Chủ điểm tuyên truyền

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952 - 2022)

14/10/2022 12:00:0AM
Màu chữ Cỡ chữ

Cách đây 70 năm (14/10/1952), Trung ương Đảng đã quyết định tiến hành chiến dịch Tây Bắc, trực tiếp mở ra những tiền đề thuận lợi để quân và dân ta giành thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ ngay trên chiến trường Tây Bắc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cộng sự nghiên cứu sa bàn chuẩn bị đánh đồn nghĩa Lộ trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Ảnh tư liệu

Sau thắng lợi Chiến dịch Biên giới (1950), phát huy quyền chủ động, trong năm 1951, ta mở tiếp 3 chiến dịch lớn ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ (Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Chiến dịch Quang Trung), nhưng không đạt được mục đích chiến lược đề ra và chịu nhiều tổn thất. Nguyên nhân chính là do ta chọn hướng chiến dịch không phù hợp, vì trung du và đồng bằng là nơi quân địch đông, phát huy được chỗ mạnh của chúng (về hỏa lực, sự cơ động); trong khi đó trình độ, trang bị của bộ đội chủ lực ta cũng còn nhiều hạn chế, nên chưa thể phát huy được sức mạnh và sở trường của mình.

Rút kinh nghiệm từ thực tế đó, nên bước sang năm 1952, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định chuyển hướng, chọn địa bàn Tây Bắc để mở chiến dịch trong Thu Đông 1952.

Sau thắng lợi Chiến dịch Biên giới (1950), ta khai thông biên giới Việt - Trung, phá được thế bị bao vây cô lập và tiếp nhận một số viện trợ từ các nước XHCN, tăng cường tiềm lực kháng chiến. Ngay từ tháng 2/1952, Bộ Chính trị đã họp bàn và có ý định sơ bộ mở chiến dịch trên hướng Tây Bắc. Nhưng mọi công việc chuẩn bị chính thức bắt đầu từ tháng 4/1952, trước chiến dịch diễn ra khoảng 5 tháng.

Về tổ chức lực lượng, Bộ Chính trị nhất trí với đề nghị của Tổng Quân ủy, điều động các đại đoàn chủ lực (308, 312, 316) và một số đơn vị binh chủng cùng lực lượng vũ trang địa phương tham gia chiến dịch, do Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Tổng quân số trực tiếp chiến đấu trong phạm vi chiến dịch khoảng 35.000 quân (không kể quân số các hướng nghi binh phối hợp). Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch.

Công tác bảo đảm hậu cần được Trung ương Đảng đặc biệt coi trọng, vì Tây Bắc là chiến trường xa căn cứ hậu phương của ta, đường vận chuyển phải đi qua địa hình rừng núi hiểm trở, nguồn nhân lực, vật chất tại chỗ hạn chế. Nhưng với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, ta đã huy động được gần 20 vạn dân công từ khắp các Liên khu Việt Bắc, Khu Tây Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 với tổng số gần 7 triệu ngày công tham gia phục vụ chiến dịch. Các địa phương đã cung cấp cho chiến dịch hơn 11.000 tấn gạo, cùng hàng trăm tấn thực phẩm, vật chất  khác. Đặt trong hoàn cảnh chiến tranh và khó khăn ngày ấy, đây thực sự là cố gắng phi thường, biểu hiện ý chí cách mạng gang thép và lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng của kháng chiến.

Đặc biệt trong chiến dịch này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự Hội nghị cán bộ bàn kế hoạch tác chiến Chiến dịch Tây Bắc (diễn ra từ ngày 6/9 - 9/9/1952), động viên cán bộ, chiến sĩ, dân công toàn mặt trận ra sức khắc phục mọi khó khăn, nêu cao ý chí quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Để giữ bí mật hướng chiến dịch, “vượt qua” hệ thống tình báo theo dõi của quân Pháp, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tham mưu của ta đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị làm tốt công tác phòng gian, bảo mật; đồng thời tổ chức kế hoạch nghi binh rất chu đáo, chặt chẽ. Theo đó, ta đưa một bộ phận quân chủ lực (Đại đoàn 320, Đại đoàn 304) cùng một số đại đội trinh sát của Bộ về tăng cường hoạt động ở Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình (thuộc đồng bằng Liên khu 3). Các đại đoàn trực tiếp tham gia chiến dịch Tây Bắc (308, 312, 316) đang đứng chân ở trung du Bắc Bộ được lệnh cơ động về Tây Bắc, để lại hệ thống điện đài thường dùng nguyên vị trí cũ và phát sóng theo phiên thường lệ... Hoạt động nghi binh đó của ta đã “đánh lừa” được Bộ chỉ huy quân Pháp. Chúng nhận định các đại đoàn 308, 312, 316 của ta “án binh bất động” ở trung du Bắc Bộ và phán đoán hướng tiến công chủ yếu của ta trong Thu Đông 1952 là đồng bằng Bắc Bộ và tìm cách chuẩn bị đối phó. Khi ta nổ súng chiến dịch Tây Bắc, quân Pháp rất bất ngờ, nhanh chóng rơi vào tình thế bị động, lúng túng và chịu thất bại.

Chiến dịch Tây Bắc đã giành được thắng lợi to lớn. Ta diệt và bắt hơn 6.000 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở địa bàn chiến lược quan trọng (khoảng 30.000km2 với 250.000 dân), nối liền vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào, giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của quân Pháp trên toàn chiến trường Đông Dương, đúng như tướng Pháp Nava (P. Henri Navarre) trong cuốn “Đông Dương hấp hối” sau này đã thừa nhận: Thất bại tại Tây Bắc đã làm tăng khó khăn từ phạm vi Việt Nam ra đến toàn Đông Dương và hoàn toàn bất ngờ đối với phía Pháp.

Chiến thắng Tây Bắc (Thu Đông 1952) trực tiếp mở ra những tiền đề thuận lợi để quân và dân ta giành thắng lợi to lớn trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ ngay trên chiến trường Tây Bắc, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 9 năm (1945 - 1954).

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc là dịp để ôn lại lịch sử cách mạng, tôn vinh và tri ân những cống hiến, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới./. 

P.TTTT & LLCT (tổng hợp)

Các tin khác

  • Ngày 14/6 - ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” (13/06/2024)
  • Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) (12/06/2024)
  • “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (05/06/2024)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2024) (05/06/2024)
  • Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (05/06/2024)
  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối