Chủ điểm tuyên truyền

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 – 12/2022)

19/12/2022 06:47:55AM
Màu chữ Cỡ chữ

Cách đây 50 năm, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu, đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc Việt Nam, lập nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” hào hùng, vang dội, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Phi đội bay đêm thảo luận phương án đánh B-52. Ảnh: TL

Trước nguy cơ Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” bị đổ vỡ nên để cứu vãn, ngày 6/4/1972, Tổng thống Mỹ RJ.Nixon tuyên bố mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc Việt Nam lần thứ hai. Ngày 14/12/1972, RJ.Nixon phê chuẩn chiến dịch quân sự mang mật danh Linebacker II đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng… Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ kể từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai đến năm 1972, trong đó gần 50% tổng số máy bay B-52 hiện có (193/404). Hơn 1/3 tổng số máy bay chiến thuật (cả tiêm kích và cường kích (1077/3041 chiếc trong đó có 01 biên đội F-111 với 50 chiếc) chưa kể hàng trăm máy bay trinh sát, máy bay gây nhiễu, máy bay tiếp dầu, máy bay chỉ huy liên lạc dẫn đường; 1/4 tổng số tàu sân bay của toàn nước Mỹ (6/24 chiếc), 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7. Các máy bay B-52 xuất phát từ 02 sân bay Guyam và Utupao (Thái Lan). Các máy bay chiến thuật xuất phát từ 6 tàu sân bay đậu trên biển đông và các sân bay trên đất Thái Lan. Với một loạt các căn cứ hậu cần kỹ thuật của Mỹ đóng ở Nhật, Philippin. Trong chiến dịch, đế quốc Mỹ chủ yếu sử dụng “siêu pháo đài bay B-52”, được coi là “con át chủ bài”, “bất khả chiến bại”, nhằm gây sức ép với Chính phủ ta, buộc ta phải chấp nhận điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán Paris.

 Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tổng Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, quân và dân ta, nhất là quân và dân Thủ đô Hà Nội chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để quyết đánh, quyết thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 của Mỹ. Các địa phương lân cận Hà Nội: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng... đã đón trên 50 vạn người, trong đó có cán bộ, nhân viên của 1.200 cơ quan, trường học, nhà máy của Trung ương và thành phố sơ tán về nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bom Mỹ gây ra, tạo điều kiện cho các quân, binh chủng của bộ đội chủ lực, dân quân tự vệ Hà Nội bám trụ trận địa, chiến đấu kiên cường.

Trong lòng Thủ đô Hà Nội lúc bấy giờ, đã nhanh chóng xây dựng một hệ thống trên 45.000km hào giao thông, 5.600 hầm tập thể, hơn 63 vạn hố cá nhân bảo đảm đủ chỗ trú ẩn cho 90 vạn người. Lực lượng cứu sập, cứu hỏa của thành phố với hàng trăm máy ủi, cần cẩu, xe chữa cháy đã có mặt kịp thời, hoạt động tích cực, hạn chế những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Hệ thống thông tin liên lạc bằng vô tuyến, hữu tuyến có vai trò đặc biệt quan trọng cho nhân dân phòng tránh máy bay địch. Một mạng lưới đài quan sát, còi báo động rộng khắp từ xa vào gần được hình thành, đã bố trí 36 đài quan sát của thành phố, 414 đài quan sát ở các khu phố, các huyện. Đài Tiếng nói Việt Nam tại Mễ Trì trong 12 ngày đêm đã liên tục, kịp thời thông báo, phát lệnh báo động, hướng dẫn đồng bào phòng tránh và kịp thời báo tin chiến thắng từng ngày, từng giờ cho nhân dân thành phố. Đồng thời còn tuyên truyền, vạch trần tội ác, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, biểu dương gương người tốt việc tốt trong cứu sập, bảo vệ tài sản của nhân dân. Khoảng 54.000 chiến sĩ với trên 500 súng trung liên, đại liên, súng máy đã được bố trí ở 295 trận địa cả nội, ngoại thành. Mỗi khu phố nội thành có một đại đội pháo cao xạ, được huấn luyện kỹ chiến thuật đón đánh máy bay địch

Với sự chủ động, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi cách đánh máy bay B-52, các lực lượng vũ trang với nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân và nhân dân miền Bắc, ngay từ trận đầu ra quân, suốt đêm 18/12 đến rạng sáng 19/12, Mỹ huy động 90 lần chiếc B-52 ném 03 đợt bom xuống Thủ đô Hà Nội. Xen kẽ các đợt đánh phá của B-52 có 08 lần chiếc F-111 và 127 lần chiếc máy bay cường kích, bắn phá các khu vực nội, ngoại thành. Quân và dân ta anh dũng chiến đấu, bắn rơi 06 máy bay các loại, trong đó có 03 máy bay B-52 (02 chiếc rơi tại chỗ).

12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có, chủ yếu bằng B.52 của Mỹ, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, gồm: 34 chiếc B-52; 47 máy bay chiến thuật các loại, máy bay trực thăng và máy bay trinh sát không người lái, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái. Trong đó, Bộ đội Phòng không, Không quân đã bắn rơi 32 máy bay B-52. Tỷ lệ tổn thất về máy bay của Mỹ (chỉ tính riêng B-52) đã lên tới 17,6% (34/193 chiếc). Đi đôi với tổn thất về máy bay, phía Mỹ còn phải chịu tổn thất lớn về phi công. Chỉ trong 12 ngày đêm, Không quân Hoa Kỳ đã mất gần 100 phi công (bị tiêu diệt và bị bắt). Đây là những phi công kỳ cựu, có giờ bay cao, có phi công đạt hơn 6.000 giờ bay.   

Sau thất bại này, Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 17 trở ra và chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán. Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” được ký kết, mở ra thời cơ cho ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong 12 ngày đêm chiến dịch, đế quốc Mỹ đã ném bom hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. Đặc biệt là đợt rải thảm bom tàn phá xuống phố Khâm Thiên - một khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội, với chiều dài hơn 01 km, gần 2.000 ngôi nhà, đền chùa, trường học, trạm xá bị phá sập, giết hại 287 người, 290 người bị thương. Cùng với Khâm Thiên, B-52 của Mỹ còn rải bom xuống hơn 100 điểm dân cư (Bệnh viện Bạch Mai, Gia Lâm, Yên Viên, Uy Nỗ, An Dương) làm hơn 1.000 người bị thương vong.

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu, đó là:  

Một là, quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chỉ thị, mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cho mọi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, xây dựng, củng cố và tăng cường sức mạnh chính trị tinh thần, ý chí chiến đấu, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Hai là, không ngừng phát triển khoa học, nghệ thuật, kỹ thuật quân sự; bố trí, sử dụng các lực lượng hợp lý, sáng tạo, linh hoạt, phát huy hiệu quả tất cả các lực lượng, các loại vũ khí trang bị hiện có, tạo thành lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp, đánh địch ở mọi độ cao, mọi hướng.

Ba là, không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo và chủ động dự báo tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống

Bốn là, huy động cáo nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp với chủ động, tích cực vận động sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và nhân loại tiến bộ, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa.

Kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, Nhân dân ta luôn mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác cùng phát triển với các nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, theo tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của đất nước; xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, chúng ta tự hào về những chiến công oanh liệt, truyền thống yêu nước, đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc; tự hào về Đảng ta có đường lối đúng đắn, sáng tạo, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; tự hào với truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, một Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; tự hào về dân tộc giàu lòng yêu nước, yêu chuộng hòa bình và công lý, không khuất phục trước bất kỳ thế lực xâm lược; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm giữ gìn và phát huy cao độ truyền thống vẻ vang đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay./. (1.875)

P.TTTT & LLCT

Các tin khác

  • Ngày 14/6 - ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” (13/06/2024)
  • Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) (12/06/2024)
  • “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (05/06/2024)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2024) (05/06/2024)
  • Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (05/06/2024)
  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối