Chủ điểm tuyên truyền

Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc chăm lo các đối tượng chính sách, Người có công và thương binh, liệt sỹ

30/08/2024 09:40:48AM
Màu chữ Cỡ chữ

Chiến tranh đã đi qua, đất nước và con người Việt Nam đang sống trong hòa bình, độc lập, tự chủ, vững bước đi trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì khỏa lấp được. Để giành được thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ ông cha đã anh dũng chiến đấu, gian khổ, hy sinh biết bao xương máu để viết lên bản đồ thế giới hai tiếng “Việt Nam” thiêng liêng. Hàng triệu đồng bào, đồng chí đã hi sinh và hàng triệu người suốt đời mang trên mình thương tật hoặc di chứng của chiến tranh. Tổng kết sau 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cả nước có: 1.100.000 liệt sĩ; 600.000 thương binh; 300.000 người mất tích; 2.000.000 người tàn tật; 2.000.000 người nhiễm chất độc; trên 500.000 trẻ em dị dạng. Sự hy sinh đó là vô giá.  

Chúng ta đã được nghe biết bao nhiêu câu chuyện về những người con Việt Nam đã hy sinh thân mình vì bom đạn của quân thù, quả thực đó là những câu chuyện thấm đầy nước mắt. Nhiều gia đình cùng một lúc phải mất đi cả chồng và các con ngoài mặt trận. Nhiều người vợ trẻ chỉ được hưởng hạnh phúc vợ chồng chưa trọn một ngày, rồi góa bụa cả đời. Có những gia đình chỉ có một người con duy nhất cũng ra đi vì Tổ quốc; lại có những gia đình cả tám, chín người con đều phục vụ cho cách mạng để rồi không một ai trở về với mảnh đất quê hương.

Nỗi đau thương, mất mát lớn nhất của con người đó là nỗi đau khi mất đi người thân yêu, ruột thịt. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau ấy... Trong mỗi chúng ta, không ít lần rơi nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh người mẹ già đứng tựa cửa nhìn ra xa thẳm mong ngóng, đợi chờ những đứa con trở về khi mà chiến tranh đã kết thúc 40 năm qua; khi nhìn thấy và chứng kiến những mảnh đời bất hạnh của nạn nhân chất độc màu da cam ốm đau, quặt quẹo và ngày ngày phải nén trong mình những nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần; những người lính mang trên mình vết thương chiến tranh, đau đớn mỗi khi trái gió trở trời.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã khẳng định: “Công trạng to lớn của các liệt sỹ đã ghi sâu vào lòng toàn dân và non sông đất nước. Máu nóng của các liệt sỹ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sỹ sẽ muôn đời lưu truyền sử xanh” và căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sỹ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”, như đã thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính sách hậu phương quân đội và phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” đã đi sâu vào tiềm thức của cán bộ và nhân dân cả nước, thế hệ hôm nay đã dành tình thương yêu của mình chăm sóc các gia đình liệt sỹ, cô chú thương binh, bệnh binh một cách tận tình chu đáo.

Trong bản Di chúc lịch sử (bản Di chúc Bác sửa chữa năm 1968) để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: 

“Đầu tiên là công việc đối với con người.

Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong..,), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.

Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

55 năm Bác đã đi xa nhưng những lời chỉ dạy, căn dặn của Bác luôn thấm đẫm đạo lý, truyền thống dân tộc và tư tưởng nhân văn, bác ái, nhất là đối với những người đã không tiếc xương máu của mình hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Ghi nhận, tôn vinh và đời đời nhớ ơn sự hi sinh to lớn của các Anh hùng, liệt sỹ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, đồng thời xây đắp lòng tự hào về truyền thống vẻ vang, ý chí quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, các cấp ủy, chính quyền đã luôn coi trọng thực hiện tốt chính sách người có công và thương binh, liệt sỹ, coi đó là bổn phận, trách nhiệm, tình cảm đối với những người có công với cách mạng và là việc làm thiết thực nhất để thể hiện lòng kính trọng đối với Bác Hồ kính yêu; đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình của địa phương, cơ quan đơn vị, khơi dậy truyền thống yêu nước, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia cùng Nhà nước dành những điều kiện tốt nhất về đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chính sách đối với Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ và Người có công với cách mạng như: Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh Danh hiệu vinh dự Nhà nước Mẹ Việt Nam anh hùng; Đề án tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo; chế độ, chính sách với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; giải quyết chính sách thương binh, liệt sỹ đối với những trường hợp không còn lưu giữ được giấy tờ theo quy định…Đồng thời các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà đồng đội; nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ; giải quyết việc làm cho con đẻ thương binh, bệnh binh nặng; thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển thương binh, bệnh binh tặng các trung tâm điều dưỡng nặng do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý...

Hàng năm, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi; mở rộng cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sỹ và người có công; thực hiện các chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình người có công. Đối với những người có công, thương binh, Đảng, Nhà nước ta thực hiện nhiều chính sách thiết thực như: Tổ chức cho đối tượng đi an dưỡng, điều dưỡng để chăm sóc sức khỏe thương binh, bệnh binh nặng; hỗ trợ thành lập các cơ sở sản xuất tạo việc làm cho thương binh, bệnh binh nhẹ để họ tự lao động nuôi mình, giảm một phần khó khăn cho xã hội với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”. Đối với các liệt sỹ, Đảng, Nhà nước chỉ đạo các địa phương từ xã (phường, thị trấn) đến huyện, tỉnh xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ, Đài tưởng niệm vừa để tri ân, tôn vinh họ, vừa để giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đối với thân nhân (cha mẹ, vợ con) của liệt sỹ, thương binh và bệnh binh, Đảng, Nhà nước ta có chính sách ưu tiên đặc biệt, như: Trả lương nuôi dưỡng, vinh danh Mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình nghĩa, phát động phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, đóng góp xây dựng quỹ chất độc da cam, quỹ “Nghĩa tình đồng đội”...

Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, Nhà nước đều trích một phần kinh phí, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương thăm hỏi, tặng quà thân nhân của liệt sỹ, thương binh và bệnh binh. Cùng với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội, sự nỗ lực vươn lên của bản thân, nhiều thương binh, bệnh binh, người có công đã phát huy truyền thống tốt đẹp, là tấm gương điển hình, tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, giúp nhau cùng tiến bộ và thành công trên nhiều lĩnh vực. Nhiều người đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt, nhiều người đã được Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý như Anh hùng lao động, Chiến sỹ thi đua, Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân... Cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống vật chất, tinh thần của thân nhân liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã và đang được nâng lên rõ rệt.

“Các liệt sỹ đã đem xương máu của mình vun đắp cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”.  Đó là lời nhắc nhở sâu sắc của Bác Hồ kính yêu đối với các thế hệ người Việt Nam về lòng biết ơn, kính trọng, tưởng nhớ, tri ân đối với sự hy sinh, cống hiến xương máu của các thương binh, liệt sỹ, người có công với đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện tốt những tâm nguyện của Bác trong Di chúc thiêng liêng và lời dạy của Người chính là hành động thiết thực nhất góp phần xây dựng đất nước Việt Nam vững mạnh, phồn vinh, giàu tinh thần đoàn kết, hiếu nghĩa, nhân văn và bác ái./.

  Trung Hiếu

Các tin khác

  • Kỷ niệm 69 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955-10/9/2024) (09/09/2024)
  • Xô viết Nghệ - Tĩnh vang mãi bản hùng ca cách mạng (05/09/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 02/9 (30/08/2024)
  • 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN ( 02 và 05/8/1964 - 02 và 05/8/2024) (05/08/2024)
  • 94 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 – 01/8/2024) (31/07/2024)
  • “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người” (30/07/2024)
  • Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024) (28/07/2024)
  • Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ: Tri ân những người có công với đất nước (27/07/2024)
  • Hội nghị Giơnevơ năm 1954 – Những bài học kinh nghiệm quý báu (16/07/2024)
  • Tự hào truyền thống vẻ vang 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành lực lượng An ninh nhân dân (12/7/1946 – 12/7/2024) (11/07/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối