chính quyền bù nhìn Trung bộ đã  thẳng tay khủng bố. Học sinh, sinh viên quyết định bãi khoá để phản đối. Ngày  22/11/1949, trong lúc tại Huế đang tranh đấu, học sinh Sài Gòn bí mật vận động  kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa và đề xướng hưởng ứng phản đối việc các nữ sinh Huế bị bắt, đồng thời yêu sách cải tổ chính sách giáo dục. Các cuộc bãi khoá  của học sinh, sinh viên Sài Gòn liên tiếp nổ ra, đưa ra các yêu sách: Chấm dứt  khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh.; trả tự do cho các học sinh bị bắt sau ngày chống  bù nhìn Bảo Đại; bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh.  

Giữa lúc ở Huế, Sài Gòn không khí tranh đấu đang sôi nổi, tại Hà Nội, học  sinh cũng đang căm tức vì Pháp và bù nhìn bắt bớ một số anh chị em sau kỳ nghỉ học kỷ niệm Cách mạng tháng Tám. Học sinh Chu Văn An quyết định bãi khoá  ngày 25/11/1949, trong các lớp trên tường la liệt khẩu hiệu. Toàn trường vang dậy  những khẩu hiệu “Học sinh bãi khoá”, “Trả lại tự do cho bạn chúng ta”, “Đả đảo bù nhìn”...  

Ngày 9/1/1950, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường  cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo  an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên  bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm  máu ngày 9/1/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn  làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lòng căm thù  giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai  với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của  anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại  hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2/1950 tại Việt  Bắc đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm làm ngày truyền thống học sinh - sinh  viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993)  tại thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9/1 làm ngày truyền thống của  Hội Sinh viên Việt Nam.

Trong giai đoạn 1955-1975, học sinh, sinh viên và Hội liên hiệp Sinh viên  Việt Nam (sau này là Hội Sinh viên Việt Nam) tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, hăng hái góp phần khôi  phục và phát triển kinh tế - xã hội; biểu hiện sinh động thông qua các phong trào,  các hoạt động như: xung kích diệt giặc dốt, tiến quân vào khoa học kỹ thuật,…Đặc biệt là phong trào “Ba sẵn sàng” được khởi phát trong sinh viên Hà Nội sau đó  nhanh chóng lan nhanh sang các tỉnh, thành phố khác. Với khí thế “Xẻ dọc Trường  Sơn đi cứu nước”, hàng vạn sinh viên viên từ các trường đại học đã tình nguyện  nộp đơn xin nhập ngũ, chiến đấu và hy sinh anh dũng, đó là những tấm gương như:  Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Bùi Ngọc Dương,…Cùng thời điểm đó, Hội  liên hiệp học sinh, sinh viên miền trung Trung Bộ được thành lập, cùng với đông  đảo quần chúng đã xuống đường đấu tranh chống lại chế độ độc tài Mỹ - Diệm.  Tổng Hội Sinh viên Miền Nam và các tổ chức khác của học sinh, sinh viên đã lãnh  đạo, chỉ đạo phong trào học sinh, sinh viên Miền Nam biểu tình chống bắt lính,  chống sự can thiệp của Mỹ, đòi quyền tự do - dân chủ, khơi dậy lòng yêu nước,  thúc dục thanh niên đứng lên đấu tranh chống kẻ thù dân tộc, tiêu biểu là những  tấm gương như: Nguyễn Thái Bình, Quách Thị Trang,… 

Sau hơn 30 năm bị chiến tranh tàn phá nặng nề, những năm 1975 - 1993, Hội  sinh viên Việt Nam một mặt củng cố xây dựng tổ chức Hội sinh viên vững mạnh,  thành lập hội sinh viên tại các tỉnh, thành phối, các trường đại học, cao đẳng trên  cả nước, thu hút đông đảo sinh viên tham gia tổ chức Hội Sinh viên; mặt khác cùng  sinh viên cả nước đẩy mạnh các phong trào học tập, rèn luyện và góp phần khôi  phục, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới đất nước. 

Sau đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V, ngày 09/02/1994,  Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra thông báo số 86 công nhận Hội Sinh viên  Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của sinh viên Việt Nam. Phong trào sinh viên  và tổ chức hoạt động Hội đã có bước phát triển mới, mặc dù vào thời điểm còn  nhiều khó khăn như sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông  Âu, sự chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, đất nước còn nghèo, nhưng  dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam quyết tâm vượt qua  mọi khó khăn, tiếp tục chỉ đạo, triển khai các phong trào, chương trình có ý nghĩa  như: “Học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp”, “Chăm lo đời sống, quyền lợi và  nghĩa vụ của sinh viên”, “Hoạt động văn hóa thể thao và công tác xã hội”,…Đặc  biệt, các hoạt động xã hội được hầu hết các trường đại học, cao đẳng tích cự tham  gia như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ánh sáng văn hóa hè”, “Mùa hè xanh”, “Hiến máu nhân đạo”,…và cao điểm là “Chiến dịch thanh niên  tình nguyện hè” (được phát động trên cả nước từ năm 2000) đã thu hút hàng triệu  lượt thanh niên hăng hái tham gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa  phương, đồng thời xây dựng hình ảnh đẹp của người sinh viên Việt Nam.  

Bước sang thế kỷ XXI, trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh  công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sinh viên được xác định là bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực để thực hiện sự nghiệp cao cả ấy. Đại hội toàn  quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2009 - 2013 đã xác định hai cuộc vận động đó là: cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt” và cuộc vận động “Sinh viên  xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh”; thông qua đó thực hiện mục  tiêu đề ra của tổ chức đó là xây dựng Hội Sinh viên vững mạnh, tập hợp, đoàn kết,  giáo dục sinh viên; phát huy tiềm năng của sinh viên xung kích, tình nguyện; tích  cực chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp phát, chính đáng của sinh viên. Trên  cơ sở kết quả của cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt”, Đại hội IX Hội Sinh viên Việt  Nam chính thức phát động phong trào “Sinh viên 5 tốt”. Đến nay, phong trào “Sinh  viên 5 tốt” tiếp tục là phong trào chủ đạo của sinh viên Việt Nam, ngày càng thu  hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo sinh viên, thực sự là môi trường lý tưởng  để sinh viên phấn đấu, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. 

Tính đến nay, Hội Sinh viên Việt Nam đã trải qua 10 kỳ Đại hội đại biểu  toàn quốc, mỗi Đại hội là một mốc son đánh dấu sự phát triển của sinh viên Việt  Nam, của phong trào sinh viên và công tác Hội Sinh viên Việt Nam.  

Trải qua 72 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ học sinh - sinh viên Việt Nam luôn kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, được Đảng và Nhà nước dày công bồi dưỡng, đó là: 

- Truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành với lý tưởng của Đảng. 

- Truyền thống hiếu học, say mê sáng tạo, nghiên cứu để vươn tới đỉnh cao  của khoa học, công nghệ, văn học - nghệ thuật, thể dục thể thao... tinh thần đoàn  kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau trong học tập nghiên cứu khoa học. 

- Tinh thần sẵn sàng chia sẻ khó khăn với đồng bào, nhân dân. Đã có nhiều  tấm gương quên mình giúp dân, hình ảnh sinh viên tình nguyện đã trở thành hình  ảnh đẹp trong xã hội.

Với những thành tích đạt được, Hội Sinh viên Việt Nam đã  vinh dự được nhận các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như: “Huân  chương Độc lập hạng nhất” (năm 2000), “Huân chương Hồ Chí Minh” (năm  2005), “Huân chương Sao vàng” (năm 2010), “Huân chương Độc lập hạng nhất” (lần thứ 2, năm 2020). 

 

Phòng TTTT & LLCT

Các tin khác

  • Ngày 14/6 - ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” (13/06/2024)
  • Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) (12/06/2024)
  • “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (05/06/2024)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2024) (05/06/2024)
  • Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (05/06/2024)
  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối