Chủ điểm tuyên truyền

Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương soi sáng con đường cách mạng Việt Nam

19/05/2022 09:41:29AM
Màu chữ Cỡ chữ

Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lớn lên đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành, hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 

Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, tận mắt chứng kiến dân tộc Việt Nam chìm đắm trong “đêm trường nô lệ” và các phong trào đấu tranh yêu nước đều lần lượt thất bại, vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, với lòng yêu nước nồng nàn, nhãn quan chính trị thiên tài, ngày 5/6/1911, với tên gọi Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Ái Quốc nhận làm phụ bếp trên con tàu A-mi-ran La-tu-sơ Tơ-rê-vin, rời Cảng Nhà Rồng với quyết tâm phải tìm bằng được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Bằng nhãn quan chính trị đặc biệt, Người quyết định sang Phương Tây, nơi khởi nguồn của chủ nghĩa thực dân, quê hương của các cuộc cách mạng tư sản, để tìm hiểu cho rõ những gì ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”; và “... sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Ngay tại phương Tây, Người đã sớm nhận ra rằng: các cuộc cách mạng tư sản dù vĩ đại như cách mạng Mỹ hay cách mạng Pháp vẫn không giải phóng được những người lao khổ, nghĩa là cách mạng không triệt để, không đến nơi. Hòa mình vào phong trào công nhân, phong trào xã hội ở Pháp và các quốc gia phương Tây khác, tích cực tham gia Quốc tế cộng sản; Người đã tham gia sáng lập Ðảng Cộng sản Pháp và sáng lập ra Hội liên hiệp thuộc địa nhằm cổ vũ, đoàn kết, hướng dẫn nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng.

Với ý chí, trí tuệ và trái tim nóng bỏng yêu nước, thương dân, ham muốn độc lập, tự do cho dân tộc, Người đã vượt lên tất cả. Suốt 30 năm bôn ba khắp 28 quốc gia, Người trải qua rất nhiều công việc, từ phụ bếp đến viết báo, thợ ảnh…, thông qua hoạt động thực tiễn trong phong trào cộng sản, công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, đồng thời  qua việc tìm hiểu, nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập kinh nghiệm của các đảng cộng sản, Cách mạng Tháng Mười Nga… Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Trên hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân, tháng 7/1920 Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đọc, tiếp cận Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

Tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã dần dần xây dựng được một hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc phù hợp với thực tiễn Việt Nam, xác định đúng mục tiêu, con đường, lực lượng tham gia, lực lượng lãnh đạo, cũng như phương pháp cách mạng và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng ở Việt Nam.

Mùa Xuân năm 1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây là bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 28/01/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước cùng với Trung ương Đảng ta trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng phù hợp với sự thay đổi mau lẹ của tình hình quốc tế và trong nước, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và cấp bách, tổ chức vận động, tập hợp lực lượng toàn dân tộc; thành lập Mặt trận Việt Minh; tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa, tạo nên các cao trào cách mạng sôi nổi, mạnh mẽ trên phạm vi cả nước. Người chỉ rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”. Vì vậy, “bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước do Nhân dân làm chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng miền bắc, xây dựng hậu phương lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là tâm nguyện cháy bỏng, là khát vọng, là nỗi trăn trở khôn nguôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người từng nói: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”; “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”.

Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, để lại muôn vàn tiếc thương cho toàn Đảng, dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng vĩ đại, có những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và cho nhân loại tiến bộ. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. 

Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện qua những nội dung như: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Phong cách Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng của Hồ Chí Minh, với tư cách là một vĩ nhân, một nhà văn hóa kiệt xuất. Đó là một phong cách vừa dân tộc vừa hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực. Những nội dung chủ yếu của phong cách Hồ Chí Minh bao gồm:  Phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử, phong cách sinh hoạt...

Sự sáng suốt, đúng đắn của tư tưởng, đường lối cách mạng Việt Nam do Người vạch ra đã được thực tiễn chứng minh và khẳng định. Cả cuộc đời hy sinh, gian khổ, một lòng, một dạ vì nước, vì dân, với khí phách, tâm hồn và tấm gương sáng ngời, Bác đã để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một di sản đồ sộ, vô cùng quý giá. Đó là Thời đại Hồ Chí Minh - Thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử vinh quang của dân tộc. 

P.TTTT & LLCT

Các tin khác

  • Ngày 14/6 - ngày “Thế giới tôn vinh những người hiến máu” (13/06/2024)
  • Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024) (12/06/2024)
  • “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” (05/06/2024)
  • Kỷ niệm 113 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2024) (05/06/2024)
  • Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024 (05/06/2024)
  • Tháng Công nhân năm 2024: “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” (08/05/2024)
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc (04/05/2024)
  • Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – Một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử (26/04/2024)
  • Đọc sách để mở rộng trí tuệ và thanh lọc tâm hồn (19/04/2024)
  • Đồng chí Hoàng Đình Giong - Người cộng sản kiên trung (18/04/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối