Chủ điểm tuyên truyền

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát tấm gương tiêu biểu cho đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế (15/2/1913 – 15/2/2023)

12/02/2023 09:47:39AM
Màu chữ Cỡ chữ

Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 và lớn lên tại làng Châu Phú Hưng, tổng Hòa Quới, quận Bình Đại, tỉnh Mỹ Tho, nay là xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Sinh trưởng trong gia đình viên chức nhỏ, ông cố là một võ tướng, ông nội Huỳnh Văn Lâu là một hương chủ, cha, mẹ là những người nông dân chân chất, một gia đình mẫu mực nhân từ, được người dân kính trọng. Khi vào tuổi đến trường, Huỳnh Tấn Phát được người cậu tên là Quảng Duy Thơ đưa vào học tại trường dòng Lassan Tabert, sau đó thi đậu học bổng Trường College de Mỹ Tho. Ở trường, ông thường tiếp xúc với những bạn bè có chí hướng cách mạng.

Lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh cho đồng chí Huỳnh Tấn Phát. (Ảnh tư liệu)

Trong bản lý lịch Đảng của ông còn lưu trữ ông đã ghi: “Khi còn là học sinh Trường Trung học Mỹ Tho, những hoạt động bí mật của anh Phạm Hùng, treo cờ búa liềm trong sân bóng, truyền đơn để dưới gối mỗi giường ngủ, dưới các thau rửa mặt… đã in vào trí óc tôi và cảnh khủng bố tàn khốc của địch năm 1930 ở Cai Lậy đã làm tôi rất xúc động và bắt đầu nhen nhóm trong tôi ý thức cách mạng”. Sau 4 năm, Huỳnh Tấn Phát tốt nghiệp Ban thành chung (tức trung học đệ nhất câp tại Trường College de Mỹ Tho, nay là trường phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu) và được cấp học bổng lên trường Lycé Pétrus Ký ở Sài Gòn (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh) - một trường lớn ở Nam Kỳ thời ấy.

Mùa hè năm 1933, sau 3 năm học tại Trường Pétrus Ký, Huỳnh Tấn Phát đã xong Ban tú tài, sau đó ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, Khoa Kiến trúc tại Hà Nội. Tại đây, ông được đọc nhiều báo chí, cả báo tiếng Việt và báo tiếng Pháp và từ đây ông bắt đầu viết báo.

Năm 1938, tốt nghiệp kiến trúc sư về Sài Gòn, Huỳnh Tấn Phát hành nghề tập sự tại văn phòng luật sư người Pháp Chauchon theo luật đương thời. Sau một thời gian tập sự, ông mở văn phòng luật sư riêng tại 68-70 Mayer. Nhưng chí hướng của người kiến trúc sư trẻ tuổi không vì mục đích làm giàu, nên văn phòng ấy chính là nơi lui tới, hội họp của sinh viên, trí thức yêu nước của Sài Gòn. Trong Tổng hội sinh viên Đông Dương (AGED) vào những năm 40 trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tên tuổi Huỳnh Tấn Phát nổi lên trong lớp trí thức đàn anh. Tuần báo Thanh niên (1944) do ông làm chủ nhiệm trở thành cơ quan ngôn luận của giới trí thức trẻ. Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 3/1945, tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và được cử làm Phó giám đốc Sở Thông tin báo chí của UBND Nam Bộ. Cũng từ đây, ông dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.

Khi quân Pháp chiếm lại Sài Gòn, Huỳnh Tấn Phát bị chúng bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn. Bà Bùi Thị Nga - vợ của ông, người đã lo toan công việc gia đình, động viên ông toàn tâm, toàn ý hoạt động cách mạng, nhờ giỏi tiếng Pháp nên bà thuyết phục được hai luật sư Bazé và Morétteau làm giấy giúp bà được thăm nuôi vừa cung cấp tin tức bên ngoài và tài liệu cho ông mở những lớp chính trị đào tạo cán bộ cho cuộc kháng chiến sau này. Ra tù, sau 2 năm bị giam cầm, Huỳnh Tấn Phát tiếp tục hoạt động ở nội thành đến năm 1949 mới ra chiến khu công tác cho đến cuối đời.

Suốt cả cuộc đời đồng chí Huỳnh Tấn Phát gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cao cả này. Từ khi bắt đầu tham gia phong trào yêu nước cho đến khi làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí liên tục được phân công đảm nhiệm công tác vận động quần chúng; vừa là người tổ chức, chỉ đạo, vừa là người trực tiếp làm công tác phong trào. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với những phong trào vận động quần chúng yêu nước trong thời kỳ tiền khởi nghĩa tháng 8/1945 ở thành phố Sài Gòn - Gia Định, đặc biệt, từ khi ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Gần suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã gắn bó với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở các thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn để cùng nhiều đồng chí khác như Tám Lựu, Hoàng Quốc Tân, Vũ Tùng... vận động trí thức tham gia Mặt trận Liên Việt gây dựng các phong trào đấu tranh chính trị như “đòi hòa bình”, “đòi đế quốc Pháp phải công nhận quyền độc lập của Việt Nam”... Ngay cả khi bị bắt, bị giam trong Khám Lớn Sài Gòn, gia đình gặp nhiều khó khăn, đồng chí vẫn kiên định lý tưởng, tuyệt đối tin tưởng cách mạng, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng như: tổ chức liên đoàn tù nhân, tổ chức lớp học, ra báo vận động tù nhân đấu tranh chống chế độ nhà tù tàn bạo, vận động tù nhân hướng về cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), đồng chí nhận nhiệm vụ ở lại nội thành Sài Gòn hoạt động cách mạng, trên cương vị là Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn phụ trách công tác vận động quần chúng. Mặc dù chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đàn áp khốc liệt phong trào yêu nước và cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã hoạt động không mệt mỏi, gây dựng được mạng lưới cơ sở trong giới trí thức và công nhân chính quyền Sài Gòn. Đây là nhân tố cốt cán trong phong trào đấu tranh của Nhân dân thành phố đòi thực hiện Hiệp định Giơnevơ, đòi thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước. Ban Trí vận - Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Huỳnh Tấn Phát phụ trách đã tác động lớn đến sự hình thành của các phong trào nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định thời gian này, các phong trào trong giáo giới nội đô, lực lượng quốc gia tiến bộ và sự hình thành lực lượng thứ ba, nhất là tổ chức liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch năm 1968... Các phong trào đô thị đã giáng cho địch một đòn chính trị chí tử, lột trần bản chất phi pháp, phi nhân, phi nghĩa của cuộc xâm lược và chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ. Và hơn thế, đã củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc chung quanh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mà đồng chí là một trong những thành viên chủ chốt, quy tụ mọi giới bằng uy tín và đức độ của mình.

Cùng với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có những cống hiến nổi bật trong sự nghiệp tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến thắng lợi tại khu Sài Gòn - Gia Định và trên toàn miền Nam Việt Nam, có công lớn trong việc hình thành và củng cố, mở rộng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; trong việc giúp đỡ để hình thành và hoạt động của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, trong nhiệm vụ điều hành Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ sau khi thành lập đến khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng và Nhân dân giao nhiều trọng trách về mặt nhà nước, đồng thời phụ trách công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tháng 2/1977, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc, đồng chí được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch và đã góp sức với Đảng đoàn, Ban Thư ký xây dựng Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư, được xem như luồng gió mới làm thay đổi toàn diện công tác Mặt trận. Đồng thời, đồng chí đã góp nhiều kinh nghiệm chuẩn bị nội dung, nhân sự mở rộng thêm nhân sự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.

Trên cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (tháng 5/1983) bầu, là người chỉ đạo trực tiếp các cấp Mặt trận triển khai Chỉ thị 17-CT/TW; đồng chí đã đi khắp các tỉnh từ Nam chí Bắc để phổ biến, phân tích nội dung Chỉ thị và đề ra những biện pháp củng cố tổ chức Mặt trận cơ sở. Với sự nỗ lực của đồng chí và các thành viên trong Đoàn Chủ tịch, Ban Thư ký, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW góp phần nâng cao vai trò của Mặt trận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó chính là một trong những nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp khôi phục đất nước sau chiến tranh cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả dân tộc đoàn kết, thống nhất bước vào sự nghiệp đổi mới. Thành công đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng chí Huỳnh Tấn Phát.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết quốc tế. Rất nhiều nhà lãnh đạo, nhân vật tiêu biểu và Nhân dân tiến bộ trên thế giới xem ông là một trong những “đầu mối” để thiết lập tình đoàn kết, gắn bó với Nhân dân Việt Nam. Trên cả hai mặt trận, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, đồng chí đều làm tròn trách nhiệm, có những đóng góp đặc biệt quan trọng. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là thắng lợi của sự phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại mà đồng chí là một trong những nhân tố then chốt.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Huỳnh Tấn Phát từng giữ các chức vụ cao của Chính phủ, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV, VI, VII, VIII. Do công lao về thành tích đối với cách mạng, Huỳnh Tấn Phát đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng I, Huân chương Chống Mỹ hạng I, Huy chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết”.

Nhà văn Thép Mới, trong một bài viết sau khi Huỳnh Tấn Phát qua đời, có nhận xét: “Phong thái anh không lẫn với ai khác được. Anh đã sống nhiều năm ở vùng tam giác sắt, không khác gì hết các chiến sĩ, đồng bào. Lính trẻ Củ Chi chịu anh tình thương lính tráng. Cô bác Phú Hòa Đông, Nhuận Đức quý anh như bạn, như người cao tuổi trong gia đình. Ai cũng trọng anh, nhưng không ai coi anh là nhân sĩ, Anh là người vận động cụ thể, tổ chức cụ thể, chăm lo thể hiện những chủ trương cụ thể về công tác Mặt trận và vận động trí thức ở thành. Anh đã là anh rồi nên không nghĩ đến cá nhân nhiều… Cái cách anh quan hệ, ứng xử với các bạn trí thức đến với cách mạng cũng có những nét riêng. Anh không hùng biện, không sắc cạnh, không bắt ai phục mình. Ánh sáng là ánh sáng chung của cuộc đời. Tự anh không phát sáng, nhưng anh biết làm cho “than hồng nhen thành lửa ngọn”. Anh thuyết phục họ bằng chính con người anh, một con người Sài Gòn lẻ ra có thể sống ít nhiều vương giả lắm chứ, nếu muốn. Vậy mà anh dấn thân trường kỳ, dấn thân đến cùng, sống cách mạng một cách chân thật, tự nhiên, trong trẻo”./. 

P.TTTT & LLCT (tổng hợp)

Các tin khác

  • Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh (25/09/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945-23/9/2024) (19/09/2024)
  • Long An “Trung dũng kiên cường, Toàn dân đánh giặc” (16/09/2024)
  • Kỷ niệm 69 năm thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955-10/9/2024) (09/09/2024)
  • Xô viết Nghệ - Tĩnh vang mãi bản hùng ca cách mạng (05/09/2024)
  • Cao Bằng “viên ngọc xanh” vùng Đông Bắc Việt Nam, nơi tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (04/09/2024)
  • Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (03/09/2024)
  • Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc chăm lo các đối tượng chính sách, Người có công và thương binh, liệt sỹ (30/08/2024)
  • Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 02/9 (30/08/2024)
  • 60 năm Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc XHCN ( 02 và 05/8/1964 - 02 và 05/8/2024) (05/08/2024)
  • Trang đầu 12345678910 Trang cuối