Chủ điểm tuyên truyền

61 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2022) – nỗi đau vẫn còn đó

10/08/2022 11:03:18AM
Màu chữ Cỡ chữ

Cách đây 61 năm, ngày 10/8/1961, quân đội Mỹ thực hiện chuyến bay đầu tiên phun rải chất độc hóa học xuống nước ta. Chiến tranh đi qua đã gần nửa thế kỷ, nhưng hậu quả của nó vẫn là nỗi đau không nguôi của bao gia đình những nạn nhân chất độc da cam trong thời bình. 

Trước phong trào nổi dậy mãnh liệt của nhân dân miền Nam, năm 1961, Tổng thống Mỹ J. Kennedy chủ trương tiến hành đồng thời với cuộc chiến tranh nóng cổ điển một cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Các chỉ huy quân sự Anh- những người đã tiến hành rải chất độc hóa học ở Malaysia những năm 50 như: Gerald Templer, Rob Lockhart, Robert Thomson... được mời làm cố vấn cho quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Khoảng 15 loại hóa chất được sử dụng với khối lượng lớn, nồng độ cao, biến Việt Nam thành phòng thí nghiệm khổng lồ để nghiên cứu, thử nghiệm các loại chất độc. Quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều phương tiện, chủ yếu là máy bay C-123, UH-1 để phun rải trên các cánh rừng, các tuyến đường, các vùng đất canh tác và dùng các phương tiện cơ giới trên bộ, các loại lựu đạn, mìn, các máy bơm áp lực cao để phun rải xung quanh các căn cứ, các khu vực đóng quân của quân Mỹ và đồng minh, phun vào các hầm trú ẩn, địa đạo của Quân Giải phóng...

Để che giấu dư luận, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dùng một biệt danh là Ranch Hand (Operation Ranch Hand) và phổ biến trong quân đội Mỹ và nhân dân rằng, các chất hóa học được dùng là những chất diệt cỏ, chất làm rụng lá thông thường; mục tiêu là để phát quang các nơi trú ẩn, đóng quân của đối phương, làm giảm thương vong cho quân đội Mỹ và đồng minh; các chất này không độc hại đối với sinh vật, không tác động đáng kể đến sức khỏe con người; không tác hại gì cho con đực (nam giới), chỉ tác động vào con cái (nữ giới) và chỉ khu trú trong 2-3 tuần đầu của thời kỳ mang thai.

Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống các cánh rừng, các thôn ấp, các khu đất trồng trọt với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chỉ riêng khu vực A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, theo tài liệu được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, khối lượng chất da cam rải xuống đây khoảng 434.812 gallon, với một lượng dioxin khoảng 11 kg trong khoảng thời gian từ năm 1965-1970.

Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn; một số loài động vật thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gậm nhấm và cỏ dại phát triển. Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, nhất là ở Rừng Sác, phía Đông Bắc Sài Gòn và ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau bị phá hủy nặng nề; vai trò của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút.

Tại các sân bay quân sự của Mỹ trước đây dùng để lưu giữ, pha trộn, tiêu hủy chất độc hóa học, nồng độ dioxin vẫn còn cao hoặc rất cao, đặc biệt l tại các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát. Năm 2011, nồng độ dioxin trong khu ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa cao nhất là 963.000 tpp – TEQ; trong máu của một người dân kinh doanh và thu hoạch hải sản bị nhiễm dioxin tại đây là 2.020 tpp – TEQ (trong khi nồng độ cho phép trong máu ở một số nước công nghiệp phát triển là từ 0,4 đến 0,7 tpp – TEQ).

Chất độc da cam (CĐDC) đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu NNCĐDC là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả CĐDC đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4. Ở nhiều tỉnh, trong số nạn nhân, có hơn một nửa là dân thường (Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, tỉ lệ dân thường so với tổng số nạn nhân là 70,7%, 75,4%, 67,9%); 85% số hộ có 2 nạn nhân trở lên, 3% số hộ có 5 nạn nhân trở lên.

Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ; nhiều nạn nhân là dân thường không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu. Đa số hộ NNCĐDC thuộc hộ nghèo (tỉ lệ hộ gia đình nạn nhân nghèo chiếm khoảng 50- 60%, ở vùng sâu vùng xa khoảng 70%). Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình.

Theo Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cả nước hiện có gần 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi dành cho người có công với cách mạng. Hằng năm, ngân sách nhà nước dành khoảng 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam…

Cùng với sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã vận động số tiền và hiện vật đạt trị giá gần 3.000 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng hàng nghìn căn nhà tình nghĩa, hàng vạn suất học bổng, duy trì hoạt động của 26 trung tâm bảo trợ xã hội dành cho nạn nhân chất độc da cam...

Thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam tại huyện Đức Hòa

Hiện nay, tỉnh Long An có 1.907 người bị nhiễm chất độc hóa học (1.404 người hoạt động kháng chiến, 503 trường hợp là con đẻ của người hoạt động kháng chiến), trong đó có 1.427 người hưởng chế độ, chính sách hàng tháng. Nhân kỷ niệm 61 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2022), Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Long An đã trao tặng 55 xe lăn, 16 xe lắc cho nạn nhân CĐDC/dioxin và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh còn hỗ trợ 422 phần quà cho nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện, thị xã, thành phố với tổng kinh phí trên 160 triệu đồng. Các cấp Hội trong tỉnh vận động, trao tặng 7.250 phần quà; xây dựng mới 3 căn, sửa chữa 1 căn nhà tình thương;... cùng nhiều hoạt động khác với tổng kinh phí trên 3 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động mọi người chung tay tham gia Chương trình nhắn tin từ thiện “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” năm 2022. Với thông điệp “Mỗi tin nhắn - Một tấm lòng với nạn nhân CĐDC”, chương trình do Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam và Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400) tổ chức. Chương trình được triển khai từ ngày 20/7 đến ngày 17/9, với cú pháp nhắn tin: DA CAM gửi 1409 (20.000 đồng/tin nhắn). Hoạt động nhằm chung tay, hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh, học nghề, xây, sửa nhà tình nghĩa, tặng quà cho nạn nhân CĐDC nghèo, khó khăn trên cả nước.

Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam; không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, mà còn đóng góp vào sự ổn định chính trị, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường “thế trận lòng dân”, nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./. 

Phòng TTTT & LLCT

Các tin khác

  • Ngày 14/6 - ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” (13/06/2024)
  • Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) (12/06/2024)
  • “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (05/06/2024)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2024) (05/06/2024)
  • Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (05/06/2024)
  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối